Tình yêu cho đời và cho quê hương
Mushi Remchand là một trong những nhà văn nổi tiếng ở thời kỳ đầu của văn học Ấn Độ. Ông sinh năm 1880 tại làng Lamhi, bang Banaras trong một gia đình nghèo và sớm mồ côi cha mẹ. Premchand là nhà báo, nhà viết kịch, dịch giả, tiểu thuyết gia và là nhà văn viết truyện ngắn, với gần 300 truyện. Năm 1919, ông mới tốt nghiệp cử nhân văn chương Đại học Allahabad University. Premchand từng là người giao sách, giáo viên, thanh tra giáo dục, trợ giảng, chủ bút, gia sư, biên tập viên... Ông thông thạo nhiều thứ tiếng như Urdu, Hindi, Bengali và tiếng Anh. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội các nhà văn tiến bộ Ấn Độ (Progressive Writer’s Association) (1936), một tổ chức có khuynh hướng Marcist. Truyện ngắn của Premchand có nhiều chủ đề, trong đó có tiếng nói phản kháng thực dân, kêu gọi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phơi bày nỗi thống khổ của con người do áp bức, hủ tục, luật lệ hà khắc, sự phân biệt đẳng cấp, do đó có tư tưởng nhân đạo và có chủ đề sinh thái, muốn tìm tiếng nói đồng điệu giữa con người và muôn loài. Ông mất năm 1936 tại Ấn Độ.
1. Người yêu nước huyền thoại Ý Mazzini đang ngồi lặng lẽ trong một khách sạn ọp ẹp ở khu vực xơ xác của London. Hoàng hôn nhanh chóng nhấn chìm khách sạn trong bóng tối. Đáng chú ý, giới có địa vị xã hội lánh xa khu vực này, là khu vực khét tiếng bởi bài bạc, nhậu nhẹt và các hoạt động tội ác khác. Khuôn mặt điển trai của anh nhợt nhạt và rất mệt mỏi, đôi mắt u uất suy tư. Môi anh khô khốc, quần áo nhàu nát và dơ bẩn. Anh trông phờ phạc, như chưa được tắm gội đã hàng tháng. Những ai không biết anh đều nghĩ anh là kẻ đang chán nản, thất vọng, đến khách sạn này để trút bỏ nỗi buồn và chìm đắm trong quá khứ tội lỗi, đáng ghét.
Mazzini chìm trong suy tư, nghĩ về tình cảnh khổ đau của đồng bào mình. “Quê hương bị áp bức và kém may mắn! Quê hương có ngày sáng tươi không? Những đứa con hiến mình cho người sẽ có ngày thành công không? Tiếng khóc khổ đau của ngàn đứa con bị đày ải có vô vọng không? Người sẽ mãi mãi bị bẽ mặt, bị nô lệ, bị khuất phục và chịu đựng áp bức sao? Người vẫn chưa vươn vai để có tự do và độc lập. Hình như người có số phận của kẻ bị làm cho bẽ mặt. Tự do ơi! Bao bạn bè tôi đã hiến thân cho ngươi. Muôn ngàn người mẹ, người vợ đã khóc cho chồng con đầy sức sống, không chỉ đã hiến mình cho phẩm giá của quê hương mà còn bị nguyền rủa, khổ đau, như Mazzini. Những đứa con anh hùng, bị đày ải, sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tự do cho quê hương chăng? Tự do ơi! Ngươi là viên ngọc hão huyền ư? Sao ngươi vẫn còn tồn tại. Số phận tôi là sống để thấy quê hương bị kẻ phản bội và độc đoán giày xéo chăng? Tôi không sống để thấy đồng bào tôi đau khổ bị kẻ thù cai trị!”.
Chuỗi suy tư của Mazzini bị cắt đứt khi Raffeti đi vào. Raffeti là bạn anh, cũng bị lưu đày. Anh mang vào một ít bánh quy. Anh trẻ hơn Mazzini vài tuổi, đẹp trai và xuất thân trong một gia đình quý tộc. Anh lắc vai Mazzini và nói: “Anh Joseph, ăn đi anh!”. Mazzini giật mình và nói: “Anh kiếm ở đâu ra? Anh không còn tiền mà”.
- Anh cứ ăn đi rồi hỏi sau. Anh chưa ăn gì từ tối hôm qua.
- Nói cho tôi biết anh kiếm đâu ra trước. Tôi còn thấy có cả một gói thuốc lá trong túi anh. Anh kiếm ở đâu ra tiền vậy?
- Anh hỏi làm chi! Tôi lấy chiếc áo mới mẹ tôi gởi cho đem đi cầm rồi!
Mazzini thở dài, nước mắt anh ứa ra. Sau đó, anh hít sâu vào, nói trong nước mắt: “Sao anh làm vậy? Giáng sinh đã đến. Anh sẽ mặc gì? Con trai của một tỷ phú Ý phải ăn mặc rách rưới mùa Giáng sinh sao?”.
- Chúng ta sẽ không có tiền vào những mùa Giáng sinh tương lai sao? Tôi sẽ có áo mới và sẽ mặc khi Tổ quốc được tự do.
- Chắc chúng ta sẽ không còn tiền. Các bài báo gởi cho các nguyệt san đã bị trả lại. Tiền gửi từ gia đình đã hết. Nguồn tiền biết kiếm đâu ra!
- Giáng sinh còn một tuần nữa mới đến. Sao anh lo âu? Sau rốt sẽ không sao nếu chúng ta mặc áo cũ. Anh cũng hãy nhớ là anh đã bán chiếc nhẫn chị Magdalence tặng anh để trả tiền cho bác sĩ khi tôi bị bệnh. Tôi sẽ viết thư cho chỉ để kể lại điều này. Chỉ sẽ thông cảm với anh.
2. Ngày Giáng sinh, mọi người, từ già đến trẻ, giàu và nghèo đều hân hoan đón chào lễ hội ấm áp và vui tươi. Người ta hăm hở đến nhà thờ. Không ai chán nản hoặc đơn côi. Nhưng Mazzini và Raffeti nhốt mình trong căn phòng chật hẹp và tối tăm, đầu gục xuống. Đôi môi Mazzini khô khốc, Raffeti thì thấy bồn chồn. Mazzini bước từ góc phòng ra cửa ra vào. Để lãng phai đi những ý nghĩ đau buồn trong những ngày thiếu thốn, anh nhìn ra cửa sổ, mắt chăm chăm nhìn vào những kẻ say xỉn đang bước đi loạng choạng, nói năng vu vơ. Trời ơi! Nhà lãnh đạo Ý, từng có hàng ngàn người sẵn lòng hiến thân khi anh kêu gọi, giờ phải sống trong cảnh thiếu thốn. Anh không có gì để ăn, một điếu thuốc lá cũng không có. Thuốc lá là thứ anh không thể từ chối, thật kém may mắn, giờ không có. Anh xót xa cho Raffeti, một chàng trai dĩnh ngộ, đầy triển vọng, xuất thân từ một gia đình giàu có. Anh tự hỏi: “Tôi có đúng không khi giác ngộ Raffeti để anh giờ phải gian nan, trong khi anh ấy có thể mua được sự giàu sang của cả thế giới?”.
Lúc đó, có một người bưu tá đi đến và ồn ào hỏi có ai là Joseph Mazzini sống ở gần đây không và nói là anh ấy có một lá thư. Raffeti nhận thư và nhảy cỡn lên vui mừng, trước khi trao thư cho Mazziti và nói là người yêu Magdalence đã viết thư cho anh ấy.
Mazziti chộp lá thư và hồ hởi mở thư. Một mớ tóc là quà Giáng sinh rơi xuống đất. Anh nhặt chúng lên, hôn chúng và nhét vào chiếc túi được vá trên ngực áo. Thư nói rằng:
Anh Joseph yêu qúy, anh hãy nhận món quà đơn sơ này. Cầu xin Chúa cho anh khỏe mạnh để đón trăng Giáng sinh! Hãy vui vì món quà kỷ niệm của em. Đừng bao giờ quên Magdalence đau khổ. Em không biết viết gì thêm. Trái tim em đầy yêu thương, tràn ra trên miệng. Anh Joseph yêu quý, anh sẽ còn làm em khổ đau bao lâu nữa vì chia lìa? Em không còn chịu đựng được nữa. Em đang gạt nước mắt tuôn trào. Hãy tin em, em sẽ chịu đựng được mọi khổ đau khi có anh. Nhưng em không thể chịu được đau khổ vì chia lìa. Anh đã trịnh trọng hứa yêu em và yêu quê hương. Anh hãy về. Em khát khao anh. Hãy nói với em là khi nào em sẽ được gặp anh. Giáng sinh đã đến gần. Nhưng với em, nó vô vị. Em là của anh đến trọn đời.
Em của anh!
Magdalence.
3. Thụy Điển là quê hương của Magdalence. Chị là con gái của một thương gia giàu có. Chị mộc mạc và rất đẹp. Thế giới bên trong chị cũng rực sáng. Nhiều người đàn ông giàu sụ và quý tộc ve vãn chị nhưng chị không màng. Khi ẩn náu ở Thụy Điển, Mazzini gặp chị, một cô gái trẻ, hồn hậu. Chị đã nghe nhiều câu chuyện về lòng quả cảm tuyệt vời của anh. Sau đó, chị và mẹ chị thi thoảng đến thăm anh. Các lần thăm thú cho chị cơ hội để biết thêm các phẩm chất cương nghị của anh. Thời gian trôi qua, chị yêu anh. Một ngày nọ, không còn rụt rè, chị xin anh cưới mình.
Hồi đó, Mazzini đang trong thời gian trẻ và tình yêu dạt dào trong anh. Anh có thể cảm nhận được sự sung sức của mình. Nhưng, cũng lúc đó, anh thề hiến thân cho quê hương. Anh cầm chắc cây súng. Thực sự, là người đàn ông cương cường nên chỉ có anh là có thể từ chối lời đề nghị của Magdalence xinh đẹp, đã yêu anh dịu dàng, say đắm.
Mắt chị đẫm nước khi nghe Mazzini từ chối. Nhưng lời anh nói không làm con tim chị chán nản mà nó còn làm cho tình yêu dành cho anh thêm nồng nàn. Nhiều năm sau khi Mazzini rời Thụy Điển, tình yêu Magdalence trao anh vẫn còn đó. Thực sự, tình yêu đó ngày càng thêm đẹp tươi.
Mazzini thở dài sau khi đọc thư. “Anh có biết Magdalence nói gì không?”, Mazzini hỏi.
- Tôi nghĩ sự đau đớn do chia lìa sẽ giết chết chỉ, Raffeti đáp.
Chìm đắm trong suy tư, Mazzini thì thào: “Magdalence, em còn trẻ, xinh đẹp và giàu có, sao em hủy hoại đời mình, vì yêu kẻ khốn đốn là anh? Làm sao anh có thể cho em hạnh phúc, khi anh thất bại và gian truân? Không, anh không vị kỷ! Có nhiều kẻ giàu có trên đời có thể trao em hạnh phúc và tôn thờ em. Sao em không chọn họ làm người bạn đời? Anh trân trọng tình yêu của em nhưng anh đã thề sẽ hiến đời mình cho quê hương, đồng bào. Giờ anh không thể là mảnh đất mềm mại cho em và tình yêu của em. Nhưng em có thể là em gái đáng yêu của anh. Em có thể cho anh biết vì sao một cô gái xinh đẹp như em lại phải chịu nhiều khổ đau vì anh không? Mazzini, người đàn ông bất hạnh! Ngươi không chốn dung thân. Kẻ ngươi hiến thân cho giờ thương hại ngươi! Những kẻ đồng cảm với ngươi xem ngươi là kẻ mộng mơ, đang đi bắt vịt trời”. Miên man với những ý nghĩ bực dọc đó, Mazzini lấy viết và giấy viết thư cho Magdalence.
4.Magdalence yêu quý,
Anh đã nhận được thư em cùng món quà vô giá. Anh chân thành cảm ơn em vì món quà này. Anh biết ơn em vì em đã xem kẻ bất hạnh và bại hoại này là danh giá. Anh sẽ giữ món quà này như vật kỷ niệm của tình yêu chân thực và bất hủ của chúng ta. Anh muốn chôn nó cùng anh sau khi anh chết. Thật khó lòng mà đo đếm được niềm tin của em vào anh, vào sự trong sáng trên con đường của anh khi có quá nhiều lời đồn đại ác ý chống lại anh đang lan truyền. Em là nguồn an ủi lớn cho anh vì một thiên thần như em vẫn tin vào anh, xem anh không phải là kẻ đồi bại về đạo đức. Niềm tin này giúp anh vượt qua sự khổ cực, bất lợi của cuộc đời. Tuy nhiên, em gái ạ, hãy an tâm là anh không bị nỗi buồn đột kích. Đừng để nỗi ưu phiền về anh làm con tim em trĩu nặng. Ở đây anh bình an. Tình yêu thủy chung của em an ủi anh trong những ngày khốn đốn. Sẽ là vô ơn với em, nếu anh còn phàn nàn về sự thiếu thốn.
Anh biết là sức khỏe em ngày càng xấu đi. Anh rất muốn gặp em. Giá như anh được tự do! Anh có một con tim hăm hở và sôi động. Con tim đơn côi và rối rắm này thật vô tích sự cho em. Magdalence, vì Chúa, hãy giữ gìn sức khỏe. Không gì làm anh đau đớn hơn nếu anh biết là vì anh mà em bất hạnh. Đôi mắt ngây thơ của em giờ đang nhìn anh. Đừng trách anh. Anh không xứng với em. Hôm nay là Giáng sinh. Anh không biết gởi em quà gì. Cầu Chúa luôn che chở em hết lòng. Cho anh gởi lời thăm mẹ em. Anh rất mong được gặp mẹ và em. Chúng ta sẽ gặp nhau khi chí hướng anh thành.
Anh của em!
Joseph Mazzini.
5. Nhiều năm sau. Joseph Mazzini trở về Ý. Rome trở thành thành bang cộng hòa. Một hội đồng lãnh đạo gồm ba thành viên, trong đó có Mazzini được thành lập. Vì vua Piedmont phản bội nên thành bang cộng hòa tan rã và hội đồng bị giải tán. Các thành viên và cố vấn phải lưu vong. Do đó, Mazzini lại lần nữa lang bạt trên đường phố Rome. Tất cả các giấc mơ và tham vọng biến Roma thành trung tâm của dân chủ tan vào hư vô do những người thân tín và bạn hữu đã phản bội.
Một trưa nọ, Mazzini trốn nắng dưới một bóng cây. Anh thấy có một người phụ nữ đi về phía anh. Chị khoảng tuổi 30, trông nhợt nhạt, mệt mỏi và bận đồ màu trắng. Mazzini đang tư lự thì người phụ nữ này nhào tới ôm anh.
Mazzini tỉnh lại và kêu lên: “A, Magdalence yêu quý!”.
Anh nói những lời này mà mắt rưng rưng.
Chị nghẹn lời, kìm lại nước mắt rồi thốt lên: “Anh Joseph!”, sau đó lặng thinh.
Cả hai ngồi lặng lẽ, nước mắt ứa ra. Mazzini hỏi: “Em đến khi nào?”.
Magdalence nói: “Em đến Rome đã nhiều tháng nhưng không may mắn để được gặp anh. Biết anh bận việc nước, em nghĩ chắc anh chẳng đoái hoài gì tới người phụ nữ khổ đau là em. Vì vậy, em không muốn gặp anh. Joseph, nói cho em biết, sao người ta nói xấu anh nhiều vậy? Họ dốt nát sao?”.
- Maga, họ có lẽ đúng. Anh không có đủ sự kiêu hãnh. Nhưng em biết anh kiêu hãnh vì em rất trung thực. Anh ngày càng có những nhược điểm mới.
- Mazzini, đó rõ ràng là lý do tại sao em ngưỡng mộ anh, tôn thờ anh. Kẻ khiêm tốn được chúc phúc! Vì Chúa, đừng để em đau khổ vì chia lìa. Em là của anh. Em tin anh hồn hậu và toàn bích như chúa Jesus. Đây là niềm tin mạnh mẽ của em. Em biết em đang nói lắp bắp nhưng lời anh nói đã làm tan biến mọi nghi ngờ trong em. Anh là thiên thần. Em tự hỏi sao người ta thiển cận và thành kiến như vậy. Em đau lòng khi biết những người em kính trọng và cho là cao cả cũng không khác thế. Raffeti, Remarie, Barnabas là bạn anh. Anh xem họ là bạn nhưng họ đã phản bội anh. Họ không thân thiện với anh và nói về anh đủ điều nhưng em không tin. Họ vô lý. Em tin anh còn tốt đẹp hơn nhiều so với những gì em hình dung. Anh có nhân hậu không khi anh xem kẻ thù là bạn?
Joseph không kìm được cảm xúc. Anh hôn bàn tay nhợt nhạt của chị và nói: “Maga yêu quý, họ không đáng trách. Chỉ có em là đáng trách”.
Anh thổn thức nói: “Họ nói những điều anh muốn họ nói. Họ lừa dối em. Điều đó là mục đích của anh. Em yêu, anh muốn em quên anh đi để em được sống hạnh phúc. Anh thấy xấu hổ khi không thể đo lường được chiều sâu tâm tư em cũng như tình yêu em dành cho anh. Điều này làm anh đau đớn. Anh xin lỗi em”.
Magdalence vỗ về: “Không, anh Joseph, đừng xin lỗi em. Anh là người đàn ông tốt đẹp, chính trực, đáng tin và đáng giá nhất trên đời. Tất nhiên anh sai lầm khi hiểu em không hết. Em tự hỏi sao anh lạnh lùng với em như thế!”.
- Maga, chỉ có Chúa mới biết anh khổ đau như thế nào khi anh buộc Raffeti nói với em về anh như thế đó. Anh luôn cho uy tín là quan trọng trên đời và luôn bác bỏ mọi đồn đại của đối phương, không cho phép ai tấn công anh mà không bị bẻ lại. Em giờ biết anh khổ tâm thế nào khi thúc giục bạn bè nói những điều xấu xa về anh. Anh làm vậy để em có cớ quên anh đi.
Thực tế, Mazzini hành động vậy là bởi vì Magdalence quá si mê anh. Anh biết có nhiều kẻ đẹp trai, giàu có đang theo đuổi chị. Nhưng chị không màng, vì chị trân trọng các phẩm giá, lý tưởng cao cả, các giá trị mà anh theo đuổi. Anh cho là chị sẽ quên không còn tin tưởng anh khi các bạn anh bêu xấu anh. Lúc đầu, bạn bè anh từ chối đề nghị của anh. Sau đó, họ đồng ý, dù lưỡng lự. Họ đồng ý vì sợ Maga sẽ tự vẫn vì tình yêu. Tuy vậy, nếu điều này xảy ra, Mazzini sẽ không tha thứ cho họ. Họ do vậy, đi sang Thụy Điển. Họ bịa ra vô số điều xấu xa về anh, trong đó có cả các vụ scandal tạo dựng nhưng Maga không tin chị si mê Mazzini.
Do ngày càng bất an, Magdalence rời Rome và thuê một phòng ở một nhà trọ. Chị bắt đầu theo dõi Joseph nhưng không cho anh biết. Thấy anh bằng lòng với sự nghiệp của mình, chị không muốn quấy rầy anh. Chỉ khi anh lại thất bại và cô độc, chị mới đến bên anh.
6. Mazzini lại sang Anh từ Rome và ở đó trong một thời gian dài. Anh có tin là nhân dân ở Sicily nổi dậy và cần có một nhà lãnh đạo. Anh trở về Sicily ngay lập tức. Nhưng khi anh đến, các thế lực thân vương đã dẹp tan cuộc nổi dậy. Vừa đến nhà anh bị bắt và bị tống giam. Vì anh đã già nua và lụ khụ, nên anh được phóng thích. Nhà chức trách sợ bị buộc tội, nếu anh chết trong tù.
Thất vọng, Mazzini đi sang Thụy Điển. Hy vọng của anh tan tành.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nước Ý đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chia rẽ nhưng điều này không tốt đẹp hơn khi nó bị Áo và Naples thống trị. Điều khác biệt là khi đó, nó rên xiết dưới ách ngoại bang còn giờ thì bị kẻ thống trị người Ý đàn áp.
Do thất bại liên tiếp nên Mazzini đi tới kết luận là quần chúng Ý chưa được giáo dục để có thể tạo dựng được nền tảng cho một nước cộng hòa. Do vậy, anh sang Thụy Điển và lập một tờ báo để tuyên truyền các khái niệm về chủ nghĩa quốc gia. Việc tuyên truyền như thế bị cấm ở Ý. Mazzini dùng tên giả và lưu lại ở Rome một đêm. Sau đó, anh trở về thành phố quê hương anh là Genoa. Trước khi rời sang Thụy Điển, anh đến đặt hoa tang trên mộ người mẹ đức hạnh của anh. Ở Thụy Điển anh xuất bản một tờ báo, với sự trợ giúp của bạn bè. Nhưng cuộc đời căng thẳng, nhiều âu lo đã gặm nhấm anh, làm cho anh chỉ còn là một bộ xương. Do sức khỏe sa sút, anh sang Anh vào năm 1870. Trên đường đi, anh bị viêm phổi ở đâu đó dọc dãy Alps. Anh trút hơi thở cuối cùng khi trong tim còn đầy khát vọng và trên môi còn chữ “Ý”. Hàng ngàn người đến tiễn anh. Anh được mai táng ở một góc yên tĩnh trên bờ một con suối xanh tươi.
7. Ba ngày sau đám tang của Mazzini. Buổi chiều. Mặt trời hoàng hôn chiếu những tia nắng nhợt nhạt bên mộ anh. Có một người phụ nữ tuổi trung niên, ăn mặc đẹp đến mộ. Đó là Magdelence. Chị trông đau khổ và đơn côi. Chị bồn chồn và thất vọng. Chị ngồi ở đầu mộ, lấy hoa đặt lên. Chị quỳ xuống, thiết tha cầu cho anh được yên nghỉ. Khi cả vùng đất bị bóng tối bao phủ và tuyết bắt đầu rơi, chị lặng lẽ đứng dậy, đi về một ngôi làng gần đó để ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau, chị rời đi.
Sau khi mẹ chị đã mất khá lâu, chị trở thành chủ ngôi nhà. Chị chọn một tu viện và sống ở đó như một nữ tu để tưởng nhớ Mazzini. Tên anh sống trong chị, như một khúc nhạc sầu bi. Nhà chị trở thành nơi đến của những ai ủng hộ và ngưỡng mộ anh. Với chị, các lá thư của anh là sách Phúc âm, còn tên anh là tượng thờ. Nhiều phụ nữ và trẻ em nghèo có thể kiếm sống được chút đỉnh nhờ tên anh.
Magdalence sống thêm được ba năm nữa. Theo ước nguyện của mình, chị được an táng ở tu viện. Tình yêu của chị không phải là sự mê muội tầm thường. Nó thiêng liêng và vô vụ lợi, gợi nhớ tới nhân vật Krindavan bị tình phụ, đi lang thang trên đường phố, vì yêu Krishna và đau khổ sợ bị chia lìa, ngay cả khi đang ở bên người yêu. Mộ Mazzini vẫn còn nằm đó. Người nghèo đến viếng anh và khi trở về, lòng thanh thản và được an ủi.
Trần Ngọc Hồ Trường dịch