Gắn kết lễ hội Quán Thế Âm với di sản văn hóa trong phát triển du lịch tâm linh
Lễ hội Quán Thế Âm thu hút đông đảo người dân và du khách chiêm bái. Ảnh: Huỳnh Văn Truyền.
Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đã có từ rất sớm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Loại hình du lịch này thường gắn với các hoạt động hành hương và trở thành truyền thống của nhiều tôn giáo lớn như Hindu, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác. Hình thức này vẫn duy trì cho đến nay với nhiều trung tâm hành hương như Mecca, Rome, Jerusalem, Varanasi (Benares), Nepal... Ở Việt Nam từ xưa, người dân đã coi việc viếng thăm những ngôi đình, đền, chùa, lăng miếu… nổi tiếng, hoặc tham gia vào các lễ hội truyền thống là việc thường xuyên. Tuy nhiên cho đến nay, hình thức du lịch này mới được định vị rõ ràng hơn trong ngành công nghiệp du lịch đương đại và trở thành chủ đề mới trong nghiên cứu. Việc định vị rõ ràng hình thức du lịch này khiến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trở thành điểm thu hút một lượng lớn du khách có mục đích tham quan du lịch, hoặc một phần có liên quan đến tâm linh.
Hiện nay có khá nhiều định nghĩa về du lịch tâm linh, theo chúng tôi, du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Du lịch tâm linh cũng khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Ngày nay, du lịch tâm linh được xem là một trong những xu hướng chính của du lịch thế giới vì nhu cầu liên quan đến con người với những trải nghiệm tâm linh ngày càng cao.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và 09 tổ chức tôn giáo thuộc 06 tôn giáo hợp pháp đang hoạt động ổn định gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao Đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Họ đạo Cao Đài Đà Nẵng (trực thuộc Hội thánh Cao Đài Tây Ninh), Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo; 208 cơ sở thờ tự, công trình tôn giáo, công trình chuyên dùng, trong đó có 195 cơ sở thờ tự, 539 chức sắc, 1.250 chức việc, gần 185.000 tín đồ các tôn giáo. Ngoài ra, còn có 02 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài, 08 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các hệ phái Tin Lành và 02 địa điểm sinh hoạt tôn giáo của tổ chức Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt[1].
Nhiều cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố chứa đựng trong mình nhiều giá trị tâm linh phong phú đã trở thành điểm hành hương, tham quan kỳ thú đối với du khách như hệ thống chùa Linh Ứng thuộc Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Bà Nà, nhà thờ Chánh Tòa… Tiêu biểu như tại khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động đẹp như: động Huyền Không, động Tàng Chơn, động Âm Phủ, động Linh Nham, động Hoa Nghiêm, động Thiên Long, động Vân Thông, động Ngũ Cốc, động Tam Thanh… là nơi thờ phượng những vị thần, Phật trong tôn giáo, tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Chăm, Hoa, Việt những thế kỷ qua. Đồng thời nơi đây còn có nhiều chùa chiền cổ như: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, chùa Phổ Đà Sơn, chùa Quán Thế Âm, chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang, chùa Hương Sơn... Đặc biệt, lễ hội Quán Thế Âm từ lâu đã là một lễ hội Phật giáo thu hút rất đông du khách hành hương, chiêm bái. Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Nẵng nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng gắn kết lễ hội Quán Thế Âm với hệ thống di sản văn hóa trong việc phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm yếu tố tôn giáo tín ngưỡng của người Việt được tổ chức hằng năm tại chùa Quán Thế Âm[2]. Lễ hội này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, nhân việc khánh thành pho tượng Quán Thế Âm tại động Hoa Nghiêm trong ngọn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn). Năm 1962, nhân dịp khánh thành chùa Quán Thế Âm, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã thành lập Hội Phổ Quan Âm và lấy ngày 19 tháng 2 âm lịch, là ngày vía và cũng là ngày đản sinh Quán Thế Âm Bồ tát làm ngày tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm của chùa. Tuy nhiên, do chiến tranh và do nhiều nguyên nhân khác, lễ hội Quán Thế Âm không được duy trì trong một thời gian khá dài. Đến năm 1991, lễ hội mới được tổ chức lại. Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.
Thông thường thì lễ hội này kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 17 - 19.2 âm lịch, gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Hai phần này được tổ chức đan xen kết hợp hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và trong hội cũng có lễ.
Trong phần lễ, nội dung của Lễ hội Quan Thế Âm sẽ chủ yếu mang đậm màu sắc của lễ nghi Phật giáo, cùng nghi lễ truyền thống của địa phương.
Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ tổ chức ngày 17.2 để dâng lên mười phương chư Phật, chư Bồ tát, chư Thiện Thần đồng thùy từ chứng minh gia hộ, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ rước ánh sáng (Lễ rước đuốc) tổ chức tối 18.2. Tùy theo quy mô mà nghi thức lễ rước có thể lồng vào trong lễ rước kiệu hóa trang Quan Âm và đi qua các cung đường dẫn đến bờ sông Cổ Cò để thả hoa đăng. Lễ rước ánh sáng nhằm cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm nhiều việc thiện.
Lễ thuyết giảng về Quán Thế Âm: Tổ chức vào sáng ngày 19.2, nhằm ngợi ca lòng từ bi bác ái của Quán Thế Âm Bồ tát và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng... Sau buổi thuyết giảng là chương trình Pháp đàn trì niệm kinh chú cho những người hiện diện trong đêm lễ hội.
Chính lễ - Lễ vía Quán Thế Âm Bồ tát tổ chức vào ngày 19.2, là ngày khánh đản (ngày sinh) của Đức Phật Quán Thế Âm. Nghi lễ này được xem là linh hồn của lễ hội Quán Thế Âm nhằm tưởng niệm ân đức của Quán Thế Âm Bồ tát và nguyện cầu quốc thái dân an, chúng sanh an lạc.
Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát thực hiện sau lễ vía, thể hiện lòng tôn kính của các Phật tử hướng về Quán Thế Âm trong ngày khánh đản của Ngài. Tôn tượng của Ngài được rước từ động Quan Âm ở núi Kim Sơn đi ra đường Sư Vạn Hạnh, rước lên chùa Quán Thế Âm để làm lễ theo nghi thức Phật giáo.
Lễ hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với nghi lễ rước tôn tượng Ngài. Để hóa trang tái hiện hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm, mỗi năm nhà chùa sẽ chọn một trong 32 ứng hóa của Bồ tát Quán Thế Âm để hóa thân. Chẳng hạn, hóa trang tái hiện thành Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Thập nhất diện Quan Âm, Quán Âm Thiện Tài Đồng Tử, Bạch Y Quan Âm, Quán Âm Tống Tử, Quán Âm Nam Hải…
Lễ tạ pháp đàn hoa đăng thực hiện vào tối 19.2, là nghi lễ Phật giáo cuối cùng tại lễ hội Quán Thế Âm, để cúng tạ sơn thủy, thổ thần và các thần linh đã phù hộ cho lễ hội thành công. Sau khi cúng tạ xong, những ngọn nến lồng vào hoa sen được thả xuống dòng sông, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước.
Ngoài ra còn có lễ tế Xuân cầu quốc thái dân an, lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công chúa...
Phần hội của lễ hội Quán Thế Âm được diễn ra đan xen với phần lễ. Đây là phần sôi nổi và náo nhiệt nhất, được nhiều du khách đón đợi khi được hào hứng tham gia góp vui như triển lãm mỹ thuật tranh ảnh, thư pháp, thư họa, giao lưu thơ nhạc Phật giáo, trình diễn nghệ thuật nấu ăn món chay, kéo co, đẩy gậy, thả diều, thả kinh khí cầu, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước, diễn thuyết về giá trị Ma nhai…
Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 được tổ chức trong 4 ngày 17.2 - 20.2 âm lịch (16.3 - 20.3.2024) với quy mô lớn, mở rộng cả thời gian và không gian để xứng tầm là lễ hội cấp thành phố. Đây là một trong 4 sự kiện văn hóa - lễ hội điểm nhấn trong năm của Đà Nẵng. Đồng thời cũng là hoạt động nổi bật nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng thành phố (29.3.1975 - 29.3.2024), mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo.
Có thể thấy, lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội tôn giáo có các hình thức sinh hoạt cộng đồng sinh động với những trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, tái hiện các sự tích - truyền thuyết tôn giáo, rước tôn tượng, diễu hành xe hoa, thả hoa đăng, khinh khí cầu, triển lãm thư pháp, trưng bày tranh ảnh nghệ thuật, cắm trại, ẩm thực dân gian, triển lãm sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước... Mọi người về đây dự hội không chỉ đến để chiêm bái, cầu xin Bồ tát Quán Thế Âm ban phúc và nhận được lòng từ bi của Ngài, từ đó phát triển lòng từ bi, gắn kết sự yêu thương giữa con người với nhau và với vạn vật. Đặc biệt, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố nên lễ hội ngày càng khởi sắc, phong phú và đa dạng hơn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự.
Gắn kết Lễ hội Quán Thế Âm với di sản văn hóa trong phát triển du lịch tâm linh quận Ngũ Hành Sơn
Quận Ngũ Hành Sơn nằm về phía đông nam của thành phố Đà Nẵng, được thành lập theo Nghị định số 07/1997/NĐ-CP ngày 23.01.1997 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 4 phường: Khuê Mỹ, Mỹ An, Hòa Quý và Hòa Hải. Phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ; phía bắc giáp quận Hải Châu và quận Sơn Trà; phía nam giáp với huyện Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam.
Căn cứ vào thư tịch cổ và kết quả khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã đặt vùng đất Ngũ Hành Sơn trong một diễn trình lịch sử gồm 3 thời kỳ: Tiền, sơ sử - Champa - Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam. Tương đương với 3 thời kỳ này là những lớp cư dân kế tục nhau sinh sống, họ để lại nơi đây những di chỉ, di tích, hiện vật chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng vô cùng độc đáo. Nơi đây còn có hệ thống Ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá) Ngũ Hành Sơn, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023; có Làng nghề điêu khắc đá Non Nước với truyền thống lâu đời; có di tích lịch sử - văn hóa Khu căn cứ cách mạng K20 mang dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương; có hệ thống các công trình chùa, chiền, đình làng, nhà thờ tộc họ… mang dấu tích văn hóa, lịch sử địa phương; ven sông Cổ Cò còn khá nhiều miếu thờ mang những dấu tích xưa của văn hóa Việt, Chăm, Hoa như: lăng Ông Ngư, miếu Ông Chài, miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Lồi, miếu Bà Thủy, miếu Thành Hoàng...
Ngày 24 tháng 12 năm 2018, danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bởi đây là một thắng cảnh nổi tiếng nằm bên bờ biển của thành phố Đà Nẵng có những thạch động kỳ quan được phụ họa thêm bởi những ngôi chùa cổ như Tam Thai, Linh Ứng, Từ Tâm, Tam Tôn, Phổ Đà Sơn, Linh Sơn và Quán Thế Âm… Các hang động trong khu danh thắng có vẻ đẹp thiêng liêng huyền bí, cổ kính mầu nhiệm với những ngôi miếu thờ các vị thần, thánh, Phật cùng những câu chuyện huyền thoại về tiên đánh cờ, sự tích núi Ngũ Hành, sự tích về các vị thần… tạo cho Ngũ Hành Sơn có một vẻ đẹp bí ẩn lạ lùng khiến du khách đến Đà Nẵng mà chưa ghé qua đây thì thấy mình như “phụ tình Non Nước”. Gần đây, ngày 11 tháng 7 năm 2023, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 822/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn với nhiều nội dung quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quận Ngũ Hành Sơn trong việc bảo vệ, trùng tu di tích trên địa bàn.
Ngoài ra, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn như đã giới thiệu ở trên thì từ nhiều năm nay đã trở thành một lễ hội tôn giáo lớn mang tầm quốc gia. Người dân và du khách đến chiêm bái và tham gia vào các hoạt động lễ hội rất đông khiến cho lễ hội này có tầm quan trọng trong việc phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.
Từ những dữ liệu trên cho thấy, quận Ngũ Hành Sơn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để gắn kết lễ hội Quán Thế Âm với hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn quận trong việc phát triển du lịch tâm linh. Bởi khi du khách đến tham dự lễ hội, họ sẽ tiến hành các hoạt động song song như tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, tham gia thiền định... Thông qua những hoạt động đó, sẽ mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính những trải nghiệm tâm linh đó sẽ giúp con người thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn, hòa mình vào không khí thân thiện, cởi mở của lễ hội cũng giúp con người dễ hòa hợp với nhau hơn.
Trong những năm qua, lượt du khách đến với Ngũ Hành Sơn ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của quận. Công tác chuẩn bị lễ hội bài bản, đảm bảo an ninh trật tự. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, đó là các dịch vụ ăn theo trong tổ chức lễ hội như: bán hàng rong, các hình thức phóng sinh, in ấn, mua bán văn hóa phẩm trái phép, dịch vụ ăn uống tràn lan không có tính quy hoạch chặt chẽ, công tác tổ chức lễ còn nhiều khó khăn chưa huy động được nguồn lực xã hội, vẫn chủ yếu là do chính quyền tổ chức, nhân dân vẫn còn đứng ngoài, không gian lễ hội còn chật hẹp dẫn đến sự quá tải về số lượng khách, gây ùn tắc giao thông, đi lại khó khăn. Một số du khách ăn mặc và tác phong không được nghiêm túc khi vào các cơ sở thờ tự và còn có những hành động phản cảm như xả rác ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…
Bên cạnh đó, nhà cung ứng dịch vụ du lịch chưa chuẩn bị chu đáo nội dung và tổ chức được các đoàn du lịch tâm linh. Sử dụng hướng dẫn viên chưa đủ kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ về lễ hội để phục vụ du khách. Chưa đưa được các hoạt động xung quanh lễ hội vào các tour du lịch để du khách trải nghiệm; chưa tổ chức riêng lẽ các tour du lịch tâm linh bằng cách cho du khách được tham gia sâu các hoạt động như: khóa tu, nghe thuyết giảng về đạo Phật; thực hành các nghi thức, lễ nghi, khám phá ẩm thực chay …
Từ thực trạng trên, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch tâm linh theo hướng gắn kết lễ hội Quán Thế Âm với các di sản văn hóa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn như sau:
Tiến hành công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc họ… trên địa bàn quận nhằm mục đích tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của các điểm đến tâm linh nói chung và kiến trúc nói riêng. Bởi những di sản này sẽ là điểm gắn kết, thu hút du khách khi đến với lễ hội Quán Thế Âm.
Mở tour du lịch tâm linh kết nối hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các di tích chùa, đình, miếu tại địa phương và mở rộng hơn nữa là kết nối với các địa điểm tham quan như chùa Linh Ứng Sơn Trà, Bà Nà, Hội An trong thời gian trước và sau khi diễn ra lễ hội. Chủ động khai phá các tour mới liên quan đến văn hóa, ví dụ như tour “Tìm hiểu dấu tích văn hóa Chăm”, “Trải nghiệm lễ hội đình làng xứ Quảng”, “Đà thành tứ trấn” (Sơn Trà - Bà Nà - Ngũ Hành Sơn - Hải Vân)… các tour kết hợp du lịch tâm linh với du lịch nghỉ dưỡng, đối tượng hướng đến không chỉ khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế.
Tuyên truyền, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở địa phương và người dân về giá trị và quy trình tổ chức lễ hội gắn với các điểm đến tâm linh trên địa bàn quận trong hoàn cảnh mới, khi môi trường tự nhiên và xã hội có sự thay đổi, cần giữ gìn cái gì trong lễ hội và biến đổi cái gì trong lễ hội, để tăng cường những mặt tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống lễ hội nói riêng và khai thác du lịch tâm linh tại điểm đến nói chung.
Tổ chức các chương trình giao lưu truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Quốc tế tại lễ hội như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật nhằm quảng bá hình ảnh lễ hội đến với các nước trên thế giới.
Đẩy mạnh công tác quảng bá lễ hội trên các phương tiện truyền thông như sách báo, tài liệu, ấn phẩm, truyền hình, internet, mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của các du khách. Đặc biệt, để phát huy tính hiệu quả của những kênh truyền thông cần quảng bá, cần tổ chức định kỳ các chuyến đi khảo sát thực tế dành cho các công ty lữ hành, cơ quan truyền thông, tổ chức tôn giáo… để họ tham quan và trải nghiệm những di sản văn hóa trên địa bàn quận.
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm trước khi diễn ra lễ hội như mời du khách tham gia các khóa tu, nghe thuyết giảng Phật giáo; tham gia các hoạt động từ thiện xã hội trong Phật giáo; thực hành các nghi thức, lễ nghi, khám phá ẩm thực chay của Phật giáo… từ đó giúp du khách có những trải nghiệm mới, nhất là trong việc khám phá nội tâm tinh thần của bản thân mình.
Sân khấu hóa các câu chuyện kể, sự tích vùng đất, sự linh thiêng của các vị thần được biểu diễn tại phần hội của lễ hội Quán Thế Âm. Đặc biệt cần vận dụng những nghi thức, câu chuyện, âm nhạc... hiện hữu trong tôn giáo, tín ngưỡng sát hợp với các loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Những nghi thức, câu chuyện, âm nhạc này không chỉ là nét riêng có của một tôn giáo, một tín ngưỡng mà còn thể hiện văn hóa của một địa phương, thể hiện địa văn hóa rõ nét.
Sản xuất sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng của địa phương; tác phẩm mỹ thuật - văn hóa - tôn giáo gắn với lễ hội; đặc sản ẩm thực… với giá cả thích hợp cho nhiều đối tượng; kích thước nhỏ gọn tiện cho việc đóng gói, vận chuyển… Đầu tư phát triển đá mỹ nghệ thành dòng sản phẩm riêng phục vụ du khách du lịch văn hóa tâm linh. Chính quyền địa phương có thể tạo cơ chế cho vay vốn; tài trợ nghiên cứu để có những mẫu mã phong phú, đa dạng và thích hợp với du khách du lịch văn hóa tâm linh, rồi cung cấp các mẫu mã này cho nhà sản xuất và hỗ trợ họ đưa các mặt hàng này vào thị trường phục vụ du lịch văn hóa tâm linh.
Nâng cao nhận thức của người dân tại chỗ về các điểm du lịch tâm linh trong vùng. Song song đó là nâng cao nhận thức của du khách hành hương, tham quan về các điểm du lịch tâm linh mà họ đến tham quan. Mọi người đều thấy rằng các địa điểm du lịch tâm linh mà họ đến tham quan là có ý nghĩa, có giá trị trong chuyến đi của họ. Người dân tại chỗ thì nhận thức được rằng những điểm du lịch tâm linh trong vùng của họ là những tài sản quý giá có thể sinh lợi mà họ cần gìn giữ để khai thác hiệu quả lâu dài.
*
Đời sống vật chất và tinh thần của con người đều rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, khi đời sống vật chất đã tương đối thì con người chú ý hơn đến chăm sóc đời sống tinh thần lành mạnh. Nhu cầu trải nghiệm tâm linh hướng đến chân, thiện, mỹ để làm cho cuộc sống của chính mình được thăng hoa, do đó họ cần đến nhu cầu tâm linh và du lịch tâm linh.
Ngũ Hành Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng để du lịch tâm linh phát triển. Bằng cách liên kết hoạt động lễ hội Quán Thế Âm với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, cùng với những câu chuyện linh thiêng, nếu làm tốt công tác quảng bá với nhiều kênh sẽ hấp dẫn du khách khi tìm đến. Nhờ đó, thông qua kênh du lịch tâm linh, vốn không chỉ là hoạt động hành hương, tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy, mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và chuyên nghiệp để đưa du lịch tâm linh phát triển bền vững thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm sắp tới.
Đ.T.T
Tài liệu tham khảo:
- Albert Sallet (1996), Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú), NXB Đà Nẵng.
- Vũ Hoài An, Vũ Diệu Ngân (2020) “Thực trạng và giải pháp bảo tổn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng”, Nghị quyết 43: Cơ hội vàng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố hàng đầu khu vực Đông Nam Á, NXB Đà Nẵng, tr.257-279.
- Lê Duy Anh (2010). Lễ hội và văn hóa dân gian xứ Quảng. Hà Nội: Quân đội nhân dân.
- Nguyễn Đăng Duy (2009), Văn hóa tâm linh, NXB Văn hóa Thông tin.
- Lê Thị Tuyết Mai (2017), Du lịch lễ hội Việt Nam, NXB Lao động.
- Nguyễn Văn Tân (2014), Cẩm nang du lịch văn hóa tâm linh Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin.
- Thích Minh Nghiêm (2010), Lịch Lễ hội Việt Nam, Nxb Thời đại.
Chú thích:
[1] Số liệu của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng năm 2022.
[2] Tọa lạc tại 48 Sư Vạn Hạnh, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.