Văn chương Pháp với người Đà Nẵng – Bùi Văn Tiếng

04.12.2015

Từ khi trở thành thành phố Tourane nhượng địa, Đà Nẵng sớm có cơ hội thâm nhập văn hóa Pháp - trong đó có văn chương Pháp. Và chính là nhờ thâm nhập văn chương Pháp mà người Đà Nẵng - chủ yếu là những người theo Tân học - dần dần thay đổi tâm thế tiếp nhận văn hóa Pháp. Ai cũng biết vào giai đoạn đầu làm dân thuộc địa, người Đà Nẵng từng có cái nhìn thiếu thiện cảm trước quá trình đô thị hoá mang màu sắc phương Tây ngay trên quê hương mình: Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá / Đứng bên tê Hà Thân ngó về Hàn phố xá nghênh ngang.

Văn chương Pháp với người Đà Nẵng – Bùi Văn Tiếng

Chính là nhờ dõi theo số phận của những Jean Valjean - người cựu tù khổ sai đang cố gắng sống vì một xã hội tốt đẹp nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ của mình - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Les Misérables/Những người khốn khổ của Victor Hugo, Quasimodo - anh gù kéo chuông đã thầm yêu say đắm nàng Esméralda đến mức dám chết cùng nàng - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris/Notre-Dame de Paris cũng của Victor Hugo, Rémi - một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc rồi dẫn đầu đoàn xiếc ấy lưu lạc khắp nước Pháp - nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Sans Famille/Không gia đình của Hertor Malot, và nữa, và nữa… mà người Đà Nẵng đã biết đến một nước Pháp và những người Pháp khác với cái nước Pháp và những lính viễn chinh Pháp từng nã đại bác vào thành Điện Hải.

 

Người Đà Nẵng đến với văn chương Pháp, làm quen và ngưỡng mộ tài năng làm thơ, viết văn của những La Fontaine, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Victor Hugo, Alexandre Dumas, Hertor Malot, Saint Exupéry, jean- Paul Sartre... qua hai con đường chính: trong nhà trường và trên sách báo. Nhà trường lần học góp phần quan trọng vê' phương diện giải quyết vẩn để bất đồng ngôn ngữ, giúp người Đà Nẵng vượt qua hàng rào ngôn ngữ khi tiếp cận văn chương Pháp. Đối với nhiều người Đà Nẵng đương thời, chỉ cần đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ là đã có thể cảm thụ văn chương Pháp qua các bản dịch. Một số người Đà Nẵng có điều kiện sang Pháp du học hoặc học những trường Tây tại chỗ như Lycée Blaise Pascal, hoặc học trường Pháp-Việt hay trường Việt nhưng giỏi Pháp văn, có thể trực tiếp thưởng thức văn chương Pháp từ nguyên tác chữ Pháp. Trên sách báo trong và ngoài nhà trường, người Đà Nẵng không chỉ tiếp cận văn chương Pháp qua các tác phẩm bằng nguyên tác chữ Pháp được nhập vào Việt Nam, phổ biến ở dạng livre de poche/sách bỏ túi và phần lớn do nhà xuất bản Hachette ấn hành, mà còn qua các bản dịch thậm chí qua những phóng tác từ văn chương Pháp của các nhà văn người Việt. Về các bản dịch, có thể thấy sự thâm nhập sớm nhất của văn chương Pháp vào Việt Nam qua đường dịch thuật được thực hiện từ năm 1884 qua cuốn sách Chuyện Phang-sa diễn ra quốc ngữ của Trương Minh Ký, dịch 16 truyện ngụ ngôn La Fontaine, xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1884. Người viết bài này không rõ những người Đà Nẵng đầu tiên đọc ngụ ngôn La Fontaine là qua bản dịch này hay đọc thẳng từ nguyên bản chữ Pháp. Về các tác phẩm phóng tác, có thể nhắc đến nhiều tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nam bộ Hồ Biểu Chánh và người viết bài này cũng không rõ những người Đà Nẵng đầu tiên đọc Sans Famille của Hec- tor Malot bằng nguyên tác hoặc qua bản dịch Không gia đình trước hay sau khi đọc Cay đắng mùi đời được phóng tác và xuất bản năm 1923, đọc Les misérables của Victor Hugo bằng nguyên tác hoặc qua bản dịch Những người khốn khổ trước hay sau khi đọc Ngọn cỏ gió đùa được phóng tác và xuất bản năm 1926...

 

Người Đà Nẵng chủ yếu tiếp cận văn chương Pháp qua các trào lưu lãng mạn và hiện thực thế kỷ XIX. Đọc và mê đắm như nhau, bởi với người Đà Nẵng, lãng mạn và hiện thực chỉ là sự khác nhau đơn thuần giữa hai bút pháp, thậm chí giữa lãng mạn và hiện thực chỉ là một ranh giới nhòe lẫn. Chẳng vậy mà Louis Aragon từng xếp Les Misérables/Những người khốn khổ của Victor Hugo vào các sáng tác hiện thực. Đọc và mê đắm như nhau, bởi với người Đà Nẵng, lãng mạn hay hiện thực không quan trọng bằng việc tác phẩm có lay động lòng người không, nhà văn/nhà thơ - thông qua thế giới nghệ thuật của mình - có khám phá được chất người trong bản thân con người không. Những năm 60 của thế kỷ trước, người Đà Nẵng còn được tiếp cận với văn chương Pháp qua trào lưu hiện sinh với những tên tuổi quen thuộc như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Franẹoise Sagan và Simone de Beauvoir. Trào lưu hiện sinh Pháp càng được người Đà Nẵng ngưỡng mộ chào đón khi Jean-Paul Sartre tù chối nhận giải Nobel Văn chương năm 1964 do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng và nhất là khi Jean-Paul Sartre cùng với Bertrand Russell thành lập ủy ban Chống tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hồi đó nhiều học sinh trung học Đà Nẵng đọc và mê đắm - dẫu có thể vẫn chưa hiểu mấy về chiều sâu triết lý và tầm cao tư tưởng - hàng chục tác phẩm văn chương phi lý được dịch ra tiếng Việt như La Nausée/Buồn nôn hay Le Mur/Bức tường… của Jean- Paul Sartre, như L Étranger/Người xa lạ hay La Peste/Dịch hạch ... của Albert Camus, như Bonjour Tristesse/Buồn ơi chào mi... của Francoise Sagan…

 

Những người Đà Nẵng có năng lực sáng tác văn chương không dừng lại ở tư cách là độc giả của văn chương Pháp mà còn tự chuyển hóa các thu hoạch từ văn chương Pháp thành bút lực của chính mình để sáng tác văn chương Việt. Đà Nẵng không có hiện tượng phóng tác văn chương Pháp như Hồ Biểu Chánh ở Nam bộ nhưng từ rất sớm đã có nhà văn nữ Huỳnh Thị Bảo Hòa là tác giả của một trong những quyển tiểu thuyết đầu tiên của văn chương hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX - cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn in tại nhà in Bảo Tồn ở Sài Gòn vào năm 1927, trang bìa in hình bán thân một phụ nữ Pháp cổ đeo chuỗi hạt trai, được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lời tựa, nhà thơ Tản Đà viết lời đề tặng, nhà báo Bùi Thế Mỹ viết lời bạt. Điểm đáng chú ý là mặc dầu vẫn còn mang dấu ấn của thi pháp tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc nhưng Tây phương mỹ nhơn đã thể hiện rõ ảnh hưởng của văn hóa Pháp, chẳng hạn không gian nghệ thuật của Tây phương mỹ nhơn được mở rộng sang tận nước Pháp và nhân vật trung tâm của tác phẩm là Bạch Lan - một cô gái phương Tây. Có thể nói đây là lần thứ hai một phụ nữ phương Tây xuất hiện đầy ấn tượng trong văn chương người Việt, sau người thiếu phụ Tây phương, Tây Dương thiếu phụ y như tuyết - Thiếu phụ Tây Dương áo trắng phau, trong bài thơ Dương phụ hành của Cao Bá Quát.

 

Những năm gần đây đang nổi lên tình trạng số lượng những người nói tiếng Pháp và môi trường giao tiếp bằng Pháp ngữ ở Đà Nẵng nói riêng, ở Việt Nam nói chung và thậm chí không chỉ ở Việt Nam, bị thu hẹp đáng kể. Chính vi thế mà không ít người đang lo lắng rằng văn chương Pháp sẽ ngày càng mất dần ảnh hưởng đối với thị hiếu nghệ thuật của người Đà Nẵng. Thật ra trong bối cảnh văn hóa đọc của người Việt Nam - mà người Đà Nẵng cũng không phải là ngoại lệ - đang xuống thấp đến mức báo động như hiện nay thì không riêng gì văn chương Pháp mới chịu cảnh thưa vắng độc giả. Môi trường giao tiếp bằng Pháp ngữ bị thu hẹp không có nghĩa là văn hóa Pháp không còn ảnh hưởng với người Đà Nẵng. Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tiếp biến văn hóa - tiếng Pháp trong một thế kỷ qua đã có vị trí đáng kể trong quá trình phát triển của tiếng Việt, từ ngữ pháp cho đến từ vựng. Trong tiếng Việt có một lượng không nhỏ từ mượn có nguồn gốc tiếng Pháp, được Việt hóa trong đời sống thường nhật đến mức phần lớn người Việt không còn cảm giác đấy là từ ngoại nhập, chẳng hạn một số từ rất thông dụng trên lĩnh vực ẩm thực như bia, ca cao, cà phê, kem, cà rốt, sa lách, sơ ri, pho mát, giăm bông, mù tạc, xúc xích..hay trên lĩnh vực may mặc như may ô, sơ mi, vét tông, bờ lu, cà vạt..hay trên lĩnh vực xây dựng như bê tông, ban công... Đặc biệt dấu ấn văn hóa Pháp ở Đà Nẵng còn khá sâu đậm, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố. Cho đến tận hôm nay và chắc là còn lâu hơn nữa, các công trình kiến trúc theo kiểu Pháp vẫn được coi trọng trong thị hiếu thẩm mỹ và nhãn quan nghệ thuật của người Đà Nẵng... Và người Đà Nẵng có học thức thì dẫu ở thế hệ nào cũng đều biết rõ giá trị nghệ thuật và nhân bản của những tác phẩm văn chương Pháp, đêm về đều mê đắm ngắm nhìn Les Étoiles/Những vì sao từng lung linh trong Lettres de mon moulin/Những lá thư từ cối xay của tôi của Alphonse Daudet.

 B.V.T