Chùm truyện ngắn của Thanh Quế

08.11.2017

Chú dê con

Chú ta có tính hay làm nũng. Cứ chốc chốc chú ta lại “be he” (mẹ ơi). Mẹ chú dù đang rúc vào bụi cây kiếm lá ăn để có sữa cho chú bú hay đứng nghỉ ngơi cũng phải “be he” (con ơi) chạy đến với chú.Thấy mẹ là chú ta xông vô vú mẹ, chú bú chú cọ đầu, chú chạy qua bên này, chạy lại bên kia, lăng xăng xí xọ. Bú no nê chú ta nằm xuống bãi cỏ, lăn mình qua bên trái rồi lại lăn qua bên phải. lăn chán, chú vùng dậy, phóng tới bên mẹ “be he, be he” (mẹ ơi, mẹ ơi) nũng nịu.

Chùm truyện ngắn của Thanh Quế

Đó là chú dê con, có lông vàng óng, tinh nghịch như quỷ sứ, con của con dê cái mà nhà tôi mua từ Quán Cau về. Tôi thích chú lắm. Hằng ngày, cứ đi học thì thôi, chứ về tới nhà là tôi ôm chú vào lòng, cầm hai chân trước, bắt chú đi bằng hai chân sau y như một chú Cún con vậy. Chú ta quen hơi tôi, nên nhiều khi tôi học bài hay đang chơi bi, đáo với các bạn, chú cũng đến cọ cọ đầu vào lưng tôi y như một con chó. Nhiều lần, tôi trải chiếu ngoài sân chơi trăng với các bạn rồi ngủ quên, khi tỉnh dậy thấy chú nằm bên cạnh. Tôi thương chú lắm, hễ hôm nào anh Quý tôi dẫn mẹ con chú đi ăn xa, từ sáng đến tối, buổi trưa tôi đã thấy nhớ chú.

Một hôm, tôi đang ngồi làm bài, chú ta bỗng xộc đến. Chú có gì vui trong lòng không tôi chẳng biết nhưng sau khi cọ vào lưng tôi, chú đưa đầu húc lên bàn. Bình mực tím của tôi bị đổ, chảy tràn vô quyển vở, đổ xuống cả quần áo tôi. Tôi tức quá, cứ hai tay mà tát chú. Chú ta lúc đầu tưởng tôi giỡn nên cứ “be he, be he”, đứng ngây thơ nhìn tôi. Nhưng khi đã tức tôi nào để ý, cứ tát đã rồi lấy thước đánh vào đầu chú. Có lẽ tới lúc ấy, nhận ra cơn tức của tôi, chú dê con “be he, be he” rồi vùng bỏ chạy.

Từ đó, như một đứa trẻ con sợ một ông người lớn hung dữ, chú không dám đến bên tôi, dù tôi cố xoa đầu vuốt lưng lấy lòng chú. Những lúc ấy, chú chỉ “be he, be he” rồi chạy biến.

Một hôm, tôi đi học về thì không còn thấy chú dê con nữa. Má tôi nói ba tôi đã tặng chú cho một người bạn rồi.

Con chó hoang

Không rõ nó từ đâu đến. Chỉ biết vào lúc chạng vạng tối, nó từ ngoài đường làng, lẻn vào nhà thằng Hà (có lẽ nó đánh hơi thấy mùi thức ăn), xuống tận bếp đớp luôn con cá rán mà mẹ thằng Hà đã nhọc công xuống tận biển để mua về đãi khách. Bà chủ nhà tức giận cầm đũa bếp vừa đuổi theo vừa la hét ầm ĩ khắp làng.  Bọn trẻ chúng tôi đang chơi đáo trên đường làng cũng la lên, ùa đuổi theo “kẻ trộm”. Con chó này trơ xương, lông rụng từng đám, ghẻ lở khắp người. Rõ ràng đó là con chó hoang, chẳng ai biết, vật vờ đi từ đâu đến làng Phú Thạnh này. Thấy chúng tôi đuổi, miệng nó ngậm chặt con cá, cố chạy lên phía trước. Nhưng có lẽ do bị đói lâu ngày nên khuyển ta không thể chạy nhanh được. Thế là một trận mưa đá và đất cục của chúng tôi trút xuống người nó. Ban đầu, nó è ạch chạy, nhưng vẫn cố ngậm theo con cá. Nhưng dần dần thấy chúng tôi đuổi riết quá nên nó đành “bỏ của chạy lấy người”. Con cá rán được bỏ lại dính đầy nước miếng của nó và đất cát, chẳng thể nào ăn được, nên mọi người, nhất là mẹ thằng Hà càng bực thêm. Vì thế, khuyển ta lại tiếp tục bị “truy kích”. Có lẽ do đuối sức quá, hết chạy nổi, khuyển ta mới đành liều quay đầu lại xông vào cắn chúng tôi. Cả bọn sợ quá, chạy quay lui. Nhưng thằng Hà la lên:

- Đừng sợ, Nó yếu lắm. Nó đớp cẳng tao mà chẳng đau gì hết. Cứ ném đá cho nó chết đi.

Chúng tôi lại quay lại hò hét đuổi theo con chó. Bây giờ, khuyển ta lè lưỡi thở nặng nhọc, đi từng bước một. Lập tức những hòn đá, những khúc cây giáng xuống mình nó…Nó ăng ẳng kêu rồi nằm quay lơ…

Sáng hôm sau, ai đi trên con đường làng Phú Thạnh cũng thấy xác một con chó hoang. Người nó thâm tím, máu đọng từng cục ở miệng… Nhiều người bịt mũi đi qua rồi nói:

- Đồ chó hoang, cho nó chết.

Nhưng cũng có người mủi lòng thương, nói:

- Tội nghiệp. Con chó đói quá, chỉ “ăn trộm” có một con cá mà đến nỗi bị đánh chết. Khổ cho loài chó.


T.Q