Gió Truyện Ý Nhi
Ông vừa khúc khắc ho vừa lẩm bẩm, tệ quá, chẳng gió máy gì mà cũng viêm họng, rồi nhoài người ra bên ngoài cửa sổ, nhìn kìa, cây cối im phắc như đã chết vậy. Vợ ông, một phụ nữ mảnh mai, tóc bạc búi lại thành búi nhỏ sau gáy, bưng một tách trà còn nóng, đến bên ông, nhỏ nhẹ, ông có nhìn thấy dãy cờ xanh, đỏ, tím vàng trước cổng công ty BM bên kia đường không.
Ông hơi giật mình, quay lại, tại sao không. Gần đây, ông vẫn có cách trả lời bằng một câu hỏi như vậy. Bà bảo, mấy lá cờ đang bay phần phật trong gió đấy, lá màu xanh kia còn muốn tơi tả ra vì sức gió quá mạnh. Ông đáp, giọng bất bình, mắt tôi còn tốt mà. Làm gì có chút gió nào. Bà cười nhẹ, tôi biết, chỉ có mắt tôi dạo này tệ quá. Thôi, ông vào đi kẻo… Bà dừng lại, không thốt ra chữ “gió máy” để tránh một cuộc cãi cọ. Ông uống chút trà gừng cho đỡ ho. Ông đỡ lấy tách trà, mắt gườm gườm nhìn vợ rồi bỏ đi qua phòng bên cạnh. Thấy máy tính của bà đang mở, ông ghé mắt nhìn. Trong hộp thư có hàng lô hàng lốc những thư mời hội thảo: Đánh thức con người vĩ đại trong mỗi chúng ta, Khai thác sức mạnh tiềm tàng trong mỗi cá nhân, Cách thức thu phục nhân tâm, Phương pháp tiếp cận đối tượng hiệu quả nhất, Cách học tiếng Anh siêu tốc… Ông chồm người tới, vừa di chuột delete xóa đi vừa hầm hừ, điên hết cả rồi. Hội thảo, hội thảo cái… ông dừng lại một chút rồi nói to, vô bổ. Bà chạy vội đến, quả thật hội thảo nhiều quá, tốn tiền quá. Ông quay lại, vẻ thách thức, vấn đề không phải là nhiều, không phải là tốn tiền mà là vô bổ. Một đống người chen chúc trong những phòng họp kín mít thì chỉ nói ra được những lời của kẻ ốm dở, của kẻ sắp chết ngạt mà thôi. Bà nhắc, ông uống trà đi kẻo nguội. Ông nhấm một ngụm trà rồi đặt đánh cạch chiếc tách xuống bàn, cầm lấy cái điện thoại di động đang nhấp nháy sáng với hàng chục lời mời chào: xin chúc mừng bạn, bạn đã có người bầu bạn, xin hãy gọi… bạn sẽ trúng hai trăm triệu nếu tham gia vào cuộc chơi này, hãy gọi ngay kẻo tuột mất cơ hội… bạn đang đứng trước thời khắc vàng, gọi ngay… Ông mạnh tay xóa sạch các tin nhắn, lặp lại câu nói quen thuộc, thiên hạ điên hết cả rồi, lúc nào cũng tiền, ở đâu cũng tiền, rồi mạnh tay vứt điện thoại vào góc giường. Ông quay lại khi nghe tiếng bước chân vợ, bà có nghĩ vậy không. Bà mỉm cười, ra dấu thuận theo ông. Nhiều tháng nay câu chuyện giữa họ chỉ quẩn quanh vậy và bao giờ bà cũng thuận theo ông. Họ quen nhau khi ông đến thư viện, nơi bà làm thủ thư. Bữa đó, sau hai lần tìm cuốn sách đại cương Địa - Vật lý của một học giả người Pháp mà không được, ông ghé hú họa một lần nữa thì gặp bà. Bà cầm phiếu đề nghị của ông, đi rất lâu rồi mang cuốn sách trở về, đặt trước mặt ông. Ông cảm động nói, cám ơn cô nhiều lắm. Bà đáp, không có chi. Sau câu chào từ biệt, ông đã bước ra đến cửa, bỗng quay lại, cô là người thủ thư tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Bà đỏ mặt, không đáp. Ông nhiều lần mượn sách, trả sách, thường vào đúng giờ làm việc của bà. Mỗi lần, ông nán lại một chút, lần sau lâu hơn lần trước, cho đến khi họ cùng ra về trên con đường phủ đầy bóng mát những cây xà cừ, cây sấu. Hóa ra họ gần như ở đối diện với nhau, qua một mặt hồ. Ông sống trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể của viện nghiên cứu bên này hồ. Bà sống cùng cha mẹ tại một trong những căn phòng của ngôi nhà lớn do ông bà nội để lại, phía bên kia hồ. Căn nhà đẹp đẽ, sang trọng thời trước giờ đã trở nên bề bộn, chật chội bởi cha của bà, rồi lần lượt các cô chú đều đã có gia đình riêng và họ cùng nhau tề tựu dưới mái nhà đó, mỗi gia đình mỗi phòng, rồi người thì cơi nới thêm cái bếp, kẻ che thêm gian phòng trên sân thượng, người lại chiếm chỗ làm sân phơi. Mỗi lần ông đến chơi, gần như phải giáp mặt gần hết các cô chú, dì dượng và lũ em họ. Sau khi cưới, họ dọn từ căn nhà tập thể của gia đình sang căn phòng tập thể của viện nghiên cứu. Căn phòng tập thể 15m2, chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn làm việc. Các công trình nghiên cứu quan trọng của ông đều được viết tại đó, bên cạnh chiếc bếp dầu đầy muội khói, trong tiếng khóc của đứa con trai. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, bà vẫn thấy mình chỉ là cô thủ thư nhỏ bé trước ông, nhà khoa học tài năng. Có lẽ, chính cách nghĩ đó của bà đã giúp cho cuộc sống gia đình họ trôi qua yên ấm, ngay cả trong những ngày tháng khó khăn, vất vả. Mười mấy năm trước, sau khi tiễn đứa con trai duy nhất đi du học, hai vợ chồng trở về nhà, ngồi trong căn phòng bỗng chốc đã thành trống trải, vắng lặng. Khi bà mang đến cho ông một tách trà, ông bảo, bà ngồi xuống đi. Rồi ông nói thêm, bà biết không, nhược điểm lớn nhất và duy nhất của bà chính là ở chỗ bà không ý thức được vị thế của mình. Bà không biết rằng bà vô cùng quan trọng với tôi, với con, với gia đình này. Ông đi vòng ra sau lưng bà, vỗ nhè nhẹ vào vai vợ. Bà khóc lặng lẽ, đôi vai hơi rung lên. Giờ đây, bà cũng khóc lặng lẽ khi nhìn ông đi đi lại lại qua những căn phòng như một kẻ mộng du.
Theo thói quen, bà không gặng hỏi, không cãi lại, bà nghĩ chắc ông đang bực bõ điều gì, rồi mọi thứ sẽ qua. Nhưng bà đã nhầm. Cảm giác thiếu gió đã thành một căn bệnh, mỗi lúc một mạnh hơn, giống như những ngọn gió đã hợp thành cơn bão vậy. Mà là một cơn bão không thuyên giảm, không tan. Hầu hết các bác sĩ đều cho rằng đó là một trạng thái tâm lý và nhất thiết phải biết nguyên cớ thì mới mong có thể chữa chạy. Thế nhưng ông không bao giờ hé lộ chuyện gì đã xảy ra trong buổi chiều đó hay trong những ngày tháng đó. Ở viện nghiên cứu, một số người cho rằng có thể do thất bại của một công trình nghiên cứu về địa chấn mà ông đã mất nhiều công sức, số khác lại suy đoán có lẽ do sự bất đồng sâu sắc trong quan điểm làm khoa học giữa ông và viện trưởng. Bà không nghĩ vậy. Ông là một người từng trải, những sai sót, những khó khăn, những thất bại trong công việc cũng như sự bất hòa triền miên giữa ông và những người lãnh đạo là điều quá bình thường với ông, chúng không thể quật ngã ông theo một cách khốc liệt thế này.
Theo lời khuyên của bác sĩ, bà đưa ông về quê, hy vọng sự thay đổi cảnh quan sẽ giúp ông thoát khỏi những ám ảnh. Bà đặt ghế trước hiên nhà cho ông ngồi, mắc võng vào thân hai cây xoài lớn để ông nằm nghỉ, rồi đưa ông đi dạo dọc bờ sông nhỏ… Bà nói dè dặt, dễ chịu quá, gió ở quê mới thực là gió. Ông lim dim, gật gù vẻ như lắng nghe vợ rồi bất thần mở to mắt, nhìn bà, tôi đâu phải là đứa trẻ lên ba để bà dỗ dành, phỉnh nịnh. Đâu, gió đâu, ông hỏi dồn dập, giọng thách đố. Thấy vợ im lặng, ông cười đắc thắng, rõ ràng là chẳng có tí gió nào. Rồi vừa đưa tay vò rối mái tóc chớm bạc ông vừa càu nhàu, bức bối không chịu nổi.
Trở lại thành phố, bà đành an phận với cuộc sống có phần bất thường của mình. Trong từ điển của bà không có từ gió. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, bà thì thầm dặn dò để tránh những kích động không cần thiết. Lần nọ, người em trai của ông ở xa về, ghé thăm, đã làm nổ tung cả căn nhà vì một câu nói vô tình. Vừa bước vào nhà, ông em đã cất giọng hào hứng, ở thành phố mà có được chút vườn, nắng gió tràn trề thế này thì quá hạnh phúc, quá may mắn. Bà vừa đưa tay ngăn lại, ông đã từ trong phòng xăm xăm bước ra, chẳng kịp chào hỏi, chú bảo sao, gió hả, gió đâu chú chỉ tôi xem. Bà nhẹ nhàng, chú ấy nhầm. Thôi hai anh em uống nước chanh cho mát.
Người em nghe chuyện, bất bình, không thể sống như vậy được, phải có cách thoát khỏi tình cảnh này chứ. Anh ấy hao mòn đi mà chị cũng cạn hết sức lực rồi. Bà hỏi, giọng mệt mỏi, chú bảo cách nào đây. Người em ngồi thần người một lúc rồi bật kêu lên, đưa anh ấy sang Pháp, chỗ cháu T đang sống ấy. Thời buổi người ta có thể dùng nhịp tim để điều khiển điện thoại di động, người ta có thể sản xuất Graphene(1) mà một chứng tật khơi khơi thế này đành bó tay sao.
Sau gần cả tháng trời chạy đôn chạy đáo, lo các thủ tục cần thiết cả ở Pháp và Việt Nam, ông bà cùng người con trai ra phi trường. Ông có vẻ hơi ngơ ngác nơi chốn đông người nhưng không có phản ứng gì đặc biệt. Chỉ đến khi bước vào khoang máy bay mọi chuyện mới xảy ra. Ông đứng chắn ngay cửa ra vào, chỗ cô hướng dẫn viên mặc áo dài đỏ xinh đẹp đang tươi cười đón khách. Ông kêu lên, giọng khản đặc, ngột ngạt quá, làm sao mà chịu nổi, cô làm ơn đi. Cô nhân viên nhã nhặn, dạ, cháu có thể giúp gì cho bác ạ. Ông vẫn không hạ giọng, giúp gì ư, giúp đưa tôi ra khỏi chỗ ngột ngạt này. Cô nhân viên đỏ bừng mặt, nhìn vợ ông và người con trai cầu cứu, thế này là sao ạ. Sau lưng ông, hành khách đã dồn đống lại, vài người nghển cổ lắng nghe câu chuyện. Có ai đó nói nhỏ, giáo sư K kìa. Chắc ông ấy đi dự hội nghị khoa học. Có ai đó chép miệng, ủa, tôi mới thấy ông ấy trả lời phỏng vấn trên TV mà sao hôm nay lại gầy yếu thế kia nhỉ. Bà và người con trai bối rối xin lỗi rồi đưa ông trở lại nhà ga. Người phụ trách lịch sự lắng nghe câu chuyện của họ nhưng từ chối nhận một hành khách như ông, để bảo đảm an ninh cho chuyến bay. Người con trai hỏi, có cách chi khác không. Người phụ trách cười, không rõ là đùa hay thật, phải thuê một chuyên cơ.
Cả bà và con trai, không ai ngờ rằng chuyến đi bất thành lại là dấu mốc cho sự thay đổi tâm tính của ông.
Ông không còn nói đến sự thiếu gió nữa mà là nói đến việc có gió, rất nhiều gió ở một nơi nào đó. Có điều, đó không phải là một quốc gia có tên tuổi, có vị trí, có ngôn ngữ, có diện tích, có số dân… trên bản đồ thế giới mà ai cũng biết. Ông ngồi bên máy tính, gõ vào tất cả các trang mạng, hy vọng có thể tìm thấy dấu vết của xứ Gió - ông đặt tên cho vùng đất mơ ước của mình như vậy. Ông để bên cạnh một cuốn sổ nhỏ, một cây bút và ghi lại những dấu hiệu, những chi tiết, những chỉ số có liên quan đến Gió. Ông vào xem cả cuốn phim hoạt hình Gió có họ hàng với mèo, chăm chú nghe lời thoại của con cáo và con mèo khi gió cuốn phăng những con cá của mèo đến chỗ cáo và gió lại cuốn phăng mấy miếng xúc xích của cáo tới chỗ mèo. Ông ghi vào sổ tay: Gió - cáo - mèo. Ở trang bên cạnh, là một số câu thơ, được ghi cách đoạn để đánh dấu những tác giả khác nhau: Khi tôi về qua khu phố nhỏ/ gió mùa cũng trở về… Ngồi đây nhớ gió muôn trùng/ nhớ em mọi nhỏ trên rừng xưa kia… Mây trắng bay đi cùng với gió/ Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ… Đêm thẫm tối dịu dàng chỉ có gió là tự do trong khu vườn rộng… Gió phần phật bất ngờ bứt tung lá úa/ và bẻ hướng đàn chim như những mũi tên bay… Ôi buồn sao trên bến bờ này/ anh chỉ một thân cây không cành lá… Ở một ga lẻ/ Tôi thấy mình bước ra khỏi vở kịch(2)… Có hôm bà mang sữa vào phòng, thấy ông đang chăm chú xem những bức tranh vẽ cảnh gió bão trên biển của một họa sĩ Nga nổi tiếng. Không biết có vợ bên cạnh, ông vừa xem tranh vừa ngâm nga, đi đến đó dường như ta có hẹn/ hẹn cùng ai, không nhớ rõ là ai(3)… Bà lẳng lặng đặt ly sữa rồi đi ra. Bà không biết trước năm 25 tuổi, tức là trước ngày quen bà, ông đã đọc, đã xem những gì nhưng từ bấy đến giờ, bà chỉ thấy ông đọc các loại sách chuyên ngành hẹp và một số ngành khoa học tự nhiên có liên quan. Việc ông đọc tiểu thuyết, đọc thơ, xem tranh, xem phim khiến bà thấy ngỡ ngàng. Bà có cảm giác một con người khác đã nhập vào ông hay ông đã bỗng dưng thay đổi thành một con người khác. Bà thấp thỏm chờ đợi một kết cục, theo linh cảm của bà, là một kết cục không vui.
Chiều nọ, sau mấy tháng ở lì trong nhà, ông bắt đầu ra phố, đi dạo dưới hàng cây bằng lăng đang nở hoa tím. Ông hào hứng, hoa bằng lăng đẹp quá bà ạ, cả dãy phố rực rỡ hẳn lên, sáng sủa hẳn lên. Ông đi chậm rãi, đầu hơi cúi xuống như chăm chú đếm bước chân của chính mình, hoàn toàn không để ý đến dòng người ồn ã, tấp nập dưới lòng đường. Đi hết đoạn vỉa hè xuôi xuống con dốc nhỏ, ông quay trở lại chỗ góc đường có cửa hàng bách hóa lớn, rồi lại trở về lối cũ. Cứ như vậy, mỗi chiều ông lại ra phố và chỉ trở về khi trời đã xâm xẩm tối, vẻ bồn chồn trong ánh mắt, trong cử chỉ. Ông nói, như để trấn an bà, đi bộ là cách tập thể lực tốt nhất cho người cao tuổi nhưng ông không rủ bà cùng đi. Bà biết ông đang chuẩn bị cho một việc nào đó nhưng không thể biết đích xác là việc gì. Trong một buổi chiều như vậy, khi quay gót, ông vấp phải thanh sắt chìa ra từ một tảng bê tông của ngôi nhà đang xây vứt ra ngoài lề đường. Ông tập tễnh về nhà, vẻ lo lắng, tệ quá, sao lại xảy chuyện vào lúc này chứ. Bà nghe hai chữ lúc này có vẻ gì rất đặc biệt nhưng chỉ lẳng lặng rửa vết đau và băng bó cho ông, vài bữa là ông sẽ đi lại được thôi. Thế nhưng vết thương lại sưng tấy khiến ông phát sốt và phải đưa vào viện vì sợ trùng uốn ván. Ông nằm đó mê man trong cơn sốt, mặt đỏ bừng bừng, mắt nhắm nghiền, đôi lần thốt lên những câu nói rời rạc khó hiểu: Hãy tin vào cơn đau của mình... Cây cầu hay dòng sông… Trước ta hay sau ta… Bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nhìn từng giọt, từng giọt dung dịch trong suốt truyền vào cơ thể ông. Nước mắt của bà cũng rơi từng giọt từng giọt mặn chát qua đôi môi đã se khô.
Rồi cơn sốt qua đi. Ông về nhà, chiều chiều lại ra phố. Bà thường đứng bên ô cửa nhỏ nhìn ông, cảm thấy hết sự bất lực của mình. Dù không nói ra, cả hai đều ý thức họ đang từ từ tách biệt khỏi nhau và đều biết rằng đó là điều không thể cứu vãn. Chiều nọ, lúc bà đi thăm một người bạn bị ốm trở về, ông đã đi khỏi. Trên bàn làm việc của ông, bà nhìn thấy bức thư viết tay: Anh đi đây. Anh tin là em hiểu anh như đã từng hiểu anh mấy chục năm qua. Với số tiền chúng ta dành dụm cho tuổi già, em hãy chăm lo việc ăn uống, thuốc thang. Em có thể thu xếp sang sống với con. Phần dưới bức thư, ông ghi lại câu thơ của Paul Eluard: Dans l’amour la vie a toujours/ Un coeur léger et renaissant/ Rien n’y pourra jamais finir/ Demain s’y allege d’hier (Trong tình yêu cuộc sống mãi mãi có/ một trái tim nhẹ tênh đang hồi sinh/ ở đó không có gì kết thúc bao giờ/ ở đó ngày mai nhẹ bớt gánh nặng hôm qua)(4). Rồi lại viết thêm một đoạn nữa: Anh không nhớ đã đọc hay đã nghe ở đâu đó câu nói này: văn chương là thứ tuyệt nhất được phát minh ra để tránh bất hạnh. Bấy giờ anh không để ý lắm nhưng giờ đây thì anh thấy đó là một nhận xét xác đáng. Văn chương bày cho ta một cách sống khác, đem cho ta những hy vọng khác. Đem toàn bộ tài liệu của anh tặng lại viện nghiên cứu hoặc thư viện khoa học tự nhiên và hãy đặt trên giá sách của em những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ của Dostoyevsky, Camus, Paul Eluard, Kawabata… Anh. Bà đọc bức thư một lần nữa, cố hiểu mấy câu thơ của P. Eluard rồi gấp lại, đặt vào cuốn album gia đình. Bà không khóc. Bà không tin rằng ông ra đi mãi mãi.
Hàng ngày, bà chỉ quanh quẩn trong nhà. Đi đâu xa, bà luôn để chìa khóa dưới tấm thảm chùi chân mà ông từng quen thuộc. Rồi bà bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình bằng việc đi coi thầy theo lời khuyên của người bạn học cũ. Từ trước đến giờ bà chưa từng làm việc này nên trống ngực bà đập thình thịch khi bước vào căn phòng nhỏ hẹp tăm tối, nơi ông thầy mù ngồi tựa lưng vào bức tường màu xám nhạt. Ông ta cất giọng, nghe xa xôi như vọng lên từ cõi nào, bà nói đi, ngày tháng năm sinh. Nghe bà nói xong, ông ta bấm bấm vào những đốt tay to bè, miệng lẩm nhẩm, Canh Dần, cao số đây, bà đã qua hai lần đò phải không. Thay vì phản đối hay giận dữ, không hiểu sao bà lại nói lí nhí, dạ không, không phải ạ. Ông thầy có vẻ phật ý, cao giọng, thế bà cần gì. Một lần nữa, thay vì đứng dậy ra về, bà lại run run kể câu chuyện và hỏi thầy chồng mình đang ở đâu. Ông thầy cười phá lên, ở gần ngay đây thôi, vui vẻ, khỏe mạnh, đi dã ngoại ấy mà. Dăm bữa nửa tháng sẽ lại quay về. Bà đặt tiền vào chiếc hộp gỗ cáu bẩn rồi vội vã đi ra, lòng phân vân, nửa tin nửa ngờ. Nhưng nhiều ngày qua đi vẫn chẳng có tin chồng, bà lại theo lời người hàng xóm tìm đến một ông thầy khác, trú ngụ trong túp lều bên chân cầu. Tiếng nước đập ì oạp vào bờ đất ngay bên ngoài vách lá khiến bà có cảm giác như đang ngồi trên một con thuyền chòng chành giữa dòng nước. Ông thầy đeo kính râm nhưng các cử chỉ đều rất lanh lẹ. Bà vừa bước vào, chưa kịp định thần, chưa kịp mở lời, ông thầy đã cất tiếng, chồng bà đang sống ở một nơi rất xa và đang cảm thấy yên ổn trong tâm hồn, bà không cần lo lắng. Đó chẳng qua chỉ là ý muốn nhất thời bồng bột của đứa trẻ còn sót lại trong mỗi con người thôi. Bà biết đấy, bọn trẻ sau khi chơi đùa chán chê với những trò do chúng tưởng tượng ra, sẽ quay lại với thực tại. Ông ấy sẽ về. Nhưng rồi một lần nữa, lời tiên đoán của ông thầy đã không thành hiện thực. Giữa lúc bà định thôi hẳn chuyện thầy bà thì một nhân viên ở viện nghiên cứu của ông ghé thăm rồi đưa bà đến một ngôi đền lớn ở ngoại ô thành phố. Hồi ông còn làm việc, anh ta là cộng sự gần gũi nhất. Theo lời anh ta, bà thầy này là một nhà ngoại cảm. Khác với hình dung của bà về nhà ngoại cảm, bà thầy mặc áo lụa nâu, đầu vấn khăn nhung đen như một phụ nữ nề nếp của thế kỷ trước, ngồi đĩnh đạc sau một chiếc bàn thấp trong gian phòng nhỏ trống trải bên trái ngôi đền. Đôi mắt tinh anh của bà thầy nhìn xoáy vào bà khi nghe bà hỏi nguyên cớ sự thay đổi tâm tính của chồng. Gần như bất động, chỉ khẽ nhíu đôi mày thanh tú, bà thầy quả quyết, giọng trong vắt như chuông, chẳng có lý do trực tiếp nào đâu. Đó chỉ là giờ phút phải đến sau bao nhiêu tháng năm, là kết cục tất yếu của một quá trình. Đó là một quá trình bí ẩn, ngay chính người đó cũng không thể ý thức hết, chỉ có thể cảm biết mà thôi. Người ngoài, dù là người vợ, cũng không thể hiểu được sự diễn biến của quá trình đó. Thiên hạ vẫn có câu: các sự việc không để cho ta lần ra dấu vết của chúng. Chớ tin vào vẻ ngoài của sự vật. Người ta gọi quyết định ra đi của ông ấy là thời khắc giác ngộ. Bà đừng buồn mà nên vui vì không phải ai cũng có thể giác ngộ, phần đông chúng sinh chìm trong cõi u mê cho đến khi từ giã cõi đời này. Dứt lời, bà thầy lại ngồi im phắc, hai bàn tay trắng xanh áp lên mặt bàn như một cử chỉ của cuộc hành lễ, báo hiệu sự kết thúc. Bà thầy không nhận tiền, chỉ dặn bà vào đền thắp nén nhang tạ ơn Trời Phật. Mặc dù thoáng có ý nghĩ về sự sắp đặt của người nhân viên cho cuộc gặp này, bà vẫn cảm thấy được an ủi vì cung cách và lý lẽ trong lời phán của nhà ngoại cảm.
Khi đầu óc có phần tỉnh táo, bà bắt đầu sắp xếp lại căn phòng của ông, nơi sách vở bừa bộn, chồng chất lên nhau, nơi những cuốn sách được mở ra chưa kịp đóng lại, nơi bà gần như không dám chạm tới vì sợ làm mất dấu những trang viết, làm thất lạc những tài liệu ông đang tra cứu. Khi xếp lại sách vở trên bàn, bà tìm thấy khá nhiều trang giấy kẻ ô đã được đánh dấu cho cuộc chơi cờ ca rô một mình của ông cùng những quân cờ rơi vãi ngả nghiêng trên bàn cờ vua. Đặc biệt, có khá nhiều ghi chép lạ lùng, ví như đoạn ghi lại câu chuyện về con sư tử bị cho là đần độn, không thể làm trò đã bị đoàn xiếc đem tặng cho sở thú. Chính nó, một ngày nọ bỗng diễn được tất cả các trò người ta đã dạy nó trước kia với dòng ghi chú, có gạch dưới: cái hạt bị đánh mất chợt nảy mầm trong gió hoặc những ghi chép tỉ mỉ về lối sống, về các lề luật, các phong tục… của tộc người Amish(5), về những tảng đá xếp chồng lên nhau giữ thế cân bằng hàng ngàn năm ở Bernadino, về màu mây xanh lá cây trên bầu trời Moscow vào đầu mùa hạ… Không hiểu do đâu, bà lại chú tâm vào đoạn ghi chép về cuốn tiểu thuyết Đảo xanh của nhà văn H. Ông tô đậm chữ gió và viết hoa hai chữ Đảo xanh với một dấu chấm hỏi lớn (?) Gần như ngay sau đó, bà tìm thấy một tin nhắn còn lưu lại trong điện thoại của ông: nếu bạn muốn đến Đảo xanh, xin hãy gọi… Số điện thoại dài bất thường, gồm 17 chữ số này gửi đúng vào ngày ông bắt đầu ra phố vào mỗi buổi chiều. Bà đứng sững giữa căn phòng, đưa tay chặn lên ngực, nơi tim bà đang đập loạn xạ vì linh cảm đã tìm ra một manh mối. Bà lục tung chỗ sách để tìm cuốn tiểu thuyết nhưng không thấy. Có thể ông đã đem cuốn sách đi cùng như kiểu người ta mang theo một tấm bản đồ để dò đường khi đến một nơi xa lạ. Bà thử bấm vào số điện thoại trong máy, chỉ nghe thấy những tiếng tít tít tít vọng tới từ cõi xa xăm nào. Bà tìm đến các tòa soạn báo, các trung tâm nghiên cứu để hỏi về Đảo xanh với hy vọng được biết ít nhiều về nơi ông có thể đến. Mọi nơi đều hứa hẹn, chỗ thì một tuần, chỗ thì nửa tháng, chỗ cả tháng trời nhưng khi quay lại, người vồn vã, kẻ hững hờ đều có một câu trả lời gần giống nhau: không thể tìm thấy. Vài người nhận ra vẻ thất vọng trên gương mặt của bà nên ái ngại, tìm cách giải thích thêm, có hàng vạn hòn đảo trên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương… có tên gọi là Đảo xanh, những Green Island này nhiều vô kể, không sao có thể xác định đâu là hòn đảo bà cần tìm. Một cô gái ở viện nọ, sau khi nghe câu chuyện đã an ủi bà, bà ơi, làm sao có thể xác định được một nơi chốn do nhà văn tưởng tượng ra, nó cũng giống như việc ta không thể nào tìm được một ai đó ngoài đời giống hệt nhân vật của họ vậy. Bà sực tỉnh, cám ơn cô gái, rồi ra về. Bà quyết định ra đi cùng con trai.
Năm năm sau, trong một lần sắp xếp lại các sách báo trên bàn làm việc của con trai, bà nhìn thấy bài bút ký của một nhà báo Pháp: Đảo Xanh - miền đất hứa. Hai chữ Đảo xanh đập thẳng vào tâm tưởng khiến bà choáng váng, muốn khuỵu ngã. Bà vội vã ngồi xuống, đầu tựa vào thành ghế, khép mắt lại, tay chặn lên nơi ngực trái. Đảo xanh trong bài báo là một hòn đảo nhỏ bé, xinh đẹp và quyến rũ nằm giữa biển Ấn Độ Đương. Đó là một đảo quốc vừa mới giành độc lập và do một vị tổng thống còn rất trẻ có tinh thần dân chủ lãnh đạo. Vị tổng thống, trong những dịp khác nhau, từng có những câu nói làm cho các cư dân của mình, nhất là những người trẻ tuổi mãn nguyện: mức độ tôn trọng trí thức là thước đo của một nền dân chủ hay một quốc gia phát triển không phải là nơi người nghèo có xe riêng mà là nơi người giàu dùng phương tiện giao thông công cộng hoặc Steve Jobs là thần tượng của tôi, ông đã sáng tạo nên một thế giới, một thế giới huyền diệu… Theo truyền thống, đảo quốc này đón các vị đại sứ đến trình quốc thư vào mùa hạ hàng năm với những loạt đại bác vang dội. Dân trên đảo gọi đó là mùa đại bác. Cùng với những tiếng đại bác vang rền như sấm, dân đảo tổ chức các cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Vì vậy, mùa hạ cũng là mùa lễ hội lớn nhất trong năm của họ. Nguồn lợi chủ yếu của đảo quốc là dầu và thủy hải sản. Là một vùng đất nhỏ, cách quy hoạch của đảo rất độc đáo. Dinh Tổng thống nằm ở chính giữa, vòng tiếp theo là các cơ quan hành chính, vòng ngoài nữa là những ngôi chùa, những nhà thờ, những ngôi đền, là ngọn tháp Bình Yên… và vòng ngoài cùng với nhà hát xây theo kiểu Pháp, với trung tâm thương mại theo mô hình khép kín, bao gồm cả việc mua sắm, vui chơi, ăn uống và khu khách sạn, các quán bar, những quầy bán đồ lưu niệm… Đây cũng chính là nơi dân cư đông đúc nhất, sinh động nhất. Các ngôi nhà ở đảo xây theo kiểu cách hiện đại nhưng không quá cao, không quá đồ sộ và tất cả đều quét sơn màu trắng, nổi bật trên màu xanh cây cối, núi đồi. Nhìn từ máy bay, quần thể kiến trúc gồm các vòng tròn đồng tâm này trông rất lạ mắt, rất độc đáo. Nhưng theo nhà báo, điều đặc biệt nhất, điều hấp dẫn nhất ở đảo quốc chính là cộng đồng cư dân đa sắc tộc sống trên đảo. Người Mỹ, người Anh, người Nhật, người Tây Ban Nha, người Nam Phi, người Pháp, người Brazil, người Malaysia, người Ấn Độ... sống cùng nhau, yên vui, hòa hợp. Có thể gọi đây là một hợp chủng quốc, một vùng Đất hứa của thời hiện đại. Nhà báo có ghi lại một số cuộc gặp gỡ các cư dân nơi đây: một nhà văn đồng thời là nhà ngoại giao đang làm cố vấn văn hóa cho vị tổng thống trẻ - người am hiểu sâu sắc văn hóa phương Đông, một cô chủ khách sạn - nơi nhà báo cư trú - thường mặc váy áo màu đen, đi xe Ford màu đen và rất ít lời, dường như vừa trải qua một câu chuyện tình cảm không như ý, một ông chủ quán bar có hàng ria mép được cắt tỉa cẩn thận, vẻ xởi lởi, biết tới năm thứ tiếng, hỏi tất cả các vị khách đến quán chỉ với một câu duy nhất, có gì mới không nhưng chẳng mấy để tâm đến câu trả lời vì còn bận chào đón, hỏi han người tiếp theo, một ông giáo sĩ không hiểu vì lẽ gì đã tịch khẩu, trò chuyện bằng cách viết lên tấm bảng nhỏ rồi xóa đi hoặc viết trên giấy rồi ngay lập tức bật lửa đốt, nheo nheo mắt nhìn chỗ tàn tro tan ra trong gió như đang thực hiện một nghi lễ… Nhà báo dành một đoạn khá dài cho một người đàn ông châu Á mà ông gặp tại đền thờ Đa giáo khi ông ta đang cùng giáo sĩ cầm từng nhúm cát màu rải xuống nền đất tạo nên những hình tròn, hình vuông kỳ bí mà họ gọi là mandala. Ông ta có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp và một phần tiếng Anh. Ông ta cũng biết một ít thổ ngữ và các phong tục lễ lạt của dân trên đảo như lễ tạ ơn cá voi, lễ thiên táng người chết… Theo miêu tả của nhà báo, đó là một người đàn ông tầm thước, tóc đã bạc nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn và có đôi mắt rất sáng, ánh nhìn tinh anh, thấu hiểu. Ông ta cho biết đã đến đảo trên thuyền đánh cá. Ông đưa cho các ngư dân một ít tiền rồi theo họ ra khơi. Lênh đênh cả tháng trên biển, khi họ ghé vào đảo mua thực phẩm, ông đi bộ dọc theo bờ biển và đã quyết định ở lại khi gặp một chàng trai khỏe mạnh, nước da ngăm ngăm, mái tóc quăn dày dặn và có đôi mắt đen ưu sầu. Ông tin rằng đây chính là chàng trai có tên Con trai cá ông và nơi ông dừng chân chính là Đảo xanh mà ông từng nghĩ tới. Chàng ta hỏi ông vài câu tiếng Anh sơ sài kiểu như ông ở đâu tới, ông làm nghề gì. Ông trả lời qua loa, chàng ta cũng không để tâm, chân vẫn bước dọc theo bờ cát, thỉnh thoảng lại nhảy lên tránh một con sóng lớn. Không hiểu vì sao ngay từ phút sơ giao chàng ta đã tin cậy rủ ông về căn nhà của mình, nằm bên cạnh một ngôi đền. Chàng ta cho biết mình là trẻ mồ côi, không tên tuổi, lang thang trên đảo, giúp người này một chút, người kia một chút để sống qua ngày, vừa được nhà nước cấp cho ngôi nhà này vì là người đầu tiên nhìn thấy một con cá voi trôi dạt vào bờ biển của đảo quốc. Từ ngày có tên, có nhà, cuộc sống của chàng đã ổn định. Dù vậy, chàng vẫn buồn, nghe đâu chàng vẫn mòn mỏi chờ đợi cô gái xinh đẹp nhất đảo quốc trở về dù không biết vì sao cô ra đi và cô đang ở nơi đâu. Chàng ta thường rủ ông ra biển, lặn xuống đáy sâu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rặng san hô mềm mại lả lướt theo nhịp sóng. Có lần, ông còn theo chàng bơi cùng những chú cá mập voi hiền lành, thân thiện. Ông bảo, ông đã không sao trấn áp được nỗi sợ khi nhìn tận mắt những chú cá to lớn, khi vây của chúng chạm vào mình, khi chúng há miệng khoe những chiếc răng nhọn hoắt. Chàng trai này là một hướng dẫn viên du lịch tài giỏi, am hiểu mọi ngóc ngách, mọi điều lý thú, mọi tập quán, thậm chí nhiều bí mật của đảo quốc. Thỉnh thoảng ông qua đền thờ để trò chuyện với Giáo sĩ, một cuộc trò chuyện có phần bất thường. Dù vậy, chỉ qua những dòng ngắn ngủi trên tấm bảng nhỏ, ông vẫn hiểu Giáo sĩ là người đã sống ở rất nhiều nơi, đã đọc rất nhiều sách và có một tấm lòng quảng đại, nhân ái. Đôi lần, giữa chừng câu chuyện, ông thoáng có ý muốn hỏi han về nhà tù bí mật trên đảo, về cuộc giải cứu những con người vĩ đại mà Giáo sĩ có tham dự nhưng rồi chỉ im lặng nhìn vào chiếc mandala huyền bí. Ông biết Giáo sĩ đang lắng nghe, không chỉ là lời nói mà cả tâm tưởng của ông. Khi ngẩng lên, ông nhìn thấy trên tấm bảng nhỏ có dòng chữ “rút mũi tên ra”. Theo ông, đền thờ Đa giáo không chỉ chứng minh quan niệm tôn giáo của Giáo sĩ mà còn là bằng cớ của một xứ sở dân chủ. Thảng hoặc, ông cũng ghé lại quán bar, mỉm cười trước câu hỏi của chủ quán, uống một ly bia, ngồi nhìn ra miền biển thăm thẳm trước mắt, mặc cho bao sự ồn ào qua lại của đám khách du lịch. Theo nhà báo, người đàn ông châu Á này có một sức lôi cuốn đặc biệt, gần như không thể lý giải. Nhà báo kể rằng mình đã giở một chút mẹo của nghề để thử dò tìm về ông ta. Qua câu chuyện bâng quơ về trời đất, sông núi, trăng sao, bão gió, động đất, sóng thần… nhà báo đồ rằng ông từng là một chuyên gia trong ngành vật lý, nhiều khả năng là vật lý địa cầu. Thế nhưng khi đến nơi này ông chỉ quẩn quanh bên vài ba người bạn ở vòng tròn thứ tư trên đảo quốc. Khi nghe nhà báo hỏi về cuộc sống và công việc trước khi đến đảo, ông cười nhẹ, việc đó đâu có chi quan trọng. Ông hơi cúi xuống như nghĩ ngợi điều gì rồi ngẩng lên, khuôn mặt bừng sáng, gió, điều quan trọng nhất chính là gió, vâng, bạt ngàn gió. Nhà báo viết, không hiểu vì sao, anh ta thấy nổi gai ốc khi nghe từ gió thốt ra từ người đàn ông nọ. Ngoài ảnh phong cảnh, nhà báo ghi được khá nhiều chân dung, trừ hai người là Giáo sĩ và ông. Giáo sĩ mỉm cười, đưa tấm bảng có hai chữ xin lỗi ra trước mặt, còn người đàn ông châu Á nhã nhặn từ chối, xin để lần khác. Bài báo kết thúc: “Tôi ngờ rằng có nhiều bí mật bên trong con người này và trong cảm thức đặc biệt của ông ta về gió. Tôi không hỏi tên ông, quê quán của ông vì nghĩ rằng điều đó không còn quan trọng nữa, với ông và có thể cả với tôi. Còn bạn, người đang đọc bài báo này, bạn có quyền mong mỏi nhiều hơn thế. Tôi lưu trong máy tính chữ Gió để nhớ đến ông. Chắc chắn tôi sẽ quay lại Đảo xanh ít nhất là một lần nữa và hy vọng tôi có thể khiến bạn vừa lòng hơn”. Bà có cảm giác đây là những lời viết cho riêng bà. Bà gấp tờ báo, nắm chặt nó trong tay như sợ có ai cướp đi mất, thì thầm, là ông, chắc chắn là ông.
Bà không đưa bài báo cho con trai. Bà cất nó trong cuốn album gia đình, bên cạnh bức thư từ biệt, rồi lần xem lại các bức ảnh ngày còn trẻ của ông, những bức ảnh đen trắng đã hơi ngả vàng, đôi chỗ có những đốm nổ nho nhỏ. Bà đưa ngón tay run run sờ nhẹ lên ảnh, cố nhìn sâu vào đôi mắt của ông. Lần đầu tiên bà nhận ra ánh phiêu lãng trong đôi mắt đang đăm đăm đáp lại cái nhìn của bà.
Trong truyện có nhắc đến tiểu thuyết Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái, NXB Trẻ, 2012.
Y.N
________________
5. Một tộc người sống ở Hoa Kỳ nhưng chối bỏ những thành quả của công nghệ hiện đại. Họ giữ những lề thói riêng, không sử dụng máy móc, không đi bầu cử, không nhận trợ cấp, con cái không học trường công, không giao dịch với ngân hàng…
(daibieunhandan.vn)