Văn chương người cùng thời - Đặng Hiển

29.12.2015

Văn chương người cùng thời - Đặng Hiển

Nếu đặt "Văn chương, cảm nhận & bình luận" (NXB Hội Nhà văn, 2011) bên cạnh "Văn chương người cùng thời" (NXB Hội Nhà văn, 2015) sẽ thấy Đặng Hiển là cây bút đa năng, phóng chiếu bút lực trên nhiều lĩnh vực thơ ca, văn xuôi, kịch, lý luận phê bình văn học. "Văn chương người cùng thời" là tập tiểu luận - phê bình văn học thứ sáu của một nhà văn U80. Là đồng nghiệp của ông, tôi thực sự khâm phục tinh thần dấn thân vì nghề văn của một nhà văn - nhà giáo mẫu mực, một ngòi bút tận tụy với nghề văn, một nghề có thể mang lại vinh quang thì ít mà lao động con chữ khổ sai thì nhiều.

Đọc Đặng Hiển, trước hết tôi thấy trội lên và vượt lên là một ngòi bút duy tình, dẫu là viết lý luận phê bình như người ta nói cần đến tư duy logic, đến suy xét, phán đoán. Trước hết là cái tình với truyền thống văn chương quê hương "Hà Tây quê lụa" (từ năm 2008 nhập vào Hà Nội), với Xứ Đoài. Tập tiểu luận - phê bình văn học mới của Đặng Hiển dày hơn 500 trang, với tổng số 77 bài viết, trong đó có 60 bài về tác giả, có 35 tác giả quê Hà Tây (cũ), trong đó có Đinh Hùng, Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vân Long, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Đinh Nam Khương, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Khải, Chu Thị Thơm, Lại Hồng Khánh, Đỗ Doãn Phương,… bên thơ. Bên văn có: Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Bùi Bình Thi, Khổng Minh Dụ, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Bắc Sơn, Hòa Vang, Tạ Duy Anh, Phạm Duy Nghĩa,… 

Có những người đứng "giữa đôi bờ văn thơ" như Nguyễn Thị Ngọc Hà - người đã sở hữu bốn tập thơ, hai tập truyện ngắn, một tập tản văn và một tiểu thuyết có dư ba trong lòng độc giả. Lại có những người "ba trong một" như Hữu Đạt - cùng lúc viết văn, làm thơ và nghiên cứu, phê bình văn học. Viết về họ, Đặng Hiển chỉ chú tâm "lẩy" ra cái nguồn mạch tình cảm trong sáng tác của mỗi người.

Chẳng hạn Đặng Hiển bình rất ngắn bài thơ "Không đề" của Quang Dũng: "Một bài thơ tình - nhớ và gặp lại mối tình đầu. Bài thơ chân thật mà trong lành, cao đẹp, đẫm tình yêu, tình yêu tuổi trẻ, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu đầu đời". Đặng Hiển đã quan tâm tới những người viết mà ngay lúc mới xuất hiện đã gieo vào lòng độc giả nhiều kì vọng, như trường hợp Phạm Khải, một ngòi bút có sức bền. Trong bài: "Phạm Khải, một tài năng phát triển sớm" Đặng Hiển đã thấu tình khi nhận xét: "Thơ Phạm Khải hướng nội ngay từ lúc bắt đầu làm thơ (…). Tác giả đã sớm có cảm thức về thời gian và đã có những sáng tạo về tứ". Nhận định đó làm phát lộ được thần thái một cây bút thịnh vượng nội lực. Nói Đặng Hiển duy tình cả lúc viết lý luận phê bình là có cơ sở.

Trong bài "Cảm nghĩ của một nhà thơ 3X khi đọc tập thơ đầu của một nhà thơ 8X", Đặng Hiển nhân đó nói về đường đời, đường thơ của Đỗ Doãn Phương (nhà thơ trẻ thế hệ 8X được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tập thơ "Hoan ca"). Vẫn lấy cái tình ra làm thước đo để đọc thơ đồng nghiệp nên tác giả đã nhìn thấy: "Bây giờ nói về thơ Đỗ Doãn Phương. Anh viết về cha trong bài "Sau bài hát của cha": "Tĩnh tinh tình, tình tính tinh tình/ Rừng bốc cháy dưới tán lá xanh đen/Tình tình tình, tính tình tinh tình/ Người hiện lên nhẫn nhục, già nua".

Tác giả cảm hiểu và cảm phục tính cách mãnh liệt của người cha đã trải qua một cuộc đời giông bão. Phương viết về mẹ, anh tưởng tượng có một cái mống đen ở chân trời, ngày càng to, đầy hăm dọa, nó đè nặng lên tâm hồn anh, và khi đó "mẹ gánh rời cả cái mống/ Trên mặt con nặng che" ("Cái mống"). Câu thơ ngắn mà công đức của mẹ với đời con thật lớn". Vì thế mà tôi gọi lối viết của Đặng Hiển là lối viết "chí tình" (sở trường), cái này nó lấn lướt cái gọi là "chí lí" (sở đoản). Rõ ràng là ở những bài luận chung về tình hình văn chương, hay một vấn đề của văn chương, Đặng Hiển đã rơi vào sở đoản (ví dụ kiểu bài như  "Suy nghĩ tiếp về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", "Văn chương và đạo đức", "Văn học nghệ thuật và việc xây dựng chủ nghĩa nhân cách cho con người Việt Nam hiện nay",…).

Đọc những bài kiểu này, thường thấy bật lên cái lí, cái đúng nhưng nghe có "vị" của cán bộ văn nghệ, làm công tác đường lối và chỉ đạo chung chung, dẫu ông viết rất nhiệt tình và hăng say! Mong sao Đặng Hiển cứ tiếp tục sở trường của mình viết về bạn văn của mình bằng tất cả những cảm xúc chân thành nhất.     

Đọc "Văn chương người cùng thời" thấy rõ Đặng Hiển phát lộ khả năng phê bình cả trong lĩnh vực thơ, cả trong lĩnh vực văn xuôi. Dĩ nhiên thì Đặng Hiển vẫn nghiêng hơn về phê bình thơ. Có lẽ trước hết vì ông là tác giả của mười tập thơ nên sự thẩm thơ khá thuận lợi. Làm thơ đòi hỏi cảm xúc cao độ, tinh tế và sâu sắc. Ông mang cái sở trường ấy vào phê bình thơ. Khi viết về Nguyễn Quang Thiều, Đặng Hiển đã chia sẻ với độc giả những ấn tượng của mình về một người đồng hương làm thơ: "Tình yêu và niềm tin sự sống của Nguyễn Quang Thiều sâu sắc từ thơ bé, anh đã nghe tiếng dế kêu trong vườn, tiếng cá quẫy trên sóng, tiếng hạt thóc nảy mầm trên cánh đồng, cánh đồng quê anh nơi chiều chiều mẹ gánh lúa trở về, lưng có đẫm mồ hôi mà anh "dụi mặt vào", "mát một mảnh sông đêm".

Anh yêu mọi thứ từ quê hương từ chiếc kèn, chiếc trống, chiếc nhị thổn thức trong đám tang (Âm nhạc) đến ngọn đền dầu ông bà để lại mà khi anh ra đời, mẹ đã để trước anh để anh "nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc" ("Bài hát về cố hương").

Đặng Hiển phê bình thơ có tình, có sắc thái trực cảm, đã đành. Tôi vẫn nói vui ông là người biết "bắn súng cả hai tay". Có thể nói phê bình văn xuôi của ông vẫn sắc nét như những bài viết về Trần Dần, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Phượng Vũ, Nguyễn Trí Huân, Khổng Minh Dụ, Hòa Vang, Dương Duy Ngữ, Khuất Quang Thụy, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Duy Nghĩa,…Đặng Hiển nhận xét chính xác và tinh tế về "chất cổ tích", "chất kỳ ảo" và "chất thơ" trong truyện ngắn Hòa Vang. Phê bình văn xuôi của Dương Duy Ngữ, Đặng Hiển đã định vị bạn văn: "Dương Duy Ngữ nhà văn của văn hóa làng Việt Nam".

Ngay cái nhan đề bài viết đã giúp độc giả đã nhận ra cái tứ của bài viết của Đặng Hiển - ông muốn gợi lên mối quan hệ giữa văn hóa và văn học. Dương Duy Ngữ nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tập truyện "Người trồng địa lan". Đặng Hiển đã chớp được cái thần của tập sách này: "Thế mới biết hoa và người có sợi dây linh cảm gắn bó. Sự gắn bó từ tình yêu con người đối với thiên nhiên, đối với thực vật, đối với môi trường sống của chính mình cũng gắn với quan niệm vạn vật hữu linh, hiểu theo nghĩa vạn vật đồng sinh, tương tác vì cũng là biểu hiện của sự sống như những nhánh cây cùng nảy lên từ gốc". Tôi nghĩ viết về bạn bè văn chương như thế không chỉ là tri âm tri kỷ mà còn là sự đọc và ngẫm ngợi kỹ lưỡng, thấu đáo (là vì trong thực tế không ít trường hợp người phê bình đọc văn lớt phớt).

Có một nguyên tắc, kể cả toàn tập, không phải là bất cứ cái gì được viết ra đều có thể tập hợp lại trong một khối. Một cuốn sách ra đời là ánh phản sắc diện chủ sở hữu nó. Sẽ có người cho rằng Đặng Hiển quá ôm đồm (vì đưa vào sách 77 bài viết trong ba năm 2012-2014). Điều ấy đúng. Theo tôi, giá như tác giả mạnh dạn lược bỏ bớt những bài có tính chất "khái luận" về văn học, thì tập sách sẽ sáng rõ hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng như người ta nói vì hai chữ "giá như" mà thậm chí lịch sử có thể thay đổi, huống hồ gì văn chương. Nói thế nhưng riêng tôi vẫn trân quý sức làm việc tận tụy của Đặng Hiển, một trong những "chiến binh" của thê đội U80 vẫn đang nồng nhiệt yêu mến văn chương của những người cùng thời.

Hà Nội, tháng 11-2015
Bùi Việt Thắng
(nhavantphcm.com.vn)