Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá

30.03.2016

Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá

Đó là vấn đề học thuật trọng tâm của cuốn sách Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá, dày 799 trang, vừa được NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ấn hành.

Công trình do Đoàn Lê Giang và Trần Thị Phương Phương tuyển chọn từ hơn 80 tham luận của nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong nước và nước ngoài gửi tới Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá thế kỷ XXI (do Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 12 năm 2013). Hội thảo cũng là một trong những sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2013).

Sách gồm 3 phần: Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh khu vực Đông Á tiền hiện đạiVăn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá thời hiện đạiLý thuyết nghiên cứu và văn học dịch. Các bài viết tập trung nghiên cứu về quá trình hình thành không gian văn học chung có tính chất khu vực Đông Á, quá trình hiện đại hoá có tính cách toàn cầu của văn học Việt Nam và Nhật Bản qua nhiều hiện tượng văn học tiêu biểu, thú vị.

Những vấn đề có tính chất lý thuyết và thực tiễn của hoạt động sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học của Việt Nam và Nhật Bản đã được đặt ra. Trên con đường đi đến những giá trị toàn cầu, văn học Việt Nam và Nhật bản sẽ phát triển thế nào? Để góp phần thúc đẩy nền văn học Việt Nam hội nhập, phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta cần chuẩn bị gì, học tập và rút được kinh nghiệm gì từ thực tiễn văn học Nhật Bản?

Toàn cầu hoá vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Trong lĩnh vực văn học, rộng hơn là văn hoá, toàn cầu hoá không hề tiêu diệt bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc, mà ngược lại càng góp phần làm sâu sắc hơn. Toàn cầu hoá chính là sự tổng hợp những giá trị mà mỗi cá nhân và mỗi dân tộc mang đến cho cộng đồng nhân loại. Đó cũng là niềm tin về một con đường thênh thang của văn học trong thời đại toàn cầu hoá mà những người góp mặt trong Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hoá đã thể hiện qua các bài viết.

Phan Mạnh Hùng
(nhavantphcm.com.vn)