Vài cảm nhận về nhà thơ Trinh Đường - Nguyễn Thị Hồng
Trinh Đường tên thật là Trương Đình, sinh ngày 1.1.1917 trong một gia đình nho học ở làng Phú Xuân, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vùng đất nằm dưới chân Núi Ngang, một nhánh của dãy Trường Sơn.
Quê hương ông là nơi có truyền thống hiếu học. Chịu ảnh hưởng của gia đình, nhất là người cha, Trinh Đường từ nhỏ theo học chữ Nho, yêu thích thơ Đường và thơ của các bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... Sau này, ông được tiếp xúc và học thơ Pháp, thơ phương Tây.
Ngay từ khi còn niên thiếu, Trinh Đường làm thơ rất nhiều. Dầu vậy, ông chưa công bố các tác phẩm của mình bởi ông chưa hài lòng với những bài thơ mà mình đã làm. Trong bản tự thuật của ông lưu ở văn phòng Hội nhà văn, có ghi rõ: “Từ mười hai, mười lăm tuổi đã họa thơ với các cụ đồ nho, cho liễn đối và viết văn tế cho bà con trong vùng. Mười lần hơn, đốt mười tập thơ, vì chưa thỏa mãn với mình sau khi đọc câu thơ Đường: Thi bất kinh nhân tử bất hưu (chưa viết được câu thơ động lòng người thì đến chết cũng chưa chịu nghỉ)”. Nhưng trớ trêu thay, khi ông vừa hoàn thành bản thảo một tập thơ mà ông tâm đắc thì bị giặc đốt cả nhà lẫn bản thảo.
Lúc nhỏ, ông chuyên đọc sách và luyện tập võ nghệ vì theo ông, đã là đấng nam nhi sống vào thời kỳ đất nước lâm nguy thì phải dấn thân vào con đường cứu nước. Vì thế năm 25 tuổi, ông đã tham gia Việt Minh. Sau vài năm công tác ở Khu 5, làm Ủy viên trinh sát huyện rồi làm thư ký Đoàn văn hóa kháng chiến tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ 1947 đến 1954, bên cạnh làm hoạt động văn học, ông còn tích cực tham gia chiến dịch với bộ đội, hòa mình vào không khí hừng hực toàn dân kháng chiến để sáng tác, phục vụ cách mạng và kháng chiến. Trong thời gian này, ông hăng say làm những bài thơ dễ hiểu để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
Sau khi hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc tích cực hoạt động văn học nghệ thuật và dành nhiều thời gian để đi thực tế sáng tác. Càng tiếp xúc thực tế thì ông càng đổi mới cách viết. Thời gian này, ông thường viết về đề tài cách mạng kháng chiến.
Những năm sau này, ông đi thực tế nhiều hơn. Ông đã từng gặt lúa cùng với bà con nông dân, từng xúc than với công nhân vùng mỏ, từng ngủ hầm, sống với công nhân sửa cầu. Ông muốn tận mắt chứng kiến thực tiễn chiến tranh để đưa vào thơ. Ông thử bút ở nhiều thể loại: thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 8 chữ, thơ văn xuôi, trường ca,…; từ thơ cổ vũ kháng chiến, xây dựng hậu phương đến thơ tình. Lần lượt các tập thơ ra đời: Hạt giống, Thủy Triều, Bạch Đằng tráng khúc, Điện Biên Phủ trên không, Về Thanh…Vào thời gian này, thơ ông đầy nhựa sống, nhiệt huyết nhưng cũng lắm lúc suy tư, tự vấn, suy ngẫm về chiến tranh, về cuộc đời.
Từ năm 1981, ông về hưu. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn đi nhiều nơi để sáng tác. Lấy cảm hứng về đề tài chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cùng với những suy nghĩ về cuộc sống và nghệ thuật ông cho ra mắt tập thơ Giao mùa. Tập thơ có nhiều bài chất lượng như: Apa Chải, Xem tranh làng hồ, Cỏ Bồ Đề, Ra cửa… Tiếp theo là tập thơ Mũi Cà Mau. Đây là tập thơ văn xuôi, miêu tả vẻ đẹp của vùng đất cực nam tổ quốc.
Thơ ông có sự chuyển hướng rõ rệt. Những tâp thơ ra đời vào thời gian này như Quán trọ, Hội hóa trang, Hành trình, Trò chơi phù thế đều mang tâm sự ưu uất. Qua những tập thơ của ông, có thể nói, ông là một người yêu thơ, say mê tìm cái mới trong nội dung và cách thể hiện.
Song song với Thơ ông còn sáng tác truyện, viết tiểu luận, bình thơ và chân dung văn học. Đặc biệt truyện của ông mang đậm chất thơ, mang tính chất tưởng tượng kỳ ảo, tình tiết truyện cuốn hút người đọc.
Trinh Đường là người rất ham học hỏi. Ngoài những gì ông tự học, ông còn đi sục tìm thơ hay trong quá khứ cũng như thơ của những người cùng thời. Ông đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương để học hỏi những cái hay, cái đẹp và truyền đạt cho bạn thơ của mình. Ông viết chân dung văn học của những nhà thơ lớp trước hay đương thời như Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Anh Thơ, Huy Cận…Ở mỗi nhà thơ, ông luôn tìm ở họ một nét nổi bậc để nêu lên nhận định của riêng mình trong bài viết.
Nói đến Trinh Đường, ta không thể không nói đến thơ dịch và bình thơ. Vốn là người tiếp xúc và tiếp thu thơ của các nhà thơ xưa và thơ phương Tây từ nhỏ nên trong lời bình hay tiểu luận ta thấy luôn ông khẳng định vấn đề truyền thống và hiện đại. Theo ông thì văn học phải giữ vững truyền thống, không nên làm nhòa đi bản sắc dân tộc nhưng bên cạnh đó cũng phải thể hiện được tính hiện đại nếu không sẽ lỗi thời.
Bên cạnh việc sáng tác, Trinh Đường là người luôn quan tâm chăm chút, phát hiện, nâng đỡ, dìu dắt một thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ và những cây bút mới sau 1975. Ông cho ra đời tuyển tập thơ Những gương mặt thơ mới – tuyển chọn những tác giả thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ trong toàn quốc. Đây là tuyển thơ làm tiền đề cho tuyển tập Một thế kỷ thơ Việt, mà ông đã dày công tổ chức bản thảo. Bên cạnh đó, ông tham gia vào việc biên soạn nhiều tập sách có giá trị như: Làm thế nào để có thơ hay, Thơ thế kỷ XX - Tinh tuyển và bình…
Thơ ông có những tình cảm lớn của một người yêu quê hương đất nước, nỗi đau khi đất nước bị chia cắt và luôn khát khao cuộc sống hòa bình. Trở về với đời thường, thơ ông lại nhọc nhằn với những trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm của một người từng trải và thấu hiểu lẽ đời.
Trên chặng đường lao động nghệ thuật gần nửa thế kỷ tìm tòi và sáng tạo, dù chưa vươn tới đỉnh cao nghệ thuật thơ ca, nhưng sự nghiệp sáng tác của Trinh Đường đã để lại những dấu ấn nhất định trong suốt hành trình sáng tạo của mình.
N.T.H
Tác phẩm Trinh Đường:
- I. Thơ
- Hoa gạo – NXB Văn học 1960
- Hạt giống – NXB Văn học 1964
- Thủy triều – NXB Văn học 1968
- Bạch Đằng tráng khúc (Trường ca), Sở văn hóa Hồng Quảng 1964
- Về Thanh, Sở văn hóa Thanh hóa 1968
- Giao mùa, NXB Hội nhà văn 1980
- Quán trọ, NXB Lao động 1984
- Hội hóa trang, NXB Thanh niên 1990
- Cà Mau, (Trường ca), NXB Mũi Cà Mau 1992
- Hành trình, NXB Thanh niên 1995
- Trò chơi phù thế, NXB Thanh niên, 1996
- Điện Biên Phủ trên không, NXB Đà Nẵng 1997
II. Văn xuôi
- Ngày và đêm một lứa đôi, NXB Đà Nẵng 1988
- Cây thiêng - truyện thiếu nhi
III. Lý luận phê bình – biên soạn
- Ngày hội thơ, NXB Văn học 1994
- Những gương mặt thơ mới (Tập 1,2), NXB Thanh Niên 1994
- Một thế kỷ thơ Việt (tập 1), NXB Văn hóa 1995
- Thơ và tuổi học trò, NXB Lao động 1994