Hiện thực là cái nằm sau hiện thực - Nguyễn Thanh Tuấn

19.06.2013

Hiện thực là cái nằm sau hiện thực - Nguyễn Thanh Tuấn

(Ngẫm nghĩ về tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung)                                                  

 

                Chúng ta đã quá quen thuộc với Trương Đăng Dung - một nhà khoa học nghiên cứu văn học. Tuy vậy, khi tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2011 ra đời thì độc giả thật sự ngỡ ngàng và hoàn toàn choáng ngợp. Ngỡ ngàng không phải vì lần đầu tiên được đọc những vần thơ độc đáo của nhà lý luận này mà vì nó mang đến cho người đọc nhiều khoái cảm thẩm mỹ sâu sắc. Người đọc còn thực sự choáng ngợp bởi: thời gian thơ có sức ám ảnh lạ thường, không gian thơ lạ hóa - mơ hồ, hệ thống biểu tượng thơ bắt nguồn từ chủ thể nên không còn điểm tựa ở thế giới hiện thực mà phụ thuộc vào trí tưởng tượng và quan điểm nhà thơ… Điều đặc biệt nhất trong số ấy là thế giới hiện thực. Hiện thực trong thơ Trương Đăng Dung không đơn giản là “cái có thật, tồn tại trong thực tế” (Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2009) mà là thứ hiện thực đã bị đảo lộn, lắp ghép, xoay chiều, và kết nối ngầm một cách phi logic. Vì thế hiện thực trong thơ ông là cái hiện thực nằm sau hiện thực.

“Thấy không em đường chân trời trước mặt?

Anh đã từng đến đó trong mơ

Có khi như Jesu đi trên mặt nước

Lòng anh cao thượng, sáng trong,

Có khi như một tên tội phạm

Anh bước đi uất hận trong lòng,

Có khi như một đứa trẻ

Anh hân hoan, ngơ ngác, chờ mong...

 

Anh đã thấy những người dị dạng

Dang tay đòi hái mặt trời,

Những bóng ma thọt chân, lang thang

Đòi trở về quê cũ.

Và những đội quân không mũ

Tay súng, tay đao chân bước thụt lùi,

Những nhà thơ chống gậy đứng cười

Trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện”...

                                                           (Chân trời)

Bằng tư duy duy lý, ta có thể lôi ra một đống hiện thực: “tên tội phạm”, “đứa trẻ”, “người dị dạng”, “mặt trời”, “đội quân không mũ”, “súng”, “đao”, “nhà thơ”, “con trâu”, “mạng nhện”… Nhưng đây là thứ hiện thực đã bị đập phá tung tóe, sau đó được lắp ghép lại một cách ngẫu nhiên. Người đọc sẽ không cảm nhận hết những chiều kích khác nhau của thơ, không giải được những mã phức tạp mà nhà thơ đã mã hóa trong thơ nếu chỉ tiếp nhận bằng tư duy logic. Thơ Trương Đăng Dung bắt buộc người đọc phải đi tìm những kết nối gần từ những hiện thực đã bị đảo lộn hỗn độn. Không những thế, chúng còn tồn tại trong màn mờ của những giấc mơ và những phút tự động tâm linh. Lúc này người đọc trở thành “người đồng sáng tạo nên họ cũng phải nỗ lực ngang bằng với nhà văn”. Như vậy, hiện thực không phải là thế giới mà ta đang sống với những tồn tại và trật tự logic rõ ràng như tư duy duy lý và triết học duy vật. Anh không hoàn toàn cao thượng, trong sáng “như Jesu đi trên mặt nước”, cũng không hoàn toàn là “một tên tội phạm” “bước đi uất hận trong lòng” hay “một đứa trẻ” “hân hoan, ngơ ngác, chờ mong”… Anh chính là sự tổng hòa, sự cộng hưởng của tất cả các thứ vừa kể trên. Anh cảm nhận hiện thực vừa là “những người dị dạng”, vừa là “những bóng ma thọt chân”, vừa là “những đội quân không mũ”, vừa là “nhà thơ chống gậy đứng cười”, vừa là “con trâu mông dính đầy mạng nhện”. Những hình ảnh đối lập nhau tồn tại trong những không gian và thời gian rất khác xa nhau lại được sắp đặt ngay bên nhau như một định mệnh và luôn kết nối ngầm tạo ra nhiều xúc cảm độc đáo nhưng phức tạp.

“Bao năm rồi anh tìm em

trong những bình minh không có mặt trời

trong những lâu đài chỉ có cánh dơi

trong những giấc mơ không đầu không cuối.

 

Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời

sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,

anh hỏi ngọn núi

núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,

anh hỏi con người

người trả lời anh bằng nước mắt rơi”!

                                                (Ảo ảnh)

Tất cả chỉ là ảo ảnh, là hư vô thôi ư? Thơ mang đến cho ta quá nhiều hụt hững. Ta mệt nhoài trong những cuộc tìm kiếm vô biên, ta vùng vẫy, ngụp lặn trong những giấc mơ để cuối cùng nhận lấy hư vô. Không thể như vậy được vì thơ Trương Đăng Dung không phải là thứ thơ đơn giản và dễ dàng. Nếu tư duy giản đơn, ta sẽ thấy chúng vô nghĩa, vô lý nhưng chính cái vô nghĩa, vô lý ấy lại lôi cuốn, lay động và khơi gợi trí tò mò vô cùng. Điều này buộc chúng ta phải suy ngẫm, phải tưởng tượng, phải vận dụng mọi khả năng tư duy để tìm ra những manh mối về sự kết nối ngầm trong thơ. Một khi đã tìm ra và thiết lập được mạng lưới liên kết, người đọc dần nhận ra tất cả những cái phi lý, hư ảo dần mờ đi và lùi sâu về phía sau nhường chỗ cho một hiện thực mới. Đó chính là những mong ước, những khát khao cháy bỏng về tình yêu, hạnh phúc, gia đình của con người. Ta mải mê đi tìm tận nơi nào xa lắm, “nơi bình minh không có mặt trời”, ở “những lâu đài chỉ có cánh dơi”, và “trong những giấc mơ không đầu không cuối” nhưng kết quả cuối cùng chỉ là một dấu hỏi lớn mà không ai có thể trả lời. “Sông chỉ biết trôi”, “núi chỉ biết ngồi”, “người trả lời anh bằng nước mắt rơi”. Cuối cùng chỉ có chính ta mới có thể cứu ta khỏi bế tắc này.

“Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa

để kéo dài sự sống?

anh vẫn muốn bị lừa

để chiếm chỗ bóng đêm

để có em vĩnh viễn”!

                         (Anh chiếm chỗ bóng đêm)

                Ta chợt nhận ra trong sự bất lực và hụt hững của hơi thơ là khao khát được thâm nhập vào tận cùng nội giới của những mong manh, hư ảo, những giấc mơ, những khoảnh khắc tự động tâm linh và những phút giao thoa, xâm lấn giữa ý thức và tiềm thức, giữa thực và hư để nắm bắt một cách tinh tế những kết nối ngầm giữa những mảnh hiện thực đã bị đảo lộn, xoay chiều để tìm ra hiện thực đích thực. Hóa ra tất cả chúng ta đang phải chơi trò chơi lừa dối do tự nhiên bày ra mà ta ngây thơ không hề hay biết. Rõ ràng “chúng ta đang bị tự nhiên lừa” vì những thứ đang tồn tại ngay trước mặt ta, ta nhìn thấy, sờ thấy, ngửi được nhưng thực ra không phải vậy. Chúng luôn vận động và biến đổi không ngừng. Chúng của một phút trước không còn là chúng của một phút sau… Không còn cách nào khác “để kéo dài sự sống”, chúng ta “vẫn muốn bị lừa” “để có em vĩnh viễn”, để có hạnh phúc mà lâu nay ta cất công đi tìm. Chỉ có những người có đủ bản lĩnh liên kết những kết nối ngầm mới tìm ra được hiện thực đích thực là cái nằm sau hiện thực và không bị lừa.

“Ngôi nhà muốn bay

con đường muốn trôi

dòng sông muốn dựng ngược

các sự vật muốn được gọi tên

các sự việc muốn có đời sống mới”

                                   (Thỏa thuận)

                Bản chất của hiện thực là vậy, không có gì chắc chắn, không có gì bất biến mà luôn tồn tại trong tư thế chênh vênh, chới với chơi vơi và luôn sẵn sàng phủ nhận lại chính nó để thiết lập một trật tự mới. Các mảng hiện thực luôn thẩm thấu, xuyên thấm và xâm thực lẫn nhau tạo ra nhiều khoảng trắng, khoảng mờ, khoảng lặng và những đoạn bỏ ngõ có khả năng dung chứa nhiều tầng nghĩa, nhiều cách hiểu và cách cảm nhận khác nhau. Đây là lối thơ tiết chế cảm xúc bằng sức mạnh của siêu nghiệm để thay vào đó những hình ảnh gián đoạn, bất chợt, phi lý tính: “nhà muốn bay”, “đường muốn trôi”, “sông muốn dựng ngược”…

“Ở New York chiều chiều

những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông

cứu những con chim sẻ.

 

Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng

người nằm ngáp

trâu xếp hàng mua cỏ.

 

Ở Matxcơva những thiếu phụ da vàng

chơi với hổ

trên quảng trường ngập nước.

 

Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình

không có miệng

huơ tay chào khán giả”…

                                (Giấc mơ của Kafka)

Hãy khám phá những giấc mơ, hãy đi sâu vào những phút tự động tâm linh, hãy bám lấy những siêu cảm giác trong ta, hãy đi vào tận cùng của hư ảo, của ký ức để khám phá và phát hiện ra những điều bất ngờ và tuyệt vời thú vị. Kiểu tư duy này hoàn toàn đối lập và khác lạ với kiểu tư duy duy lý vốn đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc giải thích những giấc mơ, tâm thức, tiềm thức của con người từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tất cả đều chống lại tư duy duy lý. Đây là một cách viết không thể sáng tạo hơn được nữa. Với sự sáng tạo và thành công trên nhiều phương diện, khi mới ra đời, ngay lập tức, tập thơ nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Nó có sức quyến rũ mạnh mẽ với thủ pháp tạo hình theo phương thức lạ hóa, mơ hồ hóa để bắt buộc người đọc phải vận dụng mọi khả năng tưởng tượng và kết nối của mình để tìm ra hiện thực nằm sau những hình ảnh vô lý và vô cùng nghịch dị: “những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông”, “người nằm ngáp/ trâu xếp hàng mua cỏ”, “ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình/ không có miệng”…

“Có những mùa hè không nắng

và mùa thu không trăng

thời gian đi trên những lối mòn không thể thấy

 

Em đừng ngoảnh lại

cứ để những chuyến tàu chạy ngược chiều ký ức

không bao giờ vào ga

những gương mặt người lướt qua

như con số đếm giây trên đồng hồ điện tử”.

                                     (Thành phố phía chân trời)

Thơ Trương Đăng Dung có những bài không thể hiểu mà chỉ có thể cảm nhận được bằng siêu nghiệm. Nhà thơ viết nó không chỉ bằng lý trí mà bên cạnh nó có sự đóng góp rất lớn của của siêu nghiệm và trực giác nên chỉ có thể cảm nhận được bằng siêu nghiệm. Đây là một bất lợi đối với những người đọc giản đơn nhưng chính nó lại là một giá trị cực kỳ quan trọng và mới mẻ đối với người đọc thông thái với bản lĩnh văn chương, khả năng siêu cảm và đặc biệt là khả năng nắm bắt những kết nối ngầm. Chính nó giúp cho thơ Trương Đăng Dung hấp dẫn mà vô cùng sâu sắc, gần gũi nhưng không hề đơn giản. Thơ dung chứa nhiều cách cảm, cách đọc. Nó luôn trong tư thế tạo nghĩa và phái sinh cảm xúc.

Rõ ràng hiện thực trong thơ Trương Đăng Dung không đơn giản là cái hiện hữu như chúng ta đang thấy mà nằm sau chúng là một hiện thực khác. Đó mới chính là hiện thực đích thực và vĩnh cửu. Bằng những khám phá và sáng tạo đột phá trong nghệ thuật của mình, Trương Đăng Dung mang đến cho thơ một chiều kích mới, khám phá sâu hơn vào vùng bí mật của thơ ca để thơ không còn “mãi mãi là bí mật”(Thanh Thảo). Khám phá những giấc mơ, những giây phút tâm thức, tiềm thức với những hình ảnh và biểu tượng thơ mơ hồ, hư ảo, lắp ghép, xoay chiều, nghịch dị, phi logic để hướng đến xóa nhòa ranh giới giữa không gian, thời gian và thiết lập một hình thái mới, hình thái không-thời gian - một hợp chất mới, lạ, phức tạp, bất khả phân chia. Thế giới trở thành một thể thống nhất quá khứ, thực tại và tương lai, cõi người, cõi mộng. Muốn khám phá thơ Trương Đăng Dung bắt buộc người đọc phải vận dụng tối đa khả năng tư duy, sức tưởng tượng và năng lực tổng hợp để tìm ra những kết nối ngầm, phải lặp ngụp trong đống hiện thực đã bị đập vỡ vụn, xoay chiều và lắp ghép ngẫu nhiên để tìm ra hiện thực đích thực nằm sau hiện thực.