Những họa sĩ giải phóng ở chiến trường khu Năm - Giang Nguyên Thái

17.06.2013

Những họa sĩ giải phóng ở chiến trường khu Năm - Giang Nguyên Thái

 Tháng 10 / 1969, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội – tôi được Bộ Văn hóa cho vào chiến trường B1, khu Năm. Sau ba tháng luyện tập đeo gạch, đá ở trường Bồi dưỡng 105, trên vùng đồi núi ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, mùa đông năm 1969 chúng  tôi  lên đường. Hồi ấy, chiến tranh đang ở thời kỳ vô cùng ác liệt. Đâu cũng rền trời đạn bom khói lửa. Cũng như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khác, hàng năm trường Mỹ thuật đều gửi các họa sỹ đi vào chiến trường B, thâm nhập thực tế để lấy tài liệu sáng tác.

 Họa sỹ Nguyễn Thế Vinh quê ở Quảng Ngãi, anh tốt nghiệp khoa Sơn mài. Năm 1966 anh trở lại chiến trường và công tác ở tiểu ban Văn nghệ, thuộc Ban tuyên huấn khu Năm. Cùng đi chuyến này có họa sỹ Xu Man, Họa sỹ Hồ Thu ( Hồ Đức Bình ), Họa sỹ Phạm Dân, họa sỹ Ngô Văn Riễn. Anh Xu Man vào thẳng Ban Tuyên huấn tỉnh Kon Tum, Hồ Thu và Phạm Dân về Quảng Ngãi, Ngô Văn Riễn đi lên Gia lai. Anh Vinh và anh Xu Man đã đi thực tế ở nhiều địa phương trong vùng giải phóng. Các anh đã ghi chép được khá nhiều ký họa đẹp về cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, về hình ảnh các anh du kích, các chiến sỹ Quân Giải phóng ở chiến trường khu Năm. 

Tháng 11 năm 1967 trường Mỹ thuật lại gửi hai họa sỹ Trần Hữu Chất ( Hồng Chinh Hiền), Trần Thăng Giai (Trần Việt Sơn) vào Tiểu ban Văn nghệ khu Năm, Anh Chất là họa sỹ sơn mài, anh Việt Sơn là họa sỹ trang trí.Trường Mỹ thuật Công nghiệp cử nhà điêu khắc Phạm Hồng và họa sỹ Đức Hạnh vào chiến trường. Anh Phạm Hồng vào công tác ở Ban Tuyên huấn khu Năm. Một thời gian sau anh được về làm việc ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam. Anh Đức Hạnh thì về thẳng ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đà. Ngoài sáng tác mỹ thuật, họa sỹ Hồng Chinh Hiền còn là một nhà thơ tài hoa. Tập thơ  Đá trắng anh sáng tác trong thời gian này. Họa sỹ Hồng Chinh Hiền ở Khu Năm chừng hơn một năm thì trở ra miền Bắc vì sức khỏe anh rất kém. Tới cuối năm 1968 họa sỹ Hà Xuân phong và họa sỹ Trần Hoàng Sơn vừa tốt nghiệp khóa Lụa – Khắc gỗ thì được cử vào bổ sung cho Văn nghệ khu Năm. Anh Hà Xuân Phong ở Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng, anh Trần Hoàng Sơn  sang quân khu làm họa sỹ quân đội. Bên Quân khu còn được bổ sung Đỗ Sơn, Lê Hải Anh, Hoàng Công Thị, Phạm Mùi ở Quảng Ngãi, anh Lý Châu Hoàn ( Lại Phú Oanh ) cũng vào rất sớm. Anh công tác ở báo Cờ Giải phóng khu Năm.

Lúc đó Tiểu ban Văn nghệ đang đóng ở gần sông Đak Pui ( tiếng dân tộc gọi là sông Lửa ) thuộc xã Giác Huyện, nam Trà My. Chia tay anh chị em cùng đoàn ở trạm đầu mối Quảng Nam, tôi và một số anh chị em ở lại khu Năm, một số khác đi lĩnh lương khô, gạo mắm bổ sung rồi tiếp tục lên đường. Kẻ vào khu Sáu, người đi Nam bộ,Tây Nguyên. Nằm chờ ở trạm giao liên hai ngày thì tôi được anh Thông, quản lý Tiểu ban Văn nghệ khu Năm đón về cơ quan. Hồi đó cả khu Năm đói to. Gạo miền Bắc không vào được vì đường giao liên 559 bị địch đánh phá rất ác liệt. Tiểu ban Văn nghệ toàn là những người ”làm văn, làm nghệ “ nên lại là nơi đói nhất. Chúng tôi phải ăn củ móng ngựa, ruột cây dớn, các loại rau tàu bay, môn thục, môn dóc, lá tai voi, măng rừng… lâu lâu có được vài lon gạo “ bọc thép” một loại gạo được trữ ở kho rất lâu, phải “ hầm “ thật kỹ cho nát toét ra mới ăn được, dăm củ sắn do cô Tam cấp dưỡng, cô Chi y tá đi mót được ở rẫy đồng bào dân tộc thì đã là quý lắm rồi.

Ở Nước Pui chừng hai tháng cơ quan lại phải di chuyển về vùng Nước Nghêu thuộc xã Poa của huyện Nam Trà.

Tới năm 1971 thì họa sỹ Nguyễn Xuân An được bổ sung vào làm việc ở Tiểu ban Tuyên truyền. An ở chiến trường khoảng  gần một năm thì hy sinh. Em bị sốt rét rừng ác tính và mất ở Dốc Voi vào giữa năm 1972, ( Năm 1998 gia đình đã đưa di cốt An về nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội ở thị trấn Văn Điển ). Tới năm 1972 thì Tiểu ban Văn nghệ đổi tên thành Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung bộ. Thời gian này, Hội Văn nghệ đóng ở vùng Dốc Voi. Giữa năm đó tôi ra đường giao liên đón một đoàn họa sỹ từ miền Bắc vào. Đó là các anh Triệu Khắc Lễ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Khắc Cường, Lê Văn Thìn, Trần Trung Chính, Lê Anh Tuấn, Trần Hữu Tri, Nguyễn Viết Ngọc, Phạm Văn Vết. Họa sỹ Nguyễn Thị Đến quê ở Bình Định, chị cũng vào khu Năm trong dịp này. Nguyễn Thị Đến đi cùng đoàn Văn công Giải phóng miền Nam. Chị là họa sỹ chính của đoàn. Nghỉ ngơi ở Dốc Voi một thời gian ngắn, một số họa sỹ được bổ sung về các tỉnh: Trần Trung Chính vào Khánh Hòa, Trần Anh Tuấn lên Kon Tum, Nguyễn Viết Ngọc đi Gia Lai, Trần Hữu Tri về Bình Định, Lê Văn Thìn xuống Quảng Nam…Riêng Phạm Văn Vết vì bị ốm nên được ở lại Khu với chúng tôi.

Ăn tết Nhâm Tý ở Nước Nghêu xong, làm sạch cỏ ngô, cỏ lúa cho hai cái rẫy quanh cơ quan, đầu tháng 3 năm 1972 tôi và nhà văn Nay Nô lên đường đi Kon Tum tham gia chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh.

Qua cầu treo sông Tranh, Nay Nô nhảy ào xuống tắm. Sông Tranh mùa khô tuy cạn  nhưng nước rất trong. Những tảng đá lớn mốc meo loang lổ, rêu bong ra từng mảng quăn queo. Tôi lấy màu, giấy ra vẽ. Từ Hội Văn nghệ Giải phóng khu Năm đóng ở vùng Nước Nghêu thuộc xã Poa tỉnh Quảng Nam, chúng tôi phải vượt qua trạm giao liên Ông Rộng. Ai muốn đi Bình Định, vào cực nam Trung bộ, vào khu Sáu, Khánh Hòa, vào Nam Bộ cũng đều phải đi qua trạm này. Ở trạm Ông Rộng tôi vẽ cho anh trạm trưởng một bức chân dung bằng màu nước. Tối hôm đó trạm đãi chúng tôi một bữa rượu đót với thịt rừng.. Ngày đi đêm nghỉ, giao liên các trạm thay nhau đưa đón chúng tôi. Lúc qua đỉnh Ngọc Linh mây mù sương phủ, nhà văn Nay Nô bảo : Đứng trên ngọn núi này có thể nhìn thấy Gia Lai quê anh. Biết Nay Nô nói dóc, nhưng thấy thương anh quá, vì từ năm 1954 tập kết ra Bắc, Nay Nô chưa một lần được trở lại quê hương! Một buổi chiều đi qua đường 19, Nay Nô nghe giao liên kể đây là con đường Trần Lệ Xuân sử dụng để vơ vét quế của đông bào Tây Nguyên. Mấy năm sống ở trên căn cứ, đi toàn đường rừng, leo đèo, lội suối, nay được đi trên một đoạn  đường nhựa, tôi bỏ dép đi chân không rồi nằm lăn ra mặt đường phẳng lỳ, mát rượi, sao mà sướng thế !

Chúng tôi đến Ban Tuyên huấn tỉnh Kon Tum – Chỗ chị Quế ( Vợ anh Hùm ở Tỉnh đội ). Nay Nô và tôi phải nằm chờ ngày chiến dịch mở màn. Tôi tìm đến chỗ họa sỹ Xu Man. Anh tên thật là Siu Dơng. Ở trường Mỹ thuật Hà Nội anh học trên tôi vài ba khóa và trở về Tây Nguyên khá sớm. Buổi chiều, anh đãi tôi và Nay Nô một bữa thịt chuột núi. Rượu sắn của đồng bào mà nhắm với thịt chuột núi thì tuyệt hảo! Họa sỹ Xu Man cho tôi ăn củ sắn còn ủ nguyên trong ché. Sắn chưa thành rượu, nom trong như màu hổ phách! Ăn vừa thơm, vừa ngọt mà cũng say ra trò. Xu Man cho tôi xem một số ký họa anh đã vẽ từ mấy năm nay. Với màu sắc đỏ, đen là chủ đạo, với nét vẽ khỏe khoắn, cuộc sống lao động và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên hiện lên sống động trên từng trang giấy. Xu Man đã truyền cho tôi cảm hứng và lòng say mê về con người và cảnh vật của vùng rừng xanh đất đỏ.

Ở Ban Tuyên huấn tỉnh, chúng tôi nhiều lần được nghe thời sự. Các anh bên Tỉnh Đội và Mặt trận sang nói chuyện về tình hình địch – ta, về tương quan lực lượng. Một buổi chiều, chúng tôi được lệnh xuống huyện 14 để chuẩn bị đi theo bộ đội du kích vào giải phóng Đắc Tô. Nằm ở trạm tiền phương cách Đắc Tô chừng 3 giờ đi bộ, tối hôm đó chúng tôi hồi hộp không sao ngủ được! Nghe tiếng bom, tiếng pháo, tiếng súng đạn bắn ầm trời. Khoảng gần sáng hôm sau, ngày 25 tháng 4 năm 1972 hai chúng tôi theo du kích và cán bộ vào Đắc Tô. Qua một con suối, mọi người dừng lại uống nước. Tôi vục một ngụm nhưng ói ra ngay, không sao uống nổi. Đi ngược suối chừng 200m thấy hai xác lính Ngụy chết trương phềnh giữa suối. Mọi người sợ quá móc họng nôn ra bằng hết! Đã có thông tin là Đắc Tô – Tân Cảnh hoàn toàn giải phóng! Vào đến thị trấn Đắc Tô thì trời vừa hửng sáng. Chúng tôi đi thẳng vào Dinh Quận trưởng Vi Văn Bảo. Tên Quận trưởng này cũng vừa lên trực thăng di tản. Trong nhà bừa bãi thức ăn, quần áo, súng ống, lựu đạn… vứt lung tung. Ngoài sân, cờ Giải phóng đã phấp phới bay trên nóc dinh quận trưởng.Thị trấn Đắc Tô vắng lặng, chỉ có bộ đội, du kích và cán bộ đi lại trên đường. Dân vẫn đóng cửa im ỉm. Đến trước cửa nhà thờ Tin lành, tôi vẽ ba nữ chiến sỹ biệt động. Ba cô còn rất trẻ, quần áo đen, mũ giải phóng, khoác AK báng gấp, thắt lưng gài đầy lựu đạn. Gương mặt trẻ còn đen sạm khói súng. Trông hiên ngang kiêu dũng và đẹp lạ lùng. Đã là mùa hạ, hoa phượng ở Tây Nguyên hình như thắm hơn hoa phượng ở Hà Nội. Sắc hoa đỏ thắm hòa với màu cờ giải phóng và băng rôn đỏ rực làm  sáng bừng thị trấn Đắc Tô.

Trong Tiểu khu quân sự, ở ngoài đường cái từ Đắc Tô tới Tân Cảnh xe Honda, xe gắn máy, xe Zeep, xe cam nhông vứt ngổn ngang đầy đường. Chúng tôi nhặt một cái Honda nữ màu xanh nằm lăn lóc ở vệ cỏ rồi  đèo nhau chạy suốt từ sân bay Phượng Hoàng tới Đắc Tô, Tân Cảnh, qua ấp Kon H’ring tới tận Võ Định, Trí Đạo gần thị xã Kon Tum.    

Từ Đắc Tô đến Tân Cảnh chỉ vài ba cây số, xác Ngụy nằm chết đầy đường, có xác đã khô queo! Cả đoạn đường bốc mùi khăm khẳm. Lúc này nhà văn Nay Nô đã đi về một xã người dân tộc. Nay Nô là người Tây Nguyên, thành ra anh nói tiếng K’Tu, K’Ho Xê Đăng rất nhanh.Tôi cùng Bùi Hoàng Chung, phóng viên Thông tấn xã đi về Ấp Kon H’ring. Tôi đi vẽ bộ đội và nhân dân Đắc Tô – Tân Cảnh. Dân mới được giải phóng nên còn e dè lắm. Đồng bào lúc đó phải sơ tán vào rừng. Bộ đội ta hàng ngày phải phân phát lương thực, gạo, muối cho bà con. Các bác sỹ quân đội phải thay nhau vào các làng sơ tán để cấp thuốc men và chữa bệnh cho dân.

Ban Tuyên huấn cho tôi một chiến sỹ bảo vệ người dân tộc Xê Đăng. Chiều tối ngày 27 – 5 – 1972 em về bảo tôi và Bùi Hoàng Chung: địch sắp ném bom hủy diệt ấp Kon H’ ring. Anh em mình phải ra khỏi ấp này ngay! Lúc chúng tôi ra khỏi nhà dân thì đã thấy rất đông người chạy túa ra đường. Già trẻ lũ lượt bồng bế dắt nhau chạy thẳng vào hướng rừng sâu trước mặt. Chúng tôi chạy được khoảng hơn một giờ thì ấp Kon H’ring bị đánh bom. Từng loạt bom lớn nhỏ nổ ầm ầm làm sáng rực cả một góc trời.  Chạy đã khá xa, thấy tạm an toàn nên chú bảo vệ đồng ý cho chúng tôi mắc võng ngủ rừng. Cả đêm hôm ấy ba anh em nhịn đói. May mắn sao, còn mấy phong lương khô, tôi lấy ra để mấy anh em lót lòng ăn tạm. Trưa hôm sau chúng tôi trở về ấp Kon H’ring. Ấp Kon H’ ring trù phú như vậy mà nay tan hoang không còn một nóc nhà. Vì đã được báo trước nên dân không mất một ai. Nhưng bò heo thì chết nhiều vô kể. Có con bò bị bom chặt gãy chân, mắt còn lờ đờ chưa chết hẳn!

Tôi ở Đắc Tô – Tân Cảnh tới gần sáu tháng mới về. Chuyến này tôi cũng ghi chép được khá nhiều ký họa. Vẽ ở làng nào, tôi đều bày tranh “triển lãm “ cho mọi người cùng xem. Lúc về đường xuống dốc nên đi rất nhanh.

 Cuối năm 1972 Đoàn Văn Nguyên đi vẽ ở Bình Định, Triệu khắc Lễ đi Phú Yên, Lê Khắc Cường đi Quảng Ngãi. Ở Dốc Voi cũng chỉ chừng vài ba tháng, sau khi đón đoàn họa sỹ mới được miền Bắc cử vào, Hội Văn nghệ lại chuyển về Trà My. Thời gian ở Trà My có lẽ là đông vui nhất. Hội Văn nghệ, phân xã Trung Trung bộ của Thông tấn xã chỗ anh Vũ Đảo, báo Cờ Giải phóng chỗ anh Đặng Minh Phương, anh Nhị, Tiểu ban Huấn học chỗ anh Thịnh, anh Lê, Tiểu ban Tuyên truyền chỗ anh Hoài Nam, anh Huỳnh Ngọc Lý. Các bộ phận như Điện ảnh khu Năm chỗ anh Đống, Đài Minh Ngữ chỗ anh Sinh, nhà in C9 cũng đóng quân với văn phòng Ban Tuyên huấn. Anh Sâm lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn Khu Năm, anh Hồ Dưỡng, anh Tám Nhớ, anh Huấn là phó ban.

Hội Văn nghệ luôn là nơi gặp gỡ của anh chị em viết văn, làm thơ, các họa sỹ ở các địa phương về, các nhạc sỹ và anh chị em ở đoàn văn công, bên điện ảnh, Thông tấn xã sang. Lúc này anh chị em văn nghệ cũng đã có gạo ăn, tình hình chung không đến nỗi căng thẳng như vài ba năm trước.

Sau Đại dạ hội Đoàn Thanh niên Giải phóng các cơ quan khu ủy ở Trà My, tháng 10 năm 1972 tôi  với hai nhà văn là Hoàng Sơn và Nguyễn Khắc Phục lại khoác ba lô, đeo cặp vẽ đi công tác. Chuyến này chúng tôi về thâm nhập thực tế ở chiến trường Quảng Nam- Đà nẵng, hồi ấy gọi là tỉnh Quảng Đà.

Vượt qua đèo Le, đèo Đá răm… chúng tôi về thẳng Ban Tuyên huấn tỉnh, chỗ anh Nguyễn Đình An, anh Hải Học. Cơ quan đang đóng quân ở vùng núi Mặt Rạn, Hòn Tàu, Núi Chúa. Tại đây, chúng tôi bị một trận B52 suýt chết. Sau đó chúng tôi về các xã Xuyên Thanh, Xuyên Hòa của huyện Duy Xuyên. Tôi đi theo các đơn vị bộ đội địa phương để vẽ về du kích và nhân dân vùng  giải phóng. Hoàng Sơn và Nguyễn Khắc Phục thì đi viết về dân bám trụ. Có nhiều ngày chúng tôi phải chạy giặc dưới những vạt bói dày ken sít vào nhau ở vùng Gò Nổi. Vùng này trước đây có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trù phú và nổi tiếng lắm. Du kích địa phương dạy tôi cách  nấu cơm trong mưa và chạy giặc dưới những vạt bói dày. Loại cây này hơi giống cây sậy, cao tới ba bốn mét, lá vươn dài, xanh mướt. Nấu cơm phải làm sao cho không có khói vì đồn giặc đóng ở sát gần. Lâu lâu chúng lại pháo kích ầm ầm xuống vùng Gò Nổi. Máy bay trinh sát OV10, trực thăng chiến đấu HU1A, rồi tàu gáo thường xuyên lùng sục trên đầu.

Tôi vẽ được nhiều chân dung các bà mẹ anh hùng, các chiến sỹ du kích, các cô gái giao liên dũng cảm… Tôi lại vẽ những chiến sỹ đánh giặc vô cùng quả cảm trong đội biệt động Lê Độ - Biệt động thành Đà Nẵng,  Được nghe kể về nhiều trận đánh vô cùng táo bạo, nhiều chiến công thần kỳ của các nữ biệt động, những chiến sỹ trẻ măng, đánh giặc ngay trong thành phố, ngay trong sào huyệt của kẻ thù. Chiều ngày 29 - 1– 1973 tôi về Giáng La và ra vẽ ở cầu Cẩm lý, ngay dưới chân đồn giặc Bồ Bồ, trong ngày đầu tiên ngừng bắn của hiệp định Pa ri. Mới ghi chép được vài ba ký họa về đồng bào ta cắm cờ giữ đất thì địch tráo trở phá hoại hiệp định. Xe tăng lội nước M113 vừa bắn vừa “ dí ” chúng tôi. Tôi, Sơn và Phục theo du kích chạy men các bờ ruộng cao để tránh đạn. Chạy suốt từ chiều đến gần 3 giờ sáng mới về tới xã  Xuyên Thanh, đói và mệt rã rời, cả mấy anh em cùng lả đi. Nấu cơm chưa kịp chín đã vội  vàng ăn. Lùa hạt cơm vào miệng thấy vẫn còn sượng! Sau những ngày này, Ban Tuyên huấn cử họa sỹ Đức Hạnh dẫn tôi đi vẽ ở vùng B, huyện Đại lộc. Hạnh thấp và nhỏ người nhưng vô cùng nhanh nhẹn. Chỉ mới nghe tiếng pháo đềpa là anh đã lao vút vào tận góc sâu trong hầm trú ẩn! Tôi chịu không thể theo được anh về sự nhanh nhẹn này. Phần vì cặp vẽ lềnh kềnh, nhiều lần người chui được vào hầm mà ba lô vẫn mắc kẹt bên ngoài.

Chúng tôi về Đại Lộc trong một buổi chiều gần tối. Đức Hạnh rất quen thuộc địa bàn, anh đẫn tôi băng đồng, lội nước ngập đến thắt lưng. Về đến chợ Phú Thuận thì trời đã tối mịt. Chợ họp từ buổi chiều tối tới tận đêm khuya. Không ai được thắp đèn. Chỉ có ánh đèn pin lấp loáng, Đèn pin đều phải bịt kín chỉ cho một lỗ ánh sáng nhỏ xíu chiếu ra. Rất nhiều bộ đội, chiến sỹ đến mua hàng để chuyển lên căn cứ. Hôm đó Đức Hạnh chiêu đãi tôi một bữa mỳ chay “ Ông Phật ” nấu với cá hộp rồi dẫn tôi vào nhà một cán bộ cơ sở để ngủ nhờ. Nhà ở ngay bến đò Giảng Hòa.

Thời gian này tôi cũng đã ghi chép được khá nhiều ký họa, có anh du kích gài mìn trên cây để đánh tàu gáo, một loại máy bay trinh sát của không lực Mỹ, có những ổ đề kháng và chốt phục kích của nữ dân quân. Các cô còn rất trẻ nhưng tinh thần chiến đấu thì vô cùng đáng nể phục. Ở vùng Xuyên Thanh  hồi đó còn vương vãi rất nhiều viên gạch cổ với những hoa văn chạm khắc tinh xảo của các Tháp Chàm, Mỹ Sơn. Du kích cứ nhặt để kê làm bếp nấu cơm! Tôi tiếc ngẩn ngơ nhưng không làm sao giữ được. Uổng phí quá trời!

Có lần đang vẽ chân dung một bà mẹ trụ bám ở Gò Nổi thì đụng giặc. Cả ba phía đều có xe lội nước M113 kéo đến. Chúng bắn như vãi cát, đạn kêu tăng tắc! Đôi lúc có tiếng súng của du kích chống trả, tiếng mìn nổ dữ dội. Hẳn là xe tăng địch vấp phải mìn của ta!  Chạy đến bờ sông Thu Bồn thì đạn đã bắn rát rạt sau lưng. Hai du kích dẫn đường và bảo vệ giục tôi gấp gáp nhảy đại xuống sông từ trên vách bờ dựng đứng! Chúng tôi bơi thục mạng sang bên Điện Bàn, xã Điện Tiến hay Điện Thọ gì đó. Chiếc cặp vẽ đặc biệt của tôi do họa sỹ Hà Xuân phong may tặng bằng vải cán nhựa gồm nhiều lớp, nên tranh không bị ướt. Không hiểu sao bữa ấy tôi bơi giỏi thế !

Sau gần sáu tháng đi về Quảng nam- Đà Nẵng, tôi được lệnh trở về Khu. Lúc này cả Ban Tuyên huấn đã chuyển xuống khu vực sông Trà Nô, gần cầu Bà Huỳnh trên sông Trường của huyện Hiệp Đức. Tôi được nghỉ ngơi ít ngày rồi cùng Triệu Khắc Lễ, Lê Khắc Cường, Đoàn Văn Nguyên, Phạm Văn Vết được Ban Tuyên huấn và Hội văn nghệ cử biệt phái sang Khu ủy, chỗ anh Võ Chí Công, để trang trí mỹ thuật cho Đại hội Đảng bộ khu Năm khai mạc vào khoảng giữa năm 1973.

Dịp cuối xuân năm 1973 trong lần đi vẽ ở vùng núi Trà My, dọc đường tôi gặp đoàn văn công Quân Giải phóng khu  Năm. Là lính văn công nên anh chị em nào cũng hồng hào đẹp trai, xinh gái lắm. Tôi còn chưa kịp làm quen thì đã nghe tiếng ai gọi thất thanh

-            Giang Nguyên Thái ! Tao là Bạo đây.

Ồ, hóa ra là nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo ! Anh vừa tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp thì vào chiến trường. Chẳng hiểu ra làm sao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo lại phải vào làm họa  sỹ trang trí cho đoàn Văn công?

Năm năm công tác ở chiến trường khu Năm, tôi đã đi vẽ ở các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Đà và các xã miền núi Quảng Nam. Tháng 6 năm 1974 tôi được ra miền Bắc chữa bệnh và đi học nước ngoài. Tôi vẽ được khoảng hơn hai trăm bức ký họa. Đầu năm 1976, khi sang tu nghiệp cao học ở Học viện Hàn Lâm Mỹ thuật Xôphia  - Bungari tôi đã đem theo tất cả số tranh này.

Mùa xuân năm 1978, trong lúc đang học chuyên khoa Hoành tráng, tôi được Hội Mỹ Thuật Bungari mời bày triển lãm hội họa cá nhân tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật ở phố Racopxki, ngay trong trung tâm thủ đô Xôphia. Trong lần  triển lãm riêng này, tôi đã giới thiệu 12 bức tranh sơn dầu vẽ tại Xôphia về đề tài chiến tranh nhân dân và một trăm bức ký họa vẽ ở chiến trường. Một số tranh sơn dầu đã được Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương Bungari mua. Riêng các bức ký họa thì tôi giữ lại vì đây là những tài liệu quý, hình ảnh của những đồng đội tôi, có cả những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại này.

Các họa sỹ Nguyễn Thế Vinh, Trần Hữu Chất, Trần Việt Sơn,Triệu Khắc Lễ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Khắc Cường, Phạm Hồng, Đức Hạnh, Tạ Quang Bạo, Xu Man, Lê Văn Thìn, Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Vết, Nguyễn Viết Ngọc,Trần Trung Chính, Trần Hữu Tri, Nguyễn Thị Đến…. đều đã có nhiều sáng tác và tham gia các triển lãm Mỹ Thuật toàn quốc, các cuộc trưng bày triển lãm cá nhân về đề tài chiến tranh ở chiến trường khu Năm, dựa trên các ghi chép, ký họa, các anh chị đã ghi lại từ ngày đó. Nhiều bức tranh đã được Viện Bảo tàng Mỹ thuật trong nước và  nước  ngoài cũng như một số nhà sưu tập mua và trưng bày. Các anh đều là những họa sỹ đã đóng góp tài năng cho ngành Mỹ thuật đương đại Việt Nam. Nhiều họa sỹ đã được giải thưởng Quốc gia. Riêng họa sỹ Hà Xuân Phong thì không có được may mắn này, anh đã hy sinh trên dòng sông Trà Nô năm 1974 sau khi đi chiến dịch Nông Sơn – Trung Phước về.

Xin thắp một nén hương để tưởng nhớ họa sỹ Hà Xuân Phong, một họa sỹ tài ba đã ra đi trước ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng. Xin thắp một nén hương để tưởng nhớ các văn nghệ sỹ đã hy sinh ở chiến trường khu Năm. Những bức ký họa của họa sỹ Hà Xuân Phong vẫn được nhà điêu khắc Phạm Hồng trân trọng gìn giữ và bảo quản an toàn.

                                                                                                                                                                           Hà Nội tháng 5 năm 2009

                                                                                                                                                                              Sửa lại tháng 3 - 2013

                                                                                                                                                                                       Giang Nguyên Thái.