Bài ca xây dựng - Minh Thủy
“Khi ta đến đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”. Gặp anh Nguyễn Phước Hùng, giám đốc Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, tôi lại nhớ đến câu thơ ngày còn ngồi ghế nhà trường phổ thông.
Lần đầu tôi gặp anh vào tết Trung thu năm 2007. Kết hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong, Tạp chí Văn hóa Quân đội và các nhà hảo tâm, chúng tôi tổ chức Trung thu cho 300 trẻ em xã Ba của huyện Đông Giang, Quảng Nam và xã Hòa Phú của Hòa Vang, Đà Nẵng tại sân bóng của Khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Đó là một ngày Tết thật sự. Chị Mai, Bí thư đoàn xã Ba nói: Hẹn 10h tập trung ở Ủy ban xã nhưng bọn trẻ đến từ sáng sớm vì lần đầu tiên được đi ô tô về dự lễ Trung thu mà. Có đứa say xe lử khử nhưng đến nơi thì chạy nhảy reo cười. Anh Hùng thì vui vì lần đầu tiên sân bóng đưa vào hoạt động lại là một việc ý nghĩa như thế.
Anh chân chỉ, ít nói nên sau vài lần làm việc tôi mới biết anh cũng có nhiều nỗi đau của người trong chiến tranh. Gốc Nguyễn nhưng phải đổi họ Lê. Cha đi tập kết. Mẹ tham gia cách mạng rồi hy sinh trong một trận đánh. 20 ngày sau chị gái của anh hy sinh vì bị địch khui hầm bí mật. Nhà cửa bị địch đốt, anh và bà nội phải ăn nhờ ở đậu nhiều nơi. Sau ngày giải phóng anh lấy lại được họ mình. Anh ruột anh là Lê Văn Sơn, bị thương ra Bắc chữa trị rồi đi học, sau giải phóng về là Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm. Bằng cấp đều mang họ Lê, chuyển đổi vướng đủ việc, thành ra anh em ruột mà anh họ Lê, em họ Nguyễn!
Anh từng làm nghề mộc, sau giải phóng làm ở Ban quân quản Điện Minh, Xí nghiệp Xây dựng Điện Bàn rồi về Lâm trường Hòa Vang, phụ trách xưởng xuất khẩu đồ mỹ nghệ. Năm 1996, Nhà nước chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất giao rừng cho dân. Giám đốc Lâm trường Hòa Vang là Trần Văn Lương động viên anh: thích lao động, thích màu xanh thì nhận nơi này! Ở đây không sợ hết việc!
Đường 14G (lúc ấy gọi là ĐT604) lên huyện Đông Giang, Quảng Nam vắng teo vắng ngắt. Mỗi ngày chỉ vài chuyến xe khách lên xuống, lâu lâu mới có một chiếc xe tải, xe máy chạy qua. Dọc theo sông Lỗ Đông nên đường dốc, ngoằn ngoèo, nhiều nơi xói lở, đá lổn nhổn, xe máy cũng phải dắt. Lấy khu vực anh nhận trồng rừng làm tâm, ngược lên thượng nguồn hay về xuôi đều cách các bản người Cơ tu chừng 5 cây số. Sau những năm dài bom đạn, chất độc hóa học là những năm thiếu đói do cơ chế bao cấp. Người dân Hòa Phú, các xã lân cận và cả các xã ven biển như Hòa Quý, Hòa Xuân, Hoà Hải… của thành phố Đà Nẵng cũng lên chặt củi, đốt than đổi gạo mắm từng ngày. Khi anh nhận rừng chỉ còn lau lách chen với cây thân gai. Cây gai ngủ ngày mọc tràn như trải thảm. Chen với gai ngủ ngày là gai móng mèo, xà quần. Loại gai này móc vào da là sưng, nhức ngứa. Gai góc bá chủ nên sâu bọ không có, chim chóc cũng không. Chỉ có bìm bịp. Chúng trú ngụ vì nơi đây sẵn rắn độc. Muỗi nhiều vô kể. Phía Tây có con thác nhỏ, róc rách, đơn điệu giữa núi cằn. Chỉ có mấy cây bông trang rừng, rù rì bên con suối nhỏ trổ bông. Rù rì có hai loại, màu đỏ và cam, luôn mọc từng đôi, như tình nhân hẹn hò bên suối. Điện không, thông tin liên lạc không, đi lại cách trở. Nhìn đi nhìn lại chỉ thấy rõ một điều là đơn độc giữa núi bạc.
Nhận 50 ha đất trống núi trọc anh phải nghỉ việc ở lâm trường để tập trung cho công việc. Anh dựng lán, gọi bà con Cơtu ở thôn Phú Túc và các xã lân cận, phát hoang, trồng tỉa. Bà con dân tộc Cơtu thôn Phú Túc xưa rày chỉ làm từ Ngầm Đôi trở xuống, nơi núi có độ dốc ít hơn. Nay lên núi cao, đi lại bằng xe đạp rất khó khăn, bà con ngại. Có người lên làm được mấy bữa bị sốt rét bỏ về. Sau mỗi trận mưa lũ, xói lở cũng về… Từng đôi rù rì nước bên nhau, tiếng kêu khoắc khoải của bìm bịp như đào vào tâm can, nhắc nhớ gia đình, bếp lửa với bữa ăn quây quần với vợ con. Nhiều lần anh tự hỏi: Người ta chán rừng về phố tại sao mình lại lên? Rồi anh tự trả lời: cha mẹ, anh chị đã hy sinh xương máu để đất nước hòa bình. Mình là dân lâm nghiệp, những nơi như thế này mới cần mình. Khó khăn như vậy chưa là gì so với ngày bom trên đạn dưới...
Anh lại xắn tay lăn vào việc. Tận dụng thác nước có độ cao120m anh mua máy thủy điện nhỏ của Trung Quốc về lắp lấy ánh sáng. Nuôi trồng khoai sắn, heo gà, lấy ngắn nuôi dài. Ươm keo lai, vừa để trồng, vừa bán cho bà con. Trong những dịp tết lễ, những đợt mưa bão, một mình anh ở lại khi mọi người về với gia đình.
Mỗi dịp tết, đót trổ bông trắng xóa cả núi rừng. Trang rừng, rì nước cũng trổ hoa rực rỡ dọc con suối. Một mình giữa vườn cây với tiếng bìm bịp khắc khoải kêu canh, anh cặm cụi làm để bớt nỗi nhớ gia đình. Mỏi mệt lại nhìn lên con suối mùa xuân đang thắm hoa.
Bông đót sáng núi sáng rừng nhưng chỉ chừng nửa tháng là hết. Bông đót già thì không làm chổi được. Người dân phải bắt lấy vụ đót, chỉ nghỉ vài ngày tết rồi cõng gùi đi chặt bông đót. Có người chỉ nghỉ ngày mồng Một tết, mồng Hai đã lên núi. Anh ngóng trông họ lên, thấy bóng là mừng hú. Anh nấu cơm mời họ ăn, chuyện trò cho đỡ nhớ nhà.
Lấy ngắn nuôi dài. Sắn khoai, heo gà, bò dê lần lượt xuất hiện. Những triền núi gai góc được phủ màu xanh mềm mại của keo. Vi trùng sốt rét không còn nữa. Chim lần lượt trở về.
Tưởng sự “khởi đầu nan” đã qua. Vậy mà trận lũ cuối năm 1999 cuốn tất cả. Mưa tối trời tối đất, khe suối nước chảy ầm ầm. Sông Lỗ Đông nước cuộn nhào, bẻ từng mảng núi. Những mảng rừng vừa phủ keo bị trốc gốc. Heo gà cũng bị nước cuốn. Sau đợt mưa lũ, lán trại xiêu vẹo, đất núi thành mương thành rãnh, keo tràm trốc gốc trốc rễ, xác xơ. Đường bị tắc một tuần.
Ba năm trời, với hàng ngàn ngày công lại trở về tay trắng. Anh gom heo gà, dao rựa, cuốc xẻng, xoong nồi, chăn màn, thuê một chiếc xe tải, chở về nhà.
Quanh nhà là mấy lồng gà, rọ heo. Đêm nằm vắt tay lên trán, anh lại nhớ những mảng núi vừa xanh keo tràm, tiếng suối và bìm bịp đơn điệu lại nghe như tiếng ai gọi. Những ngày bông đót trắng rừng dành tặng người nghèo cũng như đang vẫy gọi anh. Anh nhớ cả cơn lũ năm 1964, mẹ con anh và bà nội anh bám víu trên mái nhà thoi thóp giữa biển nước. Mỗi cơn gió là nước đánh sóng, mái nhà chao võng. Sợ bà nội và các con ngã xuống nước, mẹ anh đã dùng dây dừa buộc từ bụng mình qua thân mọi người. Nhịn đói hai ngày hai đêm, ăn trắc cả đùm lúa giống. Sau lũ trong nhà ngoài đồng không còn một thứ gì, đói trắng mắt. Mót hái rau cháo ăn cầm hơi để cày cuốc chờ vụ sau. Vượt qua đói khát, vụ lúa sau lũ bội thu đã giúp mẹ con anh làm được ngôi nhà khang trang. Vậy mà địch đốt cháy rụi. Che chụm chúng lại đốt. Khó khăn vậy mà vẫn bám trụ.
Những ký ức cũ mới đan xen đã thành động lực nâng anh dậy. Anh thuê xe bốc heo gà, cuốc xẻng, chăn màn, dao rựa chở lên lại.
Dựng lại lán trại, vun xới lại cây trồng, dâm thêm cây trên đất mới. Không chỉ trồng keo lá tràm, anh còn trồng cây sao đen, loại cây bản địa. Lăn lộn với công việc nhưng anh luôn chăm sóc công nhân của mình. Ốm đau anh tự tay chăm sóc, gia đình có sự cố anh giúp đỡ, ai đến nhỡ bữa anh nhịn luôn cho khách. Ngoài xếp đặt công việc, mọi người coi nhau như trong một gia đình.
Từng phụ trách xưởng Xuất khẩu đồ mỹ nghệ nên năm 2002 anh được Công ty Xuất nhập khẩu Hòa Hưng ở Hoà Vang giới thiệu với một công ty Nhật đang muốn đặt làm đàn tam liên. Công ty Xuất nhập khẩu Hòa Hưng cũng giới thiệu thêm mấy cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ khác nữa. Nhận mẫu đàn bên Nhật gửi sang, anh mày mò nghiên cứu rồi làm gửi sang Nhật. Họ xem xét, yêu cầu chỉnh sửa, anh làm lại, gửi sang. Sau bốn lần thì chiếc đàn của anh được chấp nhận. Là cơ sở duy nhất sản xuất đàn tam liên cho Nhật, anh đi về thường xuyên, giám sát kỹ thuật, chất lượng, nhắc nhở công nhân về trách nhiệm…
Mỗi chuyến về xuôi lên là mang theo giống cây mới, loại hoa mới. Đi về giữa hai nơi quá khổ, vợ anh không muốn. Nhưng màu xanh cây rừng non trẻ vẫy gọi, anh không thể bỏ. Anh hẹn vợ, xong lứa keo này thì nghỉ, làm xong đập nước thì thôi. Từng bước, từng bước, sau mỗi lần “khất” là anh hoàn thành một công việc. Cây lá anh đưa lên đã cùng hoa rừng đua sắc. Vườn cam 1000 gốc, bưởi, đu đủ, cau… Mai, đào đua sắc, chim chóc đã trở về, tiếng suối không còn đơn điệu nữa. Nhiều người dừng lại thăm “vườn rừng”. Từ chỗ chỉ là điểm dừng chân, người ta tìm đến tham quan. Anh mở cổng cả ngày, chỉ thu vé giữ xe. Anh nhận ra một điều, sinh thái tự nhiên không chỉ mình mà rất nhiều người thích. Anh bàn với vợ xây dựng khu du lịch sinh thái. Lúc này keo đã vào thời điểm thu hoạch, cơ sở sản xuất đàn tâm liên đã đem về một nguồn vốn có thể giúp thực hiện mong ước này. Dù biết rằng mở ra một công việc quá mới giữa khu vực đồng bào dân tộc ít người là việc không dễ, cần rất nhiều tâm trí. Gia đình dưới xuôi, con đang tuổi học hành. Anh động viên vợ, người tiền tuyến, người hậu phương, phải cố gắng. Được vợ ủng hộ, cơ sở sản xuất đàn tam liên anh giao con trai đầu quản lý để tập trung cho Suối Hoa.
Anh mở rộng lòng hồ, tạo độ bằng phẳng cho đáy. Dẫn nước đi ngõ khác, dùng xà beng, búa, đục bẫy đá nhỏ xuống, đổ xi măng… Tạo thác nước thì dựa vào khối đá mà lũ không thể cuốn đi rồi bồi đắp thêm. Tức là phải dựa vào cả địa lí, vật lí mà làm. Tất cả đều bằng sức người. Ít đồng vốn dành cho mua vật liệu và trả công người làm. Làm vào mùa hè thường hay gặp mưa dông. Với địa hình núi dốc, mưa là nước xuống rất nhanh, người chạy cũng không kịp. Coi trời coi đất tính kỹ mà có khi vẫn trôi luôn cả tấn xi măng vừa mới đổ xong.
Làm sân bóng anh chọn rất kỹ để phù hợp với cảnh quan, đồng thời san lấp cho hiệu quả. Đặt mua cỏ Nhật từ thành phố Hồ Chí Minh. Sau cả năm sân bóng đúng tiêu chuẩn quốc tế 6000m2. Đây cũng là nơi cho du khách cưỡi ngựa chiêm nghiệm cảm giác du mục.
Xây dựng nhà cho khu du lịch sinh thái, tất nhiên sẽ sử dụng một khối lượng gỗ không ít. Bảo vệ những mảng rừng xanh còn lại, anh mua gỗ dưới xuôi chở lên. Nhiều người lắc đầu trước việc “chở củi về rừng” nhưng anh nhất quyết không sờ mó đến cây rừng, tất cả gỗ làm công trình của khu du lịch đều là gỗ nhập khẩu từ Lào về.
Thác Tóc Tiên, thác Mây, hồ Bồng Lai, suối Thiên Thai, Mục Đồng … cùng những ngôi nhà lá ven suối, cầu treo, non bộ hiện dần ra theo năm tháng. Cây rù rì, anh gọi là uyên ương, đua sắc cùng hoa loa kèn, hồng, đào, liễu, trang rừng. Rau dớn hoang dại cũng được trồng thành vườn. Suối Hoa trở thành tên gọi của khu du lịch sinh thái đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
Năm 2007, sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Du lịch thành phố hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, giới thiệu hình ảnh cho du khách trong và ngoài nước. Xe ô tô, xe máy nườm nượp đổ về. Mỗi ngày có hàng trăm du khách, vào các dịp tết lễ lên đến hàng ngàn.
Đồng hành với du lịch là các dịch vụ, anh nhận thấy cần phải tăng công suất điện. Lúc này điện lưới quốc gia hiện đã phủ rộng nhưng thủy điện có ưu thế hơn nhiều so với điện lưới quốc gia là không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn không bị ảnh hưởng dông bão. Anh về xuôi, đến các tiệm điện mua vật tư, nghiên cứu tự chế bánh tua bin thủy điện. Máy vận hành tốt nhưng điện áp không ổn định. Anh lại tháo dỡ làm lại, cho đến khi thành công. Sản phẩm 100% do anh chế tạo cho công suất 15KW, cường độ dòng 40A, điện áp 220v, tần suất 50Hz, tương đương tiêu chuẩn điện lưới quốc gia. Điều anh tâm đắc là sản phẩm của anh không cần ổn áp mà vẫn ổn định! Để tăng lưu lượng nước, anh lại khoác ba lô đi tìm nguồn nước. Ba ngày lăn lội trong rừng già, bẻ suối dẫn nước về cho Suối Hoa. Tổng cộng dùng hơn 300m ống nhựa đường kính 114. Anh lắp thêm máy thủy điện để vận hành liên tục. Vinafon Vietel đặt 2 trạm phát sóng, anh bán điện với giá… điện quốc gia!
Hướng đến các loại hình du lịch văn hóa, những món ăn dân dã như cơm lam, thịt nướng, ốc đá… Anh trồng cây tà vạt để du khách có thể hiểu thêm trình tự làm rượu của bà con Cơ tu.
Khu du lịch sinh thái Suối Hoa đi vào hoạt động ổn định thì anh nghĩ đất lành đã che chở cho mình, có thu nhập thì phải giúp người nghèo. Anh bàn với vợ con: không khí Suối Hoa tốt, có thể cho xây dựng cơ sở, mời thầy thuốc khám chữa bệnh từ thiện cho người bệnh hiểm nghèo bằng thuốc Bắc kết hợp với thuốc Nam, vật lý trị liệu. Kế hoạch ban đầu là hiến đất nhưng rồi anh lại bàn với vợ: không chờ dư tiền mới làm. Đã vì tình thương thì gắng được chừng nào quý chừng đó. Vậy là anh tự mình đánh xe xuống suối lấy cát, xắn quần móng lợn cả ngày. Sau một năm, với hơn 3 tỉ, 3 dãy nhà khang trang với 80 giường bệnh và 10 phòng chức năng đã hoàn thành. Bác sỹ, lương y ngoài Huế rồi trong Nam nghe tin đều ủng hộ.
Mười bảy năm bám núi, từ những ngọn núi gai góc, hoang vắng, từ con suối bình thường, với hàng triệu công lao động, anh đã xây dựng thành chốn bồng lai tiên cảnh. Phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ được những cánh rừng tự nhiên, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người, trật tự trị an tốt. Suối Hoa là điểm đến của hàng ngàn người. “Khu du lịch sinh thái Suối Hoa” đã được ghi tên trên bản đồ du lịch, xuất hiện trên “Điểm hẹn văn hóa”…
Mười bảy năm bám núi, năm nào anh cũng tham gia phát quà trung thu, 1-6 cho thiếu nhi địa phương và vùng lân cận. Anh còn hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh, vận động sản xuất, tiêu dùng rau quả sạch.
Nhiều khu du lịch mới được mở ra: Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành… Anh ủng hộ nhiệt tình. Mạc Như Giác, ông chủ Khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi cho tôi biết anh Hùng đã xuống hỗ trợ ông làm thủy điện. Rút kinh nghiệm từ công trình của mình, anh làm công suất lớn hơn, 20KW. Cùng nhau xuất hiện trong nhiều chương trình, anh và đồng nghiệp xác định: tạo thương hiệu không chỉ có sự liên kết, có quy chế mà phải có sự khác biệt. Ngầm Đôi với thế mạnh con suối có nhiều thác, cảnh quan thiên nhiên là chính. Ngầm Đôi cũng chú trọng thực phẩm an toàn. Các loại rau rừng truyền thống như rau lủi, rau dớn được đưa vào trồng, tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Phải coi dịp du lịch của khách là dịp hưởng thụ ưu đãi của thiên nhiên. Suối Hoa là quần thể thiên nhiên và bàn tay con người tôn tạo hài hòa. Hòa Phú Thành với du lịch mạo hiểm, chèo thuyền phao, trượt thác. Khu suối khoáng nóng Suối Đôi với dịch vụ tắm nước khoáng nóng, lạnh, ôn truyền thủy liệu pháp (vật lí trị liệu bằng nước khoáng phun sương với áp lực lớn). Cùng với nhiều điểm du lịch khác như Lâm viên, Lái Thiêu. Với một quần thể du lịch trong chiều dài 10 km không chỉ cho du khách nhiều lựa chọn mà nếu muốn, trong một ngày du khách sẽ được thưởng thức nhiều cảm giác thú vị.
Cùng tôi bước trên sân bóng mịn mướt cỏ Nhật, anh nói khác biệt để cùng nhau đưa vùng đất khô cằn phía Tây Nam của thành phố phát triển. Hồi chiến tranh phân vùng cánh Bắc Hòa Vang, cánh Tây Hòa Vang, toàn những vùng đánh nhau dữ dội. Bây giờ là khu công nghiệp, khu du lịch. Rồi anh cười nhẹ: không chỉ lấy lại họ mà vừa rồi anh được bầu là Trưởng Ban liên lạc họ Nguyễn của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Nhìn đôi ngựa thung thăng trên sân cỏ, những cô gái Cơtu với trang phục dân tộc hướng dẫn du lịch, những chàng trai Cơtu với sắc phục bảo vệ, bên hồ cô dâu chú rể tươi cười trước ống kính tôi lại nghĩ về những tháng ngày bom đạn và cả những ngày đầu lên núi bạc của anh. Tôi cũng nhớ câu thơ ngày ngồi trên ghế phổ thông. Để đất có hồn, con người phải vật lộn với bao cam go và chính cả bản thân mình. ` Minh Thủy.