Hoạt động văn học ở Quảng Nam-Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) - Thanh Quế

19.06.2013

Hoạt động văn học ở Quảng Nam-Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) - Thanh Quế

 

1- Tình hình hoạt động văn học ở Quảng Nam-Đà Nẵng 1954-1960.

                Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở Khu V đã thành lập Chi hội Văn nghệ Liên khu V do nhà văn Phan Thao làm Chi hội trưởng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Chi hội phó. Tại Quảng Nam-Đà Nẵng, Phân hội văn nghệ cũng được thành lập, do nhà thơ Trinh Đường làm Phân hội trưởng. Anh chị em nhà văn Quảng Nam- Đà Nẵng đã tập hợp trong 2 cơ quan trên để tham gia kháng chiến và sáng tác.

                Sau Hiệp định Giơnevơ nhiều nhà văn người Quảng Nam cũng tập kết ra Bắc như các nhà văn Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Khương Hữu Dụng (Chi hội Văn nghệ Khu V), nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung (Quân khu V), Trinh Đường (Phân hội văn nghệ Quảng Nam)…cùng một số thầy giáo dạy ở các trường kháng chiến của Khu và Tỉnh cũng là những cây bút phê bình, lý luận  văn học như: Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ, Huỳnh Lý…

                Tại miền Bắc, một số cây viết trẻ ở Quảng Nam-Đà Nẵng đã xuất hiện và trưởng thành như Lê Khâm (Phan Tứ) với tiểu thuyết Bên kia biên giới Trước giờ nổ súng; Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên và một cây bút mới xuất thân từ người làm công tác chính trị là Võ Quảng với các tập thơ văn cho thiếu nhi như các tập thơ Gà mái hoa, Thấy cái hoa nở, Nắng sớm và sau này là các tiểu thuyết Quê nội Tảng sáng. . Một số cây bút trẻ người Quảng Nam-Đà Nẵng đã tham gia đăng bài vở trên báo chí miền Bắc như Hà Đức Trọng (Thu Bồn) , Vũ Minh, Xuân Tùng…

                Trong khi đó ở miền Nam, kẻ thù ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đàn áp khủng bố những người tham gia kháng chiến cũ, trong đó có các nhà văn. Một số nhà văn Quảng Nam-Đà Nẵng từng tham gia kháng chiến nay ở lại hợp pháp, sáng tác về đề tài lịch sử, đề tài kháng chiến như Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hân…Có người phải đổi vùng hoạt động như Vũ Hạnh chuyển từ Quảng Nam vào Sài Gòn.

                2- Tình hình hoạt động văn học ở Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1960 đến ngày thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ (10-1967)

                Nghị quyết 15 (1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, làm xoay chuyển tình hình, từ thế giữ gìn lực lượng ta đã chuyển sang tấn công địch, từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.

                Tháng 12-1959, Hội nghị Khu ủy V đã họp ở miền Tây Quảng Nam để quán triệt và thực hiện nghị quyết 15 của Trung ương. Sau hội nghị, phong trào nổi dậy phá ấp, phá kềm làm chủ ở nhiều vùng nông thôn trong Khu và trong tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng phát triển. Ngày 20-12-1960 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam. Các lực lượng quân sự, chính trị, văn hóa đều cần được phát triển để đáp ứng phong trào. Bên cạnh lực lượng tại chỗ của miền Nam còn có sự chi viện to lớn của miền Bắc ruột thịt ngày càng nhiều.

                Từ năm 1959, với đường dây 559 (sau này gọi là đường Hồ Chí Minh) được mở, nhiều lực lượng cán bộ, bộ đội của miền Bắc, nhất là số cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết đã lần lượt trở về miền Nam, trong đó có lực lượng văn nghệ. Từ đó, các cơ quan đã được thành lập từ Trung ương Cục miền Nam đến các Khu, Tỉnh, trong đó có sự ra đời của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam do nhà viết kịch Trần Hữu Trang làm Chủ tịch.

                Ở Khu V, từ tháng 5-1961, nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm) người Quảng Nam đã trở về công tác ở Ban Tuyên huấn Khu ủy V, đóng ở miền Tây tỉnh Quảng Nam. Đầu tiên ông bám địa bàn Nam Tam Kỳ (huyện Núi Thành, Quảng Nam ngày nay) và Bắc Quảng Ngãi để tham gia việc mở mãng đầu tiên ở Khu V. Tại đây, ông viết tập truyện ngắn Về làng và chuẩn bị tài liệu cho tập tiểu thuyết Gia đình má Bảy. Đến năm 1966, ông ra miền Bắc chữa bệnh, tháng 8 năm 1974 lại trở về Khu V.

                Cũng vào giữa năm 1961, phía Quân khu có nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Thu Bồn và Phan Đình Côn đã vào công tác tại Cục Chính trị, Quân khu V, nhà thơ Liên Nam vào công tác ở Trường Quân chính Quân khu. Lúc này, Quân khu cũng như Khu ủy đều đóng ở miền Tây Quảng Nam. Từ giữa năm 1961, Thu Bồn vừa tham gia sản xuất cho Quân khu vừa viết trường ca Bài ca chim Chơrao gửi ra miền Bắc được in báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học năm 1964. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã sống với bộ đội và du kích, sáng tác các truyện và ký, tiêu biểu là truyện Bức thư làng Mực. Phan Đình Côn viết Bài ca du kích (thơ). Anh hy sinh ở chiến dịch Minh Long (Quảng Ngãi ) năm 1965. Nhà thơ Liên Nam đã sáng tác nhiều bài thơ như Bài ca tiếp vận, sau này là bài Chiều An Ninh.

                Từ năm 1962, nhà văn Nguyên Ngọc (bút danh là Nguyễn Trung Thành) đã vào công tác ở Cục Chính trị, Quân khu V và đã viết một số truyện ký, tiêu biểu là Đường chúng ta đi, Rừng xà nu. Giữa năm 1965, ông được bố trí về làm bí thư xã Điện Hòa (Điện Bàn-Quảng Nam) tham gia lãnh đạo cán bộ và nhân dân chiến đấu, sản xuất, xây dựng thực lực cách mạng và lấy tài liệu chuẩn bị cho tiểu thuyết Đất Quảng.

                Tại các cơ quan Quân khu, đóng ở miền Tây Quảng Nam trong thời gian này cũng xuất hiện một số cây bút người Quảng Nam ở các đơn vị chiến đấu và công tác như Cao Phương, Như Cảnh, Lương Tử Miên…

                Cuối năm 1964, đầu năm 1965, nhà văn trẻ Chu Cẩm Phong vào Ban Tuyên huấn Khu ở miền Tây Quảng Nam. Ban đầu anh làm báo, sau chuyển sang văn nghệ và viết những bút ký đầu tiên.

                Từ năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, Chu Lai. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta càng trở nên quyết liệt hơn. Cùng các lực lượng khác, lực lượng văn học ở miền bắc cũng chi viện nhiều cho miền Nam.

                Tháng 3-1966, nhà thơ Vương Linh, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam đã vào Ban Tuyên huấn Khu V, cùng nhiều nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật khác. Từ đây đã hình thành Tiểu ban Văn nghệ trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu V, đóng ở miền Tây Quảng Nam, do nhà thơ Vương Linh tức Hải Lê làm trưởng tiểu ban. Lần lượt trong năm 1966-1967, nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Dương Hương Ly đã vào công tác ở tiểu ban văn nghệ.

                Cũng trong thời gian này, lực lượng văn học ở các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam cũng phát triển do anh em sáng tác từ miền Bắc trở về cùng anh em ở các đơn vị cơ sở như Đoàn Xoa, Trần Văn Anh, Hoài Hà, Hồ Hải Học, Triều Phương (Quảng Đà); Vũ Dương (Nguyễn Thiếp), Chí Cao (Nguyễn Kiến), Duy Nguyễn (Trần Khảm) ở Quảng Nam. Tại vùng địch chiếm đóng nhiều cây bút sáng tác văn học từ kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hân (Đà Nẵng) vẫn tiếp tục viết về lịch sử, về kháng chiến. Một số cây bút xuất hiện từ phong trào học sinh sinh viên như Đông Trình, Đoàn Huy Giao, Vũ Hữu Định (Đà Nẵng) Phan Trước Viên… (Quảng Nam).

                Nhận thấy lực lượng văn nghệ, nhất là lực lượng văn học ở Khu và các tỉnh đã phát triển nên Khu ủy V quyết định thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ (ban đầu gọi là Chi hội văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ) để tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ trong Khu và các tỉnh tham gia sáng tác, biểu diễn, phục vụ cho cuộc kháng chiến của quân dân trong Khu.

                3- Tình hình hoạt động văn học ở Quảng Nam-Đà Nẵng từ khi thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ đến khi giải phóng miền Nam (1967-1975).

                Đại hội thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ (ban đầu gọi là Chi hội văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ) được triệu tập trong 10 ngày, từ ngày 1 đến ngày 10-10-1967 tại Tà Vi, Nước Vin, Trà My, Quảng Nam. Thực chất đây là Hội nghị công tác văn nghệ của Đảng bộ Khu V. Hầu hết đại biểu làm công tác văn nghệ (vùng giải phóng) Khu V đã về dự, thiếu đại biểu Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng. Nhìn chung thành phần sáng tác không nhiều. Các tỉnh chủ yếu cử cán bộ làm công tác văn nghệ quần chúng về dự.

                Mở đầu hội nghị, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V truyền đạt nghị quyết của Thường vụ Khu ủy (9-1967) về hoạt động mạnh mẽ trên toàn chiến trường để chuẩn bị đón những thời cơ mới (sau này mới biết đây là sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968). Sau đó, đồng chí Bí thư Khu ủy còn phát biểu chỉ đạo một số vấn đề về phương hướng, phương châm công tác văn nghệ miền Nam và Khu V trong tình hình mới. Những ngày tiếp theo, Đại hội nghe báo cáo điển hình của đại biểu một số tỉnh trong công tác văn hóa văn nghệ và thảo luận về công việc sáng tác, biểu diễn trong tình hình ở chiến trường.

                Thực chất Đại hội văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10-10-1967. Đại hội đánh giá tương đối toàn diện và cụ thể phong trào văn nghệ Khu V và các tỉnh trong Khu trong 13 năm qua (1954-1967), đúc kết được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, phương thức hoạt động văn nghệ và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình khẩn cấp của Khu V và miền Nam.

                Đại hội nhận định rằng, trong 13 năm qua, dù sống trong hoàn cảnh bị địch đàn áp khủng bố, lực lượng văn nghệ Khu V vẫn âm thầm hoạt động. Nhiều cây bút sống giữa lòng địch vẫn viết về lòng yêu nước, về cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở Quảng Nam-Đà Nẵng có các nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hân..Nhiều nhà văn đã trưởng thành từ phong trào hoạt động cách mạng như Vũ Hạnh…Sau nghị quyết 15, nhiều cây bút từ miền Bắc trở về Nam đứng chân trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị như Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Nguyễn Chí Trung, Liên Nam và nhiều cây bút trẻ khác.

                Đại hội động viên văn nghệ sĩ toàn Khu tiếp tục bám vào cuộc sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân để sáng tác nên những tác phẩm có giá trị phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

                Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ gồm 27 người. Ban Thường vụ có 9 người, do nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) làm Chủ tịch Hội, nhà thơ Hải Lê (Vương Linh) làm Phó chủ tịch kiêm Bí thư Đảng Đoàn.

                Sau Đại hội, không khí hoạt động văn nghệ phát triển rầm rộ ở các tỉnh trong Khu. Tại Quảng Nam-Đà Nẵng, Phân hội Văn nghệ Quảng Đà được thành lập do nhà văn Đoàn Xoa làm Phân hội trưởng. Phân hội Văn nghệ Quảng Nam do nhà thơ Chí Cao làm Phân hội trưởng.

                Để phục vụ cho việc sáng tác, mỗi tỉnh có một tạp chí văn nghệ giải phóng, phát hành không định kỳ, thường xuất bản vào dịp thực hiện các chiến dịch để chuyển tải những sáng tác của anh chị em văn nghệ, nhất là các cây bút sáng tác văn học. Ngoài ra, các tờ báo của Tỉnh Đảng bộ Quảng Đà (Cờ Giải phóng Quảng Đà), Quảng Nam (Cờ giải phóng Quảng Nam) vẫn đăng thơ, truyện, ký của các cây bút ở hai tỉnh.

                Đợt đầu ra quân phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) ở Quảng Đà có một số tác phẩm nổi bật: truyện ngắn Cô gái Đà Nẵng của Đoàn Xoa, bút ký Đêm Gò Nổi của Trần Văn, bài thơ Đà Nẵng đứng lên rồi của Hoài Hà…

                Những năm sau đó có truyện Người con gái đi nạng, bút ký Đà Nẵng sôi động của Hồ Hải Học, truyện Hai phía cửa sắt của Hồ Duy Lệ…

                Các cây bút ở Thông tấn xã Việt Nam đứng chân tại Quảng Đà ngoài công tác báo chí, cũng có sáng tác văn học như: Trần Mai Hạnh đã sáng tác một số truyện ngắn, sau này in trong tập Nắng Thu Bồn, Nguyễn Trọng Định với những bài thơ sau này in trong tập Sắc cầu vồng (anh hy sinh năm 1968).

                Các cây bút tiến bộ ở thành phố Đà Nẵng tiếp tục sáng tác như Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hân…Đặc biệt nhà thơ Đông Trình có những tập thơ Rừng dậy men mùa, Giữa vòng tay thân hữu. Nhà thơ Phan Duy Nhân với các bài thơ Thu Bồn ơi, màu xanh không bao giờ phai, Thư nhà… và các cây bút khác như Đoàn Huy Giao, Vũ Hữu Định, Nguyễn Văn Phụng…đã có những tác phẩm tiến bộ, yêu nước.

                Tại Quảng Nam, để phục vụ cho chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, các cây bút đã sáng tác: Trường Giang ơi thơ của Chí Cao; Hoàng Hương Việt, Vũ Dương, Duy Nguyễn…có những bài thơ và ca dao kêu gọi chiến đấu, sản xuất, tiếp vận…

                Huỳnh Phan Lê, một kỹ sư trẻ, con của nhà giáo Huỳnh Lý đã viết một số bài thơ về Quảng Nam trong tuổi thơ và trong chiến đấu. Anh hy sinh năm 1970.

                Ở vùng đô thị, nhà thơ Phan Trước Viên đã sáng tác nhiều bài thơ yêu nước.

                Những năm sau đó, nhà thơ Duy Nguyễn (Trần Khám), Hoàng Hương Việt ra Bắc. Các cây bút Vũ Dương (Nguyễn Thiếp), Chí Cao (Nguyễn Kiến) sáng tác nhiều ca dao về chống dồn dân, bắt lính đăng trên báo Cờ Giải phóng Quảng Nam và tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ.

                Nói chung, tình hình sáng tác văn học ở vùng căn cứ hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà còn cầm chừng, chưa sôi động lắm vì lực lượng sáng tác mỏng, một số cây bút chuyển đi công tác khác (Hoài Hà về Quảng Ngãi), một số ra Bắc chữa bệnh (Đoàn Xoa, Vũ Minh, Hoàng Hương Việt, Duy Nguyễn), một số cây bút hy sinh (Huỳnh Phan Lê…)

                Phong trào sáng tác văn học rầm rộ nhất tại Quảng Nam-Đà Nẵng vẫn là lực lượng các cây bút ở Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Lực lượng này gồm các nhà văn có tên tuổi và các cây bút trẻ, hầu hết ở miền Bắc đưa vào công tác ở hai bộ phận:

                -Bộ phận thứ nhất là: Tiểu ban Văn nghệ Khu V (trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy V) do nhà thơ Hải Lê tức Vương Linh làm Trưởng tiểu ban.

                Tiểu ban Văn nghệ Khu V có các tổ văn, múa, nhạc, hội họa…Tổ văn phụ trách tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, là cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Tạp chí do nhà văn Nguyễn Trung Thành làm chủ nhiệm. Nhà thơ Hải Lê và Nguyễn Chí Trung làm thư ký tòa soạn. Các nhà văn vừa sáng tác vừa làm phóng viên, biên tập tạp chí (xuất bản sau Đại hội văn nghệ Khu) gồm có nhà thơ Hải Lê, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà thơ Dương Hương Ly, nhà văn Cao Duy Thảo. Đến năm 1968, nhà văn Dương Thị Minh Hương (Dương Thị Xuân Quý) đã vào tạp chí, nhưng sau khi đi công tác, chị hy sinh vào ngày 8-3-1969.

                Cũng năm 1968, họa sĩ Trần Hữu Chất vào tiểu ban văn nghệ Khu, ông sáng tác thơ lấy tên là Hồng Chinh Hiền, sau đó ra Bắc. Nhà thơ Nguyễn Mỹ vào công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Khu V và là hội viên của Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Anh hy sinh năm 1971. Hai nhà báo kiêm nhà thơ Đặng Minh Phương, Đinh Thành Lê vào công tác ở Báo Cờ giải phóng Trung Trung bộ và có viết văn làm thơ. Nhà báo Việt Long vào công tác ở Thông tấn xã Khu V và viết văn xuôi (truyện Chú bé vùng ranh sau này).

                Cuối năm 1969, nhà thơ trẻ Thanh Quế vào công tác ở tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Đến tháng 9-1971 một lực lượng văn học đông đúc từ lớp viết văn Khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam vào Khu V tại Quảng Nam-Đà Nẵng, có các nhà văn nhà thơ trẻ: Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài, Bùi Thị Chiến, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông, Hoàng Hởi, Hoàng Minh Nhân, Phan Nghĩa An, Hà Phan Thiết…

                - Bộ phận thứ hai của Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ nằm ở Ban văn học Quân khu V (trực thuộc Cục chính trị Quân khu V) do nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) làm trưởng ban, nhà văn Nguyễn Chí Trung làm phó ban. Ban đầu có các nhà thơ: Thu Bồn, Liên Nam và các cây bút trẻ như Ngân Vịnh, Bá Đắc (Gia Vi), Hà Giao…được điều từ các đơn vị chiến đấu về.

                Năm 1971, một số cây bút ở lớp viết văn Khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam bổ sung vào như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng (hy sinh năm 1973). Năm 1972, nhà văn Thái Bá Lợi được điều từ Sư đoàn 2 về Ban văn học, Quân khu V.

                Các nhà văn và các cây bút trẻ ở Ban văn học, Quân khu V làm nhiệm vụ sáng tác và biên tập cho tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung bộ do nhà văn Nguyễn Trung Thành làm chủ nhiệm, nhà văn Nguyễn Chí Trung làm thư ký tòa soạn.

                Hai lực lượng văn học trên cùng hợp tác trong việc đi thực tế, sáng tác và in ấn vì cùng do nhà văn Nguyễn Trung Thành phụ trách.

                Ngoài ra, phía Quân khu còn có một số cây bút ở các bộ phận khác như nhà thơ Cao Phương, Ngọc Sơn, Lương Tử Miên, Như Cảnh…

                Trên cơ sở lực lượng sáng tác văn học đã có, Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ phân công các cây bút bám các địa phương, các đơn vị chiến đấu ở Khu V, nhất là 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà để công tác và sáng tác.

                Trong thời gian từ 1967 đến 1975, lực lượng sáng tác văn học Khu V đứng chân tại Quảng Nam đã hoạt động rầm rộ trong 4 đợt sau:

                Đợt đầu là thời kỳ chuẩn bị và hoạt động trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

                Cùng với các đơn vị bộ đội, các cơ quan quanh Khu và các tỉnh dồn dập chuẩn bị cho đợt tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, các cây bút sáng tác văn học ở Khu V đã xuống đồng bằng, ven đô thị nắm tình hình, ghi chép tài liệu và sáng tác kịp thời phục vụ cho cuộc chiến đấu. Nhà thơ Thu Bồn viết bài thơ Đà Nẵng gọi ta, nhà thơ Dương Hương Ly viết Đà Nẵng ơi, mùa xuân, Hoài Hà viết Đà Nẵng đứng lên rồi.

                Khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968 nổ ra, các nhà thơ Thu Bồn, Dương Hương Ly đi với bộ đội Quảng Đà; nhà văn Cao Duy Thảo và nhà thơ Hoài Hà đi Hội An; nhà thơ Ngân Vịnh đi với Sư đoàn 2 tại vùng ven Đà Nẵng; nhà thơ Hải Lê, nhà văn Chu Cẩm Phong đi theo đoàn công tác tiền phương của Ban Tuyên huấn Khu ủy V. Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Chí Trung, Liên Nam, Cao Phương, Ngọc Sơn đi cùng các đơn vị bộ đội Khu V xuống Quảng Nam, Quảng Ngãi.

                Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968 mở ra một trang mới cho cách mạng miền Nam và Khu V cũng như mở ra một trang mới cho hoạt động sáng tác văn học của các cây bút Khu V đứng trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Tham gia chiến dịch về, nhà thơ Thu Bồn viết tiếp và hoàn thành tập thơ Tre xanh; Dương Hương Ly viết bài thơ Giấc ngủ của nàng tiên dũng sĩ và tập hợp thơ cho tập Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ; Liên Nam viết các bài thơ Trên rừng núi A BaiChiều An Ninh; Cao Phương viết các bài thơ Chợ đông, Chở pháo sang sông; Ngọc Sơn viết các bài thơ Gửi em dưới quê làngCô gái Trường Sơn; Ngân Vịnh viết bài thơ Cô gái Cà Tu; Hải Lê viết bài thơ Gió vùng sâu. Nhà văn Nguyễn Trung Thành viết tùy bút Bước đi mùa xuân và tiểu thuyết Đất Quảng; Nguyễn Chí Trung viết bút ký Trận địa làng ven; Chu Cẩm Phong viết truyện ngắn Mẹ con chị Hiền; Cao Duy Thảo viết truyện ngắn Cô gái vùng ven

                Cả hai phía, Tiểu ban văn nghệ Khu và Ban văn học Quân khu đều ra số tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ và Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung bộ số đặc biệt về Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968 với những bài vở đặc sắc, chưa có từ trước đến nay ở Khu V của các cây bút sáng tác văn học ở Khu và ở các tỉnh.

                Trong những năm 1968 đến 1971, có những tác phẩm đáng chú ý của các cây bút Khu V như: Truyện ngắn Hoa rừng và bút ký Gương mặt thách thức của Dương Thị Minh Hương (Dương Thị Xuân Quý); Bài thơ Hơi ấm đường rừng của Nguyễn Mỹ; các bài thơ Vùng đông mình, Người đi dép một chân, Viết ở sông Trà của Dương Hương Ly; truyện ngắn Rét tháng giêng, Lá đơn tình nguyện của Chu Cẩm Phong; truyện ngắn Bạn đường của Cao Duy Thảo; chùm thơ Kha, Đằng trước có Mỹ lết, Mẹ tôi đang gieo thóc của Thanh Quế; bút ký Biển của Nguyễn Chí Trung cùng những bài thơ của Ngân Vịnh, Lương Tử Miên, Cao Phương.

                Về xuất bản, nhà văn Nguyễn Trung Thành cho xuất bản tiểu thuyết Đất Quảng tập 1 (ở căn cứ) và đang viết tiếp Đất Quảng tập 2; nhà thơ Hải Lê cho xuất bản tập thơ Những người con gái quê hương (ở căn cứ). Nhà thơ Dương Hương Ly cho xuất bản tập thơ Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ (ở Nhà xuất bản Giải phóng, miền Bắc); nhà văn Chu Cẩm Phong xuất bản tập truyện ký Mặt biển mặt trận (ở nhà xuất bản Giải phóng, miền Bắc); nhà thơ Cao Phương xuất bản tập thơ Xanh trong vườn Bác (ở Nhà xuất bản Giải phóng, miền Bắc). Nhà thơ Thu Bồn ra Bắc chữa bệnh và sáng tác, cho xuất bản ở miền Bắc tập thơ Tre xanh, Mặt đất không quên, tiểu thuyết Chớp trắng và tập truyện Hòn đảo chân ren. Nhà thơ Liên Nam ra Bắc chữa bệnh, sáng tác và cho xuất bản tập thơ Khẩu súng hành quân. Họa sĩ nhà thơ Hồng Chinh Hiền (Trần Hữu Chất) ra Bắc và cho xuất bản hai tập thơ Đá trắngTrước chân trời tiền duyên. Nhà văn Phan Tứ ra Bắc từ năm 1966 để chữa bệnh và sáng tác, cho xuất bản các tiểu thuyết Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Trại ST18

                Đợt thứ hai, cả hai bộ phận Tiểu ban văn nghệ Khu V và Ban văn học Quân khu V ra quân rầm rộ vào các năm 1971-1972.

                Với lực lượng đông đảo được bổ sung từ học viên lớp viết văn khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam cho Tiểu ban Văn nghệ Khu V và Ban Văn học Quân khu V, các cây bút sáng tác văn học đã tỏa đi bám thực tế ở các tỉnh Khu V, kể cả các tỉnh xa cơ quan Khu như Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và các đơn vị bộ đội trong quân khu, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, phục vụ cho các chiến dịch năm 1972. Sau khi đi thực tế, các cây bút sáng tác văn học trở về cơ quan hay tìm một địa phương có tình hình tương đối yên ổn để viết. Trong giai đoạn này có một số sáng tác nổi bật như: Trường ca Ăn cốm giữa sân của Nguyễn Khắc Phục; bài thơ Cực Nam và truyện ngắn Bậc biển của Trần Vũ Mai; bài thơ Những làng vùng cao của Phan Nghĩa An, bút ký Những em bé chăn bò Nhạn Phú và bài thơ Thăm chồng của Thanh Quế; bút ký Ghi chép ở ghềnh đá Tân Phú của Cao Duy Thảo; chùm thơ Tên em khuôn mặt em, Phần cuối bài thơ, Người du kích của Hà Phan Thiết; bài thơ Đôi mắt Việt Nam của Dương Hương Ly; hai bài thơ Ở cửa ngõ vào mặt trậnNgôi nhà trên đường Hùng Vương của Ngô Thế Oanh; truyện ngắn Người vùng sâu của Bùi Thị Chiến; truyện ngắn Lòng cha của Thái Bá Lợi; bút ký Đêm cao điểm của Nguyễn Hồng…

                Đợt thứ ba, từ sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973) đến kết thúc chiến dịch Thượng Đức (tháng 8-1974).

                Lúc này, sự tiếp tế về vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào Nam rất mạnh, các vùng giải phóng mở rộng, lực lượng sáng tác văn nghệ nói chung và văn học nói riêng không còn lo sản xuất tự túc như các năm trước, tất cả đã được tung ra chiến trường, bám vào các địa phương, các đơn vị tham gia các chiến dịch lớn của Khu như Nông Sơn-Trung Phước (Quảng Nam), Thượng Đức (Quảng Đà) cùng các chiến dịch mở mãng của Quảng Đà (Điện Bàn), Quảng Nam. Các cây bút sáng tác văn học tham gia tuyên truyền công tác chống lấn chiếm, cùng với nhân dân chuyển đạn, vũ khí, lương thực cho bộ đội và ghi chép, lấy tài liệu.  Cuối tháng 8-1974, Hội Văn nghệ giải phóng  Trung Trung bộ triệu tập anh chị em trở về tham gia trại viết do Hội mở ở Nước Oa (Trà My, Quảng Nam). Một số tác phẩm nổi bật được viết trong trại và ở các chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà mang về trại như: Những bài thơ Những lối mòn du kích, Ghi vội ở Bảo An Đông của Ngô Thế Oanh; Những đám cỏ lông heo, Cái giếng bể thành của Ngân Vịnh; Mưa của Lệ Thu; Hành quân trên đường Hồ Chí Minh của Dương Hương Ly; Trước hàng rào cửa mở của Đỗ Văn Đông; các truyện Vùng chân Hòn Tàu, Quê hương của Thái Bá Lợi, các bút ký Cơn bão đang đến của Nguyễn Trung Thành; Khi dòng sông ra cửa của Nguyễn Chí Trung; Vào Thượng Đức của Trần Vũ Mai, truyện ngắn Thủy Bồ của Nguyễn Bá Đoàn; truyện Kỷ niệm về một người bạn của Nguyễn Bảo; truyện ngắn Cập bến của Nguyễn Trí Huân; bút ký Ở Ấp Thạnh Mỹ của Vũ Thị Hồng; bài thơ Ngôi nhà của Bác và truyện Gió chuyển mùa của Nguyễn Bá Thâm; bài thơ Trước nhà em sông Vu Gia và truyện Những người du kích Gò Nổi của Thanh Quế; bài thơ Hầm chữ A và truyện Người con gái thành phố của Hoàng Minh Nhân; truyện ngắn Dừa không lá của Bùi Thị Chiến. Hồ Duy Lệ mang từ Quảng Đà về trại truyện Hai phía cửa sắt; Dương Đức Quảng (ở Thông Tấn xã Khu V) mang về trại bài thơ Dòng sông thân yêu

                Đợt 4 là cuộc ra quân rầm rộ của lực lượng văn nghệ Khu V trong đợt tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, tham gia giải phóng Đà Nẵng, Tam Kỳ, các tỉnh Khu V và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam.

                Đây là đợt Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ dốc toàn lực, đưa cán bộ sáng tác đi khắp các tỉnh Khu V và Tây Nguyên. Ở Quảng Nam-Đà Nẵng có lực lượng đông nhất gồm Phan Tứ, Nguyễn Bá Thâm, Thái Bá Lợi, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Dương Hương Ly, Đỗ Văn Đông, Hoàng Minh Nhân…bám theo các đơn vị bộ đội và Dân Chính Đảng vào giải phóng Tam Kỳ, Đà Nẵng. Sau đó, có một số cây bút theo lực lượng bộ đội vào giải phóng các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và giải phóng Sài Gòn.

                Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, các cây bút vừa tham gia công tác ở địa phương, đơn vị, vận chuyển vũ khí, xét hỏi tù binh, cứu thương…vừa lấy tư liệu, viết bài cho báo, đài ở các tỉnh, Khu và gửi ra Hà Nội. Đặc biệt nhà văn Phan Tứ vừa từ miền Bắc vào đã tham gia chiến dịch vừa chuẩn bị cho bộ tiểu thuyết lớn Người cùng quê vừa viết các bút ký, phóng sự nhanh như Ghi ở Tiên Phước, Những ngày đầu ở Tam Kỳ, Trận càn quét cuối cùng ở Đà Nẵng… gửi điện tín ra các báo, đài Hà Nội.

                Sau khi giải phóng miền Nam, các cây bút Khu V còn tranh thủ thời gian đi thực tế ở các vùng mới giải phóng của Khu V, Nam Bộ ghi chép tài liệu mãi đến cuối tháng 8-1975 mới tập hợp về cơ quan Hội đóng ở 10 Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) Đà Nẵng.

                Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8-1975, một số cây bút sáng tác văn học đã trực cơ quan tại 10 Gia Long Đà Nẵng, ra các số tạp chí phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh Khu V và miền Nam và biên tập, cho xuất bản một số tác phẩm của các cây bút tiêu biểu của Hội như: Những dũng sĩ Điện Ngọc, tập truyện, ký của Nguyễn Trung Thành; Hương cau, tập truyện, ký của Nguyễn Chí Trung; Rét tháng giêng, tập truyện và ký Chu Cẩm Phong; Im lặng của đá , tập truyện của Cao Duy Thảo; Trở về nền cũ, tập thơ của Hải Lê; Nỗi nhớ màu xanh, tập thơ của Lưu Trùng Dương; Tên em khuôn mặt em, tập thơ của Hà Phan Thiết và Thanh Quế; Quê hương mặt trời vàng, thơ của Thu Bồn; Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ, tập thơ của Dương Hương Ly (tái bản) và tập thơ Đà Nẵng ơi, mùa xuân của nhiều tác giả. Cũng vào thời gian này, Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ tiếp nhận nhà văn trẻ Ngô Thị Kim Cúc và Nguyễn Công Khế về công tác ở Hội.

                Hội liên hệ và hợp tác với các cây bút sáng tác ở trong thành Đà Nẵng như Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hân, Đông Trình, Đoàn Huy Giao, Vũ Hữu Định, Nguyễn Văn Phụng…trong hoạt động văn nghệ và in ấn bài vở.

                Tháng 9-1975, các cơ quan Khu giải thể, Hội Văn nghệ Trung Trung bộ cũng giải thể. Một số anh chị em chuyển ra Bắc công tác như: Nguyễn Trung Thành, Hải Lê (về Hội nhà văn Việt Nam), Nguyễn Khắc Phục về xưởng phim truyện, Hà Phan Thiết về Báo ảnh Việt Nam, Phan Nghĩa An về báo Phụ nữ Việt Nam…Một số cây bút về các tỉnh như Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông về Quảng Nam-Đà Nẵng; Bùi Thị Chiến, Cao Duy Thảo, Từ Quốc Hoài về Bình Định…Những cây bút khác còn lại chuyển biên chế về Quân khu V, chuẩn bị tham gia Trại sáng tác văn học Quân khu V.

                4- Trại sáng tác văn học Quân khu V (1976-1980)

                Trại sáng tác văn học Quân khu V như một sự kế tục và tổng kết công việc sáng tác văn học của một số cây bút chủ lực ở Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ.

                Trại được mở từ đầu năm 1976 với gần 20 anh em viết văn làm thơ do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng, nhà văn Phan Tứ và Nguyên Nam (cây bút viết văn ở chiến trường Khu VI trong chống Mỹ cứu nước, chủ yếu viết truyện ngắn) làm trại phó. Trong thời gian này, có một số nhà văn ở Hội Văn nghệ Trung Trung bộ cũ đến viết một thời gian ngắn rồi đi nơi khác như: Nguyên Ngọc, Liên Nam, Nguyễn Khắc Phục.

                Trại được mở là do sáng kiến của nhà văn Nguyễn Chí Trung. Khi giải thể các cơ quan Khu ủy, anh sợ nếu đưa anh em về các tỉnh sẽ mất lực lượng sáng tác, vả lại sau bao năm chiến đấu công tác ở chiến trường với biết bao khó khăn, gian khổ, anh em đã tích lũy được nhiều vốn sống cần có một thời gian tĩnh tâm suy nghĩ và sáng tác nên Nguyễn Chí Trung bàn với Quân khu nhận số anh em ở Tiểu ban Văn nghệ cũ về biên chế Ban Tổng kết Quân khu V để sung vào Trại sáng tác văn học Quân khu V. Trại được mở dài hạn từ 1976 đến tháng 8-1980. Trại do Ban Tổng kết Quân khu quản lý, trả lương theo cấp bậc quân đội (số anh em Ban văn học Quân khu V) và công nhân quốc phòng (bậc cán sự, chuyên viên) cho số anh em ở Tiểu ban văn nghệ Khu ủy V chuyển sang.

                Tại đây, lần đầu tiên anh em viết văn (trại không có các cây bút nữ), làm thơ có thời gian dài để suy nghĩ, đi thực tế tiếp (chủ yếu là đi thực tế ở các đơn vị bộ đội làm kinh tế ở Tây Nguyên và tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia); sửa để hoàn thành những tác phẩm đã viết trước đó hoặc viết những tác phẩm mới và được tập thể đọc và góp ý kỹ. Chính ở đây, các cây bút đã hoàn thành và cho xuất bản những tác phẩm “thai nghén” từ trong chiến tranh, có thể nói là những tác phẩm ghi dấu ấn của từng tác giả cho đến lúc đó: Nguyễn Trí Huân với tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế và truyện vừa Dòng sông của Xônét; Thái Bá Lợi với tập truyện ngắn Vùng chân Hòn Tàu và tiểu thuyết Thung lũng thử thách; Nguyễn Khắc Phục với kịch bản phim Thành phố không bị chiếm; Thu Bồn với trường ca Campuchia hy vọng; Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) với tập thơ Đôi mắt nhìn tôi và tiểu thuyết Hồi đó ở Sa Kỳ; Thanh Thảo với tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ và trường ca Những người đi tới biển; Trần Vũ Mai với trường ca Ở làng Phước Hậu; Nguyễn Đăng Kỳ với tiểu thuyết Vàng Crum; Thanh Quế với tập truyện thiếu nhi Chuyện từ một truyền thuyết và khởi thảo tiểu thuyết Cát cháy; Liên Nam với chùm thơ Gió đỏ; Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Ngân Vịnh in chung tập thơ Tình yêu nhận từ đất. Thanh Quế, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Bảo in chung tập truyện ngắn Miền đất ấy; Thanh Quế và Trung Trung Đỉnh in chung tập truyện Thung lũng Đắc Hoa

                Nhờ những tác phẩm hoàn thành ở trại này và những sáng tác trước đó mà năm 1977, nhiều cây bút đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế