Ứng nghiệm của "Mùa xuân vắng lặng"

15.05.2019

Ứng nghiệm của

Gần 4.000 cây thông cháy lá đợi chết ở Đà Lạt vì bị người ta đầu độc bằng thuốc diệt cỏ.

Sau gần nửa thế kỷ, ta thấy những lời tiên đoán của Rachel Carson trong kiệt tác "Mùa xuân vắng lặng" lại ứng nghiệm. Ra đời năm 1962, tác phẩm về môi trường này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nước Mỹ - đất nước tư bản hiện đại sau thời hậu chiến, giàu có và hãnh tiến. Khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng, con người càng tin tưởng vào sự phát triển vượt bậc của công nghệ thì môi trường càng bị đẩy vào sự tuyệt vọng.

Bằng những dẫn chứng khoa học, Carson lên án chính phủ Mỹ đã cho sử dụng hóa chất một cách tràn lan, đặc biệt là sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Cho đến thời điểm đó, không một báo cáo nào về tác động của thuốc hóa học lên con người, đến các loài côn trùng, gây mất cân bằng sinh thái, làm cho những loài chim không có chỗ cư trú.

Thời điểm bà nói điều này, thế giới chưa phải đối diện với hậu quả của sự nóng lên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thuộc khối G7 không phải họp mỗi năm bàn về cắt giảm khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính. Những lời của Carson đã làm phật lòng những nhà tư bản công nghiệp, cả giới khoa học. Tuy vấp phải phản kháng nhưng bà không phải là người đấu tranh cực đoan hay bài công nghệ như một số người muốn gán cho bà. Trái lại, Carson chỉ muốn việc sử dụng hóa chất được kiểm soát và có ý thức để bảo đảm con người có thể sống tiện nghi trong thế giới hiện đại của mình nhưng đồng thời phải tôn trọng thiên nhiên và môi trường sống của các sinh vật khác như hàng triệu năm nay vốn vậy.

Không lâu sau khi "Mùa xuân vắng lặng" ra đời, bà phải điều trần trước Thượng viện Mỹ và gần 2 năm sau đó, tức năm 1964, bà qua đời vì ung thư, khi sự nghiệp đấu tranh vì môi trường của mình còn dang dở. Bất chấp những điều đó, "Mùa xuân vắng lặng" của bà suốt từ bấy đến nay đã không hề lặng lẽ chút nào. Cuốn sách được coi là nhập môn về "phê bình sinh thái" này đến thời điểm hiện tại vẫn không vơi đi chút nào hào quang của nó. Với những hậu quả nhãn tiền mà trái đất đang hứng chịu, người ta càng thấy rõ những lời cảnh báo sớm của Rachel Carson là chuẩn xác. Chính phủ Mỹ đã phớt lờ bà, dẫn đến việc quân đội Mỹ sử dụng chất diệt cỏ hay còn biết đến với cái tên "chất độc da cam" trong cuộc chiến tranh Việt Nam những năm sau đó.

Khả năng phá hoại của con người lúc nào cũng khiến người ta kinh ngạc. Mới đây, hình ảnh sông Cái Lớn (đoạn chảy qua huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) hóa đen như dầu hỏa và bốc mùi hôi thối gây hoang mang không chỉ cho người địa phương bởi đây là nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi đây, mà còn cho người dân đồng bằng sông Cửu Long vốn là nơi có hệ thống sông ngòi nối liền chằng chịt, được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật quý giá.

Rừng thông Đà Lạt, sông Cái Lớn và nhiều môi trường bị ô nhiễm khác của hôm nay có thể là hiện thực của đất nước này ngày mai nếu vấn đề ô nhiễm môi trường do con người tạo ra không được ngăn chặn. Đừng để lời cảnh báo của Rachel Carson dành cho nước Mỹ năm 1962, trở thành hiện thực của Việt Nam thế kỷ này.

Chung Bảo
(nld.com.vn)