Trên dòng sông ấy có nhiều xuồng ghe từ các nơi đổ về. Những người đàn ông, đàn bà nghèo khổ đến đây gặt thuê, bắt cá và làm nhiều việc khác để sinh nhai. Ghe nào cũng chở theo những đứa trẻ. Chúng bị những đứa trẻ trên bờ ghét bỏ, xa lánh, thậm chí bị cấm không cho lên đó chơi.
Truyện nào trong tập sách cũng khiến đọc giả rưng rưng xúc động. Đó là câu chuyện kể về người mẹ cõng đứa con tật nguyền mười hai tuổi mới xin được vào học lớp một. Mỗi ngày đi học phải qua cánh đồng lau sậy. Bờ ruộng trơn trượt khi trời mưa, người mẹ phải gồng mình bấm hai ngón chân cái xuống đất để khỏi ngã. Đó là nỗi day dứt của đứa em chỉ vì muốn lấy lòng mẹ để được mặc thử bộ đồ tết mà nhẫn tâm làm khổ cả cuộc đời người chị.
Tác giả cho biết những câu chuyện kể ra trong cuốn sách chủ yếu đều là ký ức về tuổi thơ của anh và bạn bè thuở cắp sách tới trường làng. Con sông êm đềm, cánh đồng lúa vàng rực rỡ, những trò chơi trận giả, buổi chiều ngóng gánh hát về quê… là những hình ảnh đẹp về quê hương, những kỷ niêm ai lớn lên ở nông thôn cũng có một thời như thế. Bởi thế, bạn sẽ tìm thấy mình đâu đó khi đọc tập truyện này. Bằng giọng văn mộc mạc, giản dị Chiếc lồng đèn của má như một món ăn tinh thần dành cho các bạn tuổi mười bốn, mười lăm. Đọc cuốn sách này để hiểu hơn về tuổi thơ bố mẹ ta, yêu hơn những vùng đất trên quê hương mình. Tác giả cuốn sách là họa sĩ Khởi Huỳnh. Ngoài chuyên môn chính ra anh còn viết thơ, đóng phim, diễn kịch, viết văn, dạy vẽ.
Minh Quân
(http://news.zing.vn/)