Chép lên khoảng trời đa chiều sinh động và lãng mạn

24.04.2017

Chép lên khoảng trời đa chiều sinh động và lãng mạn

Nhận được tập thơ mới xuất bản Chép lên khoảng trời của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, cảm giác thật lạ khiến tôi phải suy ngẫm về tâm trạng của anh khi có ý định cho ra đời tập thơ này. 

Điểm dễ nhận thấy nhất là Nguyễn Vũ Quỳnh đã định hướng cho tập thơ của mình về cái nghĩa ân tình và trách nhiệm với quê hương đất nước. Tình yêu, kỷ niệm và những năm tháng trong cuộc hành trình truân chuyên mà anh đã đi qua đời chiến sĩ. Nguyễn Vũ Quỳnh hình như đang chiêm nghiệm những kỷ niệm xa xưa cùng với thực tiễn đương đại trong thơ của anh bằng ký ức trong tâm thức và suy tư hiện tại. Đây là tập thơ thứ tư của anh sau: Khúc hát xa quê; Ru lời yêu em; Đối thoại với thời gian. Bây giờ anh vẫn thủy chung với đề tài quê hương, tình yêu, đồng đội, ngày xưa và hôm nay…

Anh đã tìm được cái riêng trong cái chung của thi ca dân tộc, góp phần làm phong phú ngôn ngữ nơi lưu giữ tâm hồn thơ Việt Nam như bao thế hệ đi trước. Về hình thức trong tập này đã có những cái mới. Đó là anh đã ghi ngày tháng ra đời của tác phẩm. Điểm mới thứ hai của Nguyễn Vũ Quỳnh là trên tiêu đề mỗi bài thơ anh có giới thiệu ít nhất là hai câu thơ kết hoặc tâm đắc trong bài thơ. Đây cũng là cách anh dẫn khách vào khu vườn chữ nghĩa của mình, thôi thúc chúng ta muốn đọc để thưởng thức một hồn thơ trữ tình với những tứ thơ sinh động, từ ngữ giàu thi ảnh và tình cảm thiết tha. 

Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh là sự rung động đẹp, những nghĩ suy đa cảm, bản lĩnh của một người lính. Bởi vậy, ba lô ký ức của anh chật ních những hình ảnh quê nhà, tuổi thơ, những kỷ niệm của một thời thần tiên thơ dại mà anh được sống cái khoảng ngắn của tuổi trẻ xa xưa. Cái thời của anh, những cô gái chàng trai hồi ấy trên giảng đường xếp bút nghiên lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh chép lại quãng đời ấy cùng nỗi đau với đồng đội mình đã hy sinh ngoài mặt trận, qua những câu thơ gan ruột của người xưa để đối thoại bây giờ: Đồng đội ơi chúng ta!/ Chẳng đứa nào mà không có tên/ Khi điểm danh đứa nào cũng có/ Lúc ngã xuống trong mưa bom bão đạn/ Trên mộ phần tên người có người không. (Chiều nghĩa trang liệt sĩ)

Nguyễn Vũ Quỳnh đã đưa vào thi ca nhiều hình ảnh của thời đại. Đi qua chiến tranh, phát triển và xây dựng, những kỷ niệm khôn nguôi, những màu sắc hiện thực vô cùng mộng mơ, hết sức mong manh mà tận cùng sống động. Thơ anh đã mở rộng biên độ liên tưởng với những cách nhìn khác nhau: Góc làng, dòng kênh, tuổi thơ đã thành mối quan hệ hữu cơ trong anh, tạo nên những thi ảnh, ngôn ngữ đa chiều, sinh động và lãng mạn. Đó cũng là thế mạnh, tài hoa của anh ở thể loại thơ lục bát mà không nhiều người viết được bài thơ lục bát hay: Mặt trời đợi dưới dòng kênh/ Chờ tôi về giữa những bồng bềnh thơ. (Góc làng tuổi thơ)

Anh trở về nơi miền xa xăm thấm đẫm tình đất, tình người, nơi gắn bó với tuổi thơ dữ dội mà rút ra những tứ thơ với từ ngữ chân thật, hóm hỉnh, tình cảm, tái hiện nên bức tranh quê sinh động, chạm vào ký ức, tâm tư người đọc không thể nào quên của thời xa vắng. Nguyễn Vũ Quỳnh đã tìm ra cái hay, cái đẹp trong làng quê xa xưa, đi qua cái gieo neo, ghềnh thác nhìn lại và lắng nghe cái thời xa vắng qua tiếng ru và mồ hôi trên lưng cha mẹ.

Bếp chiều con tép bờ sông/ Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm/ Quê thời bếp núc rạ rơm/ Mặn trên lưng mẹ nồi cơm độn đầy. (Qua miền ký ức)

Những hoài niệm của thời đất nước nghèo khó và sự đổi thay trong cuộc sống đi lên ngày nay đã được khắc họa bằng hình ảnh xa xưa, hiện tại, tạo cảm xúc cho người đọc làm xôn xao ký ức của anh và mọi người khi mỗi lần về lại quê nhà: Phía ấy vào thu trời xanh ngăn ngắt/ Mây vấp núi Cung treo lơ lững bốn mùa. (Bến đợi)Mây vấp núi là hình tượng đẹp của ngôn ngữ hình ảnh giàu chất thơ, ai tha phương đọc câu này mà không nhớ nhà? Yêu quê hương, luôn trăn trở với hình ảnh mẹ, bâng khuâng với cô láng giềng đâu đó, nơi cây đa, bến nước, con đò, cứ nô nức, cứ xôn xao tâm thức.Thơ anh đẩy những nếp gấp yêu thương, âm vang tiếng lòng da diết dịu dàng, ăm ắp những kỷ niệm đẹp không thể nào quên được đối với những ai đi ra từ làng quê: Và: Cái ngày cây lúa trổ bôngLời ru gặt giữa cánh đồng mẹ tôi. (Cánh đồng mẹ tôi) đến: Còn không quán rượu bờ sôngMà sao say giữa cánh đồng tháng năm. (Còn không)

Trong cái hữu hạn của thời gian, cái vô hạn của không gian, anh biết giữ lấy niềm tin để đi đến mục đích cuối cùng của đời người là giữ lấy những gì mà ta yêu quý: Ven đường ngày ấy cỏ may/ Còn rơi rớt gió những ngày lặng im/ Gần nơi ấy giữa đồi sim/ Là nơi đánh mất, đi tìm ngày xưa. (Tìm Xưa). Con người trước họng súng, trái tim trước đại bác, lửa đạn chiến xa, Tất cả đã lưu giữ lại nơi địa nguc trần gian Côn Đảo thấm máu những anh hùng dân tộc. Ai đến đây mà không chết điếng trước những hình ảnh đánh dấu sự bạo tàn của quân xâm lược suốt trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta. Nguyễn Vũ Quỳnh đã chụp lại những hình ảnh nơi địa ngục trần gian bằng thơ: Những người dấn thân vào cõi chết/ Để tìm ra lẽ sống bây giờ. (Nơi bàn thờ Tổ quốc)

Nguyễn Vũ Quỳnh tâm thức vẫn nguyên sơ cánh cổng làng, tuổi thơ, hành trang ngày ra đi và những trăn trở ngày về trong hoà bình, xây dựng lại quê hương. Ngậm ngùi với những mất còn và suy tư cho hành trình phát triển. Anh nhập cuộc, dấn thân, bằng cách đặt mình vào những cuộc đối thoại. Trong tập thơ trước anh đã Đối thoại với thời gian để soi rọi cái được, cái chưa. Trong tập thơ này anh đã lượng hóa được các vấn đề thời sự Đem ngày xưa đối thoại với bây giờ mà trăn trở với hành trình đô thị hoá đến chóng mặt, bởi môi sinh, môi trường, những hệ luỵ đến ngày mai, của những người đi xa mất chỗ trở về: Chia xa rũ rượi cánh đồng/ Chiều qua trả lại cả dòng sông xưa. (Trả lại một thời)

Là người lính đã đi qua máu lửa chiến tranh, anh viết về Hoàng Sa, Trường Sa hôm qua và hôm nay như thôi thúc chúng ta gìn giữ biển trời Tổ quốc trước bão giông mà kẻ thù độc ác gây ra: Những người đang canh giữ biển đông/ Là chiến binh sống ở vùng mắt bão/ Họ đi qua trập trùng gươm giáo/ Tin mặt trời không lặn phía Hoàng Sa. (Hoàng Sa phía mặt trời)Và: Máu những người giữ biểnTô lên sắc đỏ màu cờTổ quốc một lần thêm máu thịt Trường Sa. (Lời ru nơi mộ sóng)

Anh đã đem mối huyền cảm từ cổ tích qua hiện tại mà Chép lên khoảng trời vô cùng lãng mạn mà hiện thực sinh động đến như vậy. Nếu Nguyễn Bính thấm đẫm với cái tình quê và Anh Thơ mê mẫn với cảnh quê, thì trong Nguyễn Vũ Quỳnh cái tình quê và cảnh quê đã lắng vào anh như nước lọc từ mạch nguồn vậy: Những đứa con xa về quê đang hát/ Qua nữa đời một thời son sắt/ Ngọn gió Lào bỏng rát cả ca dao. (Sông Lam ngày trở về)

Đọc khổ thơ này, ai quê miền Trung mà không chạnh nhớ quê mình, nắng lửa mưa dầm, gió Lào, bão biển, thiên tai vạn biến. Có lẽ tất cả những khắc nghiệt ấy của thiên nhiên đã tạo thành một nghị lực vượt khó phi thường cho những con người miền Trung, cánh chim di trú lạ vùng, muôn phương, để ngày về họ ôm chầm lấy quê hương mà trân trọng, mà thuỷ chung.

Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh thấm đậm cái tình tứ trọn vẹn của thi ca, nhưng không thiếu phần lý trí, nhân văn và quan tâm đến thân phận con người. Anh có cái duyên với thi ca, báo chí, đông lắm những bạn bè đồng nghiệp. Ngoài đời thì anh luôn hùng biện sôi nổi trong luận bàn văn chương, vậy mà trong thơ anh lại kín đáo dịu dàng. Không biết trong những rung động đầu đời anh có để lại nỗi niềm nào cho láng giềng không mà ta nghe: Gần nơi ấy giữa đồi sim/ Là nơi đánh mất đi tìm ngày xưa. (Đi tìm)

Trong khuôn khổ của trang viết không thể nào nói hết được hình tượng, ngôn ngữ, tâm tư, tình cảm trong cả tập thơ. Có những điều mà ai cũng nhận ra, thơ Nguyễn Vũ Quỳnh không khoa trương, không hình thức, không khô cứng với lối viết hư ảo trìu tượng và không mộng mị sáo rỗng. Thơ anh giàu ngôn ngữ hình ảnh, trữ tình và như có nhạc hòa vào trong ấy, tạo nên cái duyên trong thơ. Xin kết thúc bài viết với hai câu thơ được trích dẫn ở trang đầu tiên cũng đủ biết thơ anh yêu thương tình tứ, đẹp và lãng mạn đến chừng nào: Em nghiêng chiều bên ấy/ Rót vào miền riêng anh.

Nhà thơ Nguyễn Trường
(vanhocquenha.vn)