Tuổi thơ với đường vào âm nhạc - TRƯƠNG ĐÌNH QUANG
Từ tiếng đàn bầu...
Xuân Hồng (1928-1996) - (Giải thưởng Hồ Chí Minh)
Cụ thân sinh của nhạc sĩ Xuân Hồng am hiểu Nho học, thích đọc thơ, ca, truyện, sử, yêu quý chuyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông yêu âm nhạc, chơi thành thạo đàn độc huyền cầm (đàn bầu) và đàn cò (đàn nhị). Mẹ của Xuân Hồng tuy ít học, nhưng hiểu nhiều chuyện xưa tích cũ,về luân lý ở đời. Thỉnh thoảng, bà dạy bảo con cháu bằng những điển tích hay vài câu chữ Nho. Bà rất thích ca nhạc, và biết một số điệu hò, lý.
Lúc lên năm tuổi, Xuân Hồng được ba cậu dạy đờn bầu theo lối truyền ngón, học khá nhanh, được bạn bè của ba khen là "sáng dạ". Chưa học chữ, cậu đã thuộc lòng và có thể chơi được hàng chục bài nhạc cổ loại ngắn như: Bình bán, Kim tiền, Ngũ điểm, Bài tạ, Hành vân, Lưu thủy đoản, Lạc âm thiều, Long hổ hội, Tam pháp nhập môn... Sau khi cậu biết đọc biết viết, ba bắt cậu phải học bằng cách đọc thuộc lòng theo bản đàn nhạc cổ hò xự xang xê cống..., tập đàn và hòa tấu với ông.
Thật không may cho Xuân Hồng trên con đường học đàn, vì ba lâm bệnh và qua đời lúc cậu mới 13 tuổi.
Tuy không có người dạy tiếp, nhưng Xuân Hồng vẫn tiếp tục trau dồi với vốn liếng bài bản sẵn có. Cậu bắt chước được vài ngón rao (dạo đàn), ngón chạy (biến tấu) của ba, được nhiều người khen rằng rất giống tiếng đàn của ông cụ.
Ba cậu qua đời, mẹ cậu phải vay tiền cho đủ mua một cái quan tài loại gỗ xấu để chôn cất. Để trả nợ ba đồng bạc đó, Xuân Hồng phải đi ở đợ chăn trâu. Làm phận đầy tớ, còn vui sướng gì mà đàn ca! Chỉ có đôi lúc ngồi trên lưng trâu nghêu ngao hát cho đỡ buồn.
Sau ba năm ở đợ trả nợ xong, Xuân Hồng về nhà, trở lại với cái nghề cấy gặt mướn, và lúc nầy, có được ít thì giờ để chơi đàn ca.
Với một số bạn bè cùng xóm cùng lớp thân nhau lúc còn đi học..., học lóm đàn ca ở vài anh lớn tuổi có năng khiếu.
Vào thời kỳ nầy, cậu bắt đầu biết một số bài hát "âm nhạc cải cách": Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Biệt ly của Doãn Mẫn...
Cậu bắt đầu học bài ca Vọng cổ nhịp 16 dây Sài Gòn, rồi chuyển sang học đờn giây Rạch Giá, cùng một lúc học một số bài Bắc, bài Nam, có thể chơi ghita phím lõm và đàn kìm (đàn nguyệt). Tuy chơi chưa hay nhưng có thể hòa đàn và đệm cho ca. Cậu ca được sáu câu vọng cổ, các bài Tây thi, Xuân tình, Xàng xê, và một số bài ngắn như Tân xái phỉ, Lạc xuân hoa, Sơn đông hướng mã...
Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Tây Ninh. Trong Thanh niên tiền phong, Xuân Hồng hát những hành khúc của Lưu Hữu Phước, Tạ Thanh Sơn, Đỗ Nhuận, Hoàng Quý, Phan Huỳnh Điểu v.v..., và cậu bị âm nhạc Cách mạng lôi cuốn từ đây.
Cậu đi vào cuộc kháng chiến với một mớ hành trang âm nhạc đơn sơ, gồm chút đỉnh nhạc cổ hò xự xang xê cống, và một số bài tân nhạc thuộc lòng, một noát "đô" chưa biết, nhưng có thể đàn và hát đúng những bài hát ấy; táo bạo hơn, cậu còn dạy đàn dạy hát cho các em chưa biết, khiến không ít người tưởng cậu giỏi nhạc lý lắm, cậu thấy ngượng về sự đánh giá đó.
Thu nhận tiết tấu và hò
Đỗ Nhuận (1922 – 1991) - (Giải thưởng Hồ Chí Minh)
Khi Đỗ Nhuận lên sáu tuổi thì gia đình chuyển từ thôn Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương về thành phố Hải Phòng.
Về đây, cậu học lớp đồng ấu (lớp 1 ngày nay).
Khi có ngày hội, thầy giáo thường điều khiển phường trống rước, chọn toàn học sinh lớn tuổi hơn ông. Thầy viết lên bảng để nhóm này học thuộc lòng câu:
... đong đong đong đầy
đong đong đong đầy
Đong đầy đong vực
Vực thực mà đong
đong đong đong đong
Tham gia phường trống, cậu thuộc cách ghi âm và nhịp trống dễ nhớ này: đong là trống con, đầy là trống cái, còn từ nào có dấu nặng là rụp hai đùi trống vào mặt trống con.
Thầy hô lên: "Nào! đong đầy đong vực phải thực mà đong!" (câu này có nghĩa người bán gạo phải đong thực thà). Học trò răm rắp đánh trống theo nhịp:
Mãi sau này, (năm 1949) khi có tên là nhạc sĩ rồi, Đỗ Nhuận mới nghĩ lại thế là mình đã học nhạc từ lúc lên sáu tuổi, vì tiết tấu của trống cũng là nhạc thuộc bộ gõ.
Trên đường từ chùa Đỏ về đến bãi bóng đá Mái tơ, cậu hay đi xem đoàn người kéo gỗ. Thời ấy, Hải Phòng chưa có xe vận tải lớn nên dùng sức người mà kéo quệt. Một toán người kéo dây thừng căng phía trước, toán sau lấy xà beng đẩy nhích dần từng bước, họ vừa hô vừa đẩy:
(kể) Khen ớ ai này (xô) Dô ta!
Ai khéo kết này Dô ta!
Kết nên bông này Dô ta!
Một ơ đàn này Dô ta!
Đàn con nít này Dô ta!
Nít đánh vông này Dô ta!
Đánh vông cửa chùa này Ơ dô ta!
Tiếp nhận tính sáng tạo của dân thợ, cắt hai từ trong thơ lục bát và soạn thành điệu hò, nghe không chán tai, mà có động lực thúc đẩy, lại tiết kiệm được từ; sau này, trong sáng tác, Đỗ Nhuận cũng áp dụng cách này.
Lên mười tuổi, cậu đi học ở trường tiểu học công Lạc Viên. Ông rất gắn bó với cái tên gọi nôm na là "Vườn Vui" ở mảnh đất này.
Tuy bố là lính kèn (mười tám năm thổi pixtông, tuba), chức Bếp binh nhì, đã nhiều lần đưa ông đi nghe nhạc kèn hơi, nhưng tai ông chưa tiếp thụ được loại âm nhạc này.
Ở đây, được quen ông già mù thổi sáo bán lạc rang, đã giúp ông mua một cây sáo trúc và dạy ông thổi. Ông thổi thuộc được điệu Cung oán ngâm khúc, Hát xẩm, Sa mạc, Cò lã... Một anh ở gần nhà, dạy cậu ca nhạc tài tử, cải lương: Xuân nữ, Dạ cổ hoài lang, Khốc hoàng thiên Tây thi, Mẫu tầm tử, Xang xừ líu...
Khi lên trung học về trường Lê Lợi, nhờ bạn cùng lớp chỉ dẫn, ông bắt đầu học nhạc, biết cách ghi nhạc ra nốt, học sách nhạc lý sơ cấp của Lavinhắc (Lavignac). Ông học nhanh đàn măngđôlin và thổi kèn ắcmônica.
Từ hò xự xang chuyển sang Đô Rê Mi
Nguyễn Văn Thương (1919 - 2002) - (Giải thưởng Hồ Chí Minh)
Khi cha của cậu làm việc ở Sở Bưu điện thị xã Đồng Hới, Nguyễn Văn Thương lên bảy tuổi. Nguyễn Văn Thương xin cha cho học đàn. Nhưng mãi đến hai năm sau, nhận thấy cậu học giỏi, luôn đứng nhất, nhì ở cấp tiểu học, cha mới cho cậu được học đàn nguyệt.
Thầy dạy đàn đầu tiên của cậu là một quả phụ đẹp, nói năng dịu dàng, đôi mắt luôn đượm buồn. Tiếng đàn của bà rất thâm trầm, truyền cảm.
Cậu nhanh chóng làm quen với hò xự xang xê cống líu và thuộc nằm lòng những bài đàn vở lòng như Lưu thủy, Kim tiền, Bình bán, rồi chuyển tiếp những bài khó hơn như Tứ đại cảnh, Nam ai, Nam bình.
Bỗng nhiên, bà thầy ngã bệnh nặng.
Gia đình phải đưa bà vào Huế chạy chữa.
Thế là sau hai năm say mê học nhạc, việc học này của cậu bị chấm dứt hoàn toàn bất ngờ.
Lúc gia đình chuyển về Huế, ở tuổi mười hai, cậu tiếp tục học cấp tiểu học. Bấy giờ, trong thanh niên học sinh rộ lên phong trào hát nhạc mới bằng lời tiếng Pháp. Cậu cũng rất say mê và học thuộc khá nhiều bài.
Ở lớp học, mỗi buổi sáng khi thầy giáo vào lớp cầm thước gõ lên bảng thì học sinh đồng loạt đứng dậy, Thầy gõ hai tiếng, cả lớp cất tiếng hát:
Ơi trò đi học nhà trường
Phải chăm, phải chăm mà học, ơi trò ơi!
Kẻo trường, ơi trò ơi còn xa
Hoặc:
Con này con lắng tai, nghe lời mẹ căn dặn một hai.
Dặn cùng con chớ ham chơi bời...
Đều là điệu lý hoặc điệu hát dân tộc cổ truyền.
Thời kỳ này, bắt đầu có phim lồng tiếng và âm nhạc. Hầu hết lớp trẻ đều thuộc lòng những bài hát của các ngôi sao nổi tiếng; hát những bài ca tiếng Pháp hoặc lời Việt chuyển dịch.
Là một thiếu niên từ tỉnh nhỏ chuyển đến kinh đô, cậu rất mặc cảm, tự ti, khi so sánh cây đàn đoản, đàn nguyệt của mình trước các cây đàn măngđôlin, bângiô của bạn bè. Cậu bỗng nghĩ ra việc cải tiến cây đàn đoản của mình. Dày công cưa, giũa, chặt, đẻo. Gắn thêm phím thay dây tơ bằng dây thép, thay ngựa, với hy vọng có được cây đàn đủ âm, kêu vang. Làm xong đàn, cặm cụi lên dây, khấp khởi mừng sắp đạt mục đích, thì đàn bung cả mặt đàn, vì dây thép lên quá căng, nên lôi bật gốc trụ buộc dây. Thất vọng!
Nhận rõ nỗi đau khổ vì cải tiến đàn và niềm say mê âm nhạc của con, cha gởi ra Hà Nội mua cây đàn măngđôlin.
Nhờ một thầy giáo trẻ chỉ dẫn, mò mẫm trên cây đàn măngđôlin, cậu đàn những bài Kim tiền, Hành vân... và J"ai deux amours (tôi có hai mối tình), Quand on est matelot (khi người ta là lính thủy), từ hò xự xang cậu chuyển sang đô rê mi.
T.Đ.Q.