Lê Uyên Phương - thời vang bóng
Lê Uyên và Phương
Những năm đầu của thập kỷ 70, Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong đạn bom và máu lửa, phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên diễn ra ngày càng rầm rộ. Còn nhớ những đêm văn nghệ xuống đường tại Sài Gòn, bên cạnh những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, sự xuất hiện cặp song ca Lê Uyên - Phương như một hiện tượng. Họ đã thổi một luồng gió mới vào nền tân nhạc thời bấy giờ. Với giai điệu nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc và triết lý, Lê Uyên - Phương đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt trong những ca khúc nổi tiếng: Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta...
Tuổi thơ
Lê Uyên Phương sinh năm 1941 tại Đà Lạt, là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975. Ông tên thật là Lê Minh Lập. Do giấy tờ bị thất lạc trong chiến tranh, tên của ông bị khai nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Ông giữ tên Lê Văn Lộc từ đó đến giờ.
Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu bị đàn áp nên ông phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi, ông lấy chữ Phương trong tên của mẹ làm tên cho mình. Cùng với chữ Uyên, tên người bạn gái đầu tiên, ông ghép thành Lê Uyên Phương.
Bản nhạc đầu tiên "Buồn đến bao giờ” được Lê Uyên Phương viết tại Pleiku vào năm 1960. Tám năm sau đó (1968), Lê Uyên Phương gặp Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt, hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy tên là Lê Uyên. Hai người thường xuất hiện song ca trước công chúng nên được gọi Lê Uyên và Phương.
Thật ra, Lê Uyên là người Trung Hoa thuần chủng, sinh 1952 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội. Cha chị người gốc Hải Nam, mẹ người Triều Châụ. Năm 1954, Lê Uyên cùng với bố mẹ và người em gái là Lâm Phi Yến từ Hà Nội di cư vào Nam, cư ngụ trong một ngôi nhà rất khang trang ở Chợ Lớn. Đây cũng là nơi đặt văn phòng của một Công ty vận tải chạy đường Qui Nhơn, Huế và Đà Nẵng do thân phụ chị khai thác.
Năm 1969, họ dắt nhau xuống Sài Gòn. Trong những năm đầu cùng nhau đi hát, Lê Uyên và Phương chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong khuôn viên đại học với phong trào "Du ca Việt Nam”. Với giọng ca thiết tha và trầm ấm, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với khán giả Sài Gòn những năm sau đó…
Yêu nhau trong lo âu…
Lê Uyên Phương là một người đa tài. Tuy nhiên, đến 27 tuổi, anh vẫn chưa có "mảnh tình vắt vai”. Lúc bấy giờ, trên thân thể chàng xuất hiện nhiều khối u lạ. Mặc dù bác sĩ chưa định ra chính xác là bệnh gì, nhưng ai cũng nghĩ chàng mắc bệnh ung thư xương, không biết sẽ ra đi vào lúc nào. Chính vì thế, anh không nghĩ đến hôn nhânđể khỏi gây khổ lụy cho người khác.
Ngày ấy, 16 tuổi, nàng là nữ sinh trung học xinh đẹp và ngây thơ, được cha (một thương gia giàu có) đưa lên Đà Lạt học tại Virgo Maria, một trường nữ trung học có tiếng thời bấy giờ. Vừa xinh đẹp, vừa giàu có, Lê Uyên được nhiều chàng trai tán tỉnh, ngày đêm thương nhớ.
Như một định mệnh, nàng lại gặp và yêu đắm say Phương, chàng nhạc sĩ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo không biết sẽ ra đi lúc nào. Nàng như con nai hiền, anh như một khu rừng già luôn xòe bóng mát chở che. Lê Uyên Phương hơn Lê Uyên 11 tuổi. Năm ấy, anh đã là một ông thầy giáo dạy Triết và Nhạc tại một vài trường ở Đà Lạt. Chàng được học violon từ bé và bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 20 tuổi, nhưng không ký tên thật là Lê Minh Lộc mà dùng bút danh Lê Uyên Phương.
Lê Uyên đã tâm sự: "Tôi yêu bởi cái tài và con người hiền lành, đạo đức, rộng lượng của anh. Nhưng yêu tha thiết hơn chính là vì căn bệnh hiểm nghèo của anh. Cuộc tình chúng tôi lãng mạn, đau đớn cũng bởi không biết một ngày nào đó cả hai sẽ chia lìa nhau. Chúng tôi yêu nhau nồng nàn và như thành một khối từng ngày, từng giờ cũng bởi cái chết luôn ám ảnh”.
Một nghiệt ngã khác trong cuộc tình định mệnh này là gia đình Lê Uyên không chấp nhận cho con gái đến với một người nay sống, mai chết như Phương. Cha, mẹ Lê Uyên cấm không cho họ gặp mặt nhau mỗi ngày. Trong thời gian về lại Sài Gòn, để được gặp mặt, họ phải ngồi suốt ngày trong nhà ga Sài Gòn. Có khi bụng đói rã rời, chỉ có mẩu bánh mì nhỏ trong bụng, ấy vậy mà họ vẫn không lìa nhau. Họ sống như thế một tháng trời. Những lúc nhớ thương người yêu da diết, anh dành hết cho âm nhạc. Những ca khúc trong tập "Khi loài thú xa nhau” đã ra đời trong hoàn cảnh chia lìa như thế.Sau này, nhà văn Song Thao có viết về cuộc đời và hoàn cảnh những tác phẩm của Lê Uyên Phương:
"Hồi đó... Nàng quen em gái anh và thỉnh thoảng vẫn lui tới nhà. Lúc đầu nói chuyện thường thường rồi sau anh trở thành "cố vấn” của nàng. Nàng hỏi ý kiến anh đủ thứ chuyện kể cả chuyện yêu đương nhăng nhít”. Họ yêu nhau lúc nào không biết. Tôi hỏi anh ngỏ tình yêu ở đâu. Trên đồi! Đà Lạt có những ngọn đồi mộng mơ cho những kẻ yêu nhau quấn quít..
Tiếng Lê Uyên và Phương từ chiếc máy cassette quấn lấy nhau vọng ra:
"... Lệ ngập ngừng bờ mi.
Giọt nước mắt lăn nỗi buồn.
Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông.
Giờ này còn nhìn nhau.
Nhìn đắm đuối như suối bền.
Nhìn suốt kiếp như chết mòn.
Nhìn hấp hối thương đau.
Ngày mai ta không còn thấy nhau”
(Cho lần cuối)
Anh khẽ bảo tôi chính vì bài này mà người ta đồn là anh sắp chết. Bệnh tật của anh đã trở thànhhuyền thoại. Người ta bảo là anh chỉ còn sống được một năm nữa. Người ta đồn là vào năm 1972 anh sẽ chết. Anh đưa bàn tay trái cho tôi coi. Trên lưng ngón tay trỏ nổi lên một cục bằng trái cà chua nhỏ đỏ au và mòng mọng. Những đường gân máu chạy nổi thấy rõ. "Bác sĩ cũng chưa thể định là bệnh gì. Bây giờ nó đã nổi thêm trên mấy ngón khác và một vài chỗ trong người. Muốn chữa bây giờ chỉ có thể cắt ngón tay này nhưng tôi chưa muốn cắt”. Anh xác nhận là những bài ca viết về sự chia phôi không phải là do bị ám ảnh bởi cái chết nhìn thấy trước mà do sự rắc rối và xa cách của mối tình đẹp nhất đời anh và khi được hạnh phúc anh luôn luôn sợ ngày nó sẽ hết. Người nghệ sĩ không những sống cho mình mà còn thông cảm được với cuộc sống của những người khác. Anh đã nhìn thấy cái chết và đã nghĩ nhiều về cái chết...”.
"Chuyện tình của họ đòi đoạn đớn đau. Gia đình nàng không chấp nhận. Họ mê say trong trốn chạy. Năm 1968, hai người sống ở Sài Gòn. Họ không có một chỗ gặp gỡ nhau. Suốt ngày hai người ngồi trong sân nhà ga Sài Gòn. Thỉnh thoảng họ phải làm bộ ngoắc tay những hành khách ngồi trên xe ca của hãng Hàng không Việt Nam cho ra vẻ ngồi chờ người nhà. Mỗi ngày chỉ có một mẩu bánh mì nhỏ trong bụng. Họ sống như vậy một tháng trời. Tình yêu của họ được kết hợp bằng những ngày không có nhau. Chính những ngày xa cách nhớ thương là thời gian anh sáng tác nhạc. Những bản nhạc đang dần dần quen thuộc với mọi người được kết tinh trong sự nhớ thương đó nên nặng mang sự chia phôi. Mười hai bài trong tập "Khi Loài Thú Xa Nhau” được viết trong thời kỳ này. Nó không còn mang tình yêu thơ mộng, tình yêu trong trí tưởng, thật xa và thật huyền diệu như mười bài trong tập "Yêu Nhau Khi Còn Thơ” được sáng tác trong thời kỳ trước đó khi chưa gặp Lê Uyên”.
... Đà Lạt hoang sơ quyến rũ đã đưa anh trở về những rung cảm nguyên thủy của buổi hồng hoang. Không có Đà Lạt chắc khó có một thứ nhạc độc đáo Lê Uyên Phương. Mỗi ngày anh thức dậy từ sớm đi lang thang khắp núi đồi Đà Lạt tới khoảng nắng lên thì trở về nhà nghỉ. Khi mặt trời đi ngủ anh lại đi cho tới tối trở về ngồi vào viết tới sáng”.
Ngày mai, ta không còn thấy nhau.
Năm 1979, Lê Uyên và Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại Nam California, Hoa Kỳ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Sau 15 năm chung sống, khoảng năm 1984 hôn nhân của hai người tan vỡ.
Sau đó, Lê Uyên lâm bệnh nặng. Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện UCI (University Of California in Irvine) Lê Uyên Phương đã về nhà người con gái lớn của anh là Lê Uyên Uyên để sống. Đó là những ngày tháng bi thảm với một tình trạng sức khỏe sa sút do căn bệnh ung thư phổi tàn phá.
Cuối cùng, anh lại được đưa lại bệnh viện này để trút hơi thở cuối cùng vào chiều thứ Ba 29 tháng 06 năm 1999, hưởng dương 59 tuổi. Ông ra đi trong niềm luyến tiếc của mọi người yêu âm nhạc.
Ngày anh ra đi, Lê Uyên suy sụp và gần như không gượng lại nỗi. Lê Uyên nhớ lại: "Lúc anh mất, tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ để theo anh. Tôi khóc từ sáng đến đêm khuya, ngày nào cũng khóc và ngay khi tôi định tìm đến cái chết bởi quá tuyệt vọng thì tôi cảm nhận được có điều gì đó từ anh không muốn tôi như vậy. Có thể anh đã xui khiến một người bạn gọi đến cho tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đó là ngày thứ 50 anh mất. Tôi không ngờ người bạn ấy có thể nói được những lời mà trước đây anh từng nói với tôi: "Nếu như nhạc của anh không có mình (anh không gọi tôi bằng em mà gọi là mình) thì không biết phải làm sao. Mình không thể khóc hoài như vậy, mình phải sống và có bổn phận gìn giữ, đưa âm nhạc của anh thăng hoa”.
Hơn 10 trôi qua… Giờ đây, Lê Uyên Phương không còn nữa nhưng tình khúc của ông đã trở thành những viên ngọc quý. Với giai điệu đam mê, đầy luyến tiếc, người ta còn thấy ở Lê Uyên Phương một tấm lòng bao dung và sự chắt chiu cho âm nhạc. Một ngày nào đó, trong góc khuất của đời sống, ngồi nghe lại "Dạ khúc cho tình nhân”:
... Ngày em thắp sao trời
Chờ trăng gió lên khơi
Mà mưa bão tơi bời
Một ngày mưa bão không rơi
Trên đôi vai thanh xuân
Ướp hôn nồng bên gối đắm say
Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy…
Chúng ta mới thấy hết sự da diết, nồng cháy và ngọt ngào của một tình yêu đã đi xa ..
T.V.K