Đình làng Đà Nẵng - đôi điều về cảnh quan và kiến trúc - Hồ Tấn Tuấn – Lê Xuân Thông

01.04.2012

Đình làng Đà Nẵng - đôi điều về cảnh quan và kiến trúc - Hồ Tấn Tuấn – Lê Xuân Thông

Đình làng Lỗ Giáng , quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng

1. Vị trí, cảnh quan

Đình là chốn linh thiêng, là linh hồn của làng, nơi nhân dân gửi gắm niềm tin và ước vọng vào thế giới siêu nhiên, về cuộc sống thanh bình, "hòa cốc phong đăng” nơi thực tại. Vì vậy, trong tâm thức dân gian, thế đất, hướng đình luôn có những ảnh hưởng to lớn đến sự suy thịnh, hưng vong của cuộc sống dân làng nơi trần thế. Đình có thế đất tốt, hướng đẹp thì sinh vượng khí, cuộc sống tốt tươi, trên dưới thuận hòa, học hành đỗ đạt; ngược lại thì dân làng phải hứng chịu tai ương, đôi khi suy mạt. Chả thế mà từ lâu đã có câu ca:

"Toét mắt là tại hướng đình

Cả làng cùng toét riêng mình em đâu”

Từ đó việc lựa chọn đất để xây dựng đình làng, đối với người dân là hết sức quan trọng.

Đình làng Đà Nẵng tất nhiên cũng được các cộng đồng dân làng nơi đây xem xét kỹ lưỡng và tuân thủ nghiêm ngặt theo những nguyên tắc về dịch lý và thuật phong thủy. Dân làng phải tìm cho được những mảnh đất có thế rồng chầu hổ phục, có sông nước, núi đồi làm yếu tố "minh đường, hậu chẩm”, "thủy tụ, sơn triều” để cất đình. Tuy nhiên, đi vào thực tế vấn đề này cũng cần được hiểu một cách rất rộng và có tính tương đối. Bởi lẽ có một số ngôi đình, các thế đất được người dân liên tưởng là "tiền án, hậu chẩm”, "minh đường, thủy tụ” nhưng thực chất những đối tượng được liên hệ như sông hồ, núi non lại có khoảng cách khá xa về mặt địa lý. Những trường hợp này nếu không có sự "định hướng” từ phía dân làng thì quả thật rất khó nhận ra. Có thể gọi đó là sự tuân thủ thuật phong thủy bằng… ý niệm.

Đa phần đình làng Đà Nẵng thường ở những vị trí không gần lắm khu dân sinh, thậm chí tách biệt với sinh hoạt thường nhật của dân làng, có thế đất cao và thoáng. Đó có thể là những doi, cồn đất cao giữa những cánh đồng ruộng thấp trũng như đình Lỗ Giáng, đình Tùng Lâm (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), đình Phú Hòa (xã Hòa Nhơn), đình Bồ Bản (xã Hòa Phong) thuộc huyện Hòa Vang, đình Mân Quang (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn); hoặc trên những gò đồi ở vùng bán sơn địa như đình Khe Lâm, đình Xuân Lộc, đình Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Hướng của đình thường rất đa dạng, không có hướng nào nổi trội. Không giống như đa số đình làng miền Bắc đều quay về hướng Nam, như câu tục ngữ: Lấy vợ hiền hòa/ đàn bà, làm nhà hướng nam. Có một số dân làng cho rằng đình quay theo hướng nào là phụ thuộc vào địa thế của làng, song nhất thiết phải là chánh hướng, tức phải hoặc là chánh đông, chánh tây hoặc chánh nam hay chánh bắc, không được rơi vào các hướng phụ. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng không phải là tiêu biểu ở đình làng Đà Nẵng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng đình Đà Nẵng gần như có đủ 8 hướng (4 hướng chính đông, tây, nam, bắc và 4 hướng phụ đông - nam, tây - nam, đông - bắc và tây - bắc). Nhưng dù thế nào thì phía trước mặt đình thường cũng có những đầm hồ, khúc sông và phổ biến hơn cả là những đồng ruộng thấp trũng làm yếu tố minh đường, thủy tụ. Khi không tìm được thế đất đẹp, người ta có thể tự tạo nên các yếu tố này như trường hợp đình Hải Châu (phường Hải Châu II, quận Hải Châu). Ở đây, phía trước cổng đình, người ta đã đào và xây dựng thành một hồ nước, ở giữa dựng ngọn giả sơn có cây phủ vừa thể hiện ý niệm về sự tụ linh, tụ phúc, vừa tạo cảm giác hài hòa cho không gian của đình.

Thời gian càng lùi lại, đình làng Đà Nẵng có xu hướng được dịch chuyển về vị trí trung tâm của làng, dẫu vậy nó vẫn phải phù hợp với cảnh quan môi trường và nhất là vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc của thuật phong thủy, tuy không còn nghiêm ngặt như trước. Ngôi đình có cảnh quan đẹp, sông nước hữu tình có lẽ là đình Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). "Đây là nơi núi nước trùng điệp, rồng cọp vây quanh, là nơi đất thần kỳ…” (Văn bia đình Túy Loan).

Xem xét vị trí, hướng của đình Đà Nẵng chúng ta nhận thấy đều có điểm xuất phát từ truyền thống của đình làng người Việt là luôn tìm thế đất, hướng đình quay về nguồn nước. Để cắt nghĩa hiện tượng này, Giáo sư Hà Văn Tấn đã đưa ra một gợi ý: "Có lẽ việc tìm thế đất này bắt nguồn từ thời xa xưa, khi các cộng đồng nguyên thủy bắt buộc phải định cư cạnh các nguồn nước” ([1]). Gợi ý của Giáo sư có thuyết phục hay không, câu trả lời còn ở phía trước.

2. Mặt bằng tổng thể

Đình làng thường bao giờ cũng có các thành phần kiến trúc cơ bản gồm cổng ngõ, bình phong và nơi tế tự, sinh hoạt nghi lễ và được bố cục theo nguyên tắc đơn tuyến. Từ ngoài vào trong các đơn nguyên kiến trúc theo thứ tự là cổng đình, đến tấm bình phong, đi qua một khoảng sân rộng mới vào công trình chính của đình làng. Tất cả đầu nằm trên trục dũng đạo tạo thành một chiều sâu không gian và như vậy càng tăng thêm vẻ uy nghiêm của chốn linh thiêng.

Trên bình đồ kiến trúc, dựa vào sự bố trí của các công trình chính, chúng ta thấy đình Đà Nẵng có 2 kiểu kiến trúc phổ biến, đó là kiểu chữ "Nhất” (一) và kiểu chữ "đinh” (丁); hoàn toàn vắng bóng kiểu chữ "nhị” (二 ), chữ "tam” (三) hoặc chữ "công” (工) chữ "khẩu” (口) thường phổ biến ở miền Bắc, hoặc như ở Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh) còn có thêm các kiểu chữ "L”, chữ "Môn” (門) và đình dạng "nội công ngoại quốc (國)”.

Đình dạng chữ "nhất” là những ngôi đình chỉ có một nếp nhà nằm ngang. Ở Đà Nẵng, công trình này thường được định danh không thống nhất như đại đình, chính điện, đại bái không chỉ giữa các địa phương mà đôi khi ngay cả trong một làng. Còn đình dạng chữ "đinh” thường được gọi là kiểu "chuôi vồ” (cũng có một số người gọi là kiểu chữ "T” lộn ngược) thì ngoài tòa chính điện còn có hậu tẩm nối liền phía sau gian giữa của chính điện. Hậu tẩm có quy mô rất nhỏ, diện tích mặt bằng chỉ từ khoảng 8m2 đến tối đa là khoảng 15m2.

Dõi theo bước chuyển thời gian, chúng tôi nhận thấy các mô hình mặt bằng kiến trúc đình làng Đà Nẵng có sự biến đổi phức tạp. Đầu tiên, xuất hiện trước hết là kiểu đình chữ "nhất”. Đến cuối thế kỷ XIX, đình kiểu chữ "đinh” mới bắt đầu xuất hiện và phổ biến ở nửa đầu thế kỷ XX. Nói phổ biến cũng có nghĩa là trong giai đoạn này kiểu chữ "đinh” tuy nhiều nhưng vẫn không hoàn toàn thống trị, mà cùng tồn tại với nó vẫn có kiểu đình chữ "nhất”, tuy số lượng không nhiều. Bên cạnh đó còn xuất hiện các kiểu thức khác, song, nó như những trường hợp ngoại lệ, cá biệt, từ đó cho đến nay không bao giờ thấy xuất hiện nữa. Đó là bình đồ kiến trúc gồm nhà tiền điện (cũng gọi là Tiền đường, tiền tế) ở phía trước và chính điện ở phía sau, như đình Xuân Dương (Hòa Hiệp Nam – Liên Chiểu). Hoặc ngoài tiền đường và chính điện còn có thêm hậu tẩm, như đình Phong Lệ (xã Hòa Châu) và đình Túy Loan (xã Hòa Phong), huyện hòa Vang. Trong các kiểu kiến trúc này, nhà tiền điện cũng là một nếp nhà nằm ngang và được dựng nối tiếp với chính điện ở phía trước tạo thành một không gian thống nhất. Trừ trường hợp của đình Túy Loan, hai ngôi đình còn lại tuy tồn tại một nếp nhà riêng và được định danh là tiền đường (hay tiền tế, tiền điện) nhưng có quy mô không lớn, từ trước ra sau chỉ rộng từ khoảng 2,5 – 3,5m và nó cũng chẳng mang một chức năng nào cụ thể. Nơi đây hoàn toàn không có việc thờ tự, mà chỉ được sử dụng kết hợp với không gian của đại đình để thực hiện các hành vi lễ nghi trong dịp đình mở lễ hội mà thôi. Xuất phát từ kiểu thức, quy mô mặt bằng kiến trúc này chỉ là một biến thể, là sự mở rộng của hiên đình để giúp chính điện vươn rộng không gian ra phía trước nhằm hạn chế mưa nắng lùa vào chính điện và tạo sự thông thoáng, tiện lợi hơn khi thực hành các nghi thức cúng tế trong đại đình của người dân.

Dẫu sao sự xuất hiện của nếp nhà ngang này và cùng với kết cấu kiến trúc đặc biệt của nó (sẽ được đề cập ở phần sau) đã làm góp phần đa dạng hơn diện mạo đình làng Đà Nẵng.

Mặt bằng đình Hải Châu là một trường hợp đặc biệt ở Đà Nẵng. Ngôi đình này đã được xây dựng mới vào năm 2004 theo quy mô và kết cấu hoàn toàn khác, nhưng hình ảnh cũ của nó thì đã được lưu lại trong hồ sơ di tích (gồm ảnh, lý lịch di tích và các bản vẽ) được Bảo tàng Đà Nẵng lập năm 2001 để trình Bộ Văn Hóa – Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Phải nói ngay rằng hồ sơ của di tích chẳng giúp được gì để hiểu biết cặn kẽ về kiến trúc của ngôi đình này, song góp nhặt lại và chủ yếu dựa vào các bản vẽ mặt bằng tổng thể, mặt cắt dọc, mặt bên chúng tôi có thể xác định gồm 5 nếp nhà ngang nối liền nhau từ trước ra sau, với tổng chiều dài đến 22,2m. Ở đây, hậu tẩm thực sự là một nếp nhà với quy mô lớn hơn các hậu tẩm tại tất cả đình khác, có chiều ngang 7,3m, chiều dọc 4,85m.

Nghiên cứu mặt bằng đình làng Đà Nẵng cần lưu ý rằng, ngay trong một ngôi đình thì các đơn nguyên kiến trúc không phải bao giờ cũng có niên đại đồng thời, tức là cùng được xây dựng ở một thời gian như nhau mà đôi khi, chúng được xây dựng ở những thời gian sớm muộn khác nhau. Thường thì nhà chính điện bao giờ cũng được xây dựng trước, sau đó do nhu cầu mở rộng không gian thờ tự và sinh hoạt nghi lễ, văn hóa người ta đã nối thêm phần hậu tẩm ở phía sau hoặc thay thế hiên đình bằng một nếp nhà ngang gọi là tiền đường ở phía trước.

Những trình bày trên đây của chúng tôi về các dạng mặt bằng đình là dựa vào những công trình kiến trúc chính. Trong đình Đà Nẵng, ngoài những kiến trúc nói trên, từ cái nhìn đồng đại, còn thấy một số (không nhiều) các công trình như nhà trù (nhà bếp), nhà soạn lễ và những công trình tín ngưỡng được xây dựng trong khuôn viên đình làng. Các đình có nhà bếp hay nhà soạn lễ như đình Dương Lâm, đình Xuân Lộc, đình Hòa An, đình Thạch Nham. Những nếp nhà này có quy mô mặt bằng không lớn, chỉ khoảng 20 - 30m2 và thường nằm tách biệt ở bên hông phải (có thể lùi lại phía sau hoặc lên phía trước) của chính điện. Tuy nhiên trong mấy mươi năm trở lại đây, chức năng của những căn nhà này hiếm khi được dân làng khai thác và ngày nay thì nó hoàn toàn dư thừa đến độ hoang phế. Có lẽ, trong xã hội hiện đại với sự đáp ứng quá đầy đủ, tiện lợi của các dịch vụ phục vụ ngay cho cả với những hoạt động tín ngưỡng, thì sự tồn tại của những căn nhà này đã không còn phù hợp nữa.

Những công trình tín ngưỡng khác được xây dựng trong một số đình làng Đà Nẵng thường là những ngôi miếu rất nhỏ, mặt bằng chỉ khoảng 3 - 6m2, thậm chí có khi chỉ là ban thờ lộ thiên không có mái che. Ở đó, những ngôi miếu thường là để thờ một số vị thần, chẳng hạn như Thiên Y Ana, Quan Thánh Đế Quân hoặc Sơn Thần, Thổ Thần, Thần Nông, còn những ban thờ lộ thiên thường để thờ cô hồn gọi là Âm linh. Vị trí phân bố của những công trình này hoàn toàn không có điểm chung nào giữa các đình làng, có thể ở giữa sân phía sau tấm bình phong, ngay trên trục dũng đạo, có thể ở 2 bên tả hữu trước sân đình, cũng có lúc nằm ở phía hai đầu hồi của tòa đại đình. Số lượng của các miếu, ban thờ này cũng tùy thuộc ở mỗi đình, có khi chỉ một ban thờ cô hồn ở giữa sân nhưng cũng có trường hợp vài ba miếu thờ, hoặc có cả miếu và ban thờ cùng tồn tại, nói chung rất đa dạng.

3. Công trình ngoại vi: Cổng ngõ, bình phong

Đình làng người Việt nói chung thường có cổng ngõ (nghi môn), nó phổ biến từ Bắc chí Nam nhưng tấm bình phong thì chỉ xuất hiện rộng rãi ở khu vực miền Trung và Nam Bộ mà thôi.

Ở Đà Nẵng, hai bộ phận này bao giờ cũng được đặt theo thứ tự từ ngoài vào trong, ngoài cùng là cổng ngõ rồi đến bình phong án ngữ giữa lối đi chính trên trục dũng đạo. Sự xuất hiện của tấm bình phong ở vị trí này đã thể hiện sự kính ngưỡng tuyệt đối của người trần đối với thế giới thần linh. Bởi lẽ, bước vào đây người ta buộc phải rẽ sang hai bên mà không thể bước tiếp nếu muốn vào chính điện. Mặt khác, đứng ở ngoài không ai có thể nhìn thấu xuyên suốt vào điện thờ trong đình do sự che khuất của tấm bình phong.

Dựa vào hình thức phân chia lối đi, có thể xếp cổng đình Đà Nẵng thành hai loại là: Cổng đơn, tức chỉ có một cửa ra vào và cổng tam quan, tức cổng có 3 lối vào đình. Nhưng nếu dựa vào cách thức hay kết cấu kiến trúc thì lại có nhiều dạng khác nhau, tùy mỗi địa phương làng xã.

Quy mô nhất là loại cổng tam quan được xây dựng theo kiểu thức vòm cuốn. Loại cổng này ở Đà Nẵng không nhiều, có thể kể ra như đình Lỗ Giáng, đình Quá Giáng, đình Thạch Nham. Đáng tiếc là cổng đình Thạch Nham đã bị đổ sập trong cơn bão số 6 ngày 01-10-2006, tam quan của đình hiện nay được xây lại năm 2008. Phải nói rằng tam quan của đình Lỗ Giáng là một công trình kiến trúc tiêu biểu của cổng đình Đà Nẵng. Cổng đình được xây bằng gạch, vữa vôi với diện tích mặt bằng khá lớn. Thân cổng là một khối hình hộp chữ nhật chia thành 3 cửa theo lối vòm cuốn, 2 cửa bên đều bằng nhau cả về chiều rộng lẫn chiều cao và nhỏ hơn cửa chính. Trên mỗi cửa đều tạo cổ lâu, tạo mái và được trang trí rất cầu kỳ. Quanh 4 mặt của các lâu được chia thành các ô hộc và gắn trang trí các mảnh sành sứ theo những đề tài cổ điển như tứ hữu, tứ thời và những cảnh núi sông, muông thú. Trên nóc cổ lâu gắn trang trí hình rồng khảm sành theo chủ đề lưỡng long chầu nguyệt, với tư thế hồi long; các góc là hình tượng giao long.

Thực ra cổng vòm cuốn tạo cổ lâu không chỉ xuất hiện ở hình thức cổng tam quan mà còn thấy ở hình thức cổng đơn như trường hợp cổng đình Đại La (Hòa Sơn - Hòa Vang). Tuy vậy, quy mô ở đây nhỏ, kỹ thuật xây dựng đơn giản, ít chú trọng đến sự hài hòa, cân xứng và trang trí nên không tạo được ấn tượng về nghệ thuật kiến trúc.

Những cổng đình còn lại đều lấy những trụ cổng làm bộ phận kiến trúc cơ bản. Từ đây sự phân biệt cổng theo hình thức hay cách thức kiến trúc là chỉ dựa vào số lượng của các cột trụ và các yếu tố liên kết nó. Nếu chỉ có 2 trụ chính ta có cổng đơn, còn nếu thêm 2 trụ nữa ở 2 bên thì thành cổng tam quan. Trên các đầu trụ này thường được đặt các hộp đèn lồng một hoặc hai tầng, hoặc hình tượng con sư tử. Một số đình, các trụ được liên kết với nhau bằng cách đúc các tấm bê tông và tạo mái cong duyên dáng, đồng thời trên đó gắn trang trí các hình tượng trong tứ linh.

Bình phong bao giờ cũng được xây bằng gạch trát vôi vữa, xi măng. Ở Đà Nẵng, tuyệt đại đa số những tấm bình phong ở đình làng hiện nay đều được xây dựng trong chừng nửa thế kỷ trở lại, không tìm đâu ra những tấm bình phong có niên đại xa hơn. Mặc dù nhiều làng vẫn lưu truyền rằng trong quá khứ xa xôi, đình làng của họ đã có xây dựng bình phong. Nhưng cũng chỉ có thế. Tất cả các nguồn tài liệu đều không cho chúng ta một điều nào khả tín, ngay cả một thông tin gợi mở.

Có lẽ, chính vì được xây dựng trong cùng một khung thời gian ngắn của cùng một thời đại nên kiểu thức bình phong, về cơ bản, có cùng mô típ theo mô thức cuốn thư. Tuy sự thể hiện nó về kỹ thuật, trong từng chi tiết vẫn tồn tại những khác biệt, đôi khi đó là sản phẩm của một sự miễn cưỡng, vụng về. Nhìn đại thể, bình phong thường có kiểu cắt góc, tạo nếp gấp kiểu cuốn thư và được áp liền với hai trụ bên như hai ống quyển. Phổ biến là kiểu bình phong như một hình chữ nhật nằm ngang, nhưng cũng có kiểu dựng đứng, có cảm giác vừa nhỏ bé, vừa không tạo được sự vững chãi.

Các bình phong thường được trang trí cả hai mặt bằng kỹ thuật đắp khảm sành sứ hoặc tô vẽ những chủ đề muôn thuở như cá hóa rồng, hình hổ, long tàng vân, phượng hoàng xòe cánh và long mã tải đồ (hoặc bát quái) lướt trên hoa văn thủy ba, ở phần chính giữa của hai mặt trước (mặt ngoài) và sau (mặt trong). Nhìn chung là thế nhưng lựa chọn nó để trang trí ở mỗi tấm bình phong và ở mỗi mặt cụ thể thì hoàn toàn không có tính quy ước. Có đình mặt trước bình phong là hổ, mặt trong hình long tàng vân, đình khác, hổ được đưa ra ngoài, trong là hình long mã tải hà đồ, nhưng đình khác nữa thì hoàn toàn ngược lại, ở đây các chủ đề hổ và long mã được hoán vị cho nhau về mặt vị trí. Cũng có những trường hợp được trang trí hình kỳ lân hoặc các hình trong tứ thời như tùng lộc nhưng ít phổ biến. Một vài trường hợp chỉ trang trí mặt ngoài, còn mặt trong tô láng bằng xi măng. Các phần nối tiếp ở hai bên được trang trí những chủ đề như tứ hữu, tứ thời, cũng có khi là hai chữ thọ cách điệu, hoặc đôi chim hạc đứng chầu vào trong, hoặc các hình trong bát bửu. Tất cả những trang trí nói trên đều nhằm thể hiện sự ngưỡng vọng thần linh đồng thời gửi gắm những ước muốn, khát vọng vươn lên của con người nơi trần thế.

4. Kết cấu kiến trúc chính

Hậu tẩm

Hậu tẩm là nơi thờ thần Thành hoàng, là không gian thâm nghiêm nhất trong một ngôi đình. Đặc điểm chung phổ biến của kết cấu kiến trúc hậu tẩm là được xây dựng hoàn toàn bằng gạch trát vữa vôi, xi măng với kiểu kiến thức vòm cuốn, tạo lâu giả. Nhìn từ bên ngoài trông như hai khối hình hộp chữ nhật, dựng đứng chồng lên nhau, phần trên (tức cổ lâu) nhỏ và thấp. Đại bộ phận các công trình kiến trúc này được xây dựng ở những năm cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX; không có chứng cứ để xác định nó xuất hiện ở thời gian sớm hơn, và cũng rất ít có ở những thời gian sau. Chúng tôi chưa tìm ra được cách giải thích nào hợp lý nhất cho sự ra đời và phổ biến của công trình này chỉ ở trong một giai đoạn lịch sử nói trên.

Với kiểu kiến trúc này, tường chính là bộ phận chịu lực, vì vậy được xây rất dày, khoảng từ 0,5 – 0,8m, do vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa diện tích sử dụng và diện tích xây dựng của mặt bằng hậu tẩm. Hậu tẩm bao giờ cũng xây bịt kín 3 mặt, chỉ có một cửa nối thông với gian giữa của chính điện, tạo ra một khoảng không gian nhỏ hẹp, đóng kín, tạo cảm giác thâm nghiêm, u tịch.

Chính điện

Kết cấu kiến trúc cổ truyền của đình làng Đà Nẵng là bộ khung nhà bằng gỗ mang dáng dấp của những ngôi nhà dân dụng xứ Quảng. Đó là những ngôi nhà rường 3 gian 2 chái hoặc 1 gian 2 chái. Tuyệt nhiên qua những ngôi đình còn lại hiện nay, không có trường hợp nào có số gian lớn hơn. Kiểu đình 3 gian 2 chái thường có niên đại sớm khoảng từ nửa sau thế kỷ XIX, còn đình 1 gian 2 chái có niên đại muộn, chủ yếu từ nửa đầu thế kỷ XX về sau. Như vậy, nếu có cái nhìn tổng thể về kiến trúc đình làng Đà Nẵng, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng kiểu thức đình chữ "đinh” xuất hiện đồng thời với khuynh hướng thu nhỏ quy mô tòa chính điện. Đình từ 3 gian xuống còn 1 gian nhưng lại xuất hiện thêm bộ phậm hậu tẩm. Sự thay đổi này có lẽ là nhằm cho sự đảm bảo kinh phí xây dựng không đến mức quá lớn nhưng vẫn thỏa mãn được mong muốn của dân làng là có một không gian thâm nghiêm để thờ thần, đáp ứng xu hướng thần bí hóa thần linh lúc bấy giờ.

Đình Đà Nẵng cũng như các kết cấu nhà khung gỗ Việt Nam, nó được tạo thành từ hệ thống cột và các bộ phận liên kết cột hết sức phức tạp. Cách thức liên kết là nhờ vào hệ thống mộng và các con nêm tạo thành bộ khung nhà vững chắc, chống được với gió bão của vùng nhiệt đới. Cột là bộ phận chịu lực chủ yếu gánh lấy toàn bộ sức nặng của ngôi nhà và đè lên hệ thống các chân tảng. Tường nhà chỉ có chức năng ngăn mưa che nắng.

Theo mặt cắt ngang từ trước ra sau, thông thường, đình Đà Nẵng có 5 hàng cột (2 cột nhất/cột cái, 2 cột nhì, và một cột hàng 3 ở mái trước), nhưng đôi khi cũng có kiểu vì có 4 hàng chân cột (2 cột nhất và 2 cột nhì) hoặc có 6 hàng cột. Các cột được liên kết với nhau theo chiều ngang tạo thành một bộ vì. Và dựa vào kiểu thức kết cấu của các bộ vì này mà các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ truyền người Việt định danh, phân loại cho từng kiểu kiến trúc như vì chồng rường giá chiêng, vì chồng rường giả thủ, vì thượng rường hạ kẻ, tiền kẻ hậu bẩy, hoặc vì kèo v.v…

Vì truyền thống của đình Đà Nẵng là vì kèo chồng, có thể là lưỡng đoạn hoặc tam đoạn, tùy thuộc ở mỗi đình làng. Với kiểu vì này, 2 cột cái bao giờ cũng được nối với nhau trước hết bằng một thanh gỗ ăn xuyên qua thân cột, ở vị trí khoảng 1/3 tính từ trên xuống, gọi là thanh trính (vùng Bình - Trị - Thiên gọi là trến). Đầu trính hướng ra trước, đuôi trính ở phía sau, ở cả đầu và đuôi được đục rãnh để dùng con nêm khóa chặt hai cột cái. Thông thường thì trính được tạo dáng cong rất mềm mại, song cũng có trường hợp đó chỉ là cây gỗ thẳng, hình vuông, có tạo hai đường chỉ nổi ở hai bên hông. Ngoài thanh trính, tất cả các bộ phận liên kết cột còn lại ở một vì đều gọi là kèo. Kèo là những thanh gỗ có dáng khum với những độ dài ngắn khác nhau để liên kết các đầu cột, chạy theo độ xuôi của mái từ trên xuống dưới, đỡ lấy hai mái trước và sau. Kèo ở đình Đà Nẵng rất đa dạng. Kiểu phổ biến bao giờ cũng có bộ phận kèo nóc (hay còn gọi là kèo nhất), gồm 2 thanh gỗ ngắn tra đuôi vào đầu 2 cột cái, 2 đầu kèo vươn cao và bắt chéo nhau tại nóc để đỡ lấy đòn đông. Chỗ bắt chéo gọi là giao nguyên. Nếu là vì kèo lưỡng đoạn thì ngoài bộ phận kèo nóc nói trên còn có thêm thanh kèo nhì, đầu chồng lên đuôi kèo nóc và ăn mộng vào đầu cột cái, đuôi tra vào đầu cột nhì. Với kiểu vì kèo tam đoạn nhất thiết đình phải có thêm cột hàng 3. Đình Đà Nẵng thường mở rộng không gian về phía mái trước, vì vậy, thường chỉ có cột 3 tiền, không có cột 3 hậu. Ở đó, phần mái trước ngoài 2 kèo nóc và kèo nhì như mái sau, liên kết giống vì kèo lưỡng đoạn, còn có thêm kèo ba gối đầu lên đuôi kèo nhì và ăn mộng vào đầu cột nhì, đuôi tra vào rãnh đầu cột ba.

Trên đây là hai kiểu liên kết cổ điển trong một bộ vì kèo của đình Đà Nẵng. Thực tế, có các biến thể khác như cũng là kèo lưỡng đoạn nhưng đôi khi nó bao gồm một thanh gỗ dài bắt chéo từ giao nguyên, thân ăn vào đầu cột cái và đuôi tra vào đầu cột nhì, gọi là kèo thượng; tiếp đến là thanh kèo gối đuôi lên kèo thượng, ăn mộng vào đầu cột nhì và đuôi tra vào đầu cột ba, gọi là kèo hạ. Cũng có trường hợp khác gồm kèo nóc và một kèo hạ dài gối đầu lên đuôi kèo nóc, ăn mộng vào đầu cột cái, thân ăn vào đầu cột nhì và đuôi tra vào đầu cột ba. Như vậy, ta thấy cả hai kiểu vì này đều không xuất hiện kèo nhì và cũng như vì kèo tam đoạn, đình phải có 5 hàng cột. Một số đình còn có kèo hiên ở mái trước. Kèo hiên có 2 loại phổ biến như sau: loại được tạo dáng cong như kèo ba và loại đơn giản hơn, chỉ là một thanh gỗ thẳng tiết diện vuông. Kiểu liên kết vẫn theo lối chồng kèo, đầu kèo hiên gối lên đuôi kèo ba và ăn mộng vào đầu cột ba, đuôi tra vào cột hiên.

Ở đình Xuân Dương và đình Nại Nam chúng ta bắt gặp kiểu liên kết đặc biệt giữa cột nhì và cột ba. Ở đó không phải là liên kết kèo mà được thay bằng một thanh trính ngắn (vùng Bắc Bộ gọi là xà nách), một đầu ăn mộng vào thân cột nhì, đầu kia tra vào rãnh cột 3 (đình Nại Nam không có cột 3, đầu trính ngắn gối trực tiếp lên tường gạch). Trên lưng trính (xà nách) có một rường cụt (Bắc bộ gọi là rường cánh) thu ngắn theo độ xuôi của mái, một đầu ăn mộng vào cột nhì (ngay sát dưới đuôi kèo nhì), đầu kia ăn mộng vào trụ đội ngắn đứng trên xà nách vươn lên đỡ đòn tay.

Trở lên chúng ta đã tìm hiểu kết cấu cơ bản của một bộ vì kèo của đình Đà Nẵng. Thực chất đó là kiểu liên kết cột theo hàng ngang, quan hệ không đồng đẳng. Để tạo thành một ngôi nhà, tất nhiên phải có sự liên kết giữa các vì kèo, tức là kiểu liên kết cột theo chiều dọc, có quan hệ đồng đẳng. Liên kết giữa các bộ vì kèo tạo thành các gian chính của một ngôi đình. Đình 1 gian 2 chái có 2 bộ vì, 3 gian có 4 bộ vì, 5 gian có 6 bộ vì, ... Bộ phận liên kết vì là xuyên và xà. Xuyên là những thanh gỗ thẳng, tiết diện hình chữ nhật đùng để nối các cột cái theo chiều dọc, theo từng đôi một. Theo đó đình 1 gian có 2 cây xuyên trước và sau, 2 đầu chúng đâm xuyên qua 2 cột cái và được khóa chặt bằng các nêm dệt như liên kết trính. Nếu đình 3 gian thì có 6 xuyên, 3 xuyên trước và 3 xuyên sau. Xà là những thanh gỗ dài, tiết diện vuông, nhỏ hơn xuyên dùng để liên kết các hàng cột cùng loại với nhau, ăn mộng ở trên đầu mỗi cột. Xà ngoài chức năng cùng với xuyên để liên kết vì, còn được dùng để liên kết các cột theo chiều ngang, ở đây là hệ thống các cột quyết, cột đấm ở 2 chái.

Chái ở đình Đà Nẵng thường là chái đơn, tức chỉ có một hàng cột ngoài cùng, gồm hai cột đấm và hai cột quyết. Cột quyết đứng ở vị trí các góc đình, còn cột đấm nằm cùng hàng với cột cái theo chiều dọc, tất cả chúng đều được liên kết với cột cái thông qua các kèo đấm và kèo quyết.

Ở đình Đà Nẵng, còn có một bộ phận kiến trúc đặc trưng đó là xà cò trụ đội, giống hệt như kiến trúc nhà dân dụng xứ Quảng. Trụ đội (còn gọi là trụ trốn) là một đoạn gỗ ngắn, hình tròn để đỡ lấy giao nguyên. Trụ trốn đứng vuông góc tại trung điểm của thanh trính, nhưng không ăn mộng trực tiếp vào lưng trính mà thông qua một chân đế bằng gỗ tạo dáng cong cong hình con tôm nên gọi là chân tôm. Phần trên có tấm ván hình cánh dơi tỏa ra hai bên, đỡ bụng dưới của 2 kèo nóc gọi là lá quả. Ở kiến trúc nhà dân dụng toàn bộ các bộ phận này được gọi chung là ấp quả. Xà cò là một thanh gỗ dài được tạo dáng cong nằm phía dưới cây đòn đông, 2 đầu ăn mộng vào 2 trụ trốn. Xà cò không phải là bộ phận thực hiện chức năng liên kết mà là để khắc các niên đại xây dựng và sửa chữa đình.

Đình Đà Nẵng còn có kiểu kết cấu thứ 2 - liên kết con rường, song chỉ sử dụng rất ít cho một số đình làng, như đình Phong Lệ và đình Xuân Dương. Cũng cần nói thêm, cả hai ngôi đình này, liên kết con rường không phải thuộc tòa chính điện mà là nhà tiền tế nối liền với chính điện ở phía trước. Liên kết con rường, nói một cách cụ thể hơn đó là kiểu thức kết cấu nhà chồng rường giả thủ. Ở đây mỗi vì chỉ có 2 hàng cột, chúng được liên kết với nhau bằng một con rường dài nằm dưới cùng có dáng cong như một thanh trính, ăn mộng xuyên qua 2 cột. Tiếp lên trên là hệ thống các con rường chồng lên nhau, rường trên ngắn hơn rường dưới theo độ xuôi của mái. Các rường gối lên nhau thông qua các giả thủ. Giả thủ là những khúc gỗ ngắn hình tròn, gồm có phần chân thường phình to như quả bí ăn mộng vào rường dưới, phần trên xẻ rãnh ngậm đầu các con rường và vươn thẳng lên để đỡ hoành mái (đòn tay). Trên lưng, chính giữa của con rường cuối cùng là nơi đứng chân của một giả thủ chống thẳng vào đòn đông.

Tiền đường của đình Túy Loan có kiểu kết cấu hỗn hợp, các vì có 4 hàng chân cột, vừa có liên kết rường, vừa có liên kết kèo. Phần giữa của vì, tức liên kết giữa 2 cột cái là liên kết rường theo kiểu thức chồng rường giả thủ, hệt như tiền đường đình Xuân Dương; từ 2 cột cái tỏa về 2 phía trước và sau, có các thanh kèo một đầu ăn mộng vào thân cột cái, đuôi tra vào họng các cột quân. Đây chính là kiểu kết cấu thượng rường hạ kèo (hay kẻ). Ở vì phía đầu hồi, từ các cột cái tỏa ra các kèo đấm và kèo quyết để tạo thành 2 chái như các đình có kết cấu vì kèo truyền thống.

Thực ra kiểu liên kết con rường hay kết cấu vì chồng rường giả thủ chỉ hiếm gặp ở đình làng (và cả những công trình tín ngưỡng dân gian) ở Đà Nẵng, nhưng lại phổ biến ở một số địa phương như Huế và Hội An, đặc biệt ở Huế, nó được coi là đặc trưng của kiến trúc gỗ thời Nguyễn. Nhìn rộng hơn nữa, nếu gạt đi sự khác nhau về hình thức, mà chỉ xem xét ở bản chất kỹ thuật thì kiểu vì này, kể cả kiểu vì thượng rường hạ kẻ của đình Túy Loan, chúng ta vẫn thường bắt gặp nhiều ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Về bộ mái

Kiểu mái đình truyền thống thường có 4 mái, gồm 2 mái chính trước và sau và 2 mái phụ của 2 chái ở hai đầu hồi. Mái đình ở Đà Nẵng có hình thức và kết cấu chung phổ biến như mái đình miền Trung (từ Nam Hoành Sơn) và cả vùng Nam Bộ. Ở đây hoàn toàn vắng bóng kiểu mái được cho là đặc trưng kiến trúc cổ truyền của người Việt, phát xuất và phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ, đó là kiểu tàu đao lá mái, còn gọi là chân tàu (tàu thực). Bởi vậy, chúng ta không thể bắt gặp và chiêm ngưỡng ở những ngôi đình Đà Nẵng có đầu đao cong vút mềm mại và thanh thoát, mang hình tượng như "một mũi thuyền đang rẽ sóng lướt tới” như có nhà nghiên cứu kiến trúc cổ truyền đã phát biểu, khi nghiên cứu về bộ mái của đình làng miền Bắc ([2]). Song, bù lại, trên mái của đình làng Đà Nẵng có nhiều hình thức trang trí hơn mà ở phần dưới, chúng tôi sẽ có dịp trình bày. Vật liệu lợp phổ biến nhất là mái ngói âm dương có trát vữa để giữ cho ngói khỏi tụt, đồng thời tạo thành các xối nước chảy thoát nhanh rất thích ứng với vùng khí hậu có mưa nhiều, nhất là những cơn dông xối xả như trút nước. Tất cả những chỗ gặp nhau giữa các mái đều được đắp cao bằng vôi vữa tạo thành các đường bờ nóc, tức gờ nối 2 mái chính chạy dọc theo đòn đông và bờ dải, là những đường gờ nối giữa 2 mái chính với 2 mái phụ. Ngoài ra, trong rất nhiều ngôi đình (thường là những ngôi đình có mở thêm hàng hiên ở phía trước) có đắp thêm một đường gờ chạy dọc song song với bờ nóc tại vị trí của hàng cột cửa. Sự xuất hiện của bộ phận gờ mái rất lạ lùng này, theo chúng tôi, có lẽ là để vừa thực hiện chức năng tăng cường độ ổn định của ngói do phần mái trước rộng, đồng thời vừa để tạo cơ sở cho việc trang trí. Và cũng thật thú vị, qua bộ phận này cùng với những trang trí các hình tượng linh vật ở trên đó, tạo cho người nhìn ngắm một sự nhầm tưởng về kiểu thức nhà "trùng thiềm điệp ốc”, vốn rất phổ biến ở các công trình kiến trúc thời Nguyễn ở Huế. Về điểm này những "kiến trúc sư” dân gian đã có một sáng tạo hợp lý. Thực ra kiểu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc thật sự vẫn có mặt ở một số ngôi đình ở Đà Nẵng, đó là các ngôi đình có tiền đường và chính điện nối liền nhau như Xuân Dương, Phong Lệ và Túy Loan. Ở đây, mỗi đơn nguyên là một công trình kiến trúc độc lập chạy song song với nhau nhưng lại liền khoảnh về mặt bằng và về không gian bên trong. Để xử lý phần nối ghép giữa 2 mái của 2 công trình, nếu như ở Huế có hệ thống trần vỏ cua hay còn gọi là trần thừa lưu có kiến trúc cầu kỳ, thì trong các đình Đà Nẵng, người ta chỉ cần đổ một tấm trần nhỏ (khoảng 0,4 – 0,6m) chạy dọc theo 2 rìa mái để làm chức năng hứng nước, như một máng xối.

Xem xét tất cả các mái đình, chỉ duy nhất đình Túy Loan có kiểu chồng diêm – lại cũng là một kiểu kiến trúc phổ biến ở Huế - được tạo thành do sự hạ thấp của hệ thống các kèo, đấm và quyết khi ăn mộng vào cột cái. Ở đây, vị trí ăn mộng của con rường và các cấu kiện nói trên ở cột cái có một khoảng cách nhất định, tạo cho mái có các tầng khác nhau. Như vậy, cùng với kết cấu chồng rường giả thủ, kiểu nhà trùng thiềm điệp ốc và bộ mái chồng diêm (của đình Túy Loan) đã cho thấy sự ảnh hưởng của lối kiến trúc Huế thời Nguyễn, tuy ở mức độ mờ nhạt, đối với kiểu kiến trúc đình làng Đà Nẵng.

5. Nghệ thuật điêu khắc, trang trí

Ấn tượng lớn nhất trong nghệ thuật trang trí đình làng Đà Nẵng là ở không gian bên ngoài, trên hệ thống mái. Đứng từ xa, từ ngoài ngõ làng, chúng ta đã dễ dàng nhận ra các hình ảnh trang trí trên các mái đình. Đề tài trang trí vẫn là những hình ảnh của bộ tứ linh long, lân, quy, phụng quen thuộc như nhiều công trình tín ngưỡng dân gian khác của người Việt, song ở đây có số lượng nhiều và đặt ở nhiều vị trí khác nhau, cả ở tiền đường, chính điện và hậu tẩm.

Trên nóc mái bao giờ cũng là mô típ "lưỡng long triều nguyệt” hay "lưỡng long triều nhật”. Theo mô típ này, ở phía cuối hai đầu nóc là 2 con rồng uốn lượn, vươn mình chầu vào vòng tròn có các tia lửa bốc cao - biểu tượng của nhật/nguyệt – mặt trời/mặt trăng, là ánh sáng - sự sống của vũ trụ, ở chính giữa. Số ít đình không chỉ có một mà có đến hai cặp rồng trên nóc mái, tức là có thêm 2 con rồng nữa ở hai bên nhưng lại theo tư thế hồi long - rồng quay đầu. Trên các bở dải, góc mái của đình được gắn trang trí phổ biến các hình lân và giao long. Toàn bộ đề tài và bố cục trang trí này đều được lặp lại ở trên cổ lâu của hậu tẩm và cả trên lầu chuông, gác trống phía 2 đầu hiên đình. Dĩ nhiên, quy mô của các linh vật đã được thu nhỏ để phù hợp với quy mô của các tiểu kiến trúc được trang trí. Đình Thần Nông làng Phong Lệ là một trường hợp đặc biệt. Ngoài việc được trang trí như bao ngôi đình khác, ở đây các góc mái của hậu tẩm, lầu chiêng, gác trống được "vuốt” cong vươn ra khỏi diềm mái, tròn và nhọn mô phỏng theo các cặp sừng trâu. Kiểu thức độc đáo này bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thần nông gắn liền với lễ hội mục đồng của dân làng Phong Lệ.

Tại các đường gờ giữa mái, cách trang trí quen thuộc là 2 con phượng xòe cánh chầu vào mặt nguyệt chính giữa, nhưng đôi khi mặt nguyệt được thay thế bằng tấm biển chữ Hán đề tên đình. Thảng hoặc, chim phượng được thay bằng rùa – con vật linh thứ 3 trong bộ tứ linh, hoặc tồn tại cả 2 cặp rùa và phượng.

Tất cả các hình tượng trang trí nói trên đều được thực hiện bằng kỹ thuật nề vôi vữa và được các nghệ nhân dùng kỹ thuật khảm sành sứ, thủy tinh một cách cầu kỳ, kỹ lưỡng vừa tạo sự thanh thoát cho ngôi đình, vừa đảm bảo được sự trường tồn trước sự khắc nghiệt về khí hậu lắm nắng nhiều mưa của dải đất miền Trung. Và cũng chính các chi tiết trang trí này càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm, sự màu nhiệm của chốn linh thiêng.

Ngoài những trang trí nổi bật nói trên, còn có các trang trí ở phần bít đốc và hai bức tường chắn mặt trước của hai chái. Hình dáng chung nhất của bít đốc là kiểu thức cuốn thư, rất mềm mại. Đề tài trang trí phổ biến là đắp nổi hình dơi – biểu tượng của sự tốt lành, hoặc bộ tứ thời như tùng lộc, mai điểu… một số đình khác như đình Bồ Bản, đình Dương Lâm được trang trí hình Quan Công, tích "Lã Vọng cầu hiền”. Hai bức tường trước của hai chái phần nhiều được vẽ hoặc đắp nổi khảm sành sứ các hình hổ, long cuốn thủy và long mã tải đồ lướt trên hoa văn thủy ba.

Nội điện của đình làng Đà Nẵng ít được chú trọng trang trí. Nó hoàn toàn vắng bóng các mảng chạm khắc với các đề tài tả cảnh sinh hoạt dân gian hay các tuồng tích cổ điển, những bức cửa võng (bao lam) lộng lẫy như đình làng miền Bắc trước thế kỷ XIX. Vào đây, trên các cấu kiện gỗ, chúng ta bắt gặp các kiểu trang trí quen thuộc, trong đó, chủ yếu và phổ biến nhất là hình ảnh đầu rồng trên các đuôi kèo, đuôi trính, các con rường cùng với các hình ảnh vân vũ, các hoa văn thủy ba, dây lá trên thân của các bộ phận kết cấu. Thực ra, đặc điểm này ở đình làng Đà Nẵng không nằm ngoài tình hình chung của đình làng Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về sau. "Từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng hầu như không còn những cảnh sinh hoạt dân gian. Từ đây chỉ còn những hình ảnh trang trí hoa lá và phổ biến là hình tứ linh” ([3]). Điều này có lý do của nó. Chúng ta biết bắt đầu từ thế kỷ XIX, khi triều Nguyễn được hình thành cũng là lúc bộ máy chính quyền phong kiến trung ương tập quyền từng bước được xác lập và phát triển đến đỉnh cao nhất của nó. Cùng với đó, Nho giáo thời kỳ này càng được nhà Nguyễn coi trọng và trở thành hệ tư tưởng chính thống thống trị, chi phối mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội đất nước. Tất cả mọi hành vi, hoạt động văn hóa xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, nghệ thuật đều phải tuân theo trật tự nghiêm ngặt của hệ tư tưởng Nho giáo, đều phải phục vụ vương triều và suy tôn thiên tử. Và do vậy, quan điểm thẩm mỹ cũng bị ràng buộc và thay đổi, tính nhân bản trong các tác phẩm nghệ thuật nói chung đã mờ nhạt đi. Cũng chính vì thế, các mảng điêu khắc trang trí ở đình làng Đà Nẵng tuy được thực hiện với một kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, sắc bén và điêu luyện dưới những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đất Quảng song, nó vẫn không thực sự sinh động, bay bổng và thăng hoa. Người nghệ nhân không thể có sự bứt phá, ngẫu hứng trong sáng tạo.

H.T.T – L.X.T



[1]Hà Văn Tấn, Sđd, tr.344.

[2]Trịnh Cao Tưởng, sđd, tr.65.

[3]Hà Văn Tấn, sđd, tr.371.