Hai mươi hộp sữa và một đời tri ân - Truyện ký - Hồng Thủy Tiên

01.04.2012

Hai mươi hộp sữa và một đời tri ân - Truyện ký - Hồng Thủy Tiên

 Đà Nẵng biển động...

Bầu trời đang đen xám bỗng đâu mưa ập đến xối xả. Nhìn mưa, tôi lại nghĩ về rừng núi Campuchia ngày nào, nơi những trận mưa quất thẳng  vào mặt ràn rạt, hạt mưa rơi trên nòng súng ì xèo bốc khói nghi ngút…

Những hình ảnh thân yêu của đồng đội chợt hiện về trong tâm trí tôi, rõ ràng, sống động như những thước phim quay chậm dù chưa bao giờ tôi nguôi nhớ họ.

"Giúp bạn là tự giúp mình”, lời dạy ấy của Bác thôi thúc chúng tôi đi với một tâm thế sẵn sàng và khá vô tư…

Thập niên 70 của thế kỷ 20, bọn Pôn pốt không ngừng gieo rắc tội ác. Nhân  dân Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng. Chúng tôi - quân Việt Nam tình nguyện lên đường sang đất bạn làm nhiệm vụ quốc tế.

Sang biên giới vào năm 1976, tôi mang quân hàm đại úy, đảm nhiệm chức trách trưởng Tiểu ban cán bộ e143, f315 làm nhiệm vụ truy kích tàn quân Pôn pốt ở mặt trận 579 trên đất bạn Campuchia.

Đông Bắc Campuchia có một điều đặc biệt, vào mùa khô rất ít nước, đến mùa mưa thì nước ngập ngang người. Rừng thiêng nước độc, lại chưa thông thuộc địa hình, trong khi đó Pôn pốt càng ngày càng quỷ quyệt, thoắt ẩn thoắt hiện. Chúng xác định "Việt Nam là kẻ thù số một” và sử dụng chiến thuật "Địch tiến thì ta lùi, địch dừng thì ta quấy, địch yếu thì ta đuổi” nên đã gây không ít khó khăn cho ta.

Năm 1980, tôi bị sốt rét ác tính. Tóc bắt đầu rụng nhiều, da dẻ xanh lét, môi thâm, đôi gò má hóp lại, hai hốc mắt hõm sâu và thâm quầng… Cơ thể cường tráng ngày nào trải qua mấy trận sốt rét rừng giờ chỉ còn hơn bốn mươi kilôgam, đầu nóng hầm hập túa không biết bao nhiêu mồ hôi hột nhưng trong người thì lạnh run  từng đợt. Đồng đội tôi cũng không tránh khỏi sốt rét. Ngoài khát vì thiếu nước, sốt rét là một trong những nỗi ám ảnh. Sốt đến mê sảng, co giật như bị động kinh. Sốt chảy máu răng, sốt đái huyết cầu tố... Sốt cách nhật, mỗi khi cơn sốt qua đi, tôi lại cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tàn quân Pôn pốt và thuyết phục dân đang lẩn trốn trong rừng về phum sóc làm ăn sinh sống.

Năm 1980, bộ đội ta tại chiến trường K thiếu lương thực, thực phẩm và thuốc men trầm trọng. Sáu tháng mùa mưa, bọn Pôn pôt phá cầu, đường sá lầy lội xe của ta không thể vào chi viện được. Chúng tôi nhường nhau, chia nhau từng viên kí ninh một. Sốt rét lâu ngày, lại húp cháo loãng cầm hơi, nhiều đồng đội tôi  đã không cầm cự được và trút hơi thở cuối cùng trong những cánh rừng già đất bạn. Cắn chặt môi, chúng tôi nuốt nước mắt vào lòng. Tôi không bao giờ quên những tháng ngày gian lao nhưng thật đáng tự hào ấy, bộ đội ta ăn nước mắm gạo rang (nước màu gạo rang cho muối thành nước mắm) với ngô độn, bo bo mặc dù cá sông Mê Kông nhiều vô kể. Cá khô gần thối cũng hết, có lúc cả đơn vị chỉ ăn muối trắng trộn bột ngọt. Mặc dù vậy, chúng tôi đều gắng khắc phục hoàn cảnh, tuân thủ chín điều quy định nghiêm ngặt của quân đội khi sang nước bạn. Tôi nhớ, có một chiến sĩ vô ý chặt buồng chuối xanh của dân bản địa, anh này đã bị kỉ luật nghiêm khắc. Chúng tôi ý thức rèn luyện hơn, vì điều đó thuộc về danh dự…

Một lần  tiếp cận toán Pôn pốt ẩn náu trong rừng, tôi nhận được tin ở quê nhà vợ tôi sinh con đầu lòng. Tin vui đến bất ngờ, tim tôi đập thình thịch, cảm giác lâng lâng khó tả. Nếu không phải vì nhiệm vụ thì tôi đã hét lên rằng: "Mọi người ơi, tôi đã thành bố rồi...”. Cố kìm cơn xúc động, bản lĩnh người lính mách bảo tôi phải giữ bình tĩnh để tập trung vào nhiệm vụ được giao. Tôi khát khao được đặt bàn tay nhỏ xíu của con trong lòng tay thô ráp của mình, được bế ẵm, nựng nịu, dỗ dành, nghe con khóc những tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời. Đã bao nhiêu lần tôi mường tượng đến cảnh ấy, bao nhiêu lần tôi viết trong nhật kí của mình, bao nhiêu lần môi tôi mấp máy tập gọi: Con ơi...

Giá mà không có chiến tranh, có lẽ tôi đã không phải kìm nén cảm xúc của mình khi trở thành bố. Nghĩ đến đó sống mũi tôi cay cay...

Hơn chục năm lăn lộn các chiến địa, lại cứng tuổi, việc có con vô cùng ý nghĩa với cuộc đời tôi. Suốt đêm không ngủ được, tôi đem khoe việc này với trung đoàn trưởng Cao Xuân Đại và anh em chiến sĩ. Ai cũng hồ hởi phấn khởi, vui lây niềm vui của tôi. Có cậu còn đùa "Khi hết nhiệm vụ về nước mình làm sui gia nhé? Vui phải biết đấy!”.

Tôi bồn chồn mong ngóng tin vợ con, đó là niềm an ủi và cũng là sức mạnh để tôi hăng say chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, mà kể cũng lạ, từ khi biết tin mình lên chức bố, như có phép thần thông, bệnh sốt rét cũng cắt cơn, tôi thấy mình khỏe lên rất nhiều…

Sau bao nhiêu thời gian trông đứng trông ngồi, tôi nhận được thư vợ. Ấp cánh thư vào ngực, tôi nghe như thoang thoảng đâu đây mùi nắng của Quảng Bình - miền quê nghèo xơ xác gió lào cát trắng, nơi vợ con tôi đang ở đấy. Giữa điệp trùng rừng núi, hình ảnh quê hương rõ mồn một trong trí nhớ tôi. Vội mở thư, mắt tôi nhòa dần theo nét chữ nghiêng nghiêng của vợ, lòng tôi trào lên tình yêu thương vô hạn... Trong thư, vợ tôi viết: "Khi mang thai, điều kiện khó khăn không được bồi dưỡng đầy đủ,  sinh con xong em suy nhược nên mất sữa, con lại ốm nặng anh ạ...”.

Tôi bấu chặt mép bàn, bần thần, bủn rủn không đọc nổi hết cánh thư. Đáng lẽ ra, hơn lúc nào hết, tôi phải bên cạnh chăm sóc vợ, chăm sóc đứa con bé bỏng thân yêu của mình, nhưng giờ đây khoảng cách không gian vời vợi, tôi biết làm gì?

Đêm thật khuya, tiếng gió đuổi nhau trên lá xào xạc.

Nén tiếng thở dài, tôi ém lại màn, nhẹ nhàng bước ra khoảng rừng tối. Thưa thớt vài ngôi sao nhạt mờ phía cuối trời, tôi ngồi bất động nhưng suy nghĩ lung lắm, chặp lại đốt thuốc...

Tình hình càng lúc càng phức tạp, nhiệm vụ chiến trường cấp bách, tôi gác lại niềm riêng dù luôn canh cánh trong lòng…

Dù với thiện ý sang giúp đỡ nhưng nhân dân Campuchia chưa dám đặt hết lòng tin vào chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Họ vẫn gọi nhầm chúng tôi là "Ăng Ka” (tức cán bộ bên phiến quân Khme đỏ).

 Do không có đạn vì hồi đó đạn khá đắt đỏ, Pôn Pôt đã giết người bằng những dụng cụ thô sơ nhất như cuốc, thuổng, xẻng, gậy, dùi cui, búa, rựa... Chúng tận dụng triệt để những thứ có thể giết người. Cánh đồng chết (Killing field) ở Phnompenh là một nỗi kinh hoàng với người dân Campuchia, hàng trăm hố chôn người tập thể (chôn cả những người còn sống), hàng ngàn đứa trẻ bị quật vào gốc cây đến chết. Tập đoàn Pôn pốt và bè lũ của chúng mang hình hài con người nhưng có trái tim của quỷ dữ, tội ác của chúng làm nhân dân Campuchia kinh hãi và khiếp sợ. Họ đề phòng chúng tôi cũng phải. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là công tác dân vận. Chúng tôi đi sâu vào từng làng, từng nhà dân, vận động, thuyết phục, giúp được điều gì thì sẵn lòng giúp không một chút nề hà mặc dù nếu bị lộ bởi bọn do thám, chúng tôi có thể sẽ bị chặt đầu bất cứ lúc nào...

Cái đói và bệnh tật đe dọa nhân dân Campuchia cũng không kém thảm họa diệt chủng. Chúng tôi phát thuốc, để dành lại một phần cơm của mình cho dân…

 Một buổi sáng, tôi mang cơm cho một gia đình đông người. Họ dè dặt nhìn tôi với những đôi mắt thất thần, mệt mỏi. Sau những ngày bị Pôn pốt dụ dỗ chạy trốn trong rừng, có lẽ họ đã kiệt cùng sức lực. Chiếc nồi chỏng chơ bên xó bếp, vài ba hạt cơm còn sót dưới đáy nồi đã lên men. Bỗng đứa con nhỏ nhất khóc ré lên, nó khóc… ngằn ngặt đòi ăn, người lả dần, héo rũ… Tôi đưa cơm cho nó, nhìn nó ăn ngấu nghiến mà tôi thương đến thắt lòng… Và rồi cả nhà ấy vừa khóc vừa lạy tạ bộ đội. Một người phụ nữ lớn tuổi vừa chắp tay lạy vừa nói " Me khop chay bo doi Viet Nam ” (nghĩa là: Mẹ cảm ơn bộ đội Việt Nam - người dân Cam Pu chia ở phía Đông Bắc nói tiếng Lào).

Bỗng dưng nghĩ đến con ở nhà, tôi ứa nước mắt…

Về đơn vị, lại nhận thư vợ. Cô ấy bảo tình hình sức khỏe con tôi đang khá dần lên và gửi lời cảm ơn đến các anh em trong đơn vị đã gửi hai mươi hộp sữa cho cháu. Ngỡ ngàng và quá đỗi ngạc nhiên, tôi đi tìm hiểu và biết được thì ra đồng đội đã giấu tôi, trong khi tôi đi thực thi nhiệm vụ thì mỗi người gom góp một ít sữa của mình, cả sữa tiêu chuẩn của mấy anh em thương binh, nhờ đồng chí Hồng trợ lí tài vụ (người Nghệ An) về Đức Cơ (Gia Lai) thì mang theo và gửi về địa chỉ nhà tôi ở Quảng Bình.

Trời ơi…

Tôi sững người khi gom chuỗi các sự kiện và hiểu ra vấn đề. Cố kìm cơn xúc động, tôi quay đi giấu giọt nước mắt lặng lẽ chảy trước nghĩa tình đồng đội.

Chiến tranh là gian khổ, mất mát, không biết sống chết lúc nào nhưng tình người luôn ấm áp. Những người lính thuộc đơn vị tôi khi ấy rất trẻ, vừa độ đôi mươi, có người vừa rời khỏi ghế nhà trường đã tình nguyện nhập ngũ. Chúng tôi - quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia chiến đấu vì lẽ gì? Vì tinh thần nhân đạo, vì tình thương rần rật chảy trong huyết quản, trong trái tim của mỗi người. Chiến đấu, khi sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc, vậy mà mọi người vẫn quan tâm đến đứa con bé bỏng của tôi ở nhà bằng tất cả tấm lòng người lính…

 Hai mươi hộp sữa, vâng, chính nhờ hai mươi hộp sữa ấy mà con tôi đã thoát khỏi giai đoạn nguy kịch nhất. Cháu giờ đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Đó là ơn của đồng đội - những người đã chiến đấu cùng tôi tại mặt trận 579.

Tháng 9 - 1989, quân tình nguyện Việt Nam rút hết khỏi Campuchia.

Từ ngày về nước, vì sức khỏe tôi chưa có dịp trở lại Campuchia. Nhưng chiến trường K đã ghi vào kí ức tôi những kỉ niệm sâu đậm. Đồng đội tôi, người mất người còn, có người để lại một phần thân thể mình, có người mãi mãi nằm lại đất bạn ở tuổi thanh xuân... Mỗi lần nghĩ đến, tôi lại nghẹn ngào rưng rưng nước mắt.

Đồng đội ơi… Từ sâu thẳm đáy lòng, một lần nữa xin cho tôi và gia đình được chân thành nói hai tiếng "Tri Ân ”…

H.T.T