Trận càn quét cuối cùng của quân ngụy ở Đà Nẵng

01.04.2012

Trận càn quét cuối cùng của quân ngụy ở Đà Nẵng

Phan Tứ

LTS: Nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2012) chúng tôi cho đăng lại Ghi nhanh "Trận càn quét cuối cùng của quân ngụy ở Đà Nẵng” của cố nhà văn Phan Tứ viết vào tháng 4 năm 1975 và Bút ký "Người vùng cát” của tác giả HỒ HẢI HỌC viết năm 1967 về cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang của nhân dân một xã vùng cát huyện Duy Xuyên, bẻ gãy một trận càn lớn của lính Mỹ. Bút ký "Người vùng cát” đã được in trong tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Quảng Đà số đầu tiên do Phân Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Quảng Đà xuất bản năm 1967.

Ai đã đi qua những thị xã ven biển của miền Trung, từ Quảng Trị đến Nha Trang chẳng hạn, đều nhận thấy phố cảng Đà Nẵng có một nhịp sống vội vã, xô bồ hơn những nơi khác nhiều. Ngày trước, mỗi con người ở đây phải hằng ngày hối hả giành giật để kiếm sống. Kể từ ngày 29 tháng 3 đến nay, tốc độ thay da đổi thịt của thành phố lớn thứ nhì miền Nam này lại tăng vọt lên, người dân Đà Nẵng say sưa lao vào cơn xoáy lốc cách mạng, Đà Nẵng làm gì cũng ào ào tới tới. Ba vạn công nhân biểu tình, cờ băng rợp trời, xích lô chen bánh và xe lam kéo đoàn rầm rộ. Mít tinh phụ nữ dự tính hai vạn biến thành bốn vạn, sân vận động Chi Lăng không đủ chỗ đứng cho những đoàn chị em màu sắc lộng lẫy, các cụ già Đà Nẵng chưa từng thấy ngày hội nào rực rỡ đến thế. Bà con các phố ùa xuống bến cảng đón các đoàn tàu biển của ta, đứng trên vỉa hè ngắm máy bay ta lướt trên mây, mở đài phát thanh Đà Nẵng nghe tên các tỉnh và thị xã vừa giải phóng. Cứ như thế ngày sôi sục và đêm bồi hồi. Đà Nẵng đổi mới từng giờ, từng phút. Nhiều người ngạc nhiên khi xem tờ lịch, tính ra mình mới theo cách mạng được chẵn mười ngày. Vậy mà cứ tưởng như đã mười năm có dư!

Trong những mẩu chuyện kể vội vã nghe vội, chen lẫn rất nhiều tiếng cười và nước mắt, tôi nhận ra hai ý được láy đi láy lại bằng những lời na ná giống nhau, như hai điệp khúc trong bài sử thi của Đà Nẵng giải phóng.

- Thứ nhất là lời ca ngợi Quân giải phóng đánh mạnh, đánh giỏi đánh cho địch trở tay không kịp. "Tuyệt diệu, thần tình hết chỗ nói, không tưởng tượng nổi, cứ y như chiêm bao... Làm chủ một thành phố hơn một triệu dân đang rối loạn, còn một trăm ngàn quân ngụy mình đầy súng đạn, vậy mà các ảnh không làm bể một cái bóng điện, không đụng trầy da một người dân!”. Tôi xin chuyển nguyên văn những lời ca ngợi ấy đến các chiến sĩ quân giải phóng, những người con đáng tin yêu nhất và đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam anh hùng. Ở khắp mọi nơi tôi đã đi qua, hình ảnh Quân giải phóng luôn luôn hiện lên như chàng trai Phù Đổng trong thần thoại, đã giáng sấm sét trúng đích vô cùng xuống các hang ổ quân ngụy, rồi sau đó - cũng bằng đôi bàn tay khổng lồ vô địch ấy - đã rất nâng niu gượng nhẹ mà đón lấy cả một chuỗi thành phố và thị xã quý giá như chuỗi hạt ngọc nằm rải trên mình Tổ quốc. Ngay ở những nơi đồng bào đã nổi dậy mạnh mẽ và tự giải phóng, bà con cũng nhất định giành những lời xưng tụng cao đẹp nhất cho Quân giải phóng: tôi muốn thấy ở đó cái nét tâm lý rất dễ thương của các bà mẹ thích khen con hơn tự khen mình.

Điệp khúc thứ hai như có phần khó hiểu đối với những ai đến thăm Đà Nẵng sau ngày giải phóng: "Bộ đội ta vô Đà Nẵng chậm một ngày, một buổi hay vài tiếng nữa thôi là đồng bào chết không đủ đất chôn, thành phố tan nát hết”.

Mười mấy năm qua tôi đã quá quen với cảnh quân giặc càn quét vùng giải phóng, thả sức giết người, cướp của, đốt nhà, hiếp dâm. Mặc dù vậy, tôi khó hình dung cái cảnh hơn mười vạn quân ngụy tha hồ càn quét trong một thành phố lớn đã từng chịu đựng sự thống trị của chúng suốt 26 năm ròng rã, nơi chúng có vợ con, họ hàng và vô số người quen biết. Thành phố ấy căm ghét chúng từ lâu, đến những ngày cuối cùng thì muốn tự tay bóp cổ chúng trong cơn giận dữ thiêng liêng.

Tôi không cần hỏi nhiều. Chỉ sau vài câu làm quen, đồng bào gặp dọc phố đã dồn dập kể lại cơn ác mộng của Đà Nẵng vừa qua. Đi khắp ba quận của Đà Nẵng đều như vậy. Ở đây tôi chỉ ghi những chuyện xảy ra trong khu vực chợ Cồn và mấy phố chung quanh chợ như Hùng Vương, Khải Định, Trần Kế Xương v.v... Đây là khu vực đông dân vào bậc nhất và nằm ngay giữa trung tâm thành phố.

Từ ngày 23 và 24 tháng 3 trở đi, lũ tàn quân từ Trị Thiên - Huế đổ về Đà Nẵng. Rách rưới, hôi hám, râu tóc bù xù, chúng ập vào quán xá ăn uống no say rồi chĩa súng đe dọa để quịt tiền, còn cướp thêm một thùng sữa hay vài két bia trước khi chuồn. Lác đác có những người đi đêm hoặc qua phố vắng bị cướp giật. Sáng ngày 25 những nhóm tàn quân bị đánh tơi tả từ các chi khu trong tỉnh Quảng Tín (Nam Quảng Nam) và Quảng Nam (Bắc Quảng Nam) lũ lượt tràn vào thành phố. Bọn chỉ huy lo vơ vét của cải giành chỗ trên tàu bay, tàu thủy để đưa vợ con vào Sài Gòn, nhưng miệng vẫn không ngớt gào thét: "tử thủ Đà Nẵng”; ra lệnh cho đồng bào phải "triệt để di tản”, tất nhiên bằng những phương tiện của mình. Bọn ngụy quyền đe dọa những ai không tỏ vẻ sốt sắng xách gói theo chúng: "Ai ở lỳ Đà Nẵng, không chết vì đạn cộng sản thì về sau cũng lãnh mấy viên đạn của quốc gia”. Chúng đã dọa nạt và lừa bịp quá nhiều lần nên rất ít người tin chúng. Lại thêm tiếng nói chính nghĩa của Đài giải phóng, của mạng lưới cơ sở thành phố, tuy mở thật nhỏ, nghe rất vội mà mạnh như những luồng hải lưu ngầm tuôn qua các phố. Hầu hết bà con quyết ở lại trụ bám, sẵn sàng chịu những trận bom đạn dữ dội nhất, kéo dài hàng tháng trời cũng được, miễn sao những người còn sống sẽ được sống cho ra con người.

Bọn tàn quân biến hẳn thành thổ phỉ. Đám quân cảnh chuyên dọa dân đòi của đút, lúc này cũng đi ăn cướp luôn. Chúng chĩa súng giật từng súc vải ném lên xe, bắt chủ tiệm trút cả ngăn kéo đựng tiền vào mũ sắt. Một tên đưa mũi súng gõ vào bàn tay ông khách không kịp lánh xa: "Ê đưa đồng hồ đây coi... Xấu quá, thôi đưa năm ngàn xài đỡ!”. Các gia đình có xe hơi hoặc xe gắn máy đều được chúng ghé vào: "Mượn đỡ cái xe một buổi nghe bồ, đổ đầy xăng vô luôn đi, bỏ thêm ít can xăng nữa!”. Chúng cướp xe để chở hàng ăn cướp xuống bến cảng, đợi tàu biển đón đi. Bọn sĩ quan, nói cho công bằng, không đi cướp vặt ngoài phố như thế, chúng làm tiền gọn gàng và lịch thiệp hơn nhiều: vài ba chục ngàn một vé tàu thủy, sáu bảy chục ngàn một vé máy bay, mức hối lộ này tăng vòn vọt từng giờ một... "Dạ phải, như ông bà thì cộng sản đời nào nó tha, mất vài trăm ngàn còn hơn mất mạng, thì cũng coi như rớt mất một lượng vàng chứ bao lăm!”. Không một tên nào nghĩ rằng mình sẽ mắc kẹt trong gọng kìm thép của Quân giải phóng. Ông chủ Huê Kỳ lắm đòn như vậy, tướng Thiệu hung hăng như vậy, dù không cứu được bọn lính quèn thì cũng phải cho tàu đến rước các sĩ quan của quân khu 1 chứ!

Ngày 27.3, súng và lựu đạn bắt đầu nổ trong khu trung tâm thành phố. Giặc bắt đầu cướp quy mô lớn. Các tiệm quán tham lời to còn mở cửa đều bị cướp xách. Có những nhóm tàn quân hôm qua cướp được nhiều nên hôm nay ngồi giữ của, hoặc quá say rượu, quá mệt nằm lại trong các căn cứ gần hải cảng, cũng bỏ lô cốt chạy tung tóe ra phố khi trọng pháo ta nện rất trúng đích vào các khu quân sự, không một quả nào rơi trúng nhà dân. Toàn bộ quân ngụy ùa vào các khu đông dân để cướp và tránh pháo ta. Từng tốp lính say vừa đập phá vừa gào thét: "Để đó cộng sản cũng lấy hết, có thứ gì đem nộp đây hay là muốn ăn trái gắm thì nói!”.

Nạn cướp bóc lên đến đỉnh cao nhất trong ngày 28.3.

Các loại lính rằn ri con cưng của địch lính nhà nghề hung hãn nhất, xưa nay vẫn là mối lo canh cánh của người dân phố muốn sống yên thân. Những tên thủy quân lục chiến đã trổ chàm hai chữ "sát cộng” trên ngực, những tên biệt kích Lôi Hổ do Mỹ trực tiếp trả tiền và chỉ huy, nghiện "xì ke” đến độ không thể rời ông chủ cung cấp ma túy là Mỹ - Thiệu, những tên biệt động quân đã nhiều phen mổ bụng moi gan đồng bào trong các trận càn quét, hôm nay lên cơn cuồng loạn say máu, quyết tâm một chuyến vét sòng trước khi rời Đà Nẵng.

Một toán biệt động quân ập tới một nhà buôn gạo. Chủ nhà chỉ kịp nhảy qua rào trốn biệt. Chúng chĩa AR.15 xổ hết băng vào ổ khóa, phá tan cửa hiệu, kêu ầm phố: "Ai mua gạo tới mua, ba ngàn một bao!”. Những người dân bị cưỡng ép di cư sống lê lết đói khát trên vỉa hè vội đổ xô tới, vác mỗi người một bao, qua cửa đưa vài ngàn cho hai tên lính đứng thu tiền. Chỉ trong một loáng, kho gạo mấy chục tấn đã rỗng không. Chưa hết đâu. Những nhóm cướp lái xe đến sau nổ mấy loạt súng, bắt những người dân đang vác gạo phải xếp cả lên xe của chúng. Cho xe chạy sang phố khác chúng lại rao bán gạo, bốn năm ngàn một bao. Một bà từ Huế chạy vào vội mở sắc lấy tiền mua, hớ hênh để chúng trông thấy xấp giấy bạc một ngàn đồng khá dày, bị chúng bắn ngay một phát vỡ đầu ngã ngữa, lũ cướp xách túi tiền lên xe thong dong chia nhau, không chút che đậy. Qua ba bốn lần trả tiền, sau nhiều mạng người bị giết, những bao gạo Mỹ vẫn nằm nguyên trong tay lũ thổ phỉ.

Khu vực chung quanh chợ Cồn rầm rầm tiếng súng và lựu đạn như một trận kích chiến kéo dài: bọn cướp bắn vỡ hay giật nổ các ổ khóa, bắn vào bất cứ ai không kịp nộp tiền của, bắn lẫn nhau nữa. Các sạp bày bán hàng ban ngày, cũng là những thùng gỗ bọc tôn rất chắc để chứa hàng ban đêm, bị phá vỡ không sót một cái nào. Các ki- ốt trong chợ có cửa lùa bằng gỗ dày đều bị cướp. Hàng hóa vất tung tóe ra các lối đi, bọn cướp chỉ đủ sức chở những thứ đáng tiền nhất, số còn lại chỉ mươi phút sau đã bị giày đinh của chúng xéo nát thành những gò rác, đống rác. Tất cả các loại xe tư nhân đều bị cướp. Những xe tải G.M.C đầy hàng, những xe M.113 hay M.118 chất có ngọn, những xe bọc thép A. M, nối tiếp nhau gầm rống chạy về bến tàu. Đến ngã ba, ngã tư đông người - phần lớn là đồng bào bị cưỡng ép di cư - chúng phóng xe cán chết từng nhóm trẻ em, xéo rôm rốp trên những chiếc Hon-da và xe đạp cùng với người cưỡi. Không đè nổi những chiếc xe lam, xe Gíp, chúng bắn súng và ném lựu đạn mở đường. Một người lái xe Gíp lóng ngóng nửa phút mới kịp né sang bên, nhường đường, bọn biệt kích Mỹ trên xe tải đã qua khỏi còn xả một loạt đạn, chết gục trên tay lái.

Nhập chung vào đám loạn quân còn thêm một số tù thường phạm vừa được ngụy quyền mở cửa nhà giam thả ra: ân huệ cuối cùng của bọn Thiệu tất nhiên là dành cho các đồng nghiệp trộm cướp nhà nghề. Trừ một số đã nghe nói đến kỷ cương nghiêm minh của Quân giải phóng, vội vã cuốn gói về nhà, số còn lại lượm ngay một cây súng - lúc này súng đạn vất đầy các vỉa hè - đi kiếm chác ngay. Bọn này thuộc lòng các ngõ ngách nên mau đầy túi hơn. Một nhóm thủy quân lục chiến thấy một tên thường phạm chở nặng xe Hon-da những thứ vải đắt tiền, cho luôn một loạt, cướp lại cả xe lẫn hàng. Cảnh cướp lẫn nhau, ghen ăn bắn nhau như thế mỗi lúc một tăng. Và cũng tăng mãi những cảnh tàn sát trên đường phố mà nạn nhân chính là những đồng bào bị cưỡng ép di cư lang thang thất thểu. Khắp nơi dậy lên tiếng rú thét của những người bị lũ thổ phỉ chặt tay để cướp vòng vàng, xuyến, nhẫn, bị chúng rạch trúng cổ trong khi cắt sợi dây chuyền.

Đà Nẵng không chịu nổi nữa. Mặc dù một số khá đông cơ sở cách mạng đã ra ngoài thành đón Quân giải phóng, những người còn lại trèo tường đi tìm nhau, tổ chức chống cự, cứu nhau. Các nhà đều khóa cửa thật chắc, chất thêm bàn ghế bên trong, lượm súng đạn địch vất lại để tự vệ, cùng hô hoán thật to khi nhà hàng xóm bị cướp. Một số "nhân dân tự vệ” đã lãnh súng của địch từ trước xoay súng chống lại bọn tàn quân. Mặc dù ở đây không có những cuộc nổi dậy có tổ chức như ở quận 3, hoặc binh biến quy mô lớn như ở trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, những hành động tích cực như trên cũng khiến cho lũ cướp chùn tay. Chúng chỉ còn dồn sức cướp các nhà vắng chủ, có khóa bên ngoài, cùng các gia đình bị cưỡng ép di cư không nơi nương tựa. Cũng vì vậy, đêm 28.3 không quá rùng rợn như đồng bào đã lo ngại, bọn cướp bắt đầu sợ bị nhân dân đánh trả, sợ không kịp xuống tàu chạy trốn.

Tảng sáng ngày 29.3, đạn pháo lớn của quân Giải phóng bay rít qua thành phố, đánh vào các bãi biển có tàn quân dồn ứ. Các tàu biển hốt hoảng bỏ chạy, sân bay bị pháo kích mạnh, máy bay bị ghìm đầu không cất cánh được. Xe tăng và bộ binh ta rầm rộ tiến qua các phường ngoại ô, chia nhiều hướng vào thành phố. Hơn mười vạn tàn quân ngụy rã nát. Những toán cướp quá say rượu hay quá tham mồi bị chậm chân, phóng xe ào ào về cảng. Một chiếc Gíp do hai tên lái chạy quáng quàng, sau đó lại đâm vào một đoàn xe tăng của ta gần chợ Cồn, chúng hãm xe đến nhảy đựng lên, chỉ kịp rú một tiếng trước khi bị xe tăng ta nghiền nát, đồng bào dọc phố tung cửa ra mà hoan hô như sấm. Mấy phút sau một chiếc G.M.C đầy lính nhô ra đàng cuối phố, kịp nhận ra những chiếc xe tăng khác kiểu đang ầm ầm lao tới, vội rẽ ngoặt sang đường khác, đâm sầm vào cột điện, lật ngửa bốn bánh lên trời, ném vãi ra đường những thùng sữa, súc vải, chai rượu vỡ, cùng những tên cướp bò lê bò càng. Bà con lại hoan hô vang dậy.

Trên đường phố Đà Nẵng diễn ra một cảnh quang lạ lùng, trái ngược với tất cả các hình ảnh vốn có về chiến tranh. Đáng lẽ quân ta tiến tới đâu thì tiếng súng giao chiến dội lên tới đó, đàng này ngược lại, quân ta tới đâu thì tiếng súng ăn cướp im lặng tới đó! Quân giải phóng như những dòng sông xanh mát từ nhiều hướng tuồn vào thành, dập tắt những đám cháy, đem sự sống đến cho người với đất. Đồng bào đạp cửa ùa ra đón bộ đội, vừa khóc vừa cười. Khắp nơi nghe tiếng gọi rối rít: "Tụi nó chạy kia! Ba thằng mới rúc vô ngõ nớ, anh ơi. Để em dẫn đi bắt, em biết chỗ...”.

Chúng ta biết những gì xảy ra sau đó. Trong đợt "cất vó” cuối cùng tại Đà Nẵng, hơn mười vạn tàn quân thuộc quân khu I của địch đã nộp súng ra hàng. Bộ đội ta vừa đánh thắng chúng xong lúc này lại phải lo che chở để chúng thoát cơn phẫn nộ của đồng bào, lo ăn lo mặc cho chúng, mở đường cho chúng trở lại làm người lương thiện. Đó là những tên may mắn được làm tù binh.

Còn những tên rủi ro hơn thế nhiều. Đó là những đám đông tàn quân dắt díu vợ con chen xuống tàu, con nhỏ bị đạp chết tươi, người lớn bị bọn đã giành được chỗ dưới tàu xả súng bắn lên bờ để chặn kẻ tới sau, cũng chết nốt. Đó là những chuyến tàu, thuyền, phà, xà lan chở quá nặng và hỗn loạn, ra khỏi cửa sông gặp sóng to liền bị chìm nghỉm. Đó là những tên bị đồng đội bắn chết và đạp xuống biển để giành một gói vàng, một cục giấy bạc, một người vợ xinh đẹp. Đó là những tên sống trên xà lan đã bị chiếc tàu kéo lên cắt đứt dây trong đêm để chạy thoát một mình, phơi nắng dầm mưa nhiều ngày trên biển, phải bỏ ra năm ngàn đồng để mua của nhau một cốc nước uống, đến khi tàu của Quân giải phóng tìm được và kéo vào bờ thì đã ngắc ngoải...

Tôi đã đi xem những gian hàng và sạp hàng trong chợ Cồn bị cướp trăm phần trăm, đã gặp những nhà từ nghèo đến giàu bị phá toang và vét sạch, đã nghe những lời kêu khóc của những gia đình bị cưỡng ép di cư vô cùng đau khổ: bị cướp giật khi đi đường, bị chết người khi chen chỗ xuống tàu, quay trở về thì nhà cửa đã tan hoang.

Tôi cũng đã đứng trước những đống xác quân ngụy chết gối lên nhau ở các bến cảng, trên thân ghim đầy những viên đạn AR.15, những mảnh lựu đạn Mỹ, vết tích rùng rợn của những giờ phút quân ngụy điên cuồng tàn sát lẫn nhau. Mãi đến hôm nay, mười ngày sau khi chiến sự chấm dứt, cán bộ và nhân dân ta vẫn đưa thuyền đi vớt những xác lính trôi dạt lềnh bềnh, chôn những xác tấp vào bãi biển. Trong bọn chúng, tôi biết rất nhiều tên đã cố trốn lính mà không thoát. Chúng miễn cưỡng cầm súng, dần dần bị Mỹ - Thiệu đầu độc và lưu manh hóa, mỗi ngày chất thú lẫn chất người mất một ít. Từ những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân mới, chúng dần dần biến thành những tội nhân đối với đồng bào, Tổ quốc. Khi lịch sử cởi gút, do sự mỉa mai cùng cực số phận, chúng lại chết vì đạn Mỹ do quân ngụy bắn ra, chúng trở lại những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân mới Hoa Kỳ.

Mười ngày đã qua. Mười ngày sôi sục mở đầu cho những thế kỷ độc lập tự do trên phố cảng trăm quý ngàn yêu. Nhắc lại những ngày bị cướp phá mới rồi, bà con Đà Nẵng không còn hừng hực căm giận như trước nữa. Tất cả đã kịp lắng đọng lại thành một mối hận thù rất đen và rất nặng na ná như nhựa đường nấu chảy, giành cho những tên tội phạm chiến tranh đáng treo cổ nhất trong dinh Độc Lập, trong Nhà Trắng và Lầu năm góc, những loài quỷ dữ đã gây ra cảnh "nồi da nấu thịt” trên đất nước ta.

Đà Nẵng, đêm 9. 4. 1975
P.T