Tản mạn Mỹ thuật Đà Nẵng - Lê Huy HẠnh

01.04.2012

Tản mạn Mỹ thuật Đà Nẵng - Lê Huy HẠnh

Vậy là mùa xuân đã về trên thành phố biển. Trời se lạnh. Trong sự bộn bề hối hả tổ chức các hoạt động kỷ niệm 15 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng đã khai mạc đem lại những tín hiệu vui, sự ấm áp và lắng đọng, là tình cảm của anh chị em họa sỹ, điêu khắc dâng tặng những người dân Đà Nẵng thân yêu. Là dấu ấn văn hóa đầu mùa lễ hội.

Tác phẩm "Mẹ Âu Cơ” của Lê Công Thành

Với hơn 100 tác phẩm hội họa, điêu khắc của hơn 50 tác giả chuyên và không chuyên thuộc nhiều thế hệ với những tìm tòi, sáng tạo trong bố cục, đường nét, màu sắc, ý tưởng và chât liệu. Những đề tài về chiến tranh cách mạng. Sự phong phú, đa dạng và bình dị của cuộc sống. là tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, tình yêu và đặc biệt là những tác phẩm ghi dấu sự đổi mới của Đà Nẵng trong quá trình hội nhập và phát triển.

Triển lãm là sự tiếp nối có tính truyền thống của các triển lãm trước đây của Hội, các nhóm tác giả và cá nhân trong nhiều năm qua, và sự xuất hiện khá chững chạc của các họa sỹ trẻ, sự duyên dáng và đằm thắm của tác giả nữ, sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của những tác giả đã trải qua 2 cuộc kháng chiến.

Rời triển lãm mỹ thuật, chúng tôi lại cùng nhau lang thang qua sầm uất phố chợ, chợt nghe nồng nàn hương tóc, hương hoa, đi dọc sông Hàn ngắm nhìn cầu treo Thuận Phước như một câu thơ đầy lãng mạn vắt ngang trời, nối liền câu Lý thương nhau cho người người tìm về, người người gặp gỡ … bên cạnh dòng sông Hàn đường Trần Hưng Đạo là những tác phẩm của trại điêu khắc đá quốc tế và phía Bảo tàng Chăm là rất nhiều những pho tượng đá, tất nhiên về thẩm mỹ, về nội dung còn có nhiều cái phải bàn nhưng dẫu sao nó cũng thực sự tạo nên những nét chấm phá và đó chính là những tác phẩm của các nghệ nhân làng đá Non Nước và cả những người đã được đào tạo, tốt nghiệp các trường mỹ thuật chính quy và mặc dầu còn bận lo chuyện sinh sống làm ăn, nhưng họ cũng đang âm thầm sáng tạo để khẳng định thương hiệu của mình bằng chính những tác phẩm đá Non Nước.

Chúng tôi lại tìm ra với biển trên con đường không dài nhưng rất đẹp- đường Phạm Văn Đồng – Trong cái mênh mang đằm thắm sắc xanh của đại dương, sự dữ dội của những con sóng bạc đầu, chợt lắng lại như nghe trong sâu thẳm cõi lòng tiếng trở mình của đất, tiếng hạt nảy mầm giục giã cuộc sống sinh sôi và thiêng liêng hơn chính là còn nghe vọng mãi lời của ông cha. Trong thoáng trầm tư, suy tưởng bên tượng Mẹ Âu Cơ để nhớ về trăm người con theo cha, theo mẹ lên rừng xuống biển khai hoang, lập nghiệp, mở mang bờ cõi bằng một chữ tình, cho tròn chữ hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mãi mãi nhớ về những ngày dựng nước và giữ nước. Những bàn chân bươn bả, những bàn tay sạn chai, bật máu làm ra hạt lúa, củ khoai và những mùa vàng.

Bằng sự khúc chiết, đơn giản của ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, cách điệu, ước lệ và vẫn gần gũi với đời thường, tạo được chiều sâu trong ý tưởng gây xúc động cho người xem và sự thành công đáng trân trọng ở đây chính là vị trí và tác phẩm Mẹ Âu Cơ nhắc nhớ về nơi cửa biển mà trong hai cuộc kháng chiến thần thánh người Đà Nẵng đã xả thân vì độc lập tự do của dân tộc.

Khi bàn về những công trình tượng đài, những tác phẩm điêu khắc, cái còn lại, cái gây cảm xúc thẩm mỹ không phải là chất liệu quý hiếm, đắt tiền, càng không phải là kích thước to lớn, đồ sộ… mà phải là cái hồn của tác phẩm, vì dù lớn hay nhỏ thì tác phẩm đó phải chế ngự, phải hòa nhập với không gian của nó.

Khi tìm câu kết cho những tản mạn này, tôi chợt nhớ một câu nói ví von "Đà Nẵng thành phố của đá”, chúng ta tự hào có Ngũ Hành Sơn và làng nghề nổi tiếng, chúng ta có đội ngũ các nhà điêu khắc tài năng và tâm huyết có thể sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị và việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị nếu có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc sẽ góp phần tạo nên nhiều vườn tượng, những không gian tượng đài đẹp mang sắc thái của thành phố biển Đà Nẵng trẻ trung, năng động. Để mỗi lần trong cái se lạnh của mùa đông và rực rỡ sắc hoa hay lất phất mưa xuân, ngắm nhìn những pho tượng, nhẹ đưa tay đụng vào những thớ đá, chợt nghe lòng mình ấm lại. Hơi ấm từ thẳm sâu hồn đá, hơi ấm từ đôi bàn tay tinh xảo và trái tim yêu người, yêu nghề của những người thợ như khiến lòng ta thanh thoát.

L.H.H