Bí ẩn pho tượng cổ & sự thật về kho vàng Hời - Long Vân
Thời gian gần đây rộ lên thông tin về kho vàng Hời (kho vàng của người Chăm xưa) được phát lộ ở di tích Phật viện Đồng Dương, thuộc thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Nhiều lời đồn thổi rằng, tại di tích này có người đã đào dưới móng tháp cổ đổ nát tìm được pho tượng đồng đen và đã bẻ lấy những báu vật vô giá trước khi pho tượng bị chính quyền địa phương thu giữ. Rằng, pho tượng là nữ thần giữ kho vàng. Vào những đêm trăng tròn, vàng Hời biến thành gà vàng, heo vàng hiện lên lấp lóa dưới ánh trăng. Thực, hư câu chuyện này như thế nào?...
Thực tế, pho tượng cổ tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương không phải là tượng nữ thần giữ kho vàng Hời như lời đồn đại. Người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc (Thăng Bình, Quảng Nam), đã tình cờ đào được pho tượng trong khuôn viên khu di tích Phật viện Đồng Dương cách đây đã 33 năm về trước. Đó là vào thời kỳ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chưa chia tách, nên sau khi chính quyền xã thu giữ, pho tượng đã chuyển về Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, phiên bản trưng bày tại đây...
Chúng tôi đến Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào một buổi chiều tắt nắng. Trong gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm có nguồn gốc xuất xứ từ di tích Phật viện Đồng Dương, pho tượng cổ càng trở nên kỳ bí dưới ánh sáng nhàn nhạt hắt từ bên ngoài vào qua các ô thông gió nhỏ. Giám đốc Bảo tàng - ông Võ Văn Thắng, xác nhận rằng, đây là pho tượng bằng đồng thanh duy nhất có trong Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tượng là một phụ nữ đứng thẳng, thân dưới mặc chiếc sarong dài đến mắt cá chân, quấn nhiều vòng từ phía sau ra phía trước, đầu mối giấu trước bụng, làm nổi bật đường cong ở hông và mông. Phần ngực tượng để trần, với đôi vú tròn căng đầy sức sống. Trên chiếc cổ ba ngấn đẹp là đầu tượng có khuôn mặt rộng, đôi mắt hình hạnh nhân, bên trong đồng tử được khảm bằng đá quý, giữa trán có urna (huệ nhãn), miệng rộng, môi dày, mũi cao, hai tai có trái tai rất dài; tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược lên trên và chia thành hai tầng bằng một tết tóc quấn ngang, tầng trên có hình Phật Amitabha (Phật A Di Đà) ngồi... Đặc biệt, đôi tay đưa về phía trước như ban phước lành, mỗi tay cầm một vật gì đó đã bị bẻ gãy. Nhìn xuống chân tượng, trên đế có dòng chữ: Bồ tát Tara (Bodhisattva Tàrà)...
Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phật viện Đông Dương vừa được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, PGS.TS. Ngô Văn Doanh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á) cho rằng, việc thờ phụng các Tara phổ biến nhất là ở vùng Bắc Ấn Độ và vùng Tây Tạng thời xưa. Truyền thuyết kể rằng, một giọt nước mắt của đấng từ bi Avalokiteshvara (Quan Thế Âm Bồ tát) rơi xuống một hồ nước và từ hồ nước này mọc lên một bông sen. Bông sen nở ra và nữ thần tinh khiết Tara xuất hiện. Do vậy, Tara thường được thể hiện trong nghệ thuật, thường đứng hoặc ngồi trên đài sen, trong tay cầm một bông sen (Tara trắng cầm bông sen trắng nở cánh, Tara xanh cầm bông sen xanh khép cánh)... Qua nghiên cứu cho thấy, ở vương quốc Chămpa, trong tôn giáo và nghệ thuật, nữ thần Tara chưa bao giờ xuất hiện. PGS.TS. Ngô Văn Doanh khẳng định, pho tượng cổ là tượng Laksmindra – Lokesvara, cũng chính là Avalokiteshvara. Đặc biệt hơn, tượng Laksmindra – Lokesvara là pho tượng đồng thứ hai được tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương. Pho tượng thứ nhất cao 1,08m, thể hiện đức Phật đứng, khoác trên mình chiếc áo cà sa dài để hở vai phải, hai tay hướng cân xứng ra phía trước, được nhà nghiên cứu người Pháp là L.Finot tìm thấy vào đầu thế kỷ XX (1901). Pho tượng Phật hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Còn pho tượng Laksmindra – Lokesvara cao 1,14m có chân đế - PGS.TS. Ngô Văn Doanh kể rằng, ngay sau khi người dân phát hiện pho tượng, ông cùng các đồng nghiệp đã vào tận nơi để nghiên cứu, xác định chôi cắm dưới chân tượng khớp với ô thùng hình vuông trên bệ nhỏ của đài thờ. Điều đó chứng tỏ, nó là pho tượng của đài thờ chính Đồng Dương. Từ nội dung tấm bia cổ được tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương, các nhà khoa học khác cũng xác định được niên đại của pho tượng ra đời vào năm 875, cùng thời điểm vua Chăm là Indravarman II cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada (di tích Phật viện Đồng Dương ngày nay)... Một câu hỏi được đặt ra, trong các vị Bồ tát của Phật giáo Mahayana, Quan Thế Âm Bồ Tát thường xuất hiện với hóa thân nữ, mũ đội luôn mang hình Phật A Di Đà, hai vật cầm tay là cành dương liễu và bình nước cam lồ. Vậy có phải pho tuyệt tác Laksmindra – Lokesvara bị bẻ mất hai vật này?
xã. Báu vật hiện nay đã trao đến lượt tui cất giữ là đã qua 5 đời chủ tịch xã. Nhưng, muốn xem, chụp ảnh phải có ý kiến của Thường vụ Đảng ủy xã...”. Trước sự từ chối thẳng thừng của ông Túc, chúng tôi đành năn nỉ ông ta mô tả báu vật trên đôi tay của pho tượng là gì ? Vì sao xã cất giữ mà không giao trả nó cho Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng để gắn lại vào đôi tay cho pho tượng Laksmindra – Lokesvara được hoàn thiện như xưa ?...
Đến lời đồn đại về kho vàng Hời
Nhếch miệng cười bí hiểm, ông Túc cho hay, khi pho tượng bị chính quyền xã thu giữ, rồi chuyển về Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhiều người dân Đồng Dương tỏ ý không bằng lòng. Vì vậy, sau đó UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cũng đã bố trí xe ôtô chở hơn trăm người dân Đồng Dương ra Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng để tận mắt chiêm ngưỡng pho tượng được trưng bày. Có mặt trong đoàn người ra Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ông Túc cho rằng pho tượng trưng bày chưa thật sự giống pho tượng người dân Đồng Dương đã đào thấy (!?). Một cán bộ xã Bình Định Bắc cho biết thêm, lúc đầu pho tượng thu giữ từ người dân đưa về trụ sở xã ai cũng nghĩ là tượng bằng vàng. Cũng vì thế khi được thông tin phải chuyển về tỉnh để giao cho Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ông Huỳnh Thế Công mới bẻ lấy báu vật trên đôi tay pho tượng, mục đích sử dụng làm "công quỹ” cho xã. Nhưng khi cử người mang nó tới tiệm vàng để kiểm tra, mới biết là đồng thanh. Trong thế "tấn thối, lưỡng nan”, xã giữ luôn báu vật và trao qua nhiều đời chủ tịch xã, từ đời ông Huỳnh Thế Công đến ông Phạm Ngọc Điển, rồi ông Nguyễn Đình Thiệp, ông Trương Văn Việt và bây giờ là ông Trà Tấn Túc. Vì tùy tiện bẻ lấy báu vật từ pho tượng mà ông Công thời đó đã nhiều lần bị nội bộ chính quyền xã kiểm điểm, phê bình rất gay gắt... Về hai báu vật được ông Công bẻ lấy từ đôi tay pho tượng, ông Túc nói rằng, đó là một nhánh cau và một quả đào. Do không được xem tận mắt báu vật nên chúng tôi đành tìm hiểu qua các nhà khoa học đã từng nghiên cứu về pho tượng và cuối cùng nghi vấn cũng được sáng tỏ…
Thì ra, đó không phải là cành dương liễu và bình nước cam lồ như thường thấy trên đôi tay tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Song, nó cũng chẳng phải quả cau, quả đào như ông Trà Tấn Túc mô tả. Theo các nhà khoa học đã từng nhìn thấy báu vật, xác định trong đôi tay pho tượng đồng thanh Laksmindra – Lokesvara đã bị ông Huỳnh Thế Công bẻ lấy, tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm con ốc biển úp ngược (tù và ốc). Có thể ông Túc nhìn đóa hoa sen nghĩ là quả cau và tù và ốc là quả đào chăng ? PGS.TS. Ngô Văn Doanh cho rằng, người Chăm xưa đúc tượng Laksmindra – Lokesvara, trong tay có đóa sen và tù và ốc cũng là thể hiện tính đặc trưng rất riêng của Phật giáo Chămpa...
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, bày tỏ thiện chí rằng, những người đại diện chính quyền xã Bình Định Bắc đã trót bẻ lấy báu vật ở đôi tay pho tượng và cất giữ hàng chục năm qua, nếu có thể Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng xin trao đổi bằng cách đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng rót kinh phí hỗ trợ chính quyền xã Bình Định Bắc xây dựng nhà trẻ, nhà văn hóa, hoặc những phòng học cho con trẻ làng Đồng Dương để mang về gắn lại cho pho tượng trưng bày tại Bảo tàng được hoàn thiện như xưa. Đem ý kiến này hỏi ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh Quảng Nam, ông Cẩm cho rằng, nếu căn cứ điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009, trong đó qui định mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất đều thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng, luật thì mới ra đời, còn báu vật pho tượng đã bị những người có trách nhiệm xã Bình Định Bắc bẻ lấy và cất giữ đã 33 năm qua. Cho nên không thể áp dụng luật mới ra mà xử lý được. Nếu quả thật TP Đà Nẵng có ý tưởng trao đổi, thực hiện được là điều rất tốt. Vì rằng, giá trị văn hóa Chăm là của chung nhân loại, không phải của riêng ai. Vả lại, về mặt lịch sử, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng là một, cũng là xứ Quảng chứ đâu phải xa lạ gì. Trong khi Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong chừng mực nào đó cũng là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm được tìm thấy ở khu vực miền Trung…
Tìm hiểu về kho vàng Hời, nhiều cụ già ở ngôi làng bên cạnh di tích Phật viện Đồng Dương nói rằng, chuyện kể về gà vàng, heo vàng xuất hiện chạy dưới ánh trăng chỉ là truyền miệng trong dân gian, chứ từ đời ông cho chí đời cha của họ cũng chưa ai thấy điều đó. Vậy mà, câu chuyện còn được không ít kẻ vô công rỗi nghề thêu dệt thêm cho huyền bí, hấp dẫn rằng, ai đó khi tình cờ thấy được vàng Hời từ dưới đất trồi lên biến thành gà vàng, heo vàng nô giỡn dưới trăng, chỉ cần nhẹ nhàng dùng chiếc quần đen của phụ nữ chụp lấy chúng là bắt được vàng ngay. Vì vàng Hời rất… kỵ điều đó, nó sẽ bị uế nên không biến trở lại kho báu dưới lòng đất (!?). Trên thực tế, những cụ già ở làng Đồng Dương còn cho rằng, chưa có trường hợp nào đào bới ở di tích Phật viện Đồng Dương mà phát hiện được vàng. Lời đồn đại về "kho vàng Hời” hiện nay trong dư luận không ngoài mục đích làm tăng sự tò mò của nhiều người, lôi kéo một bộ phận thiếu hiểu biết về di tích Phật viện Đồng Dương lén lút đào bới, phá phách, ắt sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Trong khi, di tích Phật viện Đồng Dương ngày 21/9/2000 đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia. Thời điểm này, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đang tập trung huy động tài lực để trùng tu, bảo quản để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…
Có thể khẳng định rằng, ở di tích Phật viện Đồng Dương không có "kho vàng Hời”. Tại đây, năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp là L.Finot đã tập trung nhân công, khai quật tìm thấy được 229 hiện vật, trong đó có pho tượng Phật bằng đồng cao hơn một mét. Đến năm 1902, một nhà khoa học danh tiếng là H.Parmentier cũng tiến hành khai quật khu di tích Đồng Dương và đã mang về Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá có giá trị độc đáo... Ông Phan Văn Cẩm cho rằng, sử liệu còn ghi chép câu chuyện vua Trần Nhân Tông sang thăm vương quốc Chăm 9 tháng và đã dành một phần lớn thời gian đến Phật viện Đồng Dương để nghiên cứu kinh sách. Vì thời Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Phật viện Đồng Dương có chức năng đào tạo tăng sinh, là nơi nghiên cứu, dịch thuật, truyền đạo. Tại xã Bình Định Bắc không chỉ có di tích Phật viện Đồng Dương mà còn có kinh thành cổ Indrapura. Đây là kinh đô của vương quốc Chăm dưới triều đại Indravarman II được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati. Ông Cẩm còn bày tỏ quan ngại đối với việc, một công ty tư nhân đề nghị UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cho đầu tư xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh ở Đồng Dương. Theo ông Cẩm, kinh thành cổ Indrapura cách di tích Phật viện Đồng Dương chừng 750m, đang khảo sát để khai quật. Nếu chính quyền địa phương chấp nhận ý tưởng đầu tư của công ty kia mà cấp đất cho họ thì sẽ rất khó khăn cho việc khảo sát, khai quật sau này. Cần thiết phải cấp đất chính quyền địa phương cần tính toán, cân nhắc để ngoài dự án 14ha, trong đó 6ha cho di tích Phật viện Đồng Dương và 8ha dành cho khu vực thành cổ Indrapura...
L.V