TỪ TRANG SÁCH ĐẾN ĐỜI THƯỜNG - Trần Thanh An
Với anh Phan Đức Nhạn, tôi từng gặp từ khi anh còn là đội trưởng thi công các công trình dân dụng và công nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau này khi về Quảng Nam, anh Nhạn ở Ban quản lý Khu kinh tế Mở Chu Lai, tôi ở Sở giao thông, nên thỉnh thoảng gặp trong các cuộc hội họp. Năm 2008, anh được điều về làm Giám đốc Sở Giao thông thì tôi với anh lại càng gắn bó với nhau trong công việc...
Tôi sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng; ba tôi Trần Thanh Xuân là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Hoà Quý 1945, bị thực dân Pháp bắt giam qua nhiều nhà tù, rồi đày ra Phú Quốc với án chung thân, ông được trao trả tù bình năm 1954. Bản thân tôi, những năm tháng học tập ở miền Bắc, đã đọc nhiều tác phẩm văn học, truyện ký... về cuộc chiến đấu ở miền Nam như Mẫn và tôi của nhà văn Phan Tứ. Nắng đồng bằng của nhà văn Chu Lai. Bất Khuất tự truyện của Nguyễn Đức Thuận..., tôi rất khâm phục và tự hào về những vùng đất, con người đã hy sinh và chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Một hôm anh Hồ Duy Lệ hỏi tôi: Em đã đọc Nhật kí chiến tranh của Chu Cẩm Phong chưa? Có anh Nhạn cùng cơ quan với em xuất hiện trong đó... Tôi nói: Em chưa đọc Nhật ký chiến tranh nhưng nhà văn Chu Cẩm Phong thì em đã nghe nói nhiều và mỗi lần đi công tác ở Duy Xuyên khi qua thôn Vinh Cường, xã Duy Vinh nghe bà con hay nhắc câu chuyện chiến đấu và hy sinh của anh ấy tại căn hầm bí mật nơi này…
Tác phẩm Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong
Sau đó tôi về tìm quyển Nhật ký cầm trên tay, hồi hộp, lần giở từng trang: Thứ ba 7.1.69… Trưa nay mình về ở nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ. Đây là một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà vẫn nuôi cán bộ. Sau ngày giải phóng 1964 tham gia công tác kháng chiến tích cực, mình đã nghe bà con làng xóm thương tiếc “nhà đó mới là cách mạng toàn gia”. Nhà có ba con trai, người anh cả đi công tác huyện, người thứ hai là du kích đã hy sinh, cậu con út tên là Nhạn, năm nay 15 tuổi, du kích thôn, đội trưởng đội văn nghệ... Nhạn tuy còn nhỏ tuổi cũng đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu ta rất lanh lợi, thuộc rất nhiều thơ hay của Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, rất ham học, cứ mơ ước học đến đại học... Gia đình anh Nhạn có bảy người mà đã có 4 người là liệt sỹ, anh trai, hai chị gái và Mẹ. Ba anh Nhạn là Chủ tịch huyện Thăng Bình và tập kết ra Bắc khi anh mới hai tuổi.
Thứ tư 15.1.69. Đội ngũ xã Bình Dương đi khởi nghĩa hy sinh 16, bị bắt 72. Đợt trước chúng thả một số, cách đây mấy ngày chúng thả 30 người (hầu hết là nữ thanh niên). Số này chúng đã giam ở quận Hiếu Nhơn, Hội An, đưa đi Đà Nẵng rồi chuyển vào nhà lao Tam Kỳ, chúng bỏ đói 4 ngày, ở 7 ngày chúng cho ăn một bữa. Tra tấn đánh đập nhưng không ai khai... Tôi tiếp tục say sưa, không rời mắt những trang Nhật kí ấy. Thật là khốc liệt! Cuộc sống bình thường không có. Thật là mỏng manh! Thế mà người dân Bình Dương đã sống và chiến đấu. Một xã mà đã có 350 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.347 liệt sỹ, chừng ấy thôi cũng đã nói lên tất cả.
Bình Dương là một xã nhỏ nằm giữa xã Bình Minh và Bình Đào, phía đông giáp biển, phía tây là con sông Trường Giang, phía bắc là Duy xuyên. Trường Giang là con sông lớn chạy dọc biển nối từ cửa Đại đến cửa biển An Hoà của tỉnh Quảng Nam. Con sông là nguồn nước làm mát những bãi cát bỏng, nắng rát, là đường vận chuyển người và hàng hoá, là nguồn nuôi dưỡng người dân trong vùng.
Tôi cũng thường qua lại con sông này vừa tham gia khảo sát, vừa tổ chức nạo vét các đoạn cạn bị bồi lấp. Đi dọc đường biển từ Duy Xuyên qua Thăng Bình, Tam Kỳ, Tam Thanh đến Núi Thành sau chiến tranh nhiều năm, mà làng mạc, thôn quê vẫn nghèo xác xơ. Quảng Nam và Đà Nẵng sau nhiều năm chia tách, đường dọc biển mới có ít vốn của tỉnh đầu tư từng đoạn, có tên gọi Đường thanh niên ven biển... Nay con đường 129 nối liền tuyến biển từ Hội An đến Núi Thành đã rộng mở thênh thang. Tôi có ghi lại đôi điều về Quảng Nam từ ngày tách tỉnh trong một bài thơ dưới đây:
Chân dung Tam Kỳ
Tam kỳ
Ngày xưa
Nghèo khổ
Nhà thưa thớt...
Đá đường còn lởm chởm
Biển vẫn hát
Sóng bạc đầu mặn chát...
Lưng cha còng, vẫn vậy, áo mong manh...
Ven biển Tam Thanh
Những mái nhà xơ xác
Bao năm dài, vẫn thế những làng quê. ..
Và rồi, từ 1997 cho đến hôm nay
Nếu em đi từ biển biếc Tam Thanh
Có đường lớn chạy dài về Đà Nẵng
Em sẽ lại ngỡ ngàng trong ánh nắng
Khi em thăm khu du lịch Vinpearl
Đất Thăng Bình ngày trước cát trắng trơn...
Níu lại bước chân, em sẽ thấy
Cầu Cửa Đại vượt sông Thu
Nối vùng quê, nối mong ước ngày xưa...
Nay Thăng Bình, đường, điện, giao thông trong vùng đã kết nối rất thuận tiện. Tôi cũng đã viết những bài thơ khi tham gia làm con đường lớn nối từ quốc lộ 14E xuống đường ven biển. Đó là con đường mơ ước vì phải vượt qua những đầm lầy, làng thôn, bãi cát. Có cây cầu Trường Giang rất đẹp! Nhưng dù sao, vẫn còn nhiều giới hạn để diễn đạt, vì tôi cho rằng, mình chỉ mới hiểu một phần nào thôi về quá khứ anh dũng đau thương của miền quê hương Cát cháy đã đi vào không ít những tác phẩm văn chương, thơ nhạc nổi tiếng!
Thật may, nay được biết dự án “Vườn Mẹ” - của người du kích thiếu niên thưở nào trong Nhật kí của nhà văn Chu Cẩm Phong - đã ấp ủ và có ý tưởng tạo nên một công trình làm gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là một không gian lịch sử - văn hóa - tâm linh sẽ giúp cho tôi và các anh chị em, bạn bè khi ghé về Bình Dương - Thăng Bình sẽ được cảm nhận rõ hơn về cuộc chiến tranh rất tàn khốc đã qua, thấy rõ hơn sự hy sinh của người dân vùng cát này...
Không gian “Vườn Mẹ” có nhiều phần, ta sẽ được thăm đài tưởng niệm các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ xã Bình Dương, thấy nơi tái hiện các hầm hào chiến đấu, nơi nuôi dấu cán bộ thương binh... Và giữa cái nắng đổ lửa của miền Trung ta lại được dừng lại ở một vườn cây xanh, một rặng phi lao, một hồ nước mát... nghe người hướng dẫn kể về, một thời máu lửa của người dân trung dũng nơi này.
Mong rằng “Vườn Mẹ” sẽ được chuẩn bị chu đáo, với sự quan tâm, đóng góp của các nhà nghiên cứu, để sớm có một công trình lịch sử và nhân văn của một thế hệ anh hùng thời kì chống Mỹ mà tiêu biểu là xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam...
Đà Nẵng 20.10.2021
Trần Thanh An
(Nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Quảng Nam)