BẠN VÀ TÔI - Nguyễn Duy Phương

08.12.2021
Nguyễn Duy Phương
Chúng tôi biết, quen và thân nhau tính ra cũng đã hơn 50 năm, xem ra không ngắn so với một đời người; cũng đồng nghĩa có nhiều kỷ niệm ở đủ độ tuổi phải trải qua của một cuộc đời, hơn nữa trong giai đoạn đầy biến động, phức tạp của thời cuộc.

BẠN VÀ TÔI - Nguyễn Duy Phương

Một vùng quê, ảnh Lê Thanh Anh

 Bạn ấy - Phan Đức Nhạn, lớn hơn tôi một tuổi; tuy thế, lúc nhỏ cùng sinh hoạt trong Đội Thiếu niên tiền phong ở T64 (Trạm đón tiếp các cháu miền Nam vừa ra đến Hà Nội) nên chúng tôi xưng hô với nhau là bạn. Thoạt đầu, tôi đã ấn tượng với con người ấy hoạt bát, thân thiện, tràn đầy năng lượng và pha chút hài hước. Càng về sau, biết bạn là người con của mảnh đất anh hùng (xã Bình Dương) nổi tiếng thành đồng mà ngay từ lúc bé, tôi đã biết nên càng mến mộ.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Tây Quế Sơn (nay là huyện Nông Sơn), trong chiến tranh là vùng căn cứ địa cách mạng; bộ đội thường xuyên có những chuyến công tác vùng sâu; tôi thường hiếu kỳ và chăm chú lắng nghe những câu chuyện các cô chú kể về vùng Đông nói chung, xã Bình Dương nói riêng với sự ác liệt của bom đạn, lòng kiên trung bất khuất của con người với cách mạng, gieo vào tâm hồn non trẻ của tôi sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Có lẽ, đất và nước nơi ấy đã nuôi dưỡng, hun đúc nên những con người giàu lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung của dân tộc.

Bạn và tôi, giống như có duyên tiền định gần gũi, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, học tập và công việc trong suốt ngần ấy thời gian quen biết. Hoàn cảnh chúng tôi khá tương đồng nên dễ thấu hiểu lẫn nhau; cùng có cha đi tập kết, mẹ hy sinh cho sự nghiệp chung của dân tộc; cùng sinh ra và lớn lên trên vùng đất Quảng Nam trung dũng, kiên cường, trong khoảng thời gian nóng bỏng của thời cuộc (1953-1954); cùng thời điểm ra Bắc (đến T64 ngày 16.9.1969), học cùng lớp nhiều năm ở trường Học sinh miền Nam - Đông Triều (1970-1975); sau 1975 cùng về và học tại trường Phổ thông nội trú Quảng Nam (1975-1977); sau đó cùng thi vào và tốt nghiệp đại học ngành xây dựng. Rời ghế nhà trường và bước vào nghề; chúng tôi cùng lăn lộn, chung tay góp phần xây dựng nhiều công trình, dự án lớn nhỏ khác nhau trong suốt thời gian 18 năm (1989-2007) trên dải đất miền Trung yêu dấu. Chúng tôi có quãng thời gian hơn chục năm trời (2007-2018) cùng sống và làm việc tại thành phố mang tên Bác; mặc dù bạn vẫn theo đuổi ngành xây dựng yêu thích, còn tôi số phận đưa đẩy đến với lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao; nhưng chúng tôi vẫn sát cánh, chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống và công việc ở nơi đô hội phồn hoa ấy cho đến khi hưu trí.

Trên con đường gập ghềnh mưu sinh, ai cũng phải trải qua những cung bậc thăng trầm của cảm xúc, sự nghiệp và cả sức khoẻ v.v.; đó là quy luật của tạo hoá, mà chúng tôi cũng không tránh khỏi.

Trong tôi vẫn mãi hằn sâu những kỷ niệm thời niên thiếu hồn nhiên, vô tư khi cùng sinh hoạt, học tập dưới mái trường nội trú Đông Triều rất đỗi thân thương. Bạn học giỏi đều các môn; yêu thích thể dục thể thao, có năng khiếu văn nghệ; ngược lại, tôi là một thiếu niên bẽn lẽn, yêu thích thể thao, ham học và chỉ giỏi các môn tự nhiên (còn gọi là học lệch), hay né các hoạt động văn nghệ; thế nhưng hai đứa lại quý nhau, phải chăng tuân theo quy luật bù trừ. Thầy giáo chủ nhiệm các lớp cấp 2 thường hay giao hai chúng tôi tổng kết sổ điểm cuối mỗi học kỳ cho lớp; trong khi các bạn đang sôi nỗi, mải mê với quả bóng ngoài sân thì hai đứa vẫn phải ngồi hí húi với những con số, thật là nản chí; song, tự trấn an với nhận thức rằng, đây không những là vinh dự mà còn là trách nhiệm nho nhỏ của mình đối với người thầy đáng kính; bởi vậy, tự nhủ phải biết hy sinh thú vui hấp dẫn ấy để hoàn thành thật tốt công việc được giao, đáp lại sự tin tưởng của thầy và cả lớp. Vào thứ bảy hàng tuần, lớp thường tổ chức họp và không thể thiếu các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn theo cảm hứng; thi thoảng lại vang lên giọng dân ca bài chòi cao vút, luyến láy điêu luyện bài Quảng Nam tung cánh chim bằng của ca sỹ nghiệp dư, nhắm mắt lại tôi vẫn biết chắc, không ai khác - đó là Phan Đức Nhạn; đồng thời nhận sự tán thường bằng những tràng vỗ tay phấn khích của cả lớp. Khi kết thúc năm cuối cấp 2, chúng tôi được nhà trường lựa chọn lập nên lớp chuyên toán 8N, Nhạn làm lớp phó học tập, tôi làm cán sự Toán, từ đây chúng tôi được đào tạo theo một chương trình đặc biệt của lớp chuyên Toán. Tôi được phân công chủ trì tham gia giải toán đến từ Toán học tuổi trẻ của bộ giáo dục và đào tạo do Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn chủ biên. Có thể nói là những tháng ngày cùng nhau học tập đã đặt chúng tôi vào môi trường nghiên cứu đầu tiên và làm nền tảng để chủ động phấn đấu, trưởng thành trong học tập và công tác sau này.

Khi tốt nghiệp đại học, ra trường và đi làm như bao thanh niên thời buổi đó. Năm 1989, tôi được giao chủ trì dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cấp nước thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ). Kết thúc cuộc họp căng thẳng nhưng mỹ mãn, đã bảo vệ thành công dự án về mặt chuyên môn tại Sở Xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ); tôi tự thưởng cho mình, đơn giản và ít tốn kém bằng cách bách bộ thư giãn và ngắm sông Hàn thơ mộng. Bỗng nhiên bắt gặp ánh nhìn phía đối diện; Nhạn và tôi đã nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng. Và sau những lời thăm hỏi thân tình, tôi hé lộ đang triển khai dự án mà mình phụ trách. Bạn lập tức hồ hởi và quan tâm; không ngần ngại đặt thẳng vấn đề, muốn tham gia ngay giai đoạn tiếp theo của dự án. Tình huống bất ngờ, nhưng tôi cũng nhận lời vì biết rõ năng lực ông bạn lâu năm của mình về lĩnh vực xây dựng; tôi hứa, về cơ quan sẽ sắp xếp gấp một buổi làm việc với công ty của bạn vì đã gần hết năm, không còn nhiều thời gian để đăng ký kế hoạch vốn ngoài trung ương. Bạn cho tôi số điện thoại cố định (vì thời đó ở Việt Nam chưa có điện thoại di động) và hẹn gặp nhau lúc 18 giờ ngày hôm sau. Đúng giờ hẹn, tôi gọi, người cầm máy trả lời: Nhạn không có mặt và cũng không thấy nhắn lại gì cả. Tôi bị cảm giác hụt hẫng và không hiểu chuyện gì xảy ra.

Thú thật tối đó tôi trằn trọc, khó ngủ. Sáng sớm hôm sau, tôi khăn gói, chuẩn bị đến đặt vấn đề với lãnh đạo công ty cấp nước Đà Nẵng, nơi tôi làm việc trước đây và cũng là đồng nghiệp đàn anh của chúng tôi thời đó. Ngồi trên xe nhưng trong đầu miên man suy nghĩ về số phận của dự án; bởi lẽ, nếu chưa xác định danh tính đơn vị tổng thầu thiết kế và thi công thì khả năng đăng ký được kế hoạch vốn cho các năm tiếp theo của dự án là rất thấp. Tôi phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo và nhân dân thị xã Tam Kỳ vì dự án liên quan đến dân sinh đang rất được kỳ vọng.

Xe tôi đang bon bon trên đường, trong làn sương nhè nhẹ sáng sớm, chợt phía trước có xe chạy ngược lại, nhìn kỹ, nhận ra bạn mình. Nhạn phân trần, hôm qua công việc quá bề bộn, việc hiển nhiên của chỉ huy công trường cuối ngày là tiếp khách (nói dân dã là nhậu); lỡ vào trận đồ đó thì không quên mới là lạ.

Sau đó, chắc ai cũng đoán biết việc gì đến ắt sẽ đến, vì chúng tôi là chí cốt (thời đó không phải đấu thầu, chỉ hợp đồng giao việc qua tiêu chí giấy phép hành nghề, năng lưc kỹ thuật - tài chính và chữ tín là quyết định), hơn nữa khó tìm một đơn vị thi công ngành cấp nước trong vùng.

Dự án triển khai khá thuận lợi. Nhưng đáng tiếc, sau một thời gian thì bạn rời công ty để thành lập công ty mới; và tôi cũng thuyên chuyển về một cơ quan khác trong ngành xây dựng. Từ đây, câu chuyện tình bạn của chúng tôi bước sang trang mới, kéo dài vài thập niên với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lẫn lộn; nhưng cơ bản vẫn trên tình bạn, tình đồng đội ngày càng thắm thiết, gắn bó nhiều hơn. Thiếu sót, nếu không nói thêm về dự án mà chúng tôi đã cùng tham gia đặt những viên đá đầu tiên; trên nền tảng đó, sau này được Phần Lan hỗ trợ vốn và xây dựng hoàn chỉnh tương đối hiện đại, vận hành tốt cho đến ngày nay.

Một ngày đẹp trời, cuối xuân năm 1995; trong lúc tôi đang cần mẫn trong phòng làm việc tại Đà Nẵng, chuông điện thoại bỗng réo vang; nhấc máy, đầu dây bên kia là bạn ấy.

- Chào! Rồng ghé nhà Tôm có việc chi quan trọng đây? - Tôi đùa.

- Hai ngày nữa, mình tổ chức chuyến đi Đăk Lăk, kết hợp tham quan và khởi công công trình. Bạn có tham gia không? - Khách thiện chí

- Nhất trí! Nhưng mình phải sắp xếp công việc để nghỉ phép; thành phần, thời gian chuyến đi? - Tôi phấn khích

- Trong 3 ngày; 6 người đi; có Nghệ sỹ Nhân dân Trần Tiến, Nghệ sỹ Nhân dân Trọng Khôi, Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, Kiến trúc sư Phạm Phú Bình, Nhạn và Phương. - Khách thông báo.

- Chốt. - Tôi nhận lời, thầm nghĩ đi với những sao có hạng đây.

  Đúng như hẹn, chúng tôi 6 người cùng lái xe có mặt; chiếc Toyota 15 chỗ bắt đầu lăn bánh. Sau động thái làm quen, câu chuyện bắt đầu rôm rả, quên cả đường dài. Trưa hôm ấy, chúng tôi dừng ăn món phở khô nổi tiếng của Pleiku và nhâm nhi mỗi người lon Heineken. Ô tô lại bon bon về hướng Buôn Mê Thuộc, tôi được cắt cử ngồi cạnh tài xế. Sau một buổi leo đèo thấm mệt, lại được ăn ngon kèm chút hơi men; mọi người, trừ lái xe, đều ngủ ngon lành.

  Đang thiêm thiếp, bỗng xe xốc rất mạnh cùng với tiếng phanh rít trên đường và cuối cùng một cú va đập chát chúa. Mở choàng mắt, kính trước xe vỡ toang; phủ trên bụng, chân tay của tôi và lái xe một lớp kính vỡ vụn; trong xe tất cả nháo nhào; phía ngoài người dân buôn làng kéo ra đông nghịt, chỉ trỏ và la hét ồn ào. Cảnh tượng thật đáng sợ. Tất cả bước xuống xe; phía trước là con bò nằm vật ra giữa đường, bên cạnh là một thanh niên đang lồm ngồm gượng dậy. Bạn tôi bước đến gần một người đàn ông đứng tuổi để hỏi chuyện. Thay mặt dân làng, ông bắt đền tiền con bò và buộc phải chở người thanh niên bị nạn đi bệnh viện ở Pleiku cứu chữa. Đương nhiên, thoả thuận nhanh chóng được thống nhất; tình hình hạ nhiệt trông thấy, mọi người trong đoàn trở nên nhẹ nhõm, bởi chú thanh niên chỉ xây xước ngoài da, con bò được định giá vài triệu đồng.

Chiếc xe không còn kính chắn gió phía trước, mang theo cả đoàn cộng thêm thanh niên bị nạn, một chàng trai dân tộc Ba Na, trạc tuổi đôi mươi, không thạo tiếng Kinh; chầm chậm chạy về phía Pleiku (vì lái xe thất thần và không có kính chắn gió). Trên xe, khi bình tĩnh lại, chú lái xe mới thú nhận, lúc ấy mất tập trung để xử lý trường hợp này: Đoạn qua huyện Chư Sê đường nhựa tốt, thẳng tắp; nhưng đến đó, trước mặt phía đối diện có một chiếc ô tô tải đậu; chú thanh niên từ trong nhà, không quan sát lừa con bò sau ô tô tải đậu, qua đường. Đúng lúc xe của đoàn vừa ập đến, bò giật mình và húc vào đầu xe, chú thanh niên bị con bò văng ra chạm phải và ngã xuống đường; kính trước của xe bị ép vào, vở toang.

Đến bệnh viện, chú thanh niên được băng bó vết trầy và chụp xương chân tay; may mắn không có gì đáng lo ngại. Cả đoàn hội ý, tôi xung phong cùng lái xe đi tìm chỗ lắp kính, xong việc và quay về Đà Nẵng; những người còn lại thuê xe khác để tiếp tục thực hiện chương trình đã định. Thật là một kỷ niệm khó quên trong đời.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, những năm cuối sắp về hưu, cũng như những người có tuổi thường trăn trở, hoài niệm; lúc rảnh rỗi chúng tôi thường gặp gỡ hàn huyên về những kỹ niệm xa xưa, hoặc bàn về thời cuộc hiện tại. Có một hôm, bạn hẹn tôi ở gần cổng chợ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng, Quận 1. Và đưa tôi đến một cửa hàng may mặc nức tiếng Sài Gòn xưa và nay; nghe nói ở đây đã được những chính khách, các nghệ sỹ nổi tiếng đã từng được cửa hàng phục vụ. Tôi chưa hiểu chuyện gì, thì chủ cửa hàng bước đến, sau một vài câu xã giao và giới thiệu, Nhạn nói tiếp, anh đo may cho bạn tôi một bộ comple, có áo sơ mi và cà vạt đầy đủ, hợp độ tuổi, hợp thời trang. Tôi bị bất ngờ và phân trần, ở nhà đã có đủ rồi, hơn nữa sắp về hưu, ít sử dụng comple và có ý từ chối. Bạn trấn an, trước khi nghỉ làm việc mình muốn tặng bạn để nhắc nhớ về nhau. Thật là ý nghĩ chân tình, có ý nghĩa nên tôi không thể thoái thác.

Từ khi nghỉ hưu đến nay, bạn về lại với ngôi nhà xưa tại Đà Nẵng; tôi vẫn trụ lại  Sài Gòn; tuy cách xa nhau cả ngàn cây số nhưng mỗi lần có dịp, chúng tôi vẫn ghé lại thăm hỏi lẫn nhau với tinh thần hai đầu nỗi nhớ nghĩa tình đằm thắm hơn!

 Thời buổi chúng tôi chào đời thật là đặc biệt, là bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Đất nước vừa chấm dứt chiến tranh chống thực dân Pháp thì rơi vào cảnh chia cắt; có những gia đình bị ly tán trong vô vọng; đói khát, bệnh tật và thiếu thốn trăm bề. Trẻ em chịu thiệt thòi nhiều nhất do hoàn cảnh đem lại: thiếu thốn tình cảm, điều kiện học hành khó khăn, thiếu dinh dưỡng, thiếu điều kiện chăm sóc y tế…

Quảng Nam là vùng nông thôn nghèo nhưng có bề dày về lịch sử - văn hoá, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và là vùng đất có những con người cần cù, hiếu học; sản sinh ra nhiều hiền tài, chí sỹ yêu nước cho dân tộc, được ví là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nhưng lúc đó, chính quyền do ngoại bang dựng nên, đã ráo riết truy lùng, đàn áp, bắt bớ những gia đình có người tham gia cách mạng. Gia đình bạn và gia đình tôi là những nạn nhân trong thời buổi đó.

Quê hương chúng tôi đã không hề bị khuất phục, đã đứng lên và theo phong trào kháng chiến. Những hy sinh, mất mát về con người, tinh thần, vật chất không thể nào đo đếm nổi. Đó là niềm tự hào vì những cống hiến của quê hương chúng tôi cho Tổ quốc được mãi mãi vững bền, cho người người được ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay.      

Hoàn cảnh, cuộc sống, trường đời đã vun đắp, rèn luyện nên bạn tôi - một con người bản lĩnh, từng trải, quyết đoán và cũng rất tình người trong đối nhân xử thế. Bạn và tôi, đã có được may mắn; được Đảng, chính quyền cách mạng ưu ái cho đi ra Bắc rèn luyện, học hành. Và không phụ lòng tin và công  ơn đó, chúng tôi đã trưởng thành và góp phần nhỏ bé vào xây dựng lại quê hương, đất nước sau chiến tranh.

  Ý tưởng “Vườn Mẹ” của bạn tôi thật có ý nghĩa về đạo lý đền ơn đáp nghĩa, xuất phát từ lòng trắc ẩn, thấm đẫm nhân văn với lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến các thế hệ đã ngã xuống cho sự trường tồn của quê hương, đất nước; đồng thời cũng có ý để lại, nhắc nhớ cho các thế hệ con cháu mai sau một bài học sống động về lịch sử của cha ông trong công cuộc trường chinh gìn giữ, xây dựng và phát triển quê hương và đất nước.

Dân gian có câu kiến ngãi bất vi vô dõng giả; có nghĩa thấy việc nghĩa trước mắt mà không làm, không phải là người. Cho nên, thiết nghĩ đồng thuận, ủng hộ nghĩa cử này cũng là điều tự nhiên của mọi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng chúng ta; nơi có truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Cầu chúc cho ý tưởng cao đẹp của bạn tôi chóng trở thành hiện thực!

 

TP HCM, ngày 21.9.2021

Nguyễn Duy Phương

(Nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng KCNC thành phố Hồ Chí Minh)