DỌC THEO SÔNG NƯỚC TRƯỜNG GIANG - Phạm Thông
Thả rớ trên sông Trường Giang. Ảnh: ĐẠO VINH
Truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong thời chiến cũng như trong thời bình, đã được nhiều nhà văn, nhà báo nhắc đến qua các tác phẩm văn học, báo chí cả nước. Bài viết này, chủ yếu nghiên cứu về nghề nghiệp đặc thù của cộng đồng làng xã Bình Dương. Đó là một phần làm nên cuộc sống văn hoá, hình thành khí chất anh hùng của những người dân bình thường trong những làng quê Việt.
Có lẽ từ ý tưởng đó, một người con dân Bình Dương đã đề xuất dự án xây dựng không gian “Vườn Mẹ” trên đất Mẹ, cũng nhằm nói lên với con cháu mai sau rằng: Cha ông của họ đã sống và chiến đấu như vậy. Không gian “Vườn Mẹ” trong tương lai sẽ là chứng tích sống về đất, về người của quê hương Bình Dương anh hùng.
Ý nghĩa của nghề sông nước trong tổng thể không gian “Vườn Mẹ”
Với ý tưởng đó, thì nghề nghiệp là nguồn khởi phát quyết định nhất cho cuộc sống. Đã định cư ven sông bao đời, tất yếu con người phải bám vào sông mà sống, phải theo dòng nước mà sinh nghề. Thể hiện và tái hiện nghề nghiệp bằng ngôn ngữ cụ thể trong không gian “Vườn Mẹ” là nhằm giữ lại trong lòng của các thế hệ con cháu về hình ảnh cha ông. Họ đã bằng phương cách gì để duy trì, phát triển bao thế hệ nối tiếp nhau trên mảnh đất này. Và đây cũng là một động thái biểu hiện niềm tri ân của các thế hệ cháu con đối với ông bà tổ tiên bao đời xây đắp nên quê hương, sự nghiệp, sản sinh ra thân xác và các giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của họ.
Nghề đánh bắt cá tôm trên sông Trường Giang ở Bình Dương rất phong phú, nhưng có lẽ Thuyền rớ, Rớ quay và Nò tôm là 3 nghề đặc trưng nhất trên vùng sông nước mặn lạt, vơi đầy này.
Một số nghề đặc trưng:
* Thuyền rớ
Trên sông nước Trường Giang đã từng tồn tại nghề rớ thuyền. Có thể nói đây là một trong những nghề sông nước truyền thống đặc biệt, bởi chỉ có nghề rớ thuyền gắn gần như toàn bộ cuộc sống của ngư dân với sông nước. Thuyền Rớ được cơ cấu gồm hai phần: Thuyền và Rớ gắn liền với nhau. Thuyền đóng bằng gỗ kiền kiền hoặc chò chỉ, có hình thù khác biệt với ghe thường. Mũi thuyền sâu và phình ra, đuôi thuyền nhỏ, cạn, cất hỏng khỏi mặt nước. Hơn một phần ba trước mũi đặt khung cốt của giàn Rớ, gần hai phần ba ở đầu lái là mui thuyền. Mui thuyền rất vững chắc, tiện nghi như một ngôi nhà. Mui là nơi sinh hoạt, ăn ở, chứa đựng toàn bộ gia sản của gia đình thuyền rớ. Bếp nấu ăn đặt ngoài mui. Nhìn về phía mũi, bếp nằm bên tay phải, sát với mui thuyền. Mỗi Thuyền Rớ còn có hai chiếc ghe phụ loại nhỏ, sử dụng trong lúc hành nghề và đi lại phục vụ sinh hoạt đời sống. Thuyền Rớ không chạy bằng buồm, không chèo mà chỉ chống bằng sào để di chuyển trên sông nước. Giàn Rớ gồm hai phần là khung cốt và Rớ. Khung cốt được cấu tạo như một khối chóp có ba mặt và đáy. Rớ cất lên, đỉnh khung cốt đè sát mặt sàn; rớ thả xuống thì đỉnh khung cốt ở vị trí cao nhất. Đỉnh khung cốt có buộc ba cục đá nặng gần một tạ, làm vai trò đối trọng với rớ ở phía trước, giống như đối trọng của một cần cẩu. Khung cốt rất chắc chắn cũng được làm bằng 6 cây gỗ kiền kiền. Ba cây gỗ hợp thành ba mặt hình chóp, đó là cánh tay đòn bẩy phía sau. Ba cây gỗ thì hai gọi là cây đồ có kích cỡ diện 20, hậu 12 phân tây, dài hơn 3 mét và một nhỏ hơn gọi là đòn giông. Khi Rớ cất lên, hai cây đồ nằm sát mặt sàn, đòn dông nằm nghiêng với mặt sàn 45 độ. Đáy của khối chóp là cái khung tam giác được cấu tạo bởi ba khúc gỗ nhỏ và mỏng hơn cây đồ. Mặt phẳng tam giác ấy nằm vuông góc với trục dọc của thuyền. Đáy tam giác gọi là cây đòn gánh, nằm gác ngang thuyền. Đòn gánh gắn khung cốt của Rớ với Thuyền. Hai đầu đòn gánh là hai cái khớp nối giữa khung cốt và thuyền. Hai khớp là điểm tựa của đòn bẩy rớ, khung cốt phía sau và chiếc Rớ phía trước là hai cánh tay của đòn bẩy. Tùy theo sự điều khiển trọng lực nghiêng về phía trước mũi hay phía sau thuyền mà giàn Rớ có thể cất lên thả xuống.
Chiếc Rớ gồm gọng và lưới (phẻo rớ). Gọng là bốn cây tre dài 6 sải (9 mét). Tre được cột thật chắc với khung cốt ở điểm Ngưỡng Thiên. Đó là điểm cao nhất của giàn Rớ khi cất lên. Bốn cây tre chĩa ngọn ra tứ phía, trên đầu ngọn tre buộc viền kéo căng lưới thành hình vuông, mỗi chiều dài 4 mét. Mắt lưới rớ dày từ 2 đến 3 ly. Khi Rớ cất thì lưới thòng như cái lòng chảo vuông vức.
Mỗi Thuyền Rớ sử dụng năm lao động. Ba lao động chính chống thuyền di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đây là khâu lao động nặng nhọc nhất. Ba lao động đó cũng là người ở trên thuyền lớn điều khiển thả và cất Rớ. Hai lao động phụ thì bơi hai chiếc ghe nhỏ. Khi đánh bắt cá thì hai ghe này từ xa vừa bơi tới giàn rớ vừa dùng chân đạp nhịp nhàng hai cây tre đặt dưới lòng thuyền, phát thành tiếng đạp đều đặn như một bài nhạc vang động khắp một vùng sông nước. Nếu không đạp hai cây tre va chạm vào đà ghe để phát ra tiếng động thì hai thuyền con kéo hai sợi dây có gắn vỏ nghêu thả chìm sát đáy sông bọc quanh khu vực đánh bắt. Tiếng động trên mặt sông, tiếng va chạm leng keng và ánh sáng phản chiếu của đồng nghêu dưới lòng sông đuổi cá chạy dồn vào Rớ. Lúc hai ghe nhỏ tiến sát khu vực thả Rớ, hai người điều khiển từ phía rớ bước nhanh trên cây dồ, về phía cục đá. Sức nặng của người và đá cộng lại ở đỉnh khung cốt, trọng lực giàn rớ đổ về phía sau, bẩy chiếc Rớ trước mũi thuyền cất lên khỏi mặt nước. Thế là vát Rớ đã được thực hiện, người thứ ba trên thuyền dùng vợt có cán dài xúc cá. Thuyền Rớ hành nghề chủ yếu vào những đêm không có trăng. Bảy giờ tối đánh bắt đến 12 giờ đêm, nghỉ vài tiếng rồi tiếp tục thả, cất mãi đến 5 giờ sáng. Mỗi đêm mỗi chủ Rớ đánh bắt được từ 30 kg đến 50 kg cá các loại, nào là: móm, hanh, trảnh, diếc, tho, dìa, sặt, mú, cồi, đối, ngạnh, úc, bò, sơn, tôm, tép, cua, rạm... đều được tất.
Sông Trường Giang
Sở dĩ nói Rớ thuyền là nghề đặc biệt trên sông nước Trường Giang, vì cả gia đình, thậm chí là tam đại đồng đường đều sống trên một chiếc thuyền rớ. Nhiều làng dọc bờ sông Trường Giang hay hạ lưu của các dòng sông đất Quảng có vạn chài. Thuyền Rớ là những hộ chủ chốt nhất của Vạn, nhưng đó chỉ là nơi neo đậu thuyền mà thôi. Người thuyền Rớ không có nhà trên bờ. Có việc gì cần thiết mới lên bờ, như họp hội, đi giỗ chạp, đi đám cưới, đi chợ, trẻ con đến trường… Mỗi vạn chài ven sông bao gồm nhiều hộ nghề khác nhau như Rớ quay, nò tôm, lưới bén, rạo chươm, lưới quét, te, lớ, đó... Cùng với những hộ thuyền Rớ, họ xây dựng ngôi đền chung để thờ bà Thủy Tổ (Hà Bá). Lễ hội chung của vạn ghe diễn ra trên bờ. Bên cạnh đó, mỗi thuyền Rớ đều có bàn thờ Tổ Tiên đặt ở vị trí trang trọng nhất. Đám giỗ, chạp mả, đám cưới, ma chay, ăn tết đều trên thuyền. Có việc lớn của tộc họ, gia đình, các thuyền Rớ dùng ván gác ngang kẹp thuyền sát nhau, che rạp, trang trí cờ xí, hoa văn, tạo mặt bằng hành lễ, sinh hoạt hội hè ngay trên sông nước.
Mỗi thuyền Rớ còn có bàn thờ Ngưỡng Thiên. Đây là tổ nghề được tôn sùng xuất phát từ đặc điểm chuyên biệt nghề nghiệp. Ngưỡng Thiên vừa là một điểm vật chất cụ thể ở nơi tiếp giáp của Rớ và khung cốt vừa là tên của tổ nghề. Dây buộc bốn cây tre với khung cốt cũng được gọi là dây Ngưỡng Thiên. Dây này tuyệt đối phải chắc chắn. Sau một đêm hành nghề, sáng ra ngư dân phải kiểm tra độ chắc chắn của dây buộc Ngưỡng Thiên. Nếu sơ suất, trong lúc hành nghề dây Ngưỡng Thiên bị đứt thì từ trên cao khung cốt và cục đá nặng cả tạ đập xuống gãy then, vỡ thuyền, chết người... Không cẩn thận, không coi việc kiểm tra dây Ngưỡng Thiên là thói quen nghề nghiệp tuyệt đối thì tai nạn rất dễ xảy ra. Sự tôn sùng Ngưỡng Thiên, thường xuyên thắp hương trên bàn thờ tổ nghề là để người thuyền Rớ luôn cẩn thận coi ngó điểm Ngưỡng Thiên.
Đặc điểm cuộc sống trên sông nước đã hình thành trong cộng đồng người thuyền Rớ một số tập tục, thói quen, nếp sống khác biệt với người dân ở trên bờ. Vì thế, ngày xưa có từ gọi riêng là dân thuyền Rớ cũng như dân nông, dân biển, dân núi, dân làm muối, dân ghe bầu... vậy.
Cách đây trên bốn mươi năm, nghề thuyền Rớ rất thịnh hành trên Trường Giang. Trong những đêm tối trời, mặt nước quãng sông ngang qua các làng xã Bình Dương luôn vang động tiếng gõ nhịp khi lơi khi nhặt, tiếng kẻo kẹt của giàn rớ cất lên thả xuống, tiếng hú, tiếng hô, tiếng hò khoan, tiếng đùa dí dỏm của người dân thuyền Rớ. Và, sông cùng với người thao thức suốt đêm thâu.
Thời nay, nhu cầu vật chất, nhu cầu văn hóa nhu cầu hòa nhập sâu về mọi mặt vào cộng đồng hiện đại tăng cao. Chiếc thuyền Rớ như một cái khung bó hẹp cuộc sống, không đáp ứng được nhu cầu sống hiện đại của lớp trẻ. Mặt khác tài nguyên trên các dòng sông có hạn, nghề thuyền Rớ không thể làm ra nhiều của cải để làm giàu được. Nó chỉ là nghề phù hợp với cái thời tự túc tự cấp. Gia đình thuyền Rớ lại thường đông con, với mức chi tiêu hiện đại thì nghề này không thể nuôi con cái nổi chứ có đâu mà dư dật. Một điều nữa, hiện nay người đánh cá trên sông bằng rất nhiều cách tăng lên, môi trường ô nhiễm, cá ít đi không đủ điều kiện để tồn tại một nghề đánh đánh cá sông chuyên nghiệp như thuyền rớ. Vì không thể làm đủ ăn và đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống, nghề thuyền Rớ trên sông nước Trường Giang biến mất là lẽ đương nhiên của quy luật phát triển. Tuy nghề mất nhưng văn hóa nghề nghiệp vẫn tồn tại trong các thế hệ con cháu ở vùng Đông Thăng Bình. Hình ảnh những chiếc thuyền Rớ với ánh đèn loé sáng như vẫn còn chập chờn trong những đêm khuya thanh vắng trên sông nước Trường Giang
Bottom of Form
* Rớ quay
Trường Giang là dòng sông nối hai vùng hạ lưu của hai hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân và Thu Bồn - Vu Gia. Trên dòng sông này đã tồn tại lâu đời nghề Rớ quay. Theo ghi chép trong nhiều bộ Vạn thuỷ điền ở Bình Dương, Bình Giang… Thăng Bình, Quảng Nam thì ngày xưa nhà nước phong kiến đã qui định rõ ràng ranh giới mặt nước cho chủ sở hữu của những sở nò, bãi rạo như đất ruộng trên cạn. Rớ quay và thuyền rớ là hai nghề chính trên mặt nước Trường Giang. Khác nhau là người hành nghề Rớ quay có nhà định cư trên bờ còn Rớ thuyền thì cả gia đình ngư dân sống trên thuyền Rớ. Rớ quay có mặt nước sở hữu, chịu thuế sông nước còn thuyền Rớ thì nay đây mai đó nên chỉ chịu thuế nghề nghiệp như thuế môn bài bây giờ.
Rớ quay có hai phần chính là chồ và Rớ. Chồ được cố định cách mặt nước độ hai mét trên bốn cái trụ góc. Mỗi trụ gồm hai cây tre dài, một cây đứng vuông góc với mặt nước, một cây cắm xìa làm vai trò như dây néo để chồ đứng vững chải. Phía sau chồ có một sợi dây néo rất chắc để chồ không bị giàn rớ nặng phía trước kéo ngã nhào tới. Sợi dây đó gọi là đuôi chệch.
Rớ được đặt chính diện trước chồ. Giàn Rớ hình chữ nhật với chiều dài 16 sải, chiều rộng 10 sải tay. Mắt lưới có độ dày từ 5 ly đến 17 ly. Chính giữa đáy Rớ mắt lưới dày và thưa dần ra bốn phía triêng. Bốn góc giàn Rớ được buộc vào đầu ngọn của bốn trụ Rớ bằng tre dài độ sáu sải, đầu gốc của trụ được cố định dưới lòng sông. Hai trụ góc ngoài giàn Rớ được giữ đứng trong lòng nước bằng hai sợi dây. Một sợi néo theo chiều chính diện chồ Rớ (chiều dọc), khi Rớ thả xuống thì sợi dây này dùn lại, khi kéo Rớ lên thì căng ra kéo Rớ theo chiều ngược lại, giữ giàn Rớ không ngã ập về phía sau. Một sợi khác néo theo chiều ngang mặt chồ, sợi này có tác dụng kéo căng góc giàn Rớ để nó luôn cố định theo hình chữ nhật trong khi thả cũng như lúc nhấc Rớ. Ở hai góc trong của giàn Rớ thì chỉ có hai sợi dây néo theo chiều ngang. Với cái thế chằn của sáu sợi giây buộc vào đầu ngọn của bốn trụ như vậy kéo bốn góc Rớ vuông vức và thăng bằng cả lúc nhấc lên hoặc thả chìm xuống nước.
Bộ phận tời kéo Rớ gồm có ống quay và hai sợi dây buộc từ ống quay đến đầu ngọn của hai trụ trong (trụ ở góc Rớ gần chồ) của giàn Rớ. Ống quay được làm bằng gỗ mù u hoặc gỗ mít có đường kính độ 20 cm. Chung quanh ống gỗ có tra nhiều chốt bằng tre dìa ra để ngư dân nắm, đạp quay tời kéo căng hai sợi dây bẩy cả giàn Rớ lên khỏi mặt nước.
Cũng như Rớ thuyền, Rớ quay hành nghề chủ yếu vào ban đêm. Giàn rớ thả xuống nước độ 20 phút rồi nhấc lên. Khi thả Rớ xuống nước ngư dân bơi ghe quanh rạo khua động cho cá bỏ gốc rạo chạy vào Rớ. Khi Rớ đã nhấc lên, người quay tời cột chặt cố định dây kéo Rớ, ngồi giữ kỹ ống tời không để sụt dây kéo, đổ sập Rớ tới phía trước. Một người khác bơi ghe luồn dưới đáy Rớ đã được nhấc bổng lên, dùng roi quét dồn cá vào một chỗ rồi cho rơi xuống ghe qua một cái lỗ.
Khi bơi ghe rúc dưới đáy Rớ để thu gom cá, ngư dân luôn chú ý lận theo một cái dao nhỏ, phòng sự cố đứt dây tời hoặc dây đuôi chệch, sập chồ, sập Rớ nhận cả ghe lẫn người chìm xuống nước thì có phương tiện mà rạch Rớ chui lên.
Ngày xưa sông Trường Giang rất nhiều cá. Trên mặt nước lợ dọc Trường Giang thường trông thấy những bầy cá đối cồi bơi lội hoặc đứng yên từng đám hàng trăm con; ở dưới những gốc cây rạo có nhiều cá dìa, cá tho, cá sặt, cá hanh... quần tụ. Người hành nghề Rớ quay mỗi đêm có thể bắt được 5-7 chục kg cá đủ loại. Trên mặt nước Trường Giang có ít giàn Rớ quay nhưng đánh bắt khá hiệu quả. Một giàn Rớ quay có thể nuôi sống cả gia đình đông con. Thời xưa các vạn ghe thực hiện tự quản sông nước tưởng như không chặt chẽ cho mấy nhưng thực ra rất hiệu quả. Ví dụ, thời đó có qui ước cấm không cho hành nghề lưới quét trên sông, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng vì nghề lưới quét vét sạch các loại cá cả to lẫn nhỏ.
Hiện nay lượng cá trên vùng sông nước lợ Quảng Nam giảm hẳn bởi nhiều nguyên nhân:
Lượng người đánh bắt tăng gấp bội. Đánh bắt lại rất bừa bãi. Vì lợi ích trước mắt, một số người dân dùng điện châm giết sạch tất cả trứng, cá con và các mầm phôi của các loài thuỷ sản khác. Có một chủ Rớ quay tâm sự: Làm nghề đánh bắt cá trên sông bây giờ quá khó. Hồi đời cha ông cả nhà chỉ có một giàn Rớ quay mà đủ sống, bây giờ tôi có tới ba giàn Rớ cũng không đủ ăn. Bởi cá trên sông không còn môi trường tốt để phát triển như ngày xưa. Bù vào đó con cháu chúng tôi được ăn học hơn cha ông ngày trước nhiều, chúng nó có điều kiện để ra đi khỏi gia đình làm việc cho nhà nước hoặc kinh doanh các nghề khác. Vì thế chúng vẫn từng bước đổi đời nhưng nghề cha ông để lại cũng từng bước nhạt phai. Đó là nỗi luyến tiếc hơi vô lý trong thời hiện đại…
Hiện nay có rất nhiều người ba bốn mươi tuổi không biết, không hề thấy thuyền rớ và không mặn mòi chi với các nghề sông nước. Cứ như vậy, vài thế hệ nữa thì giá trị văn hóa phi vật thể của một số nghề sông nước sẽ mất hút theo dòng chảy thời gian. Vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa nghề sông nước ngang tầm với các nghề truyền thống khác. Và trước tiên, tại không gian “Vườn Mẹ” Bình Dương khi trở thành hiện thực, cần lưu ý có những mô hình về nghề sông nước Trường Giang...
Đà Nẵng - 9.2021
Phạm Thông
(Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Tp.Tam Kỳ)