MẸ - Phan Đức Nhạn

16.07.2023
Phan Đức Nhạn

MẸ - Phan Đức Nhạn

 

VU LAN NHỚ MẸ  

           Tôi nghĩ tình mẹ con là vĩ đại nhất trong mọi mối tình vĩ đại. Tình mẹ con là tình cảm, tình yêu có thuộc tính riêng, xuất hiện đồng thời và xuyên suốt, mềm mại như tơ trời, óng ánh hơn pha lê, rắn cứng hơn kim cương, rực cháy hơn mặt trời. Tình cảm, tình yêu ấy không cần điều kiện để ràng buộc, không có thiệt hơn, tính toán và sẵn sàng hiến dâng tất cả. Tình mẹ con luôn được sẻ chia, cộng hưởng, bất chấp không gian, thời gian; tồn tại như một lẽ đương nhiên như ánh sáng và khí trời. Tình mẹ con có sức sống bất diệt vì nó là thuộc tính, gắn bó hữu cơ, khi mẹ hoặc con qua đời thì vẫn còn sức sống tình mẫu tử trong người còn lại. Có người hỏi, tình mẹ con được ghi nhận từ khi nào? Tôi nghĩ tình mẹ con có từ thuở người mẹ cảm nhận được dấu hiệu thay đổi từ bản thân mình cho tới khi con trẻ lọt lòng mẹ thì tình mẹ con đã được xác lập, hiện hữu. Tình yêu ấy mang tính bản năng, sâu nặng, đằm thắm, dịu ngọt mà khi nói tới thì ngôn ngữ trở nên nghèo nàn. Cũng chính vì vậy mà bao đời nay văn chương vẫn chưa thể khai thác hết mà trái lại càng nghĩ tới, càng khai thác, càng phát hiện những điều thú vị, kì diệu. Chỉ một cái nhìn khi đứa con say sưa đang bú mẹ, một giai điệu lời ru của mẹ cũng làm cạn mực, hết giấy mà vẫn chưa thể chuyển tải hết nội dung tình cảm cao cả, thiêng liêng ấy.

       Trong một cuộc trò chuyện, tôi hỏi nhóm bạn nữ: Từ khi sinh con, em nghĩ gì về mẹ? Bạn Thanh trả lời rất cảm động và lưu loát... Mẹ luôn là vậy. Thương yêu, dịu dàng, ngọt ngào, thường nuông chiều ý muốn của con, dẫu con bé bỏng, thơ ngây hay đã trưởng thành. Ngay từ thuở vừa mới tượng hình, chỉ là một giọt máu thôi, mẹ cũng đã hết lòng chăm sóc và chiều theo ý con. Khi ở trong bụng mẹ, con muốn được nếm mùi những món lạ thì mẹ ăn cho con, con muốn được thử vị cay hay vị đắng mẹ cũng nếm cho con; khi con không hợp với mùi vị của một loại thức ăn nào đó, dù là món mẹ thích, thì mẹ cũng chiều con chẳng ăn trọn mấy tháng mang thai. Rồi để cho con được thoải mái khi ở trong cung điện của mình (tử cung) mẹ hết sức cẩn thận trong ăn, uống, đi đứng, nói cười. Làm việc gì mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ chịu khó ăn mặn để mong có con trai, ăn ngọt để lựa chọn con gái, khi có bầu nằm ngủ ở tư thế nào để con ở trong bụng không cảm thấy khó chịu. Mẹ năng làm những việc thiện, nói những lời lành để gieo nhân tốt cho con sau này. Khi con ở trong bụng mẹ, con là mẹ và mẹ là con, hơi thở của mẹ cũng là hơi thở của con. Mẹ và con đã là một, một sự kết nối không thể tách rời. Bụng mẹ là nơi an toàn và thanh bình nhất. Rồi con chào đời; khi con đã ngủ, dù đang bận bịu việc đến mấy mẹ cũng tranh thủ dành thời gian nhìn giấc ngủ của con bằng ánh nhìn đắm đuối.

       Mẹ! Một tiếng ngắn gọn, giản đơn nhưng hàm chứa bên trong biết bao tình yêu thương, ấm áp. Trên đời này không có món quà quý giá nào khác có thể thay thế tình mẹ dành cho con. Bởi vậy chỉ cần nghĩ đến mẹ là con đã thấy ấm áp và có niềm vui rồi. Tại sao vậy con cũng không biết nữa! Con chỉ biết tình thương của mẹ tựa như không khí để thở, như nước để uống, không thể nào thiếu được trong cuộc đời của con. Câu chuyện đang say thì một bạn sợ câu chuyện của mình chưa được kể, bạn nói xen vào: Mẹ là người thầy đầu tiên dạy con bập bẹ i a, dìu con từ bước đi chập chững, dạy con học ăn, học nói, học gói, học mởngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay vào lớp. Mẹ là thế đó, luôn hi sinh cho con và chấp nhận trăm phần vất vả. Thử hỏi làm sao ai không kính, không yêu mẹ. Thương yêu mẹ luôn là đạo lý, là nghĩa vụ của phận làm con, đồng thời là quyền lợi được hưởng thụ.

       Năm nay rằm tháng Bảy, ngày thường niên của lễ Xá tội vong nhân của người Việt, cả nước hứng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, cùng với Sài Gòn, Bình Dương, Long An - thành phố Đà Nẵng tạm thời khóa chặt. Tôi mãi nhớ những ngày tháng Bảy năm 1963, khi tôi mười tuổi, mẹ ốm nặng, mẹ nằm bẹp giường mấy ngày liền, các anh chị phải ra đồng chống hạn. Tôi ở nhà với mẹ. Theo lời dặn của anh Ba, tôi lẩn quẩn bên giường, canh chừng mẹ. Trời dần về chiều, ánh sáng trong nhà mờ dần, mẹ mệt mỏi nằm nghiêng đầu về phía tôi rồi cầm tay tôi, mẹ nói giọng yếu ớt: Mẹ mà chết thì ai nuôi con đây! Tôi nắm chặt tay mẹ, lặng nhìn, cắn chặt răng, không dám khóc. Mẹ nhắm mắt lại mà nước mắt mẹ cứ trào ra, chảy tràn trên má. Tôi đưa tay quệt nước mắt và nói: Mẹ ơi con sợ!

       Tối, các anh chị về mời thầy Xưng thăm bệnh. Thầy cắt thuốc và dặn chỉ được cho mẹ ăn cháo muối. Thầy nói mẹ bị thương hàn. Khi hết bệnh, mẹ lại quần quật ngày đêm, một nắng, hai sương, chống chọi cực khổ với nắng hạn khô khốc để cứu những đám lúa úa vàng vì thiếu nước. Đến mùa thu, tôi xin mẹ leo cây khế trước sân, hái trái bán để mua vở, mua mực cho năm học mới. Mẹ thấy trời sắp mưa liền bảo: Để mẹ hái cho, con xuống đi! Tôi vội vàng nên trượt ngã, gãy cổ tay phải. Mẹ bỏ lại công việc đưa tôi đi thầy Vàng, tận xã Bình Đào để chạy chữa. Tới nay đã gần 60 năm rồi mà dấu vết thương tích ấy vẫn còn. Cái đêm cuối cùng mẹ ra đi do viên đạn xuyên qua lồng ngực, khi tháo băng ca rô, máu chảy lai láng trên sàn nhà. Mẹ không kịp trăn trối điều gì rồi lịm dần để con côi cút, bơ vơ. Những ngày tháng trôi qua nhưng biết bao ký ức về mẹ mãi mãi không thể phai mờ. Mẹ mãi còn theo sát đời con như hình với bóng. Con cứ nằm mơ thấy mỗi ngày con vẫn quẩn quanh bên mẹ, gia đình sum vầy trong vườn mẹ. Hãy ca bài ca về mẹ, hãy tin mẹ đang ở bên ta, hãy nhớ, quanh năm, suốt tháng đừng bao giờ chỉ là một ngày trong dịp lễ Vu lan. Vẫn như mọi năm, tôi chọn bông hồng màu đỏ để cảm nhận mỗi ngày mẹ con vẫn quấn quýt bên nhau.

 

LỜI DẶN CỦA MẸ

Bình Dương quê tôi đất cấy lúa không nhiều, chỉ có cánh đồng ven sông Trường Giang và một ít đất trảng, bàu có thể cấy lúa. Phía bàu thổ, nằm giữa mênh mông cát thường chọn giống lúa Cà Đung hoặc lúa Trì để gieo cấy. Những ngày nắng gắt, khi cắm cây mạ xuống là quẩy đôi gàu trên vai tưới nước, giữ cho cây mạ bén rễ thành cây lúa mới dừng. Phía ruộng ven sông có nhiều loại giống lúa nước năng suất cao hơn, cấy hai mùa và được thu hoạch vào tháng 3 và tháng 8 hằng năm. Khi còn bé, tôi thường theo mẹ ra đồng, chứng kiến người dân Lạc Câu vất vả thế nào để có hạt lúa. Mùa nắng hạn, cánh đồng đất sét khô lại, nén chặt như đá phong hóa. Người nông dân dùng cuốc vố giơ cao hết cỡ, thóp cơ bụng, bổ mạnh vào đất, lật lên từng mảnh, phơi nắng mấy tuần cho đất thở rồi lấy nước ngâm cho nở đất, sau đó bừa sạ làm thành đất nhuyễn. Câu chuyện lấy nước, làm đất, cấy lúa, thường xuyên thăm đồng để cấp nước bổ sung khi nắng hạn cho tới lúc cây lúa làm đòng lại cần thêm nước cho lúa trổ bông là một quá trình gian nan, cực nhọc. Ở Lạc Câu chỉ có nước mưa và nước ngầm. Mùa nắng hạn, kênh Sa Mây từ chân nổng cấp nước cho cánh đồng xa; ao Chùa, ao Trại, đìa mội cấp nước cho cánh đồng gần. Để có hạt gạo  phải trải qua gian khó như lời thơ Trần Đăng Khoa: Hạt gạo làng ta. Có bão tháng bảy. Có mưa tháng ba. Giọt mồ hôi sa. Những trưa tháng sáu. Nước như ai nấu. Chết cả cá cờ. Cua ngoi lên bờ. Mẹ tôi xuống cấy (Hạt gạo làng ta). Bao công sức gian lao, vất vả, thấm đẫm mồ hôi của mẹ để làm ra hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm; hơn ai hết mẹ thấu lời dạy của ông cha, mẹ dặn dò các con hạt cơm là hạt ngọc của trời, cần phải gìn giữ cẩn trọng, không được để rơi vãi.

       Gia đình tôi cũng có một ít ruộng lúa nhưng thiếu lao động, những lao động chính như anh Hai, anh Ba, chị Năm đều đi tham gia kháng chiến. Ở nhà trăm công, nghìn việc, thân mẹ phải xẻ bảy, chia năm. Nhờ bà con cấy xong ruộng nhà thì mẹ gác tạm công việc, lo trả công xoay vần cho nhà bà con, láng giềng... Lương thực trong nhà không chờ tới ngày giáp hạt mà sau bữa cơm mừng lúa mới, phải trả nợ lúa vay, đóng góp đảm phụ để nuôi quân kháng chiến, giành một phần để đem ra chợ bán lấy tiền trang trải chi tiêu gia đình. Có thể nói trăm thứ chi tiêu cũng từ hạt lúa, củ khoai mà ra, mối tơ vò chất đầy lòng mẹ.

Mùa khô hạn cha lưng trần rám nắng

Mùa mưa dầm mẹ ướt lạnh vai gầy.

Chúng con lớn lên trên vùng đất ấy

Gắn bó với nghề đâu kể sớm trưa.

Bàn tay chai thêm một đời xoay xở

Vai u sần nặng gánh với thời gian.

Lặn lội ngược xuôi hai mùa mưa nắng

Dấu chân trần in cát bỏng quê hương.

       Tháng 10 năm 1968, máy bay trinh sát OV10 quần đảo nhiều lần như soi mói mọi hoạt động dọc theo dòng sông Trường Giang. Bằng trải nghiệm chiến tranh, người dân đang làm đồng cảm nhận sẽ có điều bất thường sắp xảy ra, mọi người ngừng việc và lánh vào làng. Không ngần ngại, chẳng sợ hiểm nguy, để làm gương khi thực hiện chủ trương của cấp ủy xã, giữ thế chủ động hợp pháp tổ chức sản xuất, mẹ tôi cùng chị Bốn Nhông trụ lại trên cánh đồng đang vào mùa cấy, mẹ nói với chị cấy cho ai cũng là sản xuất (Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong). Từ phía căn cứ Tuần Dưỡng một tốp máy bay HU1A bay dọc dòng sông theo chỉ điểm của máy bay OV10, rồi bất ngờ hạ độ cao, sà vào cánh đồng. Mẹ bình tĩnh rải gánh mạ xuống ruộng rồi trấn an chị dâu, hai mẹ con cùng cấy. Bất ngờ đại liên trên máy bay HU1A bắn như xả đạn, tiếng đạn nổ, xé toang bầu trời buổi chiều hoang vắng. Chúng sợ bỏ sót mục tiêu, quần qua đảo lại thêm mấy vòng rồi bay ra phía biển. Âm thanh gầm réo của máy bay xa dần thì tiếng kêu cứu của bà con vang lên thất thanh, thảm thiết. Anh Hai Thập réo gọi: Bớ bà con ơi, thím Bảng trúng đạn rồi! Nhạn ơi, bớ Nhạn... Được tin tôi hớt hải băng vườn chạy theo anh Hai ra ruộng Sát giữa, nhìn mẹ nằm gập chân trên mặt ruộng xấp nước, máu chảy loang ra quanh người, trên tay mẹ vẫn giữ chặt nắm mạ non như không thể nào buông bỏ… Tôi sà vào ôm mẹ, hai người kê võng cáng mẹ vào làng rồi chuyển mẹ xuống trạm phẫu thôn Ba. Tôi chạy liêu xiêu, ngả nghiêng theo sau như không còn hơi để thở, không còn tiếng để kêu la, trời đất quay cuồng…! Hình ảnh đau thương cột chặt vào phần đời tôi, người con còn sót lại trong gia đình.

       Mấy chục năm sau chiến tranh, làng Lạc Câu chuyển mình thay đổi. Giao thông phát triển, máy móc nông nghiệp hiện đại, lực lượng lao động được đào tạo, trình độ được nâng lên, lớp trẻ có cách làm nông nghiệp khác xa thời trước. Sự vất vả quanh năm để làm ra hạt lúa như thời cha ông nay chỉ còn trong câu chuyện cũ. Tôi vẫn thường xuyên đi về, mỗi khi nhìn cánh đồng Lạc Câu trải qua trăm mùa lúa mới nhưng hình ảnh người mẹ tần tảo, quanh năm sống trong nghèo khó một thời vẫn đằm sâu trong tâm trí tôi. Tôi bần thần nhìn di ảnh mẹ trên bàn thờ, đốt nén hương rồi bước ra sân nhìn về cánh đồng Sát giữa-nơi luôn có hình ảnh khi trúng đạn quân thù, mẹ tôi vẫn còn nắm chặt nắm mạ trong tay. Nhớ lời mẹ dặn hãy trân quý hạt ngọc của trời, mắt con nhòa đi. Con nhớ mẹ!

Mỗi lần về quê, tôi lội ra bãi biển, nhìn tàu cá về mang theo nhiều hải sản đủ loại. Rất nhanh, những con cua, cá, mực, tôm ngon nhất, to nhất được chọn lựa trước tiên dành bán cho người thu mua đưa về thành phố; kế đến những chiếc xe máy kê sát nong cá để chở đi các chợ; phần còn lại ít ỏi cho các gia đình ngư dân sau nhiều lớp chọn lựa, bán mua… Đúng thôi! Khách đầu ra của sản phẩm mới là thượng đế, mà thượng đế cũng phân loại rõ ràng, người làm ra sản phẩm thừa biết loại ngon, loại dở nhưng phải tính toán trong chi tiêu. Phần dành tái đầu tư xăng dầu, phương tiện cho chuyến ra khơi, đâu là áo, là quần, là sách vở cho con ăn học, phần nào cho hiếu hỉ thường xuyên nên bấm bụng để có nhiều tiền hơn còn trang trải. Vợ con và chính các ngư dân chỉ được nhìn phần hải sản ngon nhất được người ta mang đi. Những đặc sản ở quê hương được chọn để chuyển tới thành phố, câu chuyện hết trong nhà mới ra ngoài ngõ trong lĩnh vực thương trường không phải lúc nào cũng đúng! Mẹ giấu vào lòng bao gian nan vất vả, đắn đo lo trước, tính sau…

       Ngày xưa tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, chúng tôi thường đọc cho nhau nghe: Ngoài này chẳng thiếu thứ chi. Chỉ duy thiếu mẹ mỗi khi nhớ nhà. Ở trường Học sinh miền Nam, các thầy, cô, chú đều suy nghĩ và hành động Tất cả vì Học sinh miền Nam thân yêu nên chúng tôi được thầy, cô thay cha mẹ chăm chút từng ly, từng tí. Khi đã trưởng thành, nhân một chuyến đi công tác Hà Nội, tôi về Hải Phòng đón thầy Nguyễn Tiến Trịnh chủ nhiệm lớp 5B, 6B trường Học sinh miền Nam lên Hà Nội chơi mấy ngày, quần quanh phố xá Hà Nội, rồi tới chiều mỗi ngày vào những nhà hàng đặc sản. Tôi hỏi: Thầy ơi! Thầy ăn món gì? Ở thực đơn có thịt và cá biển... Thầy cười, rồi nói nhỏ: Nhạn chọn đi, thầy không quen món ăn nhà hàng, thầy chỉ ước thường xuyên được gặp các em để nhớ lại một thời các em yêu thầy cô như cha như mẹ, được ngồi với nhau vậy là quý lắm rồi. Bữa cơm nửa chừng thầy gác đũa rồi nói: Các con của thầy không thể hình dung được tình thầy trò chúng mình như những ngày ở trường học sinh miền Nam. Nó còn bảo con cũng đi học, con cũng có thầy cô nhưng câu chuyện bố kể về tình thầy trò cứ tưởng như những người thích đùa trong Azitnexin... Thầy trò lại cười, lại nâng ly chúc sức khỏe. Và sau đó nhiều lần chúng tôi đón các thầy cô vào Đà Nẵng, tổ chức để các thầy đi dọc miền Trung, vào tận Sài Gòn, đi tới tỉnh nào cũng được các bạn học đón tiếp chu đáo, đưa tiễn tận tình.

       Tháng bảy năm 2018, nhiều bạn bè, thầy cô không quản đường dài vào tận xã Bình Dương xa xôi để viếng hương nhân ngày mẹ tôi trăm tuổi. Thầy giáo Đinh Văn Thiện dạy văn, Phó Chủ nhiệm lớp 7C và Hiền Lương bạn học lớp 7E (1973) từ Hà Nội bay vào. Con đường loanh quanh nhiều ngã rẽ. Thầy trò phải dừng nhiều chỗ để hỏi đường. Nghe điện thoại, tôi chạy ra ngõ để đón thầy, đón bạn, mừng quá, tôi chạy tới ôm thầy, ôm bạn. Trán thầy lấm tấm mồ hôi, thầy cười May quá! Có mẹ dẫn đường để thầy tới kịp đốt hương viếng mẹ. Thầy trịnh trọng đặt lên bàn thờ tấm khánh mang dòng chữ Đức Trí Dũng Trường Huy. Thầy bảo Nhạn ơi! Dù thầy rất muốn tới thăm từng nhà, đốt hương từng người mẹ quá cố của học trò mình nhưng không thể. Hôm nay thầy đến đây cũng là nơi mang tính đại diện nhân kỷ niệm trăm năm tuổi mẹ, người mẹ của em, người mẹ của thầy - Mẹ Việt Nam anh hùng của đất nước đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thầy thắp nén hương, vái ba vái. Tôi, Hiền Lương và Kim Anh đứng hầu. Thầy nhìn dòng chữ bằng đồng trên tấm khánh sáng, ánh lên niềm tự hào hiếm có. Thầy giải thích cặn kẽ từng chữ, lời thầy như thấm vào ruột gan: Hãy nhìn về quá khứ để tiến tới tương lai, ứng x với lịch sử trên nền tảng văn hóa thì con cháu sẽ phát triển, hạnh phúc muôn đời.

          Nhớ lời mẹ để một đời phấn đấu, không lăn tăn những nghịch cảnh đời thường. Nghĩ lại quê nghèo thêm thấu hiểu lòng mẹ cha. Miếng cơm manh áo ở đời, đói no nghèo khổ rồi cũng qua, được như ngày hôm nay là nhờ cơm cha, áo mẹ, công thầy; biết cái giá để có thời bình hôm nay là tích góp công sức từ bao thế hệ. Mảnh đất Bình Dương đã thấm mồ hôi, nước mắt và máu xương. Nhớ lời mẹ dặn khi cúng mẹ chỉ cần thắp hương, gắng tiết kiệm để dành cho con cháu và luôn nghĩ tới người khác. Lời mẹ luôn chứa đầy không gian, thời gian, thấm sâu, con luôn ghi nhớ!

P.Đ.N