VƯỜN MẸ - MỘT CÔNG TRÌNH NHÂN VĂN - Nguyễn Đức Tuấn  

08.12.2021
Nguyễn Đức Tuấn  
“Xã Bình Dương có 1.347 liệt sỹ, 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Liệt sỹ được quy tập vào nghĩa trang, hàng ngày có người quản trang chăm sóc hương khói, còn mộ của các bà mẹ, người sinh ra liệt sỹ thì không ai chăm sóc, rất nhiều mộ bây giờ không còn tìm được, vì họ không còn con, cháu. Chính việc ấy, làm trái tim anh Phan Đức Nhạn luôn day dứt. Trong niềm liên tưởng đó, tôi nhận ra, phải chăng đây mới đích thực là công trình đền ơn đáp nghĩa, mang dấu ấn văn hoá, thấm đậm nhân văn, nghĩa tình và đạo lý”.

VƯỜN MẸ - MỘT CÔNG TRÌNH NHÂN VĂN - Nguyễn Đức Tuấn  

Căn cứ  lõm Bàu Bính (xã Bình Dương) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh  QUANG VIỆT

 Vườn Mẹ: Trang đời huyền thoại

Suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ nói chung và người Mẹ nói riêng đã để lại dấu ấn hết sức quan trọng trong sự nghiệp tồn tại và phát triển của đất nước. Từ Mẹ Âu Cơ cùng Lạc Long  Quân sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con, 50 con theo mẹ lên rừng, 50 con theo cha xuống biển, để phát triển cơ đồ, lập nên nhà nước Văn Lang, câu chuyện dẫu là truyền thuyết nhưng cũng khắc gốc, ghi tâm con Rồng cháu Tiên của người dân Việt.

Từ những năm 40 sau công nguyên, tại Mê Linh, Trưng Trắc, Trưng Nhị - những nữ tướng đầu tiên đã tập hợp lực lượng quần chúng khởi nghĩa chống quân nhà Hán xâm lược với lời thề: 

        Một xin rửa sạch nước thù 

        Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng 

        Ba kêu oan ức lòng chồng 

        Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh nầy 

Rồi bà Triệu (Triệu Thị Trinh) - một nữ tướng anh hùng nỗi dậy chống quân nhà Ngô với lời thề bất tử: Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người.

Phụ nữ Việt Nam là vậy, bao đời nay vẫn vậy, việc nhà việc nước trọn vẹn đôi đường giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Qua hai cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân và đế quốc, hình ảnh người phụ nữ, người Mẹ vẫn vững tay chèo vượt qua mưa bom, bão đạn đưa bộ đội qua sông (Mẹ Suốt), hay O du kích nhỏ dương cao súng. Đến đường Trường Sơn với dấu ấn Ngả ba Đồng Lộc, Truông Bồn, hang Tám Cô, hay như Mẹ Thứ người Mẹ duy nhất của Việt Nam (cũng có thể duy nhất thế giới) có chồng và 9 con hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê. Chín con ra đi không một đứa trở về. Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ. Nỗi đau chất chồng cao tự Trường Sơn

Với thiên chức là Người Mẹ, người vợ, phụ nữ luôn giữ vai trò quyết định trong việc duy trì nòi giống, giữ gìn và trao truyền các giá trị nhân văn, Macxim Gorky có lý khi viết: Trời không ánh nắng hoa nào nở. Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu. Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ. Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu? Trong thực tiễn, người phụ nữ nào cũng biết mang nặng đẻ đau, song tuyệt nhiên không người phụ nữ nào lại chối từ tình yêu và sinh đẻ, cái thiên chức người Mẹ, được làm Mẹ luôn đồng hành và khắc ghi trong tâm và trong tim của người phụ nữ, dẫu biết rằng bên ướt Mẹ nằm, bên ráo con lăn. Và cũng chính vì thế mà mà cả thế gian nầy khi ăn cả hàng trăm thứ ngon, vật lạ trên đời vẫn không quên ăn muối; thăm cả hàng ngàn danh thắng đẹp nhất trần gian nhưng không nơi đâu đẹp bằng lòng Mẹ… Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình.

 Vườn Mẹ: Công trình đền ơn đáp nghĩa, giá trị nhân văn

Giữa cái nắng gay gắt mùa hè, trên đồi ông Họp thôn 1, xã Bình Dương huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xã 3 lần Anh hùng (2 lần Anh hùng Lực lượng Vũ trang và 1 lần Anh hùng Lao động), tôi và anh Phan Thanh Châu - nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam nghe anh Phan Đức Nhạn - Đại biểu Quốc hội khoá XI, con Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trình bày say sưa về dự án “Vườn Mẹ”, một công trình mà bản thân anh ấp ủ, nung nấu từ sau ngày giải phóng năm1975, và hôm nay mới chính thức đề đạt nguyện vọng. Nhóm bạn trẻ 8X, 9X đi cùng vừa quay video, vừa ghi chép cẩn thận, nhằm bồ sung những hình ảnh, cập nhật tư liệu cho việc tư vấn  thiết kế công trình.

Theo lời anh Phan Đức Nhạn, toàn xã Bình Dương có 1.347 liệt sỹ, 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, mồ mả của liệt sỹ được quy tập vào nghĩa trang, hàng ngày có người quản trang chăm sóc hương khói, còn mộ của các bà mẹ, người sinh ra liệt sỹ thì không ai chăm sóc, rất nhiều mộ bây giờ không còn tìm được, vì họ không còn con, cháu. Chính việc ấy, làm trái tim anh luôn day dứt. Trong niềm liên tưởng đó, tôi nhận ra, phải chăng đây mới đích thực là công trình đền ơn đáp nghĩa, mang dấu ấn văn hoá, thấm đậm nhân văn, nghĩa tình và đạo lý.

Vườn Mẹ: Nơi giữ lửa cách mạng

Đây không chỉ là khu vườn đầy hoa thơm, trái ngọt, mà chứa đựng trong lòng nó những công trình sản phẩm, gắn liền với cuộc chiến tranh đầy cam go, ác liệt,và sự chịu đựng, hy sinh cống hiến cả máu xương của những anh hùng, liệt sỹ vì tương lai tươi sáng của dân tộc. Với ý chí quyết tâm một tấc không đi,một li không rời, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đào hầm,công sự, giao thông hào chiến đấu, các khu hầm chông, bãi chông, tuyến chông, trận địa mìn, để giữ vững trận địa, sẽ được phục dựng, nhằm phục vụ cho khách tham quan. Những làng nghề truyền thống, nông nghiệp, ngư nghiệp sẽ được đưa vào khai thác, các loại cây như dương liễu, tre xanh, xương rồng, cây lưỡi long, lông chông, cỏ cụm… sẽ được trồng và bảo vệ như lời nhắn nhủ với muôn đời sau biết được cái giá của độc lập tự do. Và cũng sẽ có cây đa, giếng nước, sân đình,… một không gian ấm áp tình quê, một không gian tĩnh lặng, yên bình, nhìn ngắm hoàng hôn và thả hồn về kí ức của ngày xưa...

Quá khứ vinh quang đang mở đường cho hiện tại và tương lai đang bắt nguồn từ cuộc sống của hôm qua và hôm nay, hãy tiếp lửa cho “Vườn Mẹ”, và trao truyền sứ mệnh lịch sử cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong hành trình khát vọng Việt Nam! ...

 

 Đà Nẵng, tháng 8.2021

Nguyễn Đức Tuấn  

(Nguyên Giám đốc Sở VHTT Quảng Nam, nguyên Giám đốc Sở VHTT

Đà Nẵng, Vụ trưởng đại điện Bộ VHTTDL tại miền Trung – Tây Nguyên)