TÌNH QUÂN DÂN SÂU NẶNG - Phan Thanh Châu

08.12.2021
Phan Thanh Châu
Cuộc trò chuyện giữa những người con đất Quảng thời chống Mỹ gồm Nguyễn Quốc Dũng nguyên Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 70, nhạc sỹ Nguyễn Minh Đức, nhà báo Lê Hoàng Linh.

TÌNH QUÂN DÂN SÂU NẶNG - Phan Thanh Châu

 

Nhân kỷ niệm 60 năm thời tham gia cách mạng, xin các anh nói đôi điều về hồi ức của mình. Anh Lê Hoàng Linh kể về câu chuyện ở tuổi 20, một thị uỷ viên trẻ măng hoạt động ở cánh Bắc Tam Kỳ, người cao to sung sức nhận trách nhiệm vào đô thị treo lá cờ Giải phóng lên cột cờ, bất ngờ quân địch phát hiện bắn anh bị thương rớt xuống đất, nhờ có đồng đội hỗ trợ anh thoát hiểm trở về vùng giải phóng.

Nhạc sỹ Minh Đức cầm đàn ghi-ta thử dây rồi cất lên tiếng hát với giai điệu quê hương ngọt ngào …hãy hát lên em, hát nữa đi em, em hát bài tình ca về đất Quảng quê ta… Nhân kỷ niệm lần thứ 50 căn cứ lõm Bàu Bính, anh Nguyễn Quốc Dũng suy nghĩ, rồi chậm rãi nói: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mình đã từng lăn lộn cùng nhân dân Bình Dương và vùng Đông, nơi ấy đã có nhiều kỷ niệm đẹp của một thời chiến đấu oanh liệt. Với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, ta đã thiết lập hệ thống căn cứ địa cách mạng trên cả vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, đánh thắng kẻ thù đông và mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Là Tiểu đoàn trưởng 70 của tỉnh chiến đấu khắp chiến trường Quảng Nam. Trong cao trào Đồng Khởi năm 1964 đến năm 1965 đơn vị chúng tôi đã tham gia giải phóng hầu hết nông thôn đồng bằng.

Chiều ngày 4 tháng 9 năm 1964, Tiểu đoàn 70 nhận được lệnh của Tỉnh đội Quảng Nam về giải phóng vùng Đông, đơn vị họp bàn phương án tác chiến, anh em trong đơn vị hồ hởi, phấn khởi, vì được trao nhiệm vụ vinh quang - giải phóng quê hương. Tối hôm đó chúng tôi hành quân vượt qua đường 1A về Bình Dương. Lúc này đã 10 giờ đêm cuộc họp tại Bầu Gộc do thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, thường vụ Huyện uỷ Thăng Bình tổ chức phát động vừa kết thúc, chúng tôi nhanh chóng trao đổi với các anh lãnh đạo để nắm thêm tình hình địch. Ở Hội đồng xã Bình Dương có một Trung đội nghĩa quân, còn ở ấp chiến lược Ba Gò (Thôn 3) có một Đại đội bảo an đóng ở đó. Giờ nổ súng khởi nghĩa được xác định, 12 giờ trưa ngày 5 tháng 9 năm 1964. Bộ đội ta đã ém quân trong nhà dân, đúng giờ G ta nổ súng tấn công bắt toàn bộ bọn Hội đồng xã. Trung đội nghĩa quân không chống cự, tự nạp súng đầu hàng, đại đội lính bảo an đóng ở ấp chiến lược Ba Gò nghe súng nổ ở cơ quan xã, bọn chúng hót hoảng bỏ chạy thục mạng về quận lỵ Thăng Bình. Cờ mặt trận giải phóng tung bay trước cơ quan hội đồng xã. Nhân dân kéo đến mừng vui quê hương được hoàn toàn giải phóng. Tối hôm đó, xã tổ chức mít tinh tại Trảng Mó, gần 5.000 người tham gia, người nào cũng phấn khởi, tay cầm cờ mặt trận giải phóng và hô vang các câu khẩu hiệu cách mạng. Nhân dân tay bắt, mặt mừng với từng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70 chúng tôi. Kết thúc cuộc mít tinh từng đoàn người tỏa về các thôn hô vang các câu khẩu hiệu, thực hiện đêm không ngủ, bộ đội kể chuyện chiến đấu, văn nghệ tạo nên không khí rộn ràng tạo niềm vui lan toả đến từng xóm làng, tình quân dân thấm đượm.

Những năm sau đó, cứ mỗi lần đơn vị về Bình Dương là như được về nhà mình. Các mẹ, các chị lo cho từng bửa ăn, cả làng làm mỳ quảng chiêu đãi bộ đội, khi bộ đội hành quân, không ai bảo ai nhà nào cũng hối hả chuẩn bị lương khô, xay lúa giã gạo nấu xôi, gói bánh để bộ đội mang đi, có đồng chí nói vui về Bình Dương như được đi an dưỡng.

Sau Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, bọn địch thực hiện bình định cấp tốc, xua quân đi càn quét, đánh phá vùng giải phóng của ta, trong đó xã Bình Dương là nơi chịu nhiều ác liệt nhất. Tôi nhớ trận càn quét lớn tháng 7 năm 1970, chúng đổ xuống Bình Dương 9.000 quân lính Mỹ - ngụy và Nam Hàn với trên 100 xe tăng và xe ủi đất nhằm đánh phá ác liệt, dùng trực thăng xúc dân đi nơi khác, để tạo ra vùng trắng, nhưng nhân dân Bình Dương vẫn kiên trì bám trụ, tổ chức đấu tranh trực diện với địch không cho bọn chúng cày ủi xóm làng, bọn địch thất bại, đành phải tổ chức các khu dồn tại xã. Để chống lại việc bị đưa vào các khu dồn, hơn 300 hộ dân chuyển ra làng Bàu Bính sống cùng với du kích để tổ chức chiến đấu với quân giặc. Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 72 và Tiểu đoàn 74 về căn cứ lõm Bàu Bính để phối hợp chiến đấu, đánh địch bảo vệ thành quả cách mạng. Bàu Bính là căn cứ của lòng dân, quân với dân một ý chí. Dù căn cứ lõm tồn tại 2 năm, nhưng đã có nhiều chiến công làm cho quân thù khiếp vía. Đến ngày 26 tháng 3 năm 1975, Tiểu đoàn 70 lại về cùng với nhân dân giải phóng quê hương Bình Dương.

Có thể nói rằng, đồng bào và lực lượng vũ trang Bình Dương trong những năm tháng chống giặc, cứu nước đã chiến đấu với khí phách anh hùng hiếm có, với ý chí kiên cường, bền bỉ và lòng dũng cảm vô song để bảo vệ quyền lợi sống còn, bức thiết của mình là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Căn cứ địa lòng dân của Bình Dương đã thật sự là một trường thành vững như núi, không kẻ thù nào phá vỡ được. Chúng ta đã thắng vì chúng ta luôn biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, xây dựng được thế trận lòng dân. Chính vì vậy, dù kẻ thù dùng trăm ngàn mưu mô, xảo quyệt với những thủ đoạn hết sức dã man, tàn bạo, bằng cả bom đạn hủy diệt, nhà tù và trại tập trung  man rợ vẫn không khuất phục và lung lay được ý chí, tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Dương. Nhân dân vẫn một lòng tin tưởng Đảng, bảo vệ Đảng, đi theo Đảng quyết tâm tiến hành chiến tranh cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhạc sỹ Minh Đức kể câu chuyện mới tham gia viết bài cho “Vườn Mẹ” do kỹ sư Phan Đức Nhạn đề xuất với ý tưởng không gian “Vườn mẹ” nhằm quy tập các phần mộ của các Mẹ Việt Nam Anh hùng vào một nơi tôn kính để tưởng niệm và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi thấy chúng ta thuộc lớp người nhân chứng lịch sử nên có ý kiến gì về đề xuất này?

Anh Nguyễn Quốc Dũng chậm rãi nói, tôi cho rằng đề xuất xây dựng không gian “Vườn mẹ” ở Bình Dương là một ý tưởng hay, hợp lý, hợp tình, đó là điều đáng làm, tôi rất ủng hộ, vì Bình Dương là một xã 3 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương anh hùng, một xã chịu quá nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, chỉ hơn 7.000 dân, có 4.700 người đã ngã xuống, trong đó có 1.347 liệt sỹ, 120 thương binh, có 350 Bà Mẹ được tuyên dương Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tôi thiết nghĩ các cơ quan chức năng của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và Quân khu V cần ủng hộ dự án được đầu tư xây dựng đúng tầm để không gian “Vườn mẹ” sớm được ra đời, thỏa lòng mong ước của quân và dân Bình Dương nói riêng, của tỉnh Quảng Nam và cả nước nói chung. Nhà báo Lê Hoàng Linh tỏ rõ quan điểm đồng tình ủng hộ và hăng hái, chúng ta sẽ giành thời gian trở về Bình Dương, vùng đất linh thiêng không thể nào quên. Một không khí gặp mặt lại sôi nổi đầm ấm, nhạc sỹ Minh Đức lại cất lên tiếng ca một sáng tác mới của anh - Ngày tôi về …em đưa anh về Bình Dương, một lần thôi âm vọng tiến sông dài…Bình Dương ơi nỗi nhớ chẳng nào quên!

Ngày 02.11.2021

Thực hiện Phan Thanh Châu