Nghĩ về một vùng đất anh hùng

18.03.2023
Lê Doãn Hợp

Nghĩ về một vùng đất anh hùng

Trước biển quê nhà, tranh Tôn Đức Lượng

 Là một người lính có mặt trong đội hình Sư đoàn 5, quân Giải phóng Miền Đông Nam Bộ từ năm 1968 đến năm 1976, tôi được đọc, được xem, được nghe và được chứng kiến nhiều trận đánh vô cùng ác liệt của quân và dân ta trên các mặt trận chống Mỹ cứu nước mà tiêu biểu nhất là: Cố đô Huế, sân bay Biên Hòa (1968), Quảng Trị, Lộc Ninh, An Lộc, Long Khốt (1972). Nhưng có lẽ không nơi nào khốc liệt hơn đất Bình Dương thuộc vùng Đông huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Đây là chiến trường ba nhất: Chiến đấu gian khổ, ác liệt và hi sinh nhiều nhất. Thế trận sinh tử giằng co dài ngày nhất. Chiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng tiêu biểu nhất. Nơi đây đã thành chiến trận mà bom đạn kẻ thù chống chất lên nhau liên tục hàng ngàn ngày không ngớt. Bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn, chà đi xát lại, chia đều hàng trăm lần cho từng tấc đất, bụi cây, ngọn cỏ, con người. Đọc tư liệu mà bom đạn của đế quốc Mỹ đã đổ xuống đất Bình Dương, không ai nghĩ vùng đất này vẫn còn sự sống. Thế mà quân và dân Bình Dương vẫn đánh trả quân thù ở mọi hướng để giành đất, giữ dân không một phút xa rời quê hương thân yêu của mình. Sắt thép, máy bay, xe tăng của kẻ thù đã không đè bẹp được ý chí quyết chiến, quyết thắng của mọi con người nơi đây, kể cả đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ. Trong xã Bình Dương những năm 1971 - 1972 nổi lên một địa danh anh hùng Bàu Bính mà các tác giả viết nhiều trong tập sách “Bình Dương vùng đất anh hùng”.

 

Tranh màu nước "Sẵn sàng khi địch đến" của Phạm Quyết Chiến

 Chiến tranh là mạnh được yếu thua, không hề có chuyện may rủi. Đế quốc Mỹ mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần về tiền của, bom đạn, hải lục không quân kể cả các vũ khí giết người hàng loạt như B52, chất độc hóa học... Nhưng chúng ta hơn hẳn đế quốc Mỹ nhiều thứ mà họ không có. Đó là sức mạnh chính nghĩa, là lòng yêu nước thương dân, là truyền thống bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng để sống và chiến đấu cho chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Với niềm tin mãnh liệt đã đi vào lòng người và văn thơ, để lại cho muôn thế hệ mai sau: “Cả tiểu đội cười lên ha hả/ Bỏ lại sau mình nước Mỹ bốn ngàn năm. Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”. “Một khẩu súng trên vai, một trái tim nồng cháy, một tình yêu quê hương đi giết giặc trả thù”. “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình. Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”. “Ai lên đỉnh Trường Sơn mới biết mình cao thấp/ Ai ngâm bùn Đồng Tháp mới biết nước nông sâu/ Ai vào tận rừng sâu mới mong về thành phố/ Ai vào nơi bom nổ mới thấm đậm tình người...”. Chỉ mấy câu chữ ngắn ngủi cũng đủ để cắt nghĩa tại sao nhân dân xã Bình Dương đã thắng, tại sao nhân dân Việt Nam đã toàn thắng trong tất cả các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, chống các đế quốc hùng mạnh của thế giới kể cả gần và xa trong đó có đế quốc Mỹ. Chúng ta đã buộc Tổng thống Johnson dù ngạo mạn đến đâu cũng tự mình thốt lên rằng: “Cuộc chiến tranh mà người Mỹ tiến hành ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh không sản sinh ra những anh hùng dân tộc; không sản sinh ra những bài ca rung động lòng người, mà chỉ làm tăng thêm tất cả những mối bất hòa vốn có trong lòng nước Mỹ. Nếu vì danh dự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chúng ta không nói chúng ta đã thua ở Việt Nam, thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Chúng ta đã không thắng ở Việt Nam”.

Căn cứ lõm Bàu Bính ở xã Bình Dương anh hùng đã chứng minh cho câu nói đó.

                                                                                                             L.D.H