“VƯỜN MẸ” – MỘT GIÁ TRỊ VĂN HÓA VĨNH HẰNG - PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn
Cây dương thần Bình Dương
Mẹ - một chữ thôi nhưng hàng ngàn năm nay không biết bao giấy mực luận bàn vẫn chưa đủ đầy, trọn vẹn. Mẹ là phạm trù rộng lớn mà từ đứa trẻ sinh thành đến những bậc quân vương từ đời này sang đời khác vẫn thầm gọi yêu thương và mãi tri ân trong mỗi trái tim. Mẹ là Tổ quốc, là đất nước, quê hương, là ngọn nguồn của thơ ca nhạc họa, là bậc sinh thành của giống nòi, là người thầy đầu tiên cho của hàng trăm thế hệ, hàng triệu triệu con người bởi: Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ. Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu? (Macxim Gorki). Đất quê ta mênh mông. Lòng mẹ rộng vô cùng (Dương Hương Ly). Đúng vậy lòng mẹ rộng hơn không gian và dài hơn thời gian!
Ở Việt Nam ta, có mẹ Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, có hàng triệu bà mẹ tần tảo nuôi con, dầm mưa dãi nắng, lao động sáng tạo, hy sinh cho chồng, cho con, cho sự sống muôn đời. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, có hàng trăm ngàn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, có hàng vạn người mẹ cầm súng với lời nói chất phác, hiên ngang còn cái lại quần cũng đánh, có hàng triệu mẹ Anh hùng, bất khuất đi đầu trong đấu tranh chính trị, binh địch vận và đào hầm dưới tầm đại bác, có hàng chục triệu người mẹ cần cù lao động sáng tạo, lo toan gánh vác trung hậu đảm đang. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất quan tâm đến người mẹ, người chị, người vợ, bà, phụ nữ (có 2.111 lần Người viết trong tác phẩm của mình) và đánh giá rất cao với sự cảm nhận một cách sâu sắc: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp rực rỡ. Nhân dân ta anh hùng là nhờ có bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ý tưởng về không gian “Vườn Mẹ” của anh Phan Đức Nhạn - người con của xứ Thăng Hoa ngày xưa để tri ân cho hàng chục ngàn người mẹ đã ngã xuống trong đó có 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên một mảnh đất nhỏ Bình Dương thần thánh, ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng cao quý là một ý tưởng đẹp, một hành vi cao thượng đáng trân trọng.
“Vườn Mẹ” theo dự án, đã chọn làng Lạc Câu để hiện thực hóa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của xã Bình Dương, hình ảnh thu nhỏ của mảnh đất Quảng Nam Trung dũng Kiên cường Đi đầu diệt Mỹ. Ngoài đài tưởng niệm và khuôn viên để an vị mồ mả cho 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, bia tri ân 1.347 liệt sỹ, còn mô phỏng hóa lại Căn cứ lõm Bàu Bính, an toàn khu vùng Đông của Quảng Nam, là bàn đạp tấn công của lực lượng vũ trang; nơi tụ nghĩa của những người dám sông và dám chết khi Tổ quốc cần; nơi thành lập Đảng ủy vùng Đông Thăng Bình và nơi diễn ra trận đánh vang dội giữa quân giải phóng và du kích với 2 lữ đoàn Mỹ, 2 tiểu doàn Nam Triều Tiên, 2 liên đội cộng hòa cùng 130 xe tăng, bọc thép năm 1970; tái hiện lại những trận đánh xuất quỷ nhập thần của quân du kích, đội công tác, những cuộc đấu tranh chính trị, binh vận lẫy lừng; tạo dựng hóa những căn hầm bí mật, địa đạo, giao thông hào, hầm tránh đạn, trạm phẫu thuật, ngôi nhà mẹ Phạm Thị Cảnh (Mẹ Việt Nam Anh hùng) nơi Ban Chỉ huy Tiền phương tổ chức chỉ huy tổng công kích, tổng khới nghĩa giành chính quyền tại Hội An vào Tết Mậu Thân năm 1968; ngôi nhà của chị Trần Thị Thảo, anh Nguyễn Thế chở che, nuôi nấng hơn một trăm cán bộ, chiến sĩ; khắc họa lại vụ thảm sát bi ai ở Trảng Trầm giết hại 73 người dân, vụ thảm sát man rợ của kẻ thù cướp đi sinh mạng của hơn trăm người dân vô tội ở thôn 6 Bình Dương Mặt biển, mặt trận (Chu Cẩm Phong)
“Vườn Mẹ” còn là không gian sinh tồn có nhà văn hóa, có các lớp học dưới hầm với những trang sách cách mạng bừng sáng tuổi hoa niên, có làng nghề nước mắm truyền thống mặn mà tình nghĩa quân dân; có bờ thổ, bờ kênh; có bến nước, đường làng; bàu sen; có hoa lá cỏ cây đặc trưng của một vùng cát nghèo, đau thương và anh dũng: cỏ lông chông, dương liễu, xương rồng - loài cây giúp người giữ làng, giữ đất, nuôi người khi đói kém, ngụy trang cho những căn hầm bí mật. Nhất là cặp đôi hoàn hảo là cây Dương Ông và cây Dương Bà đứng thẳng tưng trên đồi cát trắng. Vùng biển ở đâu cũng có hàng triệu cây dương nhưng cây Dương Ông ở Bình Dương trở thành huyền thoại và nhân dân gọi là cây Dương thần. Cây Dương thần tồn tại trên trăm năm được xem như ngọn đèn đứng gác, trạm quân bưu trong mưa bom, bão đạn, nơi gởi gắm niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Bình Dương. Cây Dương thần rất lạ lùng, mặc cho bão táp, mưa sa, mặc cho đạn cày bom xới, mặc cho xe tăng cày ủi, song nó vẫn ngang nhiên, sừng sững hiên ngang cứng như sắt, vững như đồng. Trong chiến tranh, trên thân mình đầy vết thương của đạn bom, nhưng nó giống như anh cựu chiến binh già kiên cường gan góc, nó vẫn nảy mầm, vẫn xanh cùng màu xanh đất nước giống như bản chất, đặc trưng của xứ sở anh hùng. Chính vì lẽ đó, mà nhân dân Bình Dương đã huyền thoại hóa thành cây Dương thần và ngay trong chiến tranh một lời nói như dao bằm xuống đất: Còn cây Dương thần là còn Bình Dương, mất cây Dương thần là mất Bình Dương. Cây Dương thần cao vút, sần sùi nhưng trên ngọn luôn luôn có đôi chim sáo làm tổ sinh sôi. Cũng không biết có tự bao giờ, qua bao thế hệ, mà nó vẫn hot cũng giống như cặp đôi cây Dương Ông, Dương Bà và trong cõi tâm linh, họ còn bảo nhau rằng: Có cây Dương Ông thần thánh vì có cây Dương Bà son sắc thủy chung
Khắc họa lại những ký ức của một thời chống Mỹ, tái hiện những bàn chân xưa bỏng rát, những bàn tay chai sạn hiền lành, những bài ca, câu thơ ấm nặng nghĩa tình không thể nào quên này là góp phần để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, xây lại niềm tin và lòng kiêu hãnh của nhân dân Bình Dương nói riêng và nói chung trên mảnh đất Quảng Nam - Đất thép, Trời văn, Nhân kiệt đã làm đậm nét bản chất của văn hóa, bởi văn hóa là cái còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học và đã viết tất cả. Vì thế, ý tưởng “Vườn Mẹ” với sự tái hiện lại không gian lịch sử anh hùng của một địa phương huyền thoại trên hiện thực được xem như một giá trị văn hóa vĩnh hằng, là một công trình văn hóa thắm đượm tính nhân văn...
Đà Nẵng, tháng 8.2021
PGS Nguyễn Hồng Sơn
(Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Khu Vực III)