“VƯỜN MẸ” VÀ CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI ÔNG TRẦN ANH VŨ - Trần Trung Sáng
Nhà Văn Trần Trung Sáng: Kính thưa ông Trần Anh Vũ, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện Thăng Bình (1976-1984), tác giả Phan Đức Nhạn đã gặp để trình bày với ông về đề án ý tưởng không gian “Vườn Mẹ”. Ông là người lãnh đạo từng trải, xông pha trên chiến trường Quảng Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Xin được ông chia sẻ cảm xúc của mình và góp ý kiến cho đề án không gian “Vườn Mẹ”.
Ông Trần Anh Vũ: Trước hết tôi cảm ơn ban biên soạn đã quan tâm tới cuộc sống và chiến đấu của nhân dân vùng Đông anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Bản thân tôi có thời gian dài gắn bó cùng nhân dân trong cuộc kháng chiến và kiến quốc ở Quảng Nam, từng chứng kiến những hy sinh to lớn để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Khi nghe cháu Phan Đức Nhạn trình bày ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” tôi rất xúc động, bởi vì lớp con cháu không những có tinh thần với lịch sử quê hương mà còn biết tranh thủ lắng nghe ý kiến của lớp người đi trước - những người có thực tiễn gắn bó ở quê hương Quảng Nam. Hồ sơ dự án mới ở giai đoạn ý tưởng nhưng cũng đã nêu được nội dung phong phú, vị trí cụ thể, phương án thực hiện khả thi, làm sáng tỏ mục đích của dự án là phục vụ nhân dân. Đây là một dự án có chủ đề nhằm lưu giữ những di tích cách mạng, những trang sử thiêng liêng hào hùng, với ý chí chiến đấu quật cường của nhân dân. Tác giả đã nêu lên được khát vọng chung của nhiều người, đặc biệt là lớp nhân chứng ở Bình Dương trong giai đoạn lịch sử này. Ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” mang đậm tính nhân văn, cần được khuyến khích và ủng hộ. Tôi mong muốn các cấp lãnh đạo cùng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, nhân dân đồng lòng, những người đồng hành cùng chung tay góp sức để “Vườn Mẹ” sớm được hình thành.
Nhà Văn Trần Trung Sáng: Được biết năm 1964 ông là một trong những người thực hiện lệnh phát động và trực tiếp lãnh đạo nhân dân vùng Đông Thăng Bình khởi nghĩa giành chính quyền,vậy điều gì làm ông nhớ nhất về vùng đất này?
Ông Trần Anh Vũ: Năm 1964 tôi là Ủy viên Thường vụ - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình trực tiếp làm Chính trị viên Huyện đội. Thực hiện chủ trương của cấp trên, tôi nhận nhiệm vụ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh phát động và trực tiếp lãnh đạo nhân dân vùng Đông đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, mở rộng vùng giải phóng về phía Đông. Khi cùng nhân dân sống và chiến đấu ở vùng Đông tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nhân dân và đồng đội. Đặc biệt ở những vùng bị địch chiếm đóng, nhân dân đã cưu mang, nuôi dưỡng, che dấu, bảo vệ lực lượng cách mạng, có những gia đình, những mẹ, những chị đã hy sinh mạng sống để cứu mạng sống cho tôi và nhiều cán bộ cách mạng. Đó là những ký ức tôi nhớ mãi.
Nhà Văn Trần Trung Sáng: Bình Dương là một xã được nhà nước vinh danh 3 lần anh hùng, là người lãnh đạo có thời gian dài gắn bó với nhân dân Thăng Bình từ thời chiến tranh đến khi xây dựng trong hoà bình, với cương vị Bí thư Huyện ủy Thăng Bình xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa của sự kiện này?
Ông Trần Anh Vũ: Tháng 6 năm 1975, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị Khu ủy Năm chuyển tôi -Tỉnh ủy viên phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội về làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, tới năm 1984 thì tôi nghỉ hưu. Sau chiến tranh là một thời kỳ xây dựng, cực kỳ khó khăn, do hậu quả tàn phá của chiến tranh để lại. Với nhân dân xã Bình Dương, tôi biết rõ tinh thần cách mạng của bà con. Thời chiến tranh, nhân dân xã Bình Dương đã đứng vững trên đầu sóng ngọn gió. Sau ngày hoà bình, Bình Dương có nhiều phong trào mạnh và cao nhất trong huyện. Có thể nói, một số xã huyện bạn cũng khó theo kịp. Việc nhà nước phong tặng hai lần anh hùng trong chiến tranh và một lần anh hùng trong 10 năm phục hồi và xây dựng, theo tôi quá xứng đáng!
Hiện nay tôi đã gần 90 tuổi, sức khỏe và trí nhớ giảm sút, tai nghe không rõ, mắt mờ nhìn chữ rất khó, tay cứng dần nên nét chữ viết không rõ nhưng với tinh thần trách nhiệm của lớp người đi trước, tôi ủng hộ, khuyến khích và mong mỏi dự án không gian “Vườn Mẹ” sớm được triển khai hoàn thiện để phục vụ nhân dân.
Ngày 20.8.2021
Thực hiện Trần Trung Sáng