VỀ NGOẠI - Tô Hồng Điệp
Từ ngày Sài Gòn có thêm anh Sáu Nhạn, chúng tôi có thêm sự kết nối đông bạn lắm bè ấm cúng hơn! Trước hết, phải kể những bậc cha chú như: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Vũ Hạnh, Thiếu tướng Hoàng Song Kim, bác Tăng Hồng… đến thế hệ chuyển tiếp như: Phạm Ngọc Hữu, Nguyễn Hoài Chương, Lê Văn Khoa, Lê Văn Lưu, Lê Hoài Quốc, Nguyễn Công Khế, Lê Hùng Mạnh … Những cán bộ trẻ trung: Hà Phước Thắng, Võ Ngọc Quốc Thuận, Hoàng Song Hà, Phạm Quốc Huy… Lớp doanh nhân: Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Cao Trí, Nguyễn Văn Thành, Trương Hùng Linh, Tăng Thượng Lâm, Nguyễn Văn Tuý… Độ tuổi đôi mươi xốc nổi như: Mai Thanh Nga, Nguyễn Hồng Nguyên, Tô Hồng Điệp …
Còn nhớ, lần gặp nhau ở vườn nhà anh Khế rất đông vui! Anh Khế nói: Mình vào đây mấy chục năm rồi, cũng đi khắp Đông Tây Nam Bắc, cũng biết nhiều người và nhiều người biết, nhưng chưa thể tập họp xứ Quảng đa dạng như sáu Nhạn. Tôi thầm nghĩ, anh Sáu có chất Quảng trong người, giọng nói ấm áp dễ nhận ra, chỉ dấu ấy đã là sự giới thiệu với mọi người tôi người xứ Quảng. Chúng tôi biết anh rời Quảng Nam khi 15 tuổi (1969), môi trường sống Bắc-Trung - Nam, đi đâu cũng chất giọng ấy, văn phong ấy, thằng thừng, khí khái, mạch lạc trong biểu kiến, chịu khó lắng nghe, hoà đồng, không trách cứ…và thêm tâm hồn trong trẻo, nhiệt huyết có thừa! Hơn mười năm rồi, chúng tôi chơi với nhau trong cộng đồng quê hương. Đã nhiều lần về Bình Dương, biết được những đắng cay từng trải mà người dân Bình Dương đã đứng mũi chịu sào. Tôi đã từng xếp hàng dài ở ga tàu hỏa, sân bay trong dịp lễ tết, nhưng thật sự khủng khiếp khi 4.700 người dân Bình Dương bị địch giết hại trong 10 năm chiến tranh, nếu xếp hàng các quan tài lại có lẽ nó sẽ dài chừng 20 cây số, bao quanh chu vi của mảnh đất 2.000 ha này! Một vùng đất như nhà văn Nguyên Ngọc nhận diện, là vùng Cát cháy, cháy hay bỏng rát cũng đã đẫm máu nhân dân. Chúng tôi về thăm vùng cát vào những ngày hè nắng nóng tháng 7, nhìn thấy xương rồng, dương liễu, lông chông, cỏ cụm, sơn de sống trên vùng cát mới thật sự ấn tượng. Nhìn thổ nhưỡng, địa chất, thủy văn sẽ dễ thấy nhất nước nhì phân 2 yếu tố thiết yếu ấy cho sự sống của cây xanh ở đây không cần bàn cãi. Thế mà cây vẫn sống, lá vẫn xanh, hoa vẫn tươi màu. Đúng là sức sống đã vượt qua thách thức như người dân Bình Dương vẫn sống và sống ngang ngạnh gai góc một tấc không đi, một ly không rời như thiên định, chỉ có một con đường dân Bình Dương không biết làm gì, chỉ biết làm cách mạng.
Vợ chồng tôi dạo một vòng quanh xóm, gặp ai cũng niềm nở, họ coi chúng tôi như những đứa con đi xa trở về. Vào mọi nhà đều thấy bằng Tổ quốc ghi công. Gia đình chú Phan Ca ở sườn nổng cát khô khốc, chị con gái út dẫn chúng tôi đi tắt qua mấy khu vườn để ra thăm chứng tích thảm sát trảng Trầm. Trước tấm bia ghi danh 73 người dân bị lính Nam Triều Tiên hạ sát, mọi người đứng tần ngần trước cảnh quan vắng lặng, cảm giác rần rần từ khu mộ trước mặt lan tới làm tôi ớn lạnh bồn chồn chừng muốn khuỵu chân xuống. Cô Út đứng như trời trồng, lim dim đôi mắt, đọc một mạch bài thơ của cha cô viết vội khi lo xong hậu sự cho 73 người dân vừa bị tàn sát ngày 3 tháng 10 năm 1969:
Giặc kia nổ súng giết dân
Máu tuôn đóng ván cát vàng thâm nâu
Trời ơi trăm thảm nghìn sầu
Biết ai nhắn gửi đôi câu phân trần
Trời chiều lạc nhịp bước chân
Mênh mông bãi cát tần ngần cỏ cây…
Út vẫn lim dim đôi mắt, thả lỏng đôi tay, lời thô mộc buông ra theo cảm xúc như để truyền tới những nấm mồ oan uất của bà con cô bác đang nằm lặng im. Tôi mím miệng, bấm sâu ngón tay cái vào ngón trỏ để vượt qua cảm giác rùng mình ghê sợ. Từ vị trí này nhìn về phía Tây, anh Sáu phân giải thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một báu vật quí như vàng, quí hơn vàng! Nhờ có nổng, trảng mà nhân dân vùng này có chỗ nương tựa vượt qua đỉnh lụt lịch sử năm Thìn (1964). Nhờ có nó tạo thành chướng ngại để cản sức gió của nhiều cơn bảo dữ dội từ phía biển quạt vào nơi cứ trú của dân làng này. Nhờ có dãy nổng cao mà quân dân ta sử dụng phép lợi thế để xây dựng tuyến phòng thủ chống ngoại xâm. Nhờ có nổng, trảng mà bao nhiêu hầm hào công sự, trạm phẫu ẩn trong lớp cát để mà tồn tại để mà chiến đấu mà chiến thắng. Nhìn Út chăm chú lắng nghe tôi hỏi:
Nếu có điều kiện chuyển đến nơi ở mới đỡ khô khốc nắng hạn hơn, em có muốn không? Cô Út không ngần ngại: Chị ơi, ở đây quen rồi, mảnh đất nuôi em từ nhỏ, cho mình đủ thứ, sống gần gũi, có cực nhọc nhưng gắn với thiên nhiên mà bao đời nay các thế hệ cha ông đã sống gần gũi tình làng, nghĩa xóm, đặc biệt mình ở vùng đất này có cảm giác ấm áp như được mẹ ôm ấp yêu thương. Năm vừa rồi có nhà đầu tư nói sẽ lấy hết đất vùng này để trồng loại cây gì đó. Tôi hỏi trồng Dương liễu hay cây điều vậy Út ơi. Tôi bất ngờ với câu trả lời của Út: Câu hỏi đó chỉ cán bộ mới biết chị ơi, mà biết theo họ trình bày thôi chứ thực tế còn cách xa lắm, chắc gì họ không vòng vo chuyển nhượng cho người khác để thu về lợi ích từ mảnh đất thấm máu này! Dân vùng này có cách nói bộc trực như hạt lúa củ khoai vậy đó! Lại nhắc tới chuyện em bé mới 5 ngày tuổi trong tay mẹ đang bú, quân khát máu bấm cò súng giết một lúc 73 người dân vô tội, cái chết của mẹ đã che thân em bé, mẹ ngã xuống em bé vẫn còn ngậm vú mẹ, giọt sữa nóng ấm cuối cùng làm dịu cơn khát cơn đói của em. Ước gì mình gặp lại được em bé đã thất lạc? Không biết em bé giờ ra sao? Tôi cũng là đứa cháu ngoại của vùng đất Bình Dương, lúc nhỏ cũng hay ngồi vọc cát trắng, hái đào, lượm hạt dương khô chơi nên nghe chị nói, tôi cảm thấy như mình có sứ mệnh kết nối, lan toả những yêu thương, mộc mạc, chân thành ấy. Anh Nhạn lại kể phía nổng cao có lần chị du kích Phan Thị Đở, tuổi đôi mươi, chưa biết tình yêu đôi lứa, nhưng nhiều mưu lược đánh giặc rất tài. Có lần chị đặt mìn chống tăng, giặc tràn tới, không kịp vào công sự, chị quay ra hợp pháp, giặc bắt chị, chị xung phong nhảy lên xe tăng để dẫn đi chỉ hầm, chị dẫn xe tăng chạy qua bãi mìn. Mìn nổ hất tung mấy tên lính và chị ngồi trên xe. Chị mất đi một con mắt, mấy tên lính bị thương, xe tăng đứt xích …
Khi về ăn trưa tại nhà chị ba Cúc, theo đề nghị của anh Hưng, anh Sáu kể tiếp: Trung tướng Nguyễn Trung Thu đã viết trong Dấu chân trên cát bỏng câu chuyện chị Trần Thị Ba - một phụ nữ tuổi đôi mươi đã dũng cảm nhào ra dang 2 tay chặn xe tăng, miệng la làng: Bớ bà con ơi! xe tăng chạy băng nát hết vườn cây nhà tôi, Bớ làng bớ xóm ơi… Quân địch sửng sốt, xe tăng dừng lại, nhưng bà con thì biết rõ nếu để xe tăng chúng chạy qua sẽ gây tổn thất cho bao điều bí mật đang ẩn trong vườn nhà chị. Câu chuyện cản đường chặn xe tăng địch ở Bình Dương thì nhiều lắm, nhiều đến nỗi đã đi vào thơ ca: Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi. Nắng long lanh trong mắt người bám biển. Giặc mới lui càn khi em vừa đến. Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng (Dương Hương Ly). Những mẹ, những chị và những em gái ở Bình Dương có ngần ngại chi xe tăng, thiết giáp, súng to, súng nhỏ…
Những câu chuyện ở Bình Dương làm tôi càng cảm nhận sâu hơn, vì sao anh Sáu Nhạn luôn ấp ủ, mong muốn xây dựng “Vườn Mẹ” để tỏ lòng biết ơn đến những người mẹ đã không đắn đo khi đối diện với gian nan, ác liệt, xung phong đóng góp kể cả xương máu của những đứa con để có cuộc sống an bình như ngày hôm nay. Chiến tranh đã để lại bao đau thương tàn khốc nhưng tất cả cũng đi qua, chỉ có tình yêu của mẹ vẫn còn mãi mãi. Chúng ta biết ơn tình yêu bao la của những người mẹ, người con đất Quảng và luôn ghi nhớ, gìn giữ như báu vật cuộc đời truyền lại cho mai sau.
Kết thúc chuyến đi, về tới Sài Gòn mà cảm xúc chuyến đi về quê ngoại Bình Dương vẫn như đầy ắp trong tôi. Cảm ơn anh Sáu, chị Ba Cúc, cô Út… và bà con nhân dân vùng cát luôn tuyệt vời, đã truyền cảm xúc cho tôi và những người con luôn biết ơn nguồn cội, yêu thương...
TP. Hồ Chí Minh,9.2021
Tô Hồng Điệp
(Giám đốc cty MinMax)