THẢO THƠM VƯỜN MẸ - Phan Đức Nhạn
TRẦU - CAU VƯỜN NHÀ NỘI
Từ ngày bà nội mất, cây trầu vẫn được lưu giữ trong vườn, ông nội nói giữ nó để nhớ về bà nội hay chăm chút cây trầu, để ngày lễ nghĩa hiếu hỉ không cần đi xin, đi mua trầu và bà con ai cần thì để họ hái lá. Ngày mẹ về làm dâu nhà nội, cây trầu lại được chăm chút nhiều hơn. Mẹ bắc giàn vững chắc, cắm choái để ba dây trầu leo lên bò trên giàn sum suê xanh lá. Dưới gốc trầu, mẹ lấy mấy nhành tre khô tấp quanh gốc trầu để ngăn mấy con gà hay lục lọi tìm thức ăn và núp bóng những ngày nắng gắt. Ở quê dân làng đã quen với vị thuốc đặc hiệu của cây trầu, có lúc khoa học, cũng có khi mang đầy ý nghĩa tâm linh, mẹ ngắt mảnh lá trầu dán vào trán như làm dấu để khử đi cái nấc cụt, khi bế cháu ra đường lúc chạng vạng hoặc rạng đông mẹ lại dán mảnh lá trầu lên trán để chống gió, trừ tà. Trầu là loại lá có chất kháng thể cao, nồi xông hơi nào thiếu lá trầu coi như chưa đạt.
Có lẽ từ sự tích trầu cau và nhu cầu thực tiễn mà mẹ xin hàng xóm những quả cau già ươm mầm để trồng thêm mấy hàng cau trong vườn. Cau là loài cây thuộc nhóm đơn mầm, thân cau mọc thẳng, mảnh mai, cấu tạo thân từng lóng chồng lên nhau làm cho thân cau có sức chịu được lực xoắn và uốn. Những căn nhà truyền thống ở quê thường lấy thân cau già làm cột, kèo, sườn nhà, thân cau khi xẻ dọc được dùng làm rui, mè lợp nhà rất đẹp và chắc vì thẳng, cứng, không bị mối mọt. Nhiều người còn dùng thân cau để vót thành đũa bếp, đũa con hay làm hàng rào cổng ngõ. Bẹ cau, phần bọc quanh buồng hoa cau khi mới ra lại là thứ để gói cơm, gói xôi, rất tuyệt bởi vì vừa giữ xôi, cơm ấm nóng tốt lại còn thoang thoảng mùi hương cau làm cho món ăn thêm ý vị. Hoa cau trắng ngần, vào mùa hoa nở hương bay dịu nhẹ… hoa kết trái, bẹ cau tách dần rời thân cây để buồng cau rộng đường phô dáng. Bẹ cau già rơi xuống, tước bỏ phần lá, phần xương được phơi khô bó lại thành chổi cau.
Mo cau được sử dụng vào nhiều việc, từ vật liệu để nhắc nồi cơm, trã cá… đang sôi trên bếp xuống, cho đến cái gàu múc nước, cái mo đài thay cho gáo… Cái quạt mo cau cấu tạo đơn giản, bền chắc, tiện lợi và đắc dụng, nhà nào cũng có mươi chiếc, không những cho mỗi thành viên trong nhà mà còn để dành cho khách. Quê tôi ngày trước, cau là thứ được dùng chữa được nhiều loại bệnh, từ những bệnh thông thường cho đến những bệnh rất… thời sự! Do có tính kháng nguyên và cầm máu nên phấn cau đem rang lên rồi trộn với bồ hóng rịt vào vết thương. Bảo đảm hôm sau mở ra vết thương lành miệng. Ở quê tôi, trẻ em không phải tốn một viên thuốc xổ giun. Người ta lấy hột cau già sắc lấy nước cho uống. Không loại giun, sán nào chịu nổi. Các bộ phận của cây cau còn chữa được nhiều bệnh khác như kiết lỵ, mụn nhọt, ăn không tiêu, đầy bụng, tiểu gắt…
Ở quê, khi lễ nghĩa đông người luôn để khay lá trầu, nhành cau, miếng vỏ chay và bình vôi trên bàn ở góc sân dành cho những người nghiện, để họ chọn trầu cau, vỏ chay và quệt vôi theo sở thích và khẩu vị. Trong hiên và trong nhà luôn có khay trầu đã têm đầu phụng cánh tiên cho những người ưa thích và tiện tay không phải tốn thời gian. Người Việt Nam ai nấy đều biết câu thành ngữ miếng trầu là đầu câu chuyện. Những lần ma chay hiếu hỉ, các cụ già hay chữ lại dùng thành ngữ ấy để mở đầu… và cũng coi là tiếp ngữ. Nhà trai đi dặm ngõ nhà gái cũng thường bắt đầu dâng trầu cau lên bàn để thưa chuyện, khi sính lễ vu quy không thể thiếu quả trầu cau dâng tổ tiên nhà gái, trầu cau là bộ đôi đứng đầu bảng cùng rượu trà thuốc trong nghi lễ giao tiếp. Câu chuyện trầu cau từ thực tiễn đi vào văn học dân gian, có những tứ thơ câu ví rất hay có phải duyên nhau thì thắm lại, đừng xanh như lá bạc như vôi (Hồ Xuân Hương).
Ngọn gió mát lành từ chiếc quạt mo đơn sơ của mẹ đã ru tôi ngủ, và những cây cau, giàn trầu của mẹ cũng theo tôi vào trong cả giấc mơ. Cau, trầu và mẹ là những hình ảnh hằn sâu, in đậm trong trí nhớ của tôi. Mùi hương trầu cau cay nồng cứ phảng phất đâu đây… Thế rồi chiến tranh xảy ra tàn khốc, chừng 2.000 vườn mẹ trên mảnh đất Bình Dương tàn lụi, màu xanh của cây cỏ cũng bị xéo nát để lại sự hoang tàn khô khốc, xác xơ, trắng sạch, cháy sạch, mất sạch. Những ngày đầu sau chiến tranh, Bình Dương không nhà cửa, không cây cối, không công cụ sản xuất, không có đoạn tre để làm cán cuốc, làm đũa, làm tăm; chỉ còn lại những tàn tích mảnh bom, đầu đạn chưa kịp tháo gỡ, thu hồi và chỉ có mạch ngầm đang âm thầm ẩn trong lòng cát như sức chịu của con người Bình Dương. Chúng tôi đã có dịp tới Hàn Quốc, Nhật Bản, tới thăm những ngôi làng cổ được phục dựng và cả những nơi nguyên trạng, không phải để khoe ra sự nghèo nàn một thời đã qua mà để lưu giữ cuộc sống thời xa xưa của tổ tiên họ đã từng làm nên mạch văn hóa liên tục của một dân tộc trải qua nhiều thế hệ lưu truyền. Ước mơ một Vườn Mẹ hiện hữu trên mảnh đất Bình Dương là một ý tưởng có tính lịch sử-văn hóa, về truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Bình Dương, người Quảng Nam của hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
RAU VƯỜN MẸ
Vườn nhà nội tôi chừng ngàn mét, khi ông mất, cha thoát ly làm cách mạng, mẹ tôi thành chủ nhân thừa kế của khu vườn. Tôi còn nhớ hàng tre tươi tốt ở phía sau nhà luôn là nơi làm tổ cho rất nhiều loại chim chột dột, ác là, cà cưỡng... Phía trước nhà là cánh đồng trải ra tiếp nối dòng sông. Những phía còn lại của vườn tiếp giáp với vườn nhà hàng xóm. Trong vườn mẹ có nhiều cây ăn quả như ổi, khế, cam, quýt, đu đủ; mỗi thứ vài cây, dù không nhiều, nhưng có thể nói đa dạng, mùa nào cũng có. Trong vườn có nhiều loại rau xanh như cải ngò, diếp cá... đặc biệt hai loại rau mọc tự nhiên mùa nào cũng có là rau sam, rau má. Những ngày nắng gắt, tôi được mẹ chọn cho công việc nhẹ nhàng nhất ra vườn hái rau má. Tôi xăng xái cắp rổ bên nách chạy ù... mẹ còn dặn với theo chỉ nhổ những thân và lá non, gốc và nhánh để lại hôm khác còn có rau mà hái. Tôi nhanh nhảu lom khom nhổ những đám rau má màu xanh ửng vàng, lá nhỏ cỡ ngón chân cái rồi vô nhà đưa cho mẹ.
Rau má mọc nhiều ở bờ tre, mé ruộng... Rau hút sinh khí của trời đất mà tươi tốt, cho những chất bổ dưỡng có lợi cho sức khoẻ. Rau má bám chặt vào đất khô cằn như những người dân quê tôi chất phác, cần cù, lam lũ. Mẹ dạy tôi loại bỏ những chiếc lá rau má bị sâu, héo rồi lặt bỏ rễ, lấy những chiếc lá tốt, cho vô thau rửa sạch, rảy khô nước. Rau má nấu canh với cá tràu. Mẹ nói canh rau má ăn giải nhiệt rất tốt. Canh rau má mới ngon làm sao. Cái vị đăng đắng của loài thảo dã và vị ngọt của những thớ thịt cá tràu trắng ươm giúp tôi có bữa cơm căng bụng. Mùa hè nóng nực, mẹ tôi thường hái rau má, rửa sạch, phơi khô, sắc nước uống cho cả gia đình.
Với hai bàn tay khéo léo, mẹ tôi nhào trộn thật kỹ mớ rau má và nước, rồi vắt kiệt nước qua cái rây đặt bên trên cái thau khác. Tinh chất rau má được mẹ tôi hòa với đường cát trắng, quậy đều cho tan hết đường rồi cho tôi uống. Tôi hớp từng hớp nước ấy và thấy cơ thể mình mát từng li ti tế bào. Thật tuyệt!
Rau đắng chắc hẳn là loại rau đắng nhất mà tôi từng ăn, dù trải qua mấy chục năm rồi nhưng cái vị đắng thanh mát, dịu ngọt ấy vẫn làm tôi luyến nhớ. Thuở nhỏ chăn trâu trên cánh đồng Sát-nơi tiếp giáp với dòng sông Trường Giang, chúng tôi thường tranh thủ hái những ngọn rau đắng mọc tự nhiên xanh mướt sau trận mưa đầu mùa để gom lại, thay nhau mang qua chợ Bà bên kia sông (thuộc xã Bình Giang) để bán.
Khi còn bé, mẹ tôi thường hái rau đắng ở ao vườn chế biến thành nhiều món khác nhau như nấu canh, cháo cá, rau sống chấm cá kho khô… Thật tình thì ngày ấy tôi chúa ghét những bữa cơm có liên quan đến rau đắng. Tôi thường tự hỏi cái loại rau đắng như vậy có gì ngon mà người ta lại thích ăn, lại nhắc bữa chứ? Cũng thật lạ, một lần về quê tôi thấy mấy cây rau đắng mồ côi mọc lưa thưa trong vườn, bỗng nhiên nhớ những bữa cơm ngày bé, nhớ cách mà mẹ đã vất vả để chế biến ra nhiều món khác nhau từ nó. Với canh rau đắng, sau khi rửa sạch để sẵn vào tô rồi nấu nước dùng chế vào. Nếu nấu theo cách thông thường-bỏ rau vào nồi khi còn trên bếp thì rau sẽ bị nhừ và càng đắng hơn, mẹ bật mí. Nước dùng mẹ thường nấu là từ cá rô hay cá tràu. Hôm nào không có cá, mẹ sẽ phi hành tỏi bỏ vào hoặc dầm một vài hạt me chín để tăng hương vị. Ngày bé, mẹ thường hay dỗ dành: ráng ăn đi, canh này mát lắm lại tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, tôi chỉ thích ăn cá hoặc cố lắm là chan nước canh vào cơm lùa vào miệng cho xong bữa. Mẹ cũng hay nấu món cháo cá. Cháo được nấu chín, nêm nếm vừa ăn với hành ngò thơm phức. Múc ra chén với miếng cá to, rắc thêm ít tiêu, hành, gừng xắt sợi. Nhưng sẽ không hoàn hảo nếu thiếu hương vị dân dã mộc mạc là rau đắng. Một đĩa rau to đặt giữa bàn, ai thích thì thêm rau vào chén cháo cho hợp khẩu vị.
Cuộc chiến tranh ác liệt, mẹ cùng các anh chị lần lượt hi sinh, tôi trở thành đứa con côi cút. Tôi sống, chiến đấu cùng đồng đội và bà con cho tới ngày đi miền Bắc học văn hóa. Ngày hòa bình, xóm làng trơ trụi, những vườn xưa chỉ còn trong ký ức. Mỗi khi nghĩ tới quê, tôi lại nhớ vườn xưa, nhớ loài rau hoang dã rau má, rau đắng… Để hoài niệm về một thời tuổi thơ, tôi đầu tư công sức tạo nên vườn mới trên quê hương, cách vườn cũ chừng trăm mét. Tôi lại trồng những cây trong vườn ngày xưa mẹ hay trồng như đu đủ, mít, xoài, ổi... cùng các loài rau đắng, rau má. Tôi vẫn nhớ lời mẹ đói ăn rau, đau uống thuốc để động viên các con trong thời củi quế, gạo châu, chống đói bằng rau. Vườn mẹ trồng những cây dễ trồng, dễ sống, nhanh thu hoạch, thu hoạch nhanh, chỉ cần hái lá, rửa sạch là xào nấu, luộc chín, ăn sống và chế biến nhiều món ăn ngon, hợp khẩu vị. Những cây gia vị như ớt, tỏi, sả, riềng, hành, ngò, rau húng, rau quế, rau thơm... đủ loại, luôn có sẵn trong vườn mẹ. Mẹ còn dặn muốn có rau ngon phải chọn đất và cách chăm bón, cây trồng phải hợp theo mùa. Vì tuổi nhỏ, tôi chưa hiểu hết lời mẹ. Mẹ giải thích đầu năm trồng chuối, cuối năm trồng trầu, không ai đem cây rong dưới sông lên trồng trên nổng cát khô cằn, làm như vậy là bẻ nạng chống trời, là chơi ngông không tan gia cũng bại sản. Bây giờ trên truyền hình hay ca ngợi nền nông nghiệp thuận thiên, biết suy nghĩ, biết tổng kết, biết ứng dụng, chắc là trăm trận, trăm thắng!
Tuổi nhỏ tôi hay theo mẹ ra trảng Cháy để thu hoạch sắn dây và các cây gia vị; tới trảng Trầm để bắt cá và gặt lúa; tới trảng Thóc để trồng rau, màu... Trảng Thóc không ngập sâu vào mùa mưa, không khô hạn về mùa nắng, màu đất thâm đen, tốt, phù hợp với rau màu. Liên tưởng với vùng Trà Quế-Hội An, người bên Tây đi du lịch tới Hội An, họ trả tiền để được tham gia trồng rau, chăm rau ở Trà Quế. Tôi nghĩ người dân Lạc Câu sao không chọn trảng Thóc để xây dựng mô hình rau sạch như Trà Quế? Những giống rau và cây gia vị đang có, người nông dân tự chăm mảnh ruộng của mình, chỉ cần quy hoạch rau trồng, thời vụ trồng, tổ chức chuỗi cung ứng theo mô hình hợp tác..., vừa bán sản phẩm vừa phục vụ du lịch, vừa bảo vệ môi trường phát triển bền vững còn hơn cả một công, đôi chuyện. Trồng rau là kế ăn chắc, mặc bền không như câu chuyện bóng đá của các ông bầu lúc thắng, lúc thua.
KHOAI LANG VÙNG CÁT
Khoai lang quê tôi là nông sản có tiếng trong vùng. Tới mùa khoai tháng 6 những thương lái vào tận cánh đồng để mua gom chở ra tận Hội An, Đà Nẵng để bán. Tôi đã nghe câu chuyện khoai lang được trồng rộng khắp mọi nơi nhưng giống khoai lang Trà Đoá có thương hiệu, bởi củ khoai nhiều tinh bột, khi bẻ củ khoai nấu chín, quan sát kỹ sẽ thấy ánh chớp như ngàn sao trên bầu trời đêm tối.
Khoai lang Trà Đoá củ có trọng lượng 1-3 kg chiếm tỷ lệ đáng kể. Ở quê tôi, nhà nhà trồng khoai, khoai là nguồn thức ăn phổ biến tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Khoai lang xắt lát, phơi khô lưu giữ được quanh năm. Khoai khô nấu với đường đen là món ăn cải thiện, khoai chà ngào ít đường bát sử dụng như một loại lương khô thời chiến. Ngọn khoai luộc chấm mắm cơm thì ngon tuyệt. Lá khoai xắt nhỏ nấu với tấm gạo thành món cháo nhà nghèo, nấu với hến vừa húp canh vừa cắn khoai luộc làm đỡ nghẹn. Cộng khoai, lá khoai tươi hoặc khô làm thức ăn cho trâu, bò, heo, gà.
Khoai lang có nhiều công dụng rất quý, giới thầy thuốc Đông y xác định khoai lang có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận tràng, bổ hư tổn, ích khí lực, mạnh tỳ thận, kiện vị tiêu viêm, thanh cần, lợi mật, sáng mắt, vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều, điều kinh, nam giới di tinh, tiểu đục, trẻ em cảm tích. Đặc biệt khoai lang có thể giúp con người ngừa phòng chứng xơ cứng động mạch, hạ huyết áp, giảm béo phì và chứng lão hóa, góp phần chống ung thư vú, ung thư đại tràng... Tôi ngày xưa vốn nhỏ nhất nhà, trong mâm cơm gia đình, theo lời mẹ kể: Cha thích ăn đầu cá để bổ óc cứng xương, mẹ ưng ăn khoai lang đặc sản, anh chị nhịn nhường làm tôi chỉ còn biết xúc chén cơm không, nhưng nhà đâu có nhiều lúa gạo, nên anh Ba hay đùa bữa ni thằng Sáu nhịn một bữa để chiều có cơm rồi ăn luôn nghe!
Chỉ vậy mà đời tôi nhớ mãi, ước chi ngày nay còn cha mẹ, anh chị để gia đình ngồi ăn bữa cơm rau, khoai, nhắc lại chuyện ngày xửa, ngày xưa!
Ngày 1 tháng 8 năm 2017, ngày cúng cơm cha 100 tuổi, tôi mời khách món khoai sắn luộc, không ngờ mâm nào cũng ăn hết dĩa khoai sắn và còn nhận xét món đặc sản quê Nhạn ngon quá! Một năm sau (ngày 27 tháng 7) khi kỷ niệm mẹ tôi tròn 100 tuổi, tôi dặn cháu nhớ đặt lên bàn thờ nội món khoai lang luộc và tô cháo rau khoai nấu tấm-những món ăn ngày xưa bà nội hay nấu. Trước vài trăm người, tôi rưng rưng kể chuyện: Mẹ tôi, bà Bảng đấu tranh sản xuất chi cũng hì, bà làm nông không thua bất cứ người đàn ông nào (Nhật ký Chu Cẩm Phong). Tôi còn nhớ những vồng khoai quê tôi được vun cao, dây khoai lên tươi tốt phủ kín như tuyến phòng thủ được ngụy trang cẩn thận và trước khi rời quê hương đi miền Bắc-ngày 13 tháng 6 năm 1969, tôi ra vườn khoai lang đào một gánh đưa sang chợ Bà bán, lấy tiền mua ít thứ mang theo dùng trên đường. Khoai lang và gia đình, quê hương cùng tuổi thơ lửa đạn… Xin chia sẻ, chờ một ngày mai nhẹ tênh đường dài đi tìm nơi chín suối để gặp ông bà, cha mẹ!
CON CÁ SÔNG TRƯỜNG GIANG
Quê tôi có sông Trường Giang chạy dọc theo hướng Bắc-Nam, cả hai đầu sông đều giáp biển. Dòng nước trong, mặn ngọt theo mùa. Người của làng chài quanh năm lênh đênh sóng nước, dù có dọc ngang nhưng vẫn về neo đậu tại bến quê làng chài Cây Mộc. Sông Trường Giang nhiều loại tôm, cá, cua, ốc... Con tôm bạc giã dập, nấu với canh bầu thì chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. Con cá hanh, cá trảnh thịt dai, rất béo và thơm; cá đối cồi kho với dưa cải hoặc nấu cháo cá thì không thể chê. Mùa mưa, con lạch huyết đúc bánh xèo, con tôm rằn nướng mọi trên bếp than hồng... Tất cả xứng tầm đặc sản.
Những ngày giặc dã, đội du kích chỉ cần cái nơm, tay lưới đánh bắt ven sông cũng đầy tôm cá. Cá liệt nhiều xương nhưng thịt cá thơm ngọt, cá tràu, cá rô trong rừng dừa nước, khi có chân người nó bơi hoảng loạn, dày đặc như con bù hóng lao vào ngọn đèn để say ánh sáng, tha hồ đánh bắt. Anh em cán bộ, du kích Bình Dương hay nói tưng tửng: Các anh cứ nhìn về vùng Đông còn thấy cây Dương thần xanh lá, nhìn xuống dòng sông còn thấy nước thì yên tâm cá tôm, rau dại đủ nuôi sống những Việt cộng bám trụ chiến đấu nơi này. Hải quân địch thường xuyên xua đuổi, không cho dân làm nghề trên sông nước Trường Giang, chúng sợ dân vạn ghe thành chỗ dựa của Việt cộng. Bọn chúng tính một, mình tính hai. Những người già cả, trẻ em đưa phương tiện nhà nghề ra vùng tạm chiếm để tiếp tục làm nghề, duy trì cuộc sống, kết hợp hoạt động bí mật, nối liền thông tin liên lạc ra vùng giải phóng, vô tình địch lại đón thêm một lực lượng trung thành của ta vào lót ổ ngay trong sào huyệt của chúng! Những thanh niên rời làng nghề, lên bờ nhập vào đội quân du kích chiến đấu. Thời hòa bình họ trở lại bến cũ, sông xưa, lại được chính quyền cấp đất làm nhà trên bến, để không còn cảnh ngụ cư trên sông nước. Dù ở trên bờ hay dưới nước, lực lượng ấy mới là những người gắn bó với làng nghề. Từ người già tới trẻ thơ, cứ biết bò trên thuyền là biết bơi trong nước, cứ nhảy xuống nước là bơi như rái cá, kinh nghiệm gia truyền làm dậy lên sức sống bản năng. Họ chính là người của làng nghề ngư nghiệp, cũng như anh nông dân sinh ra đã biết mùa này trồng những loại cây nào để đón được mưa thuận gió hoà, để có ngày mùa bội thu.
Tất nhiên, không gian Vườn Mẹ đâu chỉ trên bờ mà còn trên sông nước, để con cá, con tôm, hạt gạo, rau xanh, quả ngọt trở nên gần gũi, mang chung tên gọi sản phẩm cây nhà lá vườn trong Vườn Mẹ ở quê hương vùng Đông.
P.Đ.N