Từ Thượng Đức đến Đà Nẵng

01.08.2024
Vân Trình

Từ Thượng Đức đến Đà Nẵng

50 năm trước, chiến thắng Thượng Đức (07/8/1974) là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Thượng Đức còn tạo thế và lực mới để tiến đến tổng tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng vào mùa xuân năm 1975.

Mở toang “Cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng

Thượng Đức (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nằm cách Đà Nẵng chừng 40 cây số theo đường chim bay. Đây là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hợp hải - lục - không quân Đà Nẵng - một trong những căn cứ lớn nhất của địch ở miền Nam.

Lợi dụng triệt để thế hiểm yếu của địa hình (xung quanh là núi cao có nhiều dốc dựng đứng, phía đồng bằng lại là nơi hợp lưu của hai con sông Con và sông Vu Gia, nước sâu, chảy xiết), địch tập trung xây dựng Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức thành một vị trí phòng thủ mạnh để bảo vệ thành phố Đà Nẵng từ xa. Tại đây, chúng có một hệ thống giao thông hào liên hoàn cùng 35 lô cốt bê tông cốt thép nửa chìm nửa nổi, nhiều công sự có nắp và một hệ thống nhà hầm và hầm ngầm. Mọi hoạt động của bọn chỉ huy lúc xảy ra tác chiến đều ở trong hầm ngầm. Lực lượng địch ở Thượng Đức ở thời điểm chiến đấu lên đến 1.600 tên, được trang bị hỏa lực mạnh. Ngoài lực lượng tại chỗ, yểm trợ cho Thượng Đức còn có các trận địa pháo ở Núi Lở, Ái Nghĩa và các khu vực lân cận. Khi động binh, địch có thể huy động hàng chục lượt máy bay chiến đấu trên một ngày từ Đà Nẵng lên chi viện. Bên cạnh đó, chúng còn nham hiểm dồn trên 13.000 dân vào Hà Tân làm lá chắn bảo vệ vòng ngoại nhằm chống lại các cuộc tấn công của ta.

Với những ưu thế về địa hình và lực lượng quân sự mạnh như vậy, căn cứ quân sự Thượng Đức thật sự là trở ngại lớn đối với hoạt động của quân ta. Địch huênh hoang cho rằng: “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”. Tổng thống Sài Gòn từng tặng cho Thượng Đức cái tên khá mỹ miều: “Mắt ngọc của đầu rồng”, còn Tỉnh trưởng Quảng Nam mệnh danh Thượng Đức là “Cánh cửa thép của Đà Nẵng”.

Mùa thu năm 1974, Quân khu 5 chủ trương tiến công tiêu diệt một số cứ điểm chi khu quận lỵ nhằm đánh rã từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh đồng bằng, hoàn chỉnh vùng căn cứ rừng núi của ta ở phía Bắc Quảng Nam. Thượng Đức được chọn là một trong năm hướng trọng yếu. Bộ Chỉ huy Chiến dịch Thượng Đức (mang mật danh K711) quyết định sử dụng lực lượng Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9), được tăng cường các đơn vị Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324); Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 219 Công binh), Đại đội Tên lửa A72 và B72 của Quân đoàn 2; hai tiểu đoàn bộ đội địa phương.

Sau thời gian ngắn chuẩn bị, đúng 5 giờ sáng ngày 29/7/1974, hai phát pháo hiệu xanh đỏ bay vút trên bầu trời Thượng Đức đồng thời tín hiệu “bão táp” truyền đi các hướng: Chiến dịch Thượng Đức chính thức bắt đầu!

Suốt 10 ngày chiến đấu cam go, quyết liệt với địch, đúng 8 giờ 30 phút ngày 07/8/1974, lá cờ cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 anh hùng đã phất phới tung bay trên cứ điểm Thượng Đức, báo tin vui: Chiến dịch K711 đã toàn thắng, đạt được cả hai mục tiêu về chính trị (giải phóng và bảo vệ, bảo đảm đời sống cho hơn một vạn dân) và quân sự (diệt gọn quân địch, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên, bắn rơi 13 máy bay, thu hơn 1.000 súng các loại ...). Với chiến thắng Thượng Đức, “Cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng mở toang, uy hiếp nghiêm trọng căn cứ quân sự liên hợp đồ sộ của địch.

Không cam chịu mất Thượng Đức, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định điều phần lớn sư đoàn dù (Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 3) mở cuộc hành quân “giải tỏa” Thượng Đức. Được Tổng thống Sài Gòn động viên khích lệ, tại Đà Nẵng, Sư trưởng sư đoàn dù hung hăng tuyên bố trước các nhà báo: Sẽ đánh bại lực lượng đối phương ra khỏi Thượng Đức trong tháng 8 năm 1974 và “nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin thượng cấp giải tán sư dù”. Mặt trận Thượng Đức trở thành nơi đọ sức quyết định giữa lực lượng chủ lực cơ động của ta (phối hợp với lực lượng tại chỗ) với lực lượng tổng trừ bị chiến lược số một của địch. Cuộc chiến đấu gian khổ diễn ra ròng rã suốt hơn bốn tháng trời. Kết cục, ngày 20/12/1974, sư đoàn dù phải nhục nhã chạy khỏi chiến trường. Kế hoạch tái chiếm Thượng Đức bị thất bại hoàn toàn. Thượng Đức là quận lỵ đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng hoàn toàn sau khi Hiệp định Paris được ký kết mà địch không chiếm lại được; đồng thời, gây thiệt hại nặng về lực lượng tổng trừ bị của quân đội Sài Gòn.

Chiến thắng Thượng Đức ngày 07/8/1974 và việc đánh bại quân dù thời gian sau đó có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nhận định: “Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực địch. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tấn công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”.

Với Chiến thắng Thượng Đức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của địch. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh. Đây là bước ngoặt kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Thần tốc hành tiến giải phóng Đà Nẵng

Chiến thắng Thượng Đức có liên quan mật thiết đối với việc giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975. Lịch sử ghi lại rằng, ngày 22/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị khẩn cấp cho Khu ủy và Quân khu 5: “Địch rút bỏ Huế và không loại trừ khả năng rút bỏ Đà Nẵng, chuẩn bị tích cực đánh Đà Nẵng theo phương án đã dự kiến”. Nhận được chỉ thị này, ngày 23/3, Thường vụ Khu ủy và Quân khu 5 cấp tốc họp mở rộng để thảo luận ý kiến chỉ đạo của Trung ương và hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong khu phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu 5”. Chiến trường chính được xác định là các thành phố, thị xã tỉnh lỵ và mục tiêu chủ yếu là Đà Nẵng. Tiếp đó, ngày 24/3, tại căn cứ Hòn Tàu (xã Xuyên Hiệp, Duy Xuyên), Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức cuộc họp quan trọng quán triệt và triển khai Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy và Quân khu 5. Với tinh thần cách mạng tiến công, Đặc khu ủy đã cử đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Bí thư Đặc khu ủy đi gặp chỉ huy Sư đoàn 304 để bàn thống nhất kế hoạch phối hợp tiến công vào Đà Nẵng. Trong một bài viết của mình, ông Phạm Đức Nam khẳng định: “... Chính nhờ cánh cửa sắt Thượng Đức sớm được mở mà ngày 29/3/1975, lực lượng Sư đoàn 304 có điều kiện tiến quân thần tốc theo Quốc lộ 14 đánh chiếm Phước Tường, Ninh An, Tây sân bay Đà Nẵng, phối hợp nhịp nhàng với Sư đoàn 2 đang theo Quốc lộ 1 tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, chiếm sân bay Đà Nẵng, chiếm Quân đoàn 1”.

Cũng xin được nhắc lại rằng, sau bảy tháng chiến đấu liên tục với quân dù và thủy quân lục chiến, quân số và vũ khí của Sư đoàn 304 bị hao hụt nhiều, mỗi tiểu đoàn chỉ còn non 200 tay súng và đang phải căng ra đối đầu với Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến Sài Gòn. Thế nhưng, theo Đại tá Nguyễn Huy Toàn, khi nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh: “Đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, với lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”, ngay lập tức Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 lệnh cho các đơn vị tổ chức trang bị thật gọn nhẹ để tiến công địch trong hành tiến. Trên hướng Tây, Trung đoàn 24 và 66 chạy bộ truy kích Lữ đoàn 369 trên chặng đường dài 40 km. Tới 10 giờ ngày 29/3, Tiểu đoàn 8 và 9 Trung đoàn 66 cùng các lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh chiếm sân bay Đà Nẵng. Đại đội 14 súng cối 120 mm nhờ có xe của nhân dân giúp đỡ đã đánh vào bán đảo Sơn Trà, chiếm quân cảng của địch”.

Chiến lợi phẩm độc đáo

Điều khá thú vị là khi đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, quân ta thu được rất nhiều xe của quân đội Sài Gòn tháo chạy để lại, trong đó có chiếc Jeep “lùn” biển số 15770. Sau đó, dưới bàn tay điều khiển của chiến sĩ Đào Ngọc Vân, chiếc xe này đã rong ruổi cả ngàn cây số đạn lửa, cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 lần lượt vượt qua Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, rồi đến Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn. Khoảng 6 giờ sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 cùng với xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) tiến sát cầu Sài Gòn. Phát hiện lực lượng của ta, địch dùng 8 chiếc xe bọc thép M113 và 4 chiếc xe tăng M41 cùng bộ binh chống trả quyết liệt trên cầu Sài Gòn. Lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203 tập trung binh lực đánh mạnh xe tăng địch. Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 dùng xe Jeep biển số 15770 nhanh chóng dẫn đơn vị vượt qua cầu Sài Gòn, thọc sâu vào nội đô cùng phối hợp chiến đấu với các binh đoàn khác. Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể: “Trưa ngày 30/4/1975, chúng tôi đã vào Dinh Độc Lập trên chiếc Jeep chiến lợi phẩm do Đào Ngọc Vân lái. Đến trước cửa Dinh Độc Lập, khi xe tăng của ta húc vào cổng chính, xe tôi nhanh chóng lách lên lao thẳng đến tiền sảnh của Dinh... Chúng tôi đã đưa Dương Văn Minh (Tổng thống) và Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng) sang Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng trên chính chiếc xe này. Lúc đó, tôi và Dương Văn Minh ngồi ở ghế trên, phía sau là Vũ Văn Mẫu và các đồng đội của tôi... Xe nổ máy nhưng chúng tôi không biết đường, Dương Văn Minh đã chỉ đường cho chúng tôi đến Đài Phát thanh Sài Gòn... Sau khi Đài Phát thanh đã phát lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, tôi cùng với một số đồng chí trong Trung đoàn 66 sử dụng chiếc xe Jeep đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu trở lại Dinh Độc Lập”.

Năm 2008, nhân kỷ niệm 33 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trân trọng giới thiệu chiếc Jeep biển số 15770 vừa được phục dựng thành công. Đặt ở vị trí ngay cửa ra vào của gian trưng bày hiện vật Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếc Jeep này trở thành tâm điểm của hầu hết khách tham quan.

V.T