Đi về phía anh hùng

01.08.2024
Nguyễn Thị Thanh Ngọc

Đi về phía anh hùng

Nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

1. Tuấn đưa tôi đến Nhà tưởng niệm Mẹ Nguyễn Thị Thứ (tại xóm Rừng - nay là khối phố Thanh Quýt 2, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày đầu trung tuần tháng Sáu năm 2024.

Quá khứ đã lùi xa… Song, chuyện mẹ Thứ có chín người con trai, một chàng rể, và hai cháu ngoại gái tuổi đương xuân đã dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc như vẫn còn “nóng hổi”. Như cái nóng của Đà Nẵng, Quảng Nam những ngày này. Vậy mà, đoàn văn nghệ sĩ thành phố Cần Thơ chúng tôi (đang dự trại sáng tác ở Nhà sáng tác khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tại Đà Nẵng) vẫn bền lòng chặt dạ, không hoãn lại chuyến viếng thăm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - với nguyên mẫu là mẹ Thứ ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Chúng tôi không chỉ muốn đến tận nơi chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đồ sộ của cả Đông Nam Á mà còn muốn dâng lên lòng tôn kính của những người con miền Tây xa xôi đến với người mẹ Quảng Nam - mẹ Nguyễn Thị Thứ - một người mẹ anh hùng tiêu biểu cho tất cả mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.

Khi chúng tôi đến quảng trường, bước qua tám cột trụ bê tông cao hơn chục mét, chạm khắc gương mặt biểu trưng những người mẹ anh hùng của ba miền Bắc, Trung, Nam thì ánh mặt trời đã chói chang, chiếu rọi bóng đoàn người nghiêng nghiêng, hăm hở sải bước về phía tượng đài…

Sau phút mặc niệm tận đáy lòng, đoàn tranh thủ chụp ảnh chung và nhanh chóng rời đi. Chúng tôi không có nhiều thời gian đi vào sâu hơn, qua khu vực có hồ rộng, mặt nước bao quanh tượng đài - và vào tham quan Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng nằm trong “ruột” tượng đài (hình cánh cung, có tổng chiều dài 120m). Trước khi rời chân, chúng tôi còn quyến luyến quay nhìn uy nguy dưới bầu trời nắng xanh xứ Quảng.

Còn chưa thỏa mãn sau khi đến viếng tượng đài Mẹ Thứ tại Tam Kỳ, tôi quyết định gọi cho Tuấn, báo tin mình đang có mặt tại Đà Nẵng và muốn đi thắp nhang, thăm mộ mẹ Thứ… Tuấn sốt sắng nhận lời. Ngày hôm sau Tuấn đã tình nguyện làm “thổ địa” hướng dẫn tôi - người Sóc Trăng sống tại Cần Thơ quá nửa đời, muốn đi về phía anh hùng; muốn viếng thăm, tìm hiểu thêm về người mẹ anh hùng; về phường Điện Thắng, thị xã Điện Bàn anh hùng của vùng đất Quảng anh hùng.

Vậy là tôi đã được đến nhà mẹ Thứ - Nhà tưởng niệm Mẹ Nguyễn Thị Thứ, một trong gần hai mươi ngàn người mẹ cả nước được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng lần đầu tiên (năm 1994) trong tổng số khoảng một trăm bốn mươi ngàn mẹ được vinh danh... Nhà tưởng niệm mẹ Thứ là một trong những di tích lịch sử cấp tỉnh, tọa lạc tại Thanh Quýt 2, Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn; đối diện với trường THCS mang tên liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Sau bộ cổng có mái che bề thế và dãy tường rào bao bọc khuôn viên là khoảnh sân khá rộng. Hai bên lối đi về phía gian nhà thờ là những cây cảnh xanh mát, trồng như kiểu công viên. Tiếp nối lối đi mở ra khúc sân rộng. Phía tay phải từ ngoài vào gần tới gian nhà thờ, là nguyên mẫu tượng đài của mẹ Thứ (thu nhỏ) nằm trên nền gạch năm bậc tam cấp, nép bên mấy cây xanh cao to đang xòe bóng dưới nền xi măng hực nóng. Phía đối diện bên kia khoảnh sân rộng là một vườn cây… Nổi bật cây mít, không biết bao nhiêu năm tuổi - mà có vẻ già cỗi, rắn rỏi, “ôm vào lòng” mấy trái mít to phía trên cao, trông thú vị và thích mắt…

 Nhà thờ rộng ba gian, nằm trên năm bậc tam cấp, thoáng mát, trang nghiêm. Gian chính thờ gia tiên, có ảnh mẹ Thứ và chồng là ông Lê Tự Trị. Phía trên cao treo Huân chương Độc lập hạng Nhất của mẹ và chồng (ở giữa), hai bên là Huân chương kháng chiến hạng Nhất và Danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng của mẹ Thứ. Trên cùng là ảnh Bác trên nền đỏ cờ Tổ quốc, cờ Đảng, nổi bật dòng chữ in to, lấp lánh ánh vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Hai gian thờ hai bên nổi bật các tấm bằng Tổ quốc ghi công của các liệt sĩ con mẹ Thứ. Gồm bốn người hy sinh thời chống Pháp (trong đó có hai liệt sĩ hy sinh trước, sau chưa đầy nửa tháng): Lê Tự Xiến, đội viên liên lạc xã, bị Pháp bắn tại đầu làng (giữa năm 1948). Lê Tự Hàn Anh, đội viên dân quân, hy sinh khi đi tải thương; sau đó không lâu Lê Tự Hàn Em cũng ngã xuống trong một trận chống càn. Sáu năm sau, Lê Tự Lem, lúc ấy tuổi hai mươi, hy sinh trong lúc chiến đấu tại huyện nhà. Thời chống Mỹ, Lê Tự Nự, đội viên du kích, hy sinh năm 1966; ngoài bằng Tổ quốc ghi công còn có Huy chương kháng chiến hạng Ba. Tương tự, Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh, hy sinh cùng năm 1972; cùng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Ba. Lê Tự Thịnh, bộ đội Duy Xuyên, đại đội trưởng, hy sinh trong lần chỉ huy đơn vị đánh đồn giặc năm 1974, Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Lê Tự Chuyển, con trai cả mẹ Thứ hy sinh tại cửa ngõ vào Sài Gòn, ngay ngày 30/4/1975.

Thắp nhang cho mẹ và trên các bàn thờ xong, ngước nhìn và chụp lại dãy bằng Tổ quốc ghi công, Huy chương kháng chiến của các con mẹ Thứ, tôi có cảm giác như nghẹt thở. Thử tưởng tượng, với một người khi phải một lần phẫu thuật cắt bỏ đi một bộ phận nào trong cơ thể, dù được gây tê hay gây mê, thì sau đó cơn đau sẽ còn dai dẳng thế nào. Dù vậy, cơn đau ấy rồi cũng dần qua và hết hẳn. Còn mẹ Thứ, chín lần nhận hung tin chín đứa con trai mình lần lượt hy sinh, có khác nào chín lần trải qua cơn cắt ruột, cắt tim, gan, và cả tứ chi… Nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn ập tới dập dồn, chồng chất, hẳn lòng mẹ bấy nhiêu lần ngẩn ngơ, lịm chết! Nhưng, sao mẹ vẫn nén lòng, khi những cơn đau cắt ruột (thời chống Pháp) vẫn còn âm ỉ, thì mẹ cùng chồng vẫn tiếp tục đưa các con trai mình nối bước trên con đường chống Mỹ. Để rồi, mẹ và chồng lại tiếp tục oằn oại, đớn đau với những lần “cắt ruột” tiếp theo…  

Trước khi đến Nhà tưởng niệm Mẹ Thứ, lúc gặp nhau và nghe tôi đặt câu hỏi, ông Lê Tự Mười, 67 tuổi, một thành viên họ tộc Lê Tự (thuộc nhánh nhì), vai em của Tuấn (Lê Tự Tuấn, 35 tuổi, thuộc nhánh nhất, đời thứ 14, cháu nội cụ Lê Tự Mót đời thứ 12 - trưởng tộc Lê Tự Thanh Quýt) cả hai cùng gọi ông Lê Tự Trị bằng chú - đã tự hào khẳng định: Tộc Lê Tự là dòng dõi đặc biệt của họ Lê, nổi bật tính hiếu học, có tri thức, giàu lòng yêu nước.

Ông Lê Tự Mười nguyên là cán bộ thôn Thanh Quýt, cho biết thêm: Khoảng năm 76-77 thế kỷ trước, lúc ông còn làm ở ủy ban xã, có một nhà báo phỏng vấn ông Lê Tự Trị rằng: “Hồi đó bác nghĩ sao mà cho các con mình đi theo cách mạng hết vậy?”. Ông Trị trả lời: “Hồi thằng Pháp qua đô hộ mình, rồi tới thằng Nhật… nó bắt dân mình làm cu li, đào đất, khiêng đất, chở đất đắp đồn, đắp sân bay cho Nhật. Tay nó cầm sẵn ba-toong, hễ mình sơ hở là nó quật… Khi vài đứa con đã hy sinh, tui nghĩ nếu không cho các em nó tiếp tục theo cách mạng thì cũng sẽ bị bắt làm nô lệ cho giặc. Thôi thì, đất nước lâm nguy phải chấp nhận hy sinh...”.

Ở xứ Thanh Quýt, Điện Thắng này, người cố cựu nào mà không biết: trong chiến tranh, cả hai thời kỳ chống Pháp, Mỹ, mẹ Thứ và chồng mình cùng con gái đầu lòng Lê Thị Trị đã kiên trì bám trụ, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi cán bộ. Trong vườn cây ăn trái của nhà, hai ông bà đào năm căn hầm bí mật, cố ý cho cỏ mọc đầy, nuôi bò, để mỗi khi lùa bò đi ăn cỏ thì canh gác, mở hé miệng hầm cho cán bộ bên dưới có không khí, dễ thở; hoặc khi “có động” thì lùa bò đi ăn, để tranh thủ sửa sang, nghi trang lại miệng hầm, bảo vệ cán bộ. Ngọn đèn nhà mẹ đêm đêm là ám hiệu cho cán bộ, du kích về hoạt động. Đèn sáng là an toàn, và ngược lại…

Hiện nay, cháu nội của mẹ Thứ tên Lê Tự Hiệp (sinh năm 1971- một trong sáu người con của người con trai thứ mười một của mẹ Thứ) đang cùng vợ và hai con ở tại Nhà tưởng niệm... Hiệp kể, từ nhỏ bị sốt bại liệt, không chữa trị được, bà nội tính tình hiền hậu hay dẫn Hiệp đi học. Hồi đó đường tới trường đâu dễ dàng, thuận lợi như bây giờ. Tuy tật nguyền, đi lại khó khăn, nhưng Hiệp vẫn cố gắng học hành… Đến khi thi rớt đại học, Hiệp quyết định chuyển sang học nghề và trở thành thợ may cho đến nay. Vợ Hiệp cũng là “đồng nghiệp” nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, nghề may cũng trầy trật…

Từ giã Hiệp, tôi theo Tuấn sang nhà bà Lê Thị Trị ở xéo nhà mẹ Thứ. Nhà bà Trị cũng có sân, nhưng không rộng và sâu bằng sân nhà mẹ Thứ. Bà cũng được vinh danh Mẹ Việt Nam anh hùng - do có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Bản thân thì bị giặc bắt tù đày, tra tấn bốn, năm năm về “tội” tham gia và có chồng, con cùng hoạt động cách mạng.

Chị Ngô Thị Mai, 70 tuổi, con gái út của mẹ Trị đang kề cận chăm sóc mẹ mình. Người mẹ nay đã 102 “tuổi mụ”, bị mù lòa do bệnh cườm mắt, nhưng tuổi cao không điều trị. Theo lời kể của chị Mai, ba của chị tên Ngô Tường, tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, rồi bị Mỹ bắt năm 1956, hết ở nhà lao Vĩnh Điện đến nhà lao Hội An. Bốn chị em gái của chị, trừ người chị cả (lên năm tuổi khi ba mình bị bắt giam) không biết có biết mặt ông không, chớ cả hai người chị liệt sĩ và Mai đều không biết mặt cha.

Lúc mẹ Trị có chồng thì về sống bên chồng, cách nhà mẹ Thứ không xa. Ông Tường hoạt động cách mạng, thường xuyên vắng nhà. Đến lúc ông bị bắt tù đày thì mẹ Trị bồng các con mình về bên ngoại. Ở vùng đất này “ngày địch đêm ta”, trừ người chị lớn có chồng, đi làm ăn xa, thì hai chị: Ngô Thị Liễu và Ngô Thị Cúc lớn lên đều đi làm cách mạng. Chị Liễu hy sinh năm 1970, khi bị giặc bắt, khảo tra. Chị Cúc trước là du kích, sau trở thành xã đội trưởng, hy sinh năm 1973 trong lần công tác vào vùng địch hậu. Mai không hề quên quãng thời gian lúc nhỏ ở nhà với ông bà ngoại và mẹ, thường đi bộ theo ngoại xách cơm đến nhà tù Vĩnh Điện, rồi nhà tù Hội An (xa mười mấy, hai mươi cây số) cho ba! Mai còn cho biết chú ruột mình từng là Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, tên Ngô Dinh. Tuấn lật cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng (1930-2005) đang cầm trên tay, chỉ tôi xem bài viết về ông Ngô Dinh…

Tôi hỏi mẹ Trị: “Chị Mai kể chuyện, mẹ có nghe được không, có gì đúng, sai… mẹ có thể nói con nghe không?”. Mẹ đáp: “Có chuyện nhớ, chuyện quên…” Nhưng khi tôi nhắc chuyện mẹ từng phát biểu trên Đài truyền hình về việc báo tin với mẹ Thứ khi các em trai mình hy sinh, và hỏi mẹ có còn nhớ không, thì mẹ Trị nhanh nhẩu gật đầu. “Những lúc ấy mẹ thấy mẹ Thứ có phản ứng gì, còn mẹ thì làm gì, nói gì với mẹ Thứ để an ủi bà?”. “Có khi mẹ ngất đi… Tôi ôm mẹ... Nói mẹ đừng nhớ người chết nữa, hãy nhớ người còn sống…”.

Chị Mai thì kể, sau khi nghỉ làm việc về, chị cùng mẹ Trị ở chăm sóc bà ngoại mình bên nhà mẹ Thứ. Sau đó ít lâu thì mẹ Trị và chị về ở tại nhà này (lúc ấy không khang trang như bây giờ) và hàng ngày mẹ Thứ sang đây ăn cơm với mẹ con chị. Mắt mẹ Thứ lúc đó cũng mờ nhưng mẹ rất thuộc đường, và đi đứng còn khá khỏe… Mẹ Trị giờ không tự đi lại được và khi nhớ khi quên. Còn mẹ Thứ lúc một trăm tuổi vẫn minh mẫn, hay hát hò…

2. Trước khi đến Nhà tưởng niệm mẹ Thứ, Lê Tự Tuấn có đưa tôi đến Nhà tưởng niệm của gia đình ông Lê Tự Kình. Con trai ông là Lê Tự Nhất Thống - người được đặt tên cho một trường tiểu học khang trang (được xây dựng theo phương thức xã hội hóa) và một con đường tại quê hương Điện Thắng, Điện Bàn anh hùng.

Theo cổng thông tin điện tử thị xã Điện Bàn, liệt sĩ Lê Tự Kình (sinh năm 1916) nguyên là cán bộ phụ trách tuyên huấn tỉnh Quảng Nam. Vào một ngày hạ tuần tháng Tư cách nay sáu năm, ông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng dịp này, đảng ủy, chính quyền phường Điện Thắng Trung đã tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm cho gia đình ông (trên nền nhà, đất cũ của gia đình tại thôn Thanh Quýt 2) cách Nhà tưởng niệm mẹ Thứ không xa. 

Cùng được sinh ra tại làng Rừng như mẹ Thứ; có cha làm lý trưởng uy quyền, gia đình giàu có, nhưng nhờ người anh rể từ làng La Thọ dìu dắt, nên Lê Tự Kình sớm giác ngộ cách mạng. Từ gia nhập tổ chức thanh niên dân chủ ở độ tuổi hai mươi, rồi được giao nhiệm vụ tuyên truyền, “lôi kéo” thân sinh mình giác ngộ, cùng tham gia Mặt trận dân chủ Đông Dương, hoạt động cách mạng, ông được giao trọng trách: dẫn đầu năm cán bộ lồng vào “đám” dân biểu ở Trung Kỳ đến gặp gỡ, đối thoại cùng viên khâm sứ Pháp Maurice Fernand Graffeuil (giai đoạn 1934-1940) đòi dân sinh, dân chủ, cho nhân dân được học hành… Tên khâm sứ biết ông là con “Xã Kỉnh”, nên rất ngạc nhiên về việc ông đi đòi “yêu sách”. Sau thử thách này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1937) tại Chi bộ La Thọ; là hạt giống đỏ đầu tiên của xã Điện Thắng thời bấy giờ, mở màn cho phong trào ủng hộ cách mạng lan tỏa nhanh chóng.

Tháng 9 năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Chính phủ Pháp giải tán Đảng Cộng sản và các tổ chức yêu nước khác, các đảng viên cộng sản bị truy lùng, cơ quan Phủ ủy Điện Bàn phân tán. Lê Tự Kình được giao nhiệm vụ trở về học võ nghệ để có điều kiện huấn luyện, tổ chức nắm lực lượng cướp chính quyền Nhật-Pháp năm 1945. Rồi ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban đặc vụ - sau đổi thành Trưởng ban diệt tề gian, xây dựng và lãnh đạo quần chúng dấy lên phong trào toàn dân tham gia lực lượng Việt Minh bài phong phản đế, cứu quốc của ba xã Bồ Viêm, Thanh An, Châu Phong. Năm 1946, ông được huyện chỉ định làm Bí thư Chi bộ xã Thanh An, Châu Phong... Chiến công tiêu biểu của Lê Tự Kình là “dần cho mềm mình” thằng cai Nhật khét tiếng lưu manh, gian ác, hay kiếm cớ đánh người dân bị bắt đi phu phen làm sân bay tại Trảng Nhật một cách thật dã man. Tiếng ác của hắn (coi rẻ mạng sống, chà đạp nhân phẩm đồng bào ta) tới tai Lê Tự Kình. Ông nắm quy luật hoạt động của hắn (thường lùng sục quanh làng) bèn lập mưu chạm trán, và bằng các thế võ với “tay không” hạ gục kẻ thù, nhưng vẫn để cho hắn sống - dù trong người hắn lúc nào cũng giắt sẵn thanh kiếm sắc. Có người hỏi: “Sao không lấy kiếm của nó chặt cho nó chết luôn đi?”. Ông trả lời: “Chưa từng có ai đánh nó. Để nó sống cho nó chạy về nước, kể lại chuyện mình đánh nó, dân nó mới biết tiếng tăm và biết sợ dân tộc Việt Nam mình”.

Khi Pháp tái chiếm Điện Bàn, Lê Tự Kình được điều về làm Trưởng Ban tác chiến khu vực, có công lớn trong phong trào cách mạng, rồi chuyển qua làm ủy viên Ban tiêu thổ kháng chiến của Phủ ủy... Đến khi hợp nhất xã, ông về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính xã Điện Hòa; sau được bổ sung vào Huyện ủy Điện Bàn. Nhưng rồi, thời gian sau, trên lại điều ông trở lại làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính xã Điện Hòa (lần thứ hai). Mọi người hiểu, nơi nào có khó khăn, phong trào cách mạng bị cản trở... nơi ấy có Lê Tự Kình “xuất hiện”. Từ cấp trên đến nhân dân, mọi người đều nể phục, tin yêu…

Trong chiến thắng diệt đồn Bồ Bồ, với cương vị thành viên ban tiền phương tỉnh đội Quảng Nam, ông đã có công lớn trong việc huy động tổng lực dân công và lương thực phục vụ chiến đấu kịp thời, chính xác, góp phần vào thắng lợi to lớn trong công cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp. Sau hòa bình lập lại, là huyện ủy viên, ông được Đảng cử ở lại hoạt động, phụ trách xây dựng cơ sở khu vực Vĩnh Điện, nhưng bị địch đánh hơi, ráo riết truy lùng… Giữa năm 1955, ông được lệnh chuyển vùng hoạt động vào Sài Gòn; khoảng ba tháng sau thì bị bọn phản bội chỉ điểm và bị giặc bắt. Với tính khí can cường, kiên trung, không đầu hàng khuất phục... khoảng hai năm sau, ông bị giặc đày ra Côn Đảo!

Tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đến tháng 4 năm 1957, địch tiến hành phân hóa lực lượng tù chính trị câu lưu (lần đầu tiên) thành hai trại:  Trại I (Banh I cũ thời Pháp) được mệnh danh là “trại cộng sản”, Trại II (Banh II cũ) là “trại quốc gia”. Trại I bao gồm những tù nhân không chấp nhận ly khai cộng sản, ly khai Đảng, thể hiện quyết tâm bảo vệ khí tiết cộng sản, mặc cho địch dùng mọi cách “thực hiện âm mưu cơ bản là tiêu diệt sinh mạng chính trị người chiến sĩ cách mạng và các đảng viên cộng sản, với thủ đoạn ‘tố Cộng, diệt Cộng”. Số chịu ly khai thì bị giam ở Trại II.  Tất nhiên địch không phân hóa nổi ông Lê Tự Kình. Ông là một trong số 995 người kiên quyết chống ly khai - là tù nhân ở Trại I...

Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn, không phải cuộc đấu tranh nào của tù chính trị câu lưu Côn Đảo cũng hoàn toàn giành được thắng lợi. Điển hình như cuộc tuyệt thực 23 ngày của tù nhân Trại I (từ tháng 4 đến 8 năm 1964), mà ông Lê Tự Kình (trong tù tên Lê Kinh Đức) đã kiên quyết tuyệt thực, tuyệt ẩm đến ngày thứ 14 thì hy sinh. Khi ông hấp hối, địch được tin báo liền vào ngay phòng đưa ông ra, nhưng tên Trưởng trại I không cho chích thuốc lúc tim ông còn đập... Cùng ngày, có thêm ba người tù khác cũng hy sinh![1]

Có thể nói, ngay từ ngày đầu tiên và suốt những năm bị lưu đày nơi Côn Đảo, ông Lê Tự Kình đã xác định một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, bất chấp mọi cực hình khảo tra tàn bạo cả về thể chất lẫn tinh thần của địch - nhằm tiêu diệt sinh mạng chính trị của người cách mạng, người đảng viên; luôn làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh giữ vững khí tiết cộng sản chốn lao tù Côn Đảo; và cuối cùng thì hy sinh vào ngày thứ 14 (ngày 19/6/1964) của “cuộc tuyệt thực 23 ngày” có tiếng vang tại nơi đây.

Suốt những năm ông Lê Tự Kình bị địch bắt tù đày, vợ ông là bà Phan Thị Tảo ở quê nhà vừa tham gia công tác (Nông hội xã) vừa nuôi dạy năm con. Rồi bà cũng hy sinh trong một chuyến công tác, sau thời gian chồng mình hy sinh ngoài Côn Đảo. Và bà cũng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong các con, trừ hai người mất sớm, số còn lại đều nối gót cha mẹ làm cách mạng, trong đó có người con gái nguyên là nữ biệt động thành Sài Gòn. Hai người con trai là liệt sĩ, trong đó có Lê Tự Nhất Thống được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 1994).

Riêng ông Lê Tự Kình cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu này vào năm 2018. Dịp đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của người đảng viên tiền bối này, địa phương đã tổ chức khánh thành Nhà tưởng niệm gia đình ông Lê Tự Kình trên nền nhà cũ của gia đình ông (là cơ sở Đảng đầu tiên) ở xóm Rừng xưa (kinh phí xây dựng do Nhà nước và “xã hội hóa”).

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng (1930-2005) Lê Tự Nhất Thống làm liên lạc cho cách mạng ngay khi mới mười tuổi. Mười bốn tuổi vào du kích. Mười sáu tuổi vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam; được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn rồi làm Thường vụ xã đoàn, phụ trách công tác thiếu niên. Khi đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi ra đời thì Nhất Thống làm đội trưởng; kiêm Thôn đội trưởng thôn đội Thanh Quýt. Đã cùng đồng đội tổ chức 33 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 156 tên địch (trong đó có 42 tên lính Mỹ) - riêng anh đã tiêu diệt 74 tên (có 19 lính Mỹ), thu nhiều vũ khí, đạn dược...

Năm 1970, Lê Tự Nhất Thống được vào căn cứ dự Đại hội Thi đua quyết thắng. Tại đây, xã Điện Thắng được Quân khu V trao tặng Cờ quyết thắng. Riêng Nhất Thống được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngoài ra còn được tặng thưởng 1 Huy chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, 1 Huy chương Chiến công hạng Ba, 6 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ... Năm 1971, Nhất Thống được kết nạp vào Đảng khi vừa tròn mười bảy tuổi.

Các thế hệ tuổi trẻ Điện Thắng từ sau cuối tháng 4 năm 1975 đến nay đều có dịp học tập, cũng như họ tộc Lê Tự và đa số người dân vùng đất anh hùng nơi đây đều ngưỡng mộ, tự hào với những chiến công lừng lẫy của chàng trai Lê Tự Nhất Thống dũng cảm, thông minh, táo bạo trong chiến đấu chống giặc, và đã hy sinh khi tuổi mới mười bảy - đang hồi đẹp nhất (vào tối 7/10/1971).

Đồng đội anh, có người kể: Hôm ấy, nhận được tin địch chốt ở Gò Võ, anh đang là thôn đội trưởng du kích Thanh Quýt cùng hai người khác đi tìm đánh, không ngờ rơi vào ổ phục kích. Là người đi đầu, Nhất Thống trúng đạn bị thương nặng, bò vào một ngôi nhà và hy sinh, mọi người không hay biết. Địch lần theo vết máu tìm được, bắt dân khiêng thi thể anh đem phơi ở ngã ba Lò Sụp… Sau đó, anh được bà con bí mật đem chôn, rồi sau được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Với cách tiếp cận, lấy vũ khí địch khá táo bạo, tên tuổi anh vang xa, địch treo giải thưởng lớn… Một lần, thấy địch vào một nhà dân, canh lúc chúng sơ hở anh đã lấy được cả ba cây súng cùng lúc. Với các cương vị: thôn đội trưởng du kích, đội trưởng đội công tác Quyết tử, Nhất Thống đã tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ khiến địch hoang mang, rối loạn và thua liểng xiểng. Thiếu vũ khí, đội tích cực sử dụng mìn tự chế. Hãy nghe đồng đội anh kể về trận chiến đấu đã mang lại Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất cho anh như sau: “Trận ngày 15/11/1970, anh Thống phân công chúng tôi theo dõi đường hành quân của một tiểu đoàn lính Mỹ, rồi bố trí trận địa mìn, tiêu diệt cả một tiểu đội địch, thu nhiều súng ống…”.

Khi tôi đến, khu Nhà tưởng niệm gia đình ông Lê Tự Kình cổng khóa kín… Nay ngồi viết những dòng này, lần giở thêm nhiều tư liệu, tôi vẫn còn thòm thèm muốn có cơ hội mở ra cánh cổng kia. Để có thể tìm hiểu thêm về bà Phan Thị Tảo - vợ ông Lê Tự Kình; về người chị của ông (cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng); về người anh liệt sĩ Lê Tự Nhất Thống (nói riêng) và về tộc Lê Tự với truyền thống yêu nước và hiếu học...

Khi kết thúc Trại sáng tác Đà Nẵng vào một chiều nắng nóng gần 40 độ những tôi vẫn cảm thấy mình dịu mát trong giai điệu bài hát Người mẹ Quảng Nam (Doãn Nho) với những ca từ thật thiết tha. Mong cơ duyên lại đến, để tôi lại có cơ hội đi và viết về những vùng đất, con người trên quê hương ta. Một đất nước, một dân tộc trải qua nhiều mất mát, đau thương nhưng rất đỗi tự hào trong công cuộc chiến đấu chống xâm lăng, bảo vệ non sông gấm vóc của dải đất Việt Nam mang hình chữ S.

N.T.T.N

[1] Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975) từ thực tiễn nhìn lại (nhiều tác giả)