Người thay đổi đời tôi

01.08.2024
Lê Huân

Người thay đổi đời tôi

Đồng chí Võ Chí Công (thứ nhất, bên trái) với các đại biểu dự hội nghị Anh hùng chiến sĩ thi đua Khu V (1973). Ảnh tư liệu.

Tôi viết hồi ức về cuộc đời, sự nghiệp của bản thân mình khi đã bước sang tuổi 80. Sau 60 năm làm công tác sáng tác múa gắn bó với ngành nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam, người thay đổi đời tôi, giúp tôi định hướng sáng tạo làm nên những thành quả tác phẩm trên sân khấu múa chuyên nghiệp mà tôi luôn biết ơn, kính trọng đó chính là đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy, kiêm Bí thư Khu ủy Khu 5, tên thường gọi thân mật là Anh Năm - Anh Năm Công.

Năm Mậu Thân 1968, tôi khi ấy vừa tròn 24 tuổi, đang là giáo viên Ban nghiên cứu, sáng tác Trường Múa Việt Nam. Với sức trẻ và tinh thần nhiệt huyết được đầu quân vào chiến trường miền Nam nhân dịp Bộ Quốc phòng tổ chức một đoàn nghệ thuật bổ sung, chi viện cho Khu 5 với tên gọi Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung Bộ. Lúc ấy tôi đã viết đơn tình nguyện xin vào chiến trường, nguyện vọng của tôi được Tổng cục Chính trị chấp nhận. Cục tổ chức cán bộ đến làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Ban giám hiệu Trường Múa Việt Nam cử tôi đến với một điều kiện: cho tôi vào thực tế chiến trường một năm rồi ra Bắc sang Nga đi thực tập sinh sáng tác để xây dựng lâu dài, then chốt cho ngành nghệ thuật múa Việt Nam.

Tháng 4 năm 1968, tôi cùng đoàn hành quân vào tới chiến trường Khu 5 đúng lúc hoàn thành chiến dịch X1, chuyển sang kế hoạch tấn công X2. Ngay từ phút giây ban đầu, chúng tôi được vinh dự gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân Khu 5, lúc ấy đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư… và các đồng chí Đoàn Khuê, Bảy Hữu, các đồng chí lãnh đạo Khu 5 đang mong chờ chúng tôi tiếp lửa nghệ thuật cho chiến trường.

Ngay sau buổi gặp mặt, đoàn chúng tôi biểu diễn chương trình ra mắt, chương trình đã được xây dựng tại Hà Nội, trước lúc hành quân đi B (vào chiến trường Khu 5). Trong chương trình biểu diễn này chủ yếu là thể hiện khả năng nghệ thuật sẵn có của các nghệ sĩ đã được đào tạo, huấn luyện ở các đơn vị Học viện Âm nhạc quốc gia, khoa Thanh nhạc như nghệ sĩ đơn ca: Thanh Mai, Trà My, Quốc Huy; khoa Nhạc cụ: Bình Bảng (violon), Vũ Cúc (sáo flute), Thu Hồng (đàn thập lục) và nhạc sĩ Phạm Tân.

Ở Trường Múa Việt Nam ngoài tôi là giáo viên, biên đạo múa còn có những học sinh đã tốt nghiệp trung cấp hệ bảy năm như: Minh Phương, Lê Đông, Đoàn Hồng Minh.

Các đoàn nghệ thuật quân đội cũng chọn cử các nghệ sĩ tiêu biểu vào tham gia với chiến trường Đoàn Văn công Quân Khu 5 có Phan Ngạn, Phụng Tiếp, Xuân Hà, Truyền Sơn, Nguyễn Sáu, Minh Vân. Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc có Vũ Việt, Trung Tấn. Đoàn quân nhạc Bộ Quốc phòng có Lê Màng, Thế Nỹ. Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị và Nhà hát kịch Quân đội có đạo diễn Nguyễn Văn Tràm, biên đạo múa Bích Đào và Thúy Hợi…

Tất cả những nghệ sĩ, diễn viên trên ngoài vai trò xây dựng các tiết mục tập thể đều có khả năng độc diễn (solo). Hiểu rõ khả năng, trình độ nghệ thuật của chúng tôi được bổ sung cho chiến trường, đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể lãnh đạo Quân khu và Khu ủy rất vui mừng quý trọng đoàn. Ngay sau thời gian đầu tiếp xúc với thực tiễn của Quân khu 5 trên đất lửa anh hùng, đoàn chúng tôi đã xây dựng được chương trình nghệ thuật đầu tiên, trong đó có vở kịch dân ca khu 5 có tiêu đề Người mẹ Gò Nổi của tác giả Phan Ngạn, do nghệ sĩ Phụng Tiến thủ vai chính. Tôi sáng tác màn thơ múa Người anh hùng trên bãi cát Kỳ Anh, nhạc Phạm Tân do nghệ sĩ múa Lê Đồng đóng vai anh hùng Đồng Phước Huyến bị giặc tiện đứt cả hai chân vẫn lết trên cát vàng tung thủ pháo diệt xe tăng giặc Mỹ.

Chương trình nghệ thuật đầu tiên của chúng tôi xây dựng nên bằng tất cả cảm xúc của người nghệ sĩ bước vào chiến trường Khu 5, đóng góp tinh thần chiến đấu cho quân dân nơi tuyến lửa trong đợt tổng tấn công X2 cuối năm Mậu Thân 1968.

Một cảnh trong vở múa Đà Nẵng đất đồng long của NSND Lê Huân

Sau thành quả này, Anh Năm Công đến gặp gỡ, động viên đoàn, riêng những nghệ sĩ làm công tác sáng tác, anh tỏ ra rất thân thiện và quan tâm tới tình hình sức khỏe, tới bệnh sốt rét đang bắt đầu thử thách những người mới đến sống nơi gian khổ của chiến trường Khu 5. Anh chỉ thị cho Cục Chính trị Quân khu phải có riêng chế độ thuốc men cho văn công để có điều kiện phục vụ được lâu dài. Về mặt sáng tác, Bí thư Khu ủy yêu cầu định hướng cho chúng tôi phải sâu sát hơn nữa ý thức chính trị, phải nắm vững đường lối cách mạng, đường lối quân sự của Đảng. Người sáng tác phải có tầm hiểu biết như một ủy viên Trung ương Đảng, phải mang tâm hồn, tình cảm của người chiến sĩ yêu Tổ quốc, yêu nhân dân mới có thể có những tác phẩm hay, đi vào lòng người một cách sâu sắc. Anh chỉ đạo cho Quân khu sắp xếp chỗ cho chúng tôi ở gần Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và thân mật nói rằng: “Các cậu khi nào rảnh cứ qua trò chuyện với mình”. Có lần anh hỏi riêng tôi: “Nghe nói cậu chỉ được Bộ Văn hóa cho đi thực tế vào đây một năm thôi phải không?”. Tôi không dám giấu diếm mà báo cáo với anh về quyết định của Bộ Văn hóa và của Trường Múa Việt Nam đối với công việc đi thực tập sinh của tôi nhưng tôi cũng trình bày suy nghĩ cá nhân của tôi, được vào nơi chiến đấu, được sống, được nuôi dưỡng tri thức cách mạng, nuôi dũng cảm xúc sáng tạo là ước mơ của người sáng tác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không thể nào có được lần thứ hai trong cuộc đời mình. Tôi muốn được gắn bó lâu dài với mảnh đất Quân khu 5 này.

Anh Năm chăm chú nghe tôi nói xong liền bảo với tôi: “Chiến trường rất quý những nghệ sĩ trẻ, có khả năng, tâm huyết như cậu! Tháng sau ra họp với Trung ương tôi sẽ làm việc với Bộ Văn hóa để giữ cậu lại với Đoàn Văn công Giải phóng Khu 5. Yên tâm nhé!”.

Vậy là tôi đã đạt nguyện vọng và xác định quyết tâm đi theo con đường là một biên đạo múa trong đoàn văn công quân đội ở chiến trường. Tôi và đội ngũ sáng tác được lãnh đạo Quân khu và Quân ủy Khu 5 tạo mọi điều kiện để thâm nhập thực tế, được tham dự các hội nghị, hội thảo quan trọng. Được tiếp xúc với các anh hùng, chiến sĩ tiêu biểu của quân dân Khu 5. Nhờ vốn sống thực tế ấy mà chúng tôi trong suốt thời chống Mỹ từ năm 1968 đến năm 1975 đã sáng tác lên những tác phẩm như: vở kịch nói: Ba cha con của Phan Ngạn, ca khúc Sông Dakrong mùa xuân về của nhạc sĩ Tố Hải, tượng Dũng sĩ đâm lê của họa sĩ điêu khắc Tạ Quang Bạo, múa Anh nuôi say súngMài sắc đường lê của Lê Huân… những tác phẩm được dàn dựng ngay trên sân khấu chiến trường, được nhân dân, chiến sĩ và lãnh đạo yêu thích, ngưỡng mộ.

Riêng tôi, vốn sống tri thức cách mạng tiếp tục cho tôi những tư duy của sáng tạo tiếp tục cho ra đời những vở kịch múa như Ăng cor bất diệt, Người và ác thú, thơ múa Ngọn lửa Ba Tơ, kịch múa Một thời và mãi mãi… cũng như các sáng tác sau này về đề tài cách mạng.

Người thay đổi, định hướng cho cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật biên đạo múa của tôi chính là anh Năm Công - Anh Võ Chí công, Bí thư Khu ủy Khu 5 cùng các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Quân khu. Anh Năm Công còn kể cho chúng tôi nghe thời kỳ năm 1972, anh ra Bắc họp Trung ương, được xem các đoàn nghệ thuật Trung ương biểu diễn, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn có lần hỏi anh: “Đồng chí xem thế nào?”. Anh Năm Công trả lời luôn: “Không hay bằng Đoàn Văn công Giải phóng Trung Trung Bộ của chúng tôi”.

Ít năm sau đó với cương vị là Chủ tịch nước, anh là người ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang cho đoàn chúng tôi vì những thành tích sáng tác, biểu diễn, tiêu biểu trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

L.H