Có một cuộc cách mạng Tháng Tám trong thơ

01.08.2024
Đoàn Mạnh Tiến

Có một cuộc cách mạng Tháng Tám trong thơ

Cách mạng Tháng Tám thành công kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Bảy mươi chín năm trước đây, Cách mạng tháng Tám là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do. Với cảm xúc mãnh liệt, dâng trào, các nhà thơ đã viết về sự kiện lịch sử ấy với những câu thơ đầy ấn tượng.

Tố Hữu là nhà thơ đầu tiên viết về Cách mạng tháng Tám. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công, chỉ trong một thời gian ngắn, Tố Hữu đã có hai bài thơ viết về sự kiện trọng đại này là Huế tháng TámVui bất tuyệt. Bài Huế tháng Tám đã ghi lại những cảm xúc dâng trào của nhà thơ, và đây là hình ảnh Huế - quê hương ông trong những ngày lịch sử: “Hãy mở mắt: quanh Hoàng cung biển lửa/ Đã dâng lên ngập Huế đỏ cờ sao/ Mở mắt trông: Trời đất bốn phương chào/ Một dân tộc đã ào ào đứng dậy/ Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy”. Sự kiện chính trị trong thơ Tố Hữu không tồn tại dưới dạng lý trí khô khan mà bừng lên khí sắc, gây được niềm cảm hứng thực sự. Kể từ đây, đất nước là của ta, sông núi là của ta rồi, ta đã giành được độc lập, tự do. Niềm vui lớn của dân tộc vỡ oà, chói lọi, hình ảnh trong thơ hòa quyện với nhịp đập của trái tim, với nhịp điệu, lời thơ: “Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!/ Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/ Hả hê chưa? Ai bịt được hồn ta?/ Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà/ Ai dám cấm ta say, say thần thánh?” (Huế tháng Tám). Thời khắc lịch sử ấy là mạch nguồn cảm xúc lớn lao cho mọi người Việt Nam, kể từ nay, Cách mạng tháng Tám đã đổi đời cho cả dân tộc, niềm hạnh phúc thật là viên mãn: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời/ Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi?/ Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!/ Gió, gió ơi! Hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng, vàng bay đẹp quá, sao, sao ơi!/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi! Thiên đường! Tai miên man lắng nhạc…” (Huế tháng Tám). Trước sự thay đổi thần kỳ của cả dân tộc trong những tháng ngày lịch sử ấy, Tố Hữu đã thể hiện niềm vui vô tận của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong những hình ảnh đậm nét, lộng lẫy, trong những câu thơ sôi nổi, trẻ trung: “Vui quá đêm nay/ Ta nhảy, ta bay/ Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt/ Trống trong tim ta nhịp đập bồn chồn/ Hồn ta cháy sáng ngời trên ngọn đuốc/ Lòng ta múa lồng lên theo đám rước/ Ta xông lên trời với pháo thăng thiên/ Bay, bay lên! Hỡi đôi cánh thần tiên/ Đôi cánh mở của đất trời giải phóng” (Vui bất tuyệt).

Nhà thơ Thanh Hải cũng kịp thời ghi lại bằng thơ những giây phút chói ngời, thăng hoa của lòng người trong sự kiện vĩ đại ấy. Trong bài thơ Đứng trên Ngọ Môn, ông nhắc đến lầu Ngọ Môn (thuộc kinh thành Huế), nơi đây, Vua Bảo Đại đã thoái vị, nơi chứng kiến sự kết thúc vĩnh viễn của chính quyền phong kiến Việt Nam: “Đây là lầu Ngọ Môn/ Đây là vua Bảo Đại/ Đang đọc lời thoái vị/ Trước hàng vạn nhân dân/ Áo vàng, vành khăn úa/ Hết cuộc đời vua chúa”.

Và đây là không khí cách mạng ở Hà Nội được Lê Nam miêu tả trong Hà Nội tháng Tám năm 1945: “Hàng vạn người kéo về Bắc Bộ Phủ/ Quyết xông lên giành lấy chính quyền/ Không còn sống kiếp nô lệ nữa/ Toàn dân làm chủ cuộc đời mình”. Viết về Hà Nội, nhà thơ Huy Cận cũng trào dâng cảm xúc. Với trí tưởng tượng phong phú, ông đã khắc hoạ hình ảnh đẹp, tráng lệ của lá cờ đỏ sao vàng ở thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng 8/1945, mỗi đường phố Hà Nội thành những nhánh sông đỏ bóng cờ. Cả Thủ đô thành một lá cờ vĩ đại với năm cánh sao là năm cửa ô: “Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy/ Là những nhánh sông đỏ bóng cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô”.

Và như vậy là cảm hứng thơ ca đã có mặt trong những bài thơ về Cách mạng tháng Tám. Cả đất nước đã vùng lên, cả dân tộc đã đứng dậy với ý chí kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, ào ạt tiến công. Đây là những câu thơ hừng hực hào khí Việt Nam trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi: “Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà/ Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Các nhà thơ viết về Cách mạng tháng Tám bằng những câu thơ bừng bừng khí thế. Bản lĩnh và sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng tất cả: “Từ Hà Nội đến Huế, Sài Gòn/ Từ bản xa xôi đến xóm làng gần/ Sóng cuộn biểu tình dâng lên lớp lớp/ Đỏ rừng cờ nghĩa, trắng rừng gươm” (Xuân Thủy - Tổng khởi nghĩa). Trong những câu thơ trên, ta thấy cái cụ thể của từng hình ảnh, từng chi tiết đều có sức gợi, góp phần tạo nên bức tranh chân thực về Cách mạng tháng Tám và trong chiều sâu của hiện thực như đang trỗi dậy cả sức sống của dân tộc. Sức mạnh ấy, khí thế ấy cũng được thể hiện trong thơ Tố Hữu: “Tổng khởi nghĩa! Lệnh truyền đêm trước/ Rồi quân ta giải phóng Thái Nguyên/ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước/ Đứng lên ta giành lấy chính quyền” (Theo chân Bác).

Nhà thơ đã chào đón Cách mạng tháng Tám với tâm trạng hào hứng, sôi nổi: “Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp đất trời nước Việt/ Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/ Cách mạng tháng Tám thành công rồi! Ôi kiêu hãnh, tự hào thay! Độc lập, tự do từ đây vĩnh viễn” (Xuân Diệu - Ngọn quốc kỳ). Sau hơn 80 năm sống trong cảnh nô lệ, từ nay cuộc đời đã được đổi thay tận gốc: “Một sáng đầy cờ đỏ/ Bố về với súng gươm/ Mừng lau hàng lệ rơi/ Mắt mẹ tan mù sương/ Tám mươi năm bụi phủ/ Mưa rào trút sạch trơn” (Trần Huyền Trân - Cách mạng tháng Tám như cơn mưa lớn).

Nhà thơ Lê Đức Thọ đã khẳng định một cách hùng hồn tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám: “Cách mạng tháng Tám thành công/ Là tấm gương soi rực rỡ/ Cho các nước thuộc địa vùng lên khởi nghĩa/ Giành chính quyền về tay nhân dân/ Ôi! Việt Nam! Tấm gương đi đầu trên con đường giành tự do, độc lập” (Cách mạng tháng Tám). Với thắng lợi này, từ đây, Tổ quốc, nhân dân hân hoan bước vào chặng đường mới với tương lai tươi sáng: “Cách mạng tháng Tám chỉ trong hai mươi ngày/ Mà làm đổi thay tất cả/ Không còn nữa kiếp người nô lệ/ Toàn dân ta đã được đổi đời/ Đất nước từ nay tự do, độc lập/ Kìa! Tương lai rực rỡ, sáng ngời” (Sóng Hồng - Cách mạng mùa thu).

Như vậy là Cách mạng tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, đem đến nguồn cảm hứng mới cho thơ ca. Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua kể từ Cách mạng tháng Tám, giờ đây, đọc lại những vần thơ ấy, ta vẫn thấy hừng hực hào khí Việt Nam.

Đ.M.T