Trần Thị Cúc - Người anh hùng vùng cát cháy

01.08.2024
Vương Nhân

Trần Thị Cúc - Người anh hùng vùng cát cháy

Chị Trần Thị Cúc nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chúng tôi về Bình Dương, màu xanh đã phủ lên vùng cát cháy, nhưng đau thương một thời bom đạn vẫn còn nhói buốt trong lòng làm người trong cuộc cứ ngỡ như mới hôm qua… Vào phòng truyền thống, nhìn hiện vật chiến tranh và những tấm trướng ghi danh Bình Dương ba lần anh hùng. Ra nghĩa trang mắt chăm chăm vào bia ghi danh 1.347 liệt sĩ, 4.700 người - hơn hai phần ba dân số Bình Dương ngã xuống, gần 400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Năm mươi năm trôi qua, làm sao kết hết những câu chuyện thần kỳ về vùng cát cháy hay những con người một thời oanh liệt như chị Cúc, cô Nhờ, chị Nga… và bao người làm rạng danh vùng đất quê hương.

Nhà chị Cúc nằm ở đầu làng cây mộc, nơi nổng cát tiếp giáp với dòng sông Trường Giang. Gia đình chị sống bằng nghề ấp trứng vịt nổi tiếng một thời. Quân giặc càn quét vùng Đông, từ trảng Mểnh tràn vào, dựng chốt xóm nhà chị. Du kích bám theo bắn tỉa, giặc nghi ngờ gia đình chị che giấu cộng sản, chúng ra tay tàn sát cả nhà. Một cú sốc quá lớn, đau thương tan tác phủ lên đầu cô gái trẻ tuổi đôi mươi, lòng căm thù dâng cao tiếp thêm sức mạnh, chị hăng say đánh giặc. Đội du kích Bình Dương được tổ chức như lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp. Chị là nữ xã đội trưởng danh tiếng khắp vùng, tổ chức nhiều trận đánh dũng cảm kiên cường, gan lì, được nhân dân ngưỡng mộ, cấp trên tin tưởng.

Ngày 09/5/1969 nhà văn Chu Cẩm Phong về Bình Dương ghi lại: “Đi tìm mấy chiến sĩ du kích gái của xã, các cô bận túi bụi. Chiều lại gặp Cúc, xã đội phó, cô ta vừa bị thương một mảnh cối xuyên dưới xương quai xanh lọt nằm trong vai, cánh tay gần như bị liệt. Cúc mảnh dẻ và dịu hiền. Bọn Mỹ vừa tàn sát gia đình Cúc. Cha và mẹ Cúc vừa ở dưới hầm lên bị chúng bắn, chết gục ở miệng hầm. Người chị dâu và hai cháu nhỏ ở dưới hầm, chúng giật mìn chết, giờ chỉ còn hai anh em sống với nhau”.

Ba mươi năm sau, đạo diễn Hồ Trung Tú, Nguyễn Miên, Hồ Duy Lệ và tôi vào chợ Hà Lam tìm người con gái anh hùng của vùng cát. Giữa phiên chợ truyền thống, sạp hàng của chị Trần Thị Cúc chất đầy các loại trứng. Chúng tôi dừng lại đứng nhìn, chị tất bật với người mua, người bán, bất chợt nhận ra tôi - người em, người đồng đội trong thời đánh giặc ở Lạc Câu. Tôi vừa tới thì nhận ngay cái tát cưng của chị vào má với lời trách: “Mi đi mô mà biền biệt, gần 30 năm rồi còn gì”. Có ai hay Nguyễn Miên lặng lẽ lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ ấy để thành cảnh đẹp trong phim Lật lại Nhật ký Chu Cẩm Phong.

Chị em rủ nhau về Bình Dương, trở lại mảnh đất một thời ác liệt, gian nan vất vả. Trên đường vòng qua Tân An, Hà Bình, rừng dương xanh ngút ngàn, cành lá vươn ra như mái che suốt chặn đường. Nhìn sóng biển tràn lên bãi cát, tôi hạ gương cửa xe, gió ùa vào mát rượi. Đạo diễn Hồ Trung Tú muốn dừng xe để lấy một cảnh quay nơi này. Phía trước không xa có một chị từ rừng dương bước ra. Anh Hồ Duy Lệ dừng lại hỏi chuyện. Chị nói thời chiến tranh vùng đất này trống trắng, chỉ có du kích hoạt động. Anh Lệ chỉ tay vào chị Cúc rồi hỏi chị biết cô này không? Chị nói dạ biết, chị Cúc xã đội trưởng, hồi nớ vợ chồng tôi cũng là du kích ở đây.

Đi tiếp một đoạn đường, chị Cúc dẫn chúng tôi ghé vào thăm mẹ Chiến. Nhìn mẹ già đang ngồi bệt ở hiên nhà nhai trầu, chị Cúc sà xuống ngồi bên cạnh. Mẹ ơi! Mẹ còn nhớ con không, mẹ già nheo mắt nhìn trực diện. Con là Cúc đây! Như nhận ra rồi, mẹ đưa tay ôm quàng lấy chị như ôm đứa con yêu quý của mẹ vào lòng. Mẹ cười nhưng nước mắt lại tràn ra, nước mắt dành cho những người đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất này trong đó có đứa con gái cưng của mẹ, là đôi bạn thân của chị. Chị Cúc lặng thinh, vòng hai tay ôm chặt mẹ, hai mẹ con cười trong nước mắt, mấy anh em chúng tôi cũng bịn rịn nghẹn ngào. Người dân vùng này từng chứng kiến một xã đội trưởng Trần Thị Cúc đánh giặc dũng cảm, mưu trí, gan lì,... được đồng đội tin yêu, nhân dân che chở đùm bọc, sống với nhau như con một nhà. Rời nhà mẹ Chiến, anh Lệ lại kể: “Chiến tranh đi qua, tôi từng chứng kiến những đồng đội năm xưa gặp lại nhau tràn đầy cảm xúc, họ đã ôm chầm lấy nhau mà tỉ tê, hả hê trò chuyện, điểm tên người còn, người mất cho tới khi không cầm được nước mắt, khóc òa...”.

Trời sắp tròn bóng nắng, chúng tôi ghé thăm nhà mẹ Nhạn. Người mẹ Bình Dương sống một mình thui thủi trong mái nhà nhỏ che mưa nắng. Mẹ ngồi trên cái chõng tre đã cũ, mải miết lau chùi mấy tấm huy chương như để nhớ lại từng chiến công mà một thời gia đình mẹ âm thầm đóng góp. Mẹ nói: “Thời ấy người ta cứ thắc mắc nhà chỉ một mình sao mẹ lại trồng khoai nhiều thế. Ừ, thì trồng để nuôi mình và nuôi du kích, vùng cát này chỉ có cát, nắng, khoai lang... và tinh thần cách mạng...”.

Lần theo những dòng nhật ký Chu Cẩm Phong, chúng tôi hăng hái vòng vèo trên vùng cát, mọi người đi không biết mệt. Quá trưa chúng tôi tới thôn đầu mút của xã, về nhà chị Lạng. Trước sân cây mai tứ quý vẫn còn mấy bông hoa màu vàng, nơi Chu Cẩm Phong ngồi viết: “Thứ ba ngày 7 tháng 1 năm 69: Chiều hôm qua họp với xã ủy, các đồng chí bố trí về thôn 1, thôn đầu mút của xã. Trưa nay mình về ở nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ. Đây là một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà vẫn nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng tham gia công tác kháng chiến tích cực, mình nghe bà con làng xóm thương tiếc: Nhà đó mới là nhà cách mạng toàn gia. Bà không có ai bì, đấu tranh sản xuất chi cũng hì…”.

Chị Trần Thị Cúc thắp hương tại di tích lịch sử Trảng Tràm

Trần Thị Cúc, Hồ Duy Lệ, Phan Đức Nhạn những con người trong Nhật ký Chu Cẩm Phong trở thành nhân vật trong phim Dở lại Nhật ký chiến tranh của đạo diễn Hồ Trung Tú được người xem đón nhận và chia sẻ, bộ phim được trao mấy giải thưởng, đặc biệt là giải huy chương Vàng của điện ảnh Việt Nam. Sau lần ấy tôi và chị Cúc hay gặp nhau. Trong căn nhà cũ kĩ, nằm lùi sâu vào bên trong, phía trước là sân vườn cây cảnh, hằng ngày chồng chị - anh thương binh Võ Viết Thắng vốn trước đây là Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng cơ quan an ninh huyện Thăng Bình ngày ngày chịu khó tỉa tót, say sưa uốn nắn vừa phù hợp sức khỏe cũng là vui thú điền viên của lớp người lớn tuổi. Trên mặt trận kinh tế, anh chị là chiến sĩ tiên phong, là tấm gương ở thời kỳ đầu trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế. Chị chọn thương mại dịch vụ để có cơ hội làm giàu, thực hiện ý tưởng xưa phi thương bất phú trên vùng đất cát trắng Hương An. Hai vợ chồng thương binh nuôi bốn đứa con ăn học tới nơi tới chốn, đứa con gái đầu nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình. Tôi nghe nhiều nhà văn, nhà báo tới tận nhà tìm chị hỏi chuyện. Với chị, nói về đề tài chiến tranh thì lúc nào cũng được, nhưng xin chị một cuộc hẹn để lên hình phát sóng thì chị lại không ưng, lý do đơn giản là sức khỏe chừ yếu lắm, hay đau ốm chị sợ nằm xuống lại hành chồng con. Biết vậy, khi quay bộ phim Sắc xanh vườn mẹ tôi nhờ anh Thắng chồng chị động viên để chị chịu ra quay cảnh ngoài thực địa trời nắng nóng ở quê. Lời lẽ chị mộc mạc, một câu nói về mình thì phải ba bốn câu nói về đồng đội, về nhân dân. Mình chiến đấu cũng là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất mẹ, bảo vệ giá trị cuộc sống mà dân mình hiển nhiên được thụ hưởng.

 Khi hòa bình anh chị đã thôi cầm súng, trở về làm dân, làm người lao động trực tiếp tham gia kiến tạo cuộc sống mới. Sức khỏe và tuổi xuân chị để lại chiến trường với nhiều vết thương đau nhói mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng tinh thần vẫn hào sảng như thời đánh giặc, người nữ anh hùng vùng cát xã đội trưởng Trần Thị Cúc là vậy. Người Bình Dương là vậy, một nắng hai sương, oằn mình chống chọi với nắng mưa khốc khát. Thi gan đọ sức với lửa đạn quân thù, cát thấm máu, bầm gan tím ruột, lớp lớp người cứ xông lên, xông lên ở thế trận hàng đầu, một lòng tin tưởng vào tương lai tươi đẹp… Lớp cháu con còn đi tiếp, kể tiếp những câu chuyện như sử thi, như thần thoại về đất và người Bình Dương cho hôm nay và cả mai sau.

V.N