Đọc một tập thơ thêm nhớ một bài thơ

01.08.2024
Nguyễn Thị Lan

Đọc một tập thơ thêm nhớ một bài thơ

Bìa tập thơ Ngôi nhà có cầu thang cũ, (NXB Hội Nhà văn 2024).

uộc sống có những điều thật thú vị: nhiều khi đọc thơ của người này lại nhớ đến thơ của người khác. Bởi nhiều lẽ. Ở bài viết này là thơ của hai người có mối lương duyên với nhau đã ngót nửa thế kỷ: nhà thơ Bùi Công Minh và nhà thơ Ngô Liên Hương.

1. Trước hết là tập thơ của nhà thơ Ngô Liên Hương - hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng.

Ngô Liên Hương đã có nhiều thơ văn, nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí, chuyên san của trung ương và địa phương. Là nhà thơ, chị cũng đã kinh qua giảng dạy, làm báo, nghiên cứu, sáng tác và quản lý.

Làm thơ từ lâu, đã có hai tập thơ in chung, mùa xuân này khi bước vào tuổi thất thập, Ngô Liên Hương cho ra đời tập thơ thứ ba và là tập thơ in riêng của mình: Ngôi nhà có cầu thang cũ, (NXB Hội Nhà văn 2024), gồm 46 bài. Điều này đủ thấy tác giả cẩn trọng và “khó tính” khi tự “biên tập” thơ của mình thế nào. Tôi đã đọc chậm từng bài thơ và bồi hồi đầy xúc cảm. Mỗi bài thơ như gặp tâm hồn của người bạn đồng môn đại học với những “mảnh tình riêng” lặng thầm mà bấy lâu nay mình chưa biết.

Ấn tượng đầu tiên là thơ Ngô Liên Hương chân thành, tinh tế và sâu sắc. Hồn thơ chị thật rộng mở, trẻ trung đầy nữ tính.

Có cảm giác thơ đến với người thơ thật tự nhiên. Chị viết như một sự trải lòng về cuộc sống, về những vùng đất mà chị đã đi qua, đã trải nghiệm. Một “Đêm xuân Bà Nà” huyền ảo với “ngây ngất hương trời”; “Một thoáng xuân Mộc Châu” - vùng đất “mãi bình yên”, “trong lành”, “đắm say”, “bịn rịn”; một “Chợ quê” thật quê kiểng mà thân thương với: “Rau khoai đỗ lạc rộn ràng bán mua”; một làng cổ Đường Lâm phiêu linh với “những mảng tường đá ong lưu niên bền bỉ/ âm vang dấu tích ngàn đời phong hóa tự nhiên…bóng dáng xưa quần tụ”; và một Tây Nguyên mùa lũ trong “Chiều nghĩa trang Sa Thầy”. Rồi những vùng ngoài dải đất hình chữ S, nơi người thơ từng đặt chân: một đất nước bên bờ Tây đại dương với “mây trắng” “trời xanh” “nắng mật ong trải vàng” và những “con sóng ánh kim cương” hay du dương mê đắm bởi “sóng nhạc” cùng “vũ điệu” (Giai điệu mùa hè La Habana); một ngoại ô Phnom Penh (1984) đã phục sinh, bình yên như chưa từng đau thương, chết chóc: “Nắng sớm rực những mái nhà cao thấp/ Tán thốt nốt tròn đung đưa bóng mát/ Nhịp tay nâng những âm thanh bình yên” (Anh bộ đội và bài ca hòa bình). Những trải nghiệm và cả những chiêm nghiệm ấy đã làm “giàu” thêm những trang thơ của chị.

Rồi những con người từng gặp đã để lại trong trái tim chị biết bao niềm trắc ẩn: một ông già bán chổi, một người thợ giày trong hẻm nhỏ, một người đàn bà trú mưa với bao nỗi nhớ về một thời dĩ vãng, một sự chờ đợi đến hoang hoải của người đàn bà trong “Vọng phu” hay tràn đầy hy vọng trong “Bao giờ cho đến tháng mười mười”... Rồi thiên nhiên bốn mùa trong sự đổi thay của trời đất. Rồi quê mình, quê chồng. Rồi những nghĩ suy về nhân sinh, về những người thân yêu, quan trọng nhất của cuộc đời: cha mẹ một đời nhẫn nại hy sinh, người bạn đời tri kỷ, các con cháu, các chị em… Dù viết về đối tượng nào, thơ của Ngô Liên Hương cũng chất chứa yêu thương từ một trái tim ấm áp, đa cảm, nhạy cảm.

Tuy nhiên, ấn tượng sâu đậm hơn cả là những câu thơ, bài thơ Ngô Liên Hương viết về ký ức, hoài niệm.

Trong “Lời thưa” đầu sách, tác giả giãi bày: “Tập thơ như một lời cảm ơn cuộc sống, một sự trải lòng thấm thía của một cuộc đời đã đi qua gần ba phần tư thế kỷ”. Càng về cuối tập thơ, khi đã bước sang mùa thu của cuộc đời, người thơ càng hay “nhìn lại” hơn là “nhìn tới”, thi phẩm càng nhiều những “nỗi nhớ lặng thầm” mà tác giả đã “cất giữ nơi sâu thẳm trái tim”.
Người đọc dễ bắt gặp những hình ảnh của: ngôi nhà cổ, phố cổ, mái vòm phong rêu cũ, ngôi nhà có cầu thang cũ; rồi: vườn xưa lối mòn, dấu xưa, lối xưa… rất nhiều những cổ, xưa. Tuy nhiên, tất cả những nơi xưa cũ ấy dù có gợi trong lòng người những bâng khuâng hoài niệm, những nhớ thương dai dẳng, những thèm được thấy, những khao khát trở lại và cả những thoảng buồn nhưng cũng thật dịu dàng, ấm áp, bình yên; cũng thật đẹp, thật rực rỡ như “cầu vồng bảy sắc sau mưa”, như “dòng sông tím nơi cuối ngày rực rỡ”. Cảnh cũ, người xưa với người thơ thật thân thiết, đáng yêu, đáng nhớ. Không phải ngẫu nhiên mà suốt cả tập thơ ta dễ gặp những từ biểu hiện trạng thái tâm cảm: run rẩy, lặng thầm, trăn trở, chông chênh, bàng hoàng, thảng thốt, ám ảnh, bồi hồi và khao khát. Như một lẽ tự nhiên, khi quỹ thời gian càng hạn hẹp người ta càng khao khát và càng thấm thía giá trị cuộc sống.

Trong cuộc tìm về ký ức, tìm lại chính mình từ những năm tháng xa xưa ấy, có lẽ hai bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là bài “Ngôi nhà có cầu thang cũ” và “Cuối thu”.

Bài “Ngôi nhà có cầu thang cũ” là cuộc tìm về những ký ức xưa của tác giả. Ở đó, có tuổi thơ và tuổi thanh xuân của chị; có bao kỷ niệm ngọt ngào, ấm áp, bao yêu thương mà giờ đây chỉ còn là những nhớ thương. Trở về, người thơ đã: “bước lên bậc thang cũ sờn bằng ký ức” “mỗi chiếu nghỉ một tế bào nương náu”. Ở “những chiếu nghỉ im lìm”/ những ổ khóa lặng thinh” ấy gợi nhớ “những gương mặt thân quen còn mất… đâu đây”. Mỗi căn phòng là bao kỷ niệm về một thời gian khó. Lần theo những bậc cầu thang của ngôi nhà xưa “ấp mặt vào tay vịn cầu thang”, người viết như tựa vào lòng mình, cảm nhận lại những yêu thương của một thời đã xa, và chị “chợt thấy tim mình ấm lại” “muốn thắp lên đó một trời ánh sáng”. Trở về ngôi nhà kỷ niệm, nhân vật trữ tình như được lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Chính vì vậy, Ngôi nhà có cầu thang cũ mãi mãi là cổ tích trong lòng người xa quê.

Bài “Cuối thu” ở gần cuối tập thơ cũng một niềm bâng khuâng, hoài cảm như thế. Ở bài thơ có cả mùa thu của đất trời và mùa thu của lòng người “Mùa thu ơi mùa thu/ Bước chân mềm thảm lá/ Rẽ cỏ tìm lối xưa/ Một khoảng trời xa lạ/ Ta đi cùng mùa thu/ Mong gặp thời trẻ dại/ Lá rơi động thinh không/ Chạm tim ta … đau mãi/ Mùa thu ơi ngoảnh lại/ Cho ta chút nắng vàng/ Chút hương thầm dĩ vãng/ Cùng chuyến đò sang ngang”. Những câu thơ Đẹp và Buồn với rất nhiều nhớ thương, tiếc nuối ấy đã chạm đến trái tim người đọc. Và những nỗi “đau mãi” của nhân vật trữ tình đã để lại “dư ba” trong lòng người yêu thơ.

2. Thi phẩm mà người viết bài này nhớ đến khi đọc tập thơ Ngôi nhà có cầu thang cũ là bài thơ “Ngày và đêm” của nhà thơ Bùi Công Minh, chồng nhà thơ Ngô Liên Hương - người mà trong tập thơ chị gọi là “anh” với tình cảm thắm thiết, sâu nặng, ngọt ngào và lãng mạn như thuở ban đầu, dẫu họ đã bên nhau nửa thế kỷ có lẻ.

Nhà thơ Bùi Công Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên cán bộ giảng dạy khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1968. Năm 1975, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn cuối quyết liệt anh nhập ngũ, là bộ đội ra đa thuộc quân chủng phòng không quân.

Cho đến nay, Bùi Công Minh đã cho ra đời 5 tập thơ trong đó có 1 tập in chung nhưng bài thơ “Ngày và đêm” được anh viết năm 21 tuổi (1968) lúc ấy anh vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, được in trên báo Nhân dân (20/11/1969) và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát “Hành khúc ngày và đêm” (1972) là bài thơ được độc giả nhớ đến và yêu mến hơn cả.

Bùi Công Minh làm bài thơ trong cảm hứng chung của thời đại, đó là tình yêu lứa đôi hậu phương - tiền tuyến, với hai hình tượng điển hình lúc bấy giờ là anh bộ đội (cụ thể là người lính pháo binh) và cô giáo. Sau này, bài thơ lại vận vào chính cuộc đời anh (vợ anh - Ngô Liên Hương cũng là cô giáo). Anh chị gặp nhau tại khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, khi đó anh vừa được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, còn chị vừa bỡ ngỡ trở thành sinh viên năm thứ nhất. Anh xem đó là bài thơ tặng tình yêu của chính mình.

Lời thơ và cũng là ca từ của bài hát thật lãng mạn, hào hùng. Bài thơ mở đầu bằng sự xa cách, khoảng cách: “Rất dài và rất xa” nhưng: “Ngày và đêm xa nhau/ Đâu chỉ dài và nhớ/ Thời gian trong cách trở/ Vẫn cháy ngời tình yêu/ Pháo anh trên đồi cao/ Nã vào đầu giặc Mĩ/ Bục giảng dưới hầm sâu/ Em cũng là chiến sĩ/ Cái chết cúi gục đầu/ Cuộc đời xanh tươi trẻ…”. Đó là tình yêu của tuổi trẻ những năm tháng đánh Mĩ.

Hơn 50 năm bài thơ ra đời và được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu chắp cánh phần nhạc, người ta yêu hơn vẻ đẹp lý tưởng tỏa ra từ bản tình ca mà tác giả đã viết bằng cả tấm lòng và sự nhiệt thành của tuổi trẻ trong những ngày sục sôi đánh Mỹ. Bản tình ca hùng tráng và lãng mạn của một thời ấy không chỉ làm xúc động tuổi trẻ thế hệ đánh Mỹ mà cả thế hệ tuổi trẻ hôm nay. Cùng với bài hát “Hành khúc ngày và đêm”, bài thơ “Ngày và đêm” của nhà thơ Bùi Công Minh sẽ đi cùng năm tháng. Đó là hạnh phúc không dễ gì có được của người viết.

3. Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng này thì nhận được tin nhắn của Ngô Liên Hương: “Hai vợ chồng mình đều đã và đang phác thảo cho những ấn phẩm mới. Bọn mình làm việc miệt mài nhưng không áp lực, rảnh rỗi lại rong ruổi các vùng miền bằng mọi phương tiện. Cả hai thường nói với nhau là đi để làm mới tâm - thân - ý, tiếp nhận năng lượng tích cực của cuộc sống”. Mừng cho đôi bạn trăm năm khi đã vào tuổi “cổ lai hy” mà tâm hồn, trí tuệ, năng lượng sáng tạo vẫn còn dồi dào và trẻ trung đến thế…

N.T.L