Dịch giả Lê Bá Thự nối những nhịp cầu văn học

01.08.2024
Ngô Đức Hành

Dịch giả Lê Bá Thự nối những nhịp cầu văn học

Chân dung dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự

Áp Tết Giáp Thìn 2024, dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự gọi điện thoại cho tôi: “Cậu sang nhà mình nhé?”. Bụng nghĩ chắc, nhà văn có thêm tác phẩm mới. Đúng như dự đoán, Lê Bá Thự tặng tôi hai tập Lê Bá Thự tiểu luận và phê bình văn học Lê Bá Thự tác phẩm và dư luận. Sách còn thơm mùi mực in, cả hai tập gần 1.000 trang in. Bìa của hai tập sách được họa sĩ đang “lên tay” Trần Thắng vẽ nên càng sang trọng.

Tôi nhớ, năm 2016, nhà văn Lê Bá Thự đã in hai tập Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết, tổng số hơn 700 trang in. Khổ sách lớn vì dung lượng tác phẩm đồ sộ. Năm 2022, ông in Tôi và làng tôi cũng hơn 400 trang, gây tiếng vang. Với một nhà văn tuổi Nhâm Ngọ, sức viết còn như ông, đầu óc còn mẫn tiệp, trái tim còn biết run lên trước vẻ đẹp như Lê Bá Thự, phải nói là “trời cho”.

Nhà văn Lê Bá Thự quê gốc ở làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tôi có cơ duyên, cùng tham gia trong Hội đồng cố vấn của Thời báo Văn học nghệ thuật với ông và đôi lần được Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội cho phép tham gia “Hành trình về nguồn” với anh chị em văn nghệ sỹ gốc Thanh tại Hà Nội nên hay được nghe ông “nhỏ to” chuyện đời, chuyện nghề.

Năm 1960, cậu học trò Lê Bá Thự rời làng Nguyệt Lãng lên thị xã Thanh Hóa (bây giờ là thành phố) để “gia nhập” trường cấp 3 danh giá mang tên “Chuyên Lam Sơn”. Thời đó, học sinh “nhà quê” thường nhút nhát, nhưng ba năm học phổ thông thì hai năm ông được bầu làm Bí thư Đoàn trường. Được “giao nhiệm vụ” thế, hẳn là phải học giỏi, được thầy cô tin tưởng.

Làng Nguyệt Lãng, Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, cách thị xã Thanh Hóa, theo quốc lộ 45 gần 20km nên trở thành nỗi nhớ nhung trong trái tim cậu học trò Lê Bá Thự từ đó. “Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức. Làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc... đang chăn bò trên cánh đồng làng... Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này, qua năm khác”.

Học xuất sắc, Lê Bá Thự được Nhà nước cử sang Warsawa, thủ đô Cộng hòa Ba Lan học Đại học Bách khoa và trở thành Thạc sỹ ở ngôi trường danh giá này. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp, chàng Thạc sỹ Lê Bá Thự về nước làm giảng viên của Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội.

Năm 1973, Lê Bá Thự chuyển ngành sang công tác tại Bộ Ngoại giao. Năm 1996, ông trở lại Ba Lan với cương vị Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan. Như vậy, “tuổi Ngọ” vận vào người ông. Vì thế, mà phải “rong ruổi” chăng? Năm 2000, nhà ngoại giao Lê Bá Thự rời Ba Lan về nước, tiếp tục công tác trong ngành Ngoại giao cho đến lúc nghỉ hưu. Cho đến nay, ông vẫn là Ủy viên, tham gia Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan. Có lần ông chia sẻ việc “bị” văn học quyến rũ: “Công tác trong ngành Ngoại giao, nhưng trong tôi luôn hừng hực đam mê văn học. Tôi luôn luôn nghĩ, phải trở lại con đường văn học, và dịch thuật là con đường khả dĩ nhất để thực hiện khát khao này”.

Lê Bá Thự kể rằng, quãng thời gian du học, từ 1964 - 1970, toàn bộ học bổng sau khi chi cho sinh hoạt, còn lại ông dùng mua sách. “Gia tài” những năm tháng làm Bí thư sứ quán Việt Nam tại Ba Lan của ông toàn sách. Năm 2013, khi trở lại Ba Lan tham dự Đại hội Dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ II, Lê Bá Thự còn tranh thủ thời gian lang thang ở các hiệu sách lớn ở Warszawa và mua được 30 cuốn sách, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ. Ông chọn ngay tiểu thuyết Hy vọng của nữ nhà văn đương đại nổi tiếng Ba Lan, Katarzyna Michalak, để dịch ra tiếng Việt. Và bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của ông đã được tặng Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014.

Tác phẩm của dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự

Bước vào văn chương bằng con đường dịch thuật, đến nay Lê Bá Thự đã là tác giả của trên 30 bộ sách dịch, trong đó có 11 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, 3 tập sách thiếu nhi và 1 tập thơ… Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận phê bình và sáng tác thơ.

Nhờ những đóng góp cho văn học, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, đưa văn học Ba Lan đến với độc giả Việt Nam, nhà văn Lê Bá Thự đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội về dịch thuật, dành cho các bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa của nhà văn Dorota Terakowska (năm 2010), và Hy vọng của nhà văn Katarzyna Michalak (năm 2014). Với uy tín dịch thuật của mình, nhà văn Lê Bá Thự ba lần được mời tham dự Đại hội Dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới (2005, 2013 và 2017), tổ chức tại cố đô Krakow. Tại đây, Lê Bá Thự đã được giao lưu với nhiều dịch giả hàng đầu của nhiều quốc gia, đặc biệt ông đã được tiếp xúc với nữ nhà thơ Wislawa Szymborska (Nobel văn học năm 1996) và nữ nhà văn Olga Tokarczuk (Nobel văn học 2018).

Những đóng góp bền bỉ của Lê Bá Thự trong việc “bắc cầu văn học” trong quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan đã giúp ông hai lần được nhận Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan trao tặng năm 2012 và 2017. Trong ngôi nhà khiêm nhường của ông ở làng Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội), ngay chính giữa phòng khách, ông treo trang trọng bức ảnh Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda trao Huân chương Công trạng cho mình. Đó không chỉ là sự vinh danh. Đó là niềm tự hào thánh thiện.

Ngoài ra, ông còn giành được một số giải thưởng khác, như: Giải thưởng cuộc thi thơ của Báo Người Hà Nội (1999 - 2000), Giải thưởng cuộc thi viết của Báo Tiền Phong (năm 2002); Giải Nhì cuộc thi viết “Ký ức Tết trong tôi” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức (năm 2020)…

Tôi từng đọc hai tập Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết và nay là Lê Bá Thự tác phẩm và dư luận mới thấy khả năng sử dụng nhuần nhuyễn và tinh tế ngôn ngữ Ba Lan và Việt Nam. Tâm hồn Lê Bá Thự gần như cùng được tắm mình trong văn hóa Việt Nam và văn hóa Ba Lan.

“Đọc Lê Bá Thự từ những tập truyện, tiểu thuyết, thơ mà ông dịch, tôi khẳng định ông là dịch giả giỏi trong tư duy nhà văn. Không phải nhà văn sáng tác nhưng ông sáng tạo bằng ngôn ngữ tiếng Việt với những trải nghiệm từ phông văn hóa rộng”, nhà thơ Vi Thùy Linh nhận xét.

Nhà văn Lê Bá Thự là người đau đáu với vấn đề dịch thuật văn học. Một số người vẫn thường nói, dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Theo nhà văn Lê Bá Thự: “Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Để trở thành một dịch giả văn học người dịch phải giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, có phông văn hóa rộng”.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Lê Bá Thự là một trong những dịch giả hội tụ đầy đủ những phẩm chất và điều kiện cần thiết cho một dịch giả”. Chính Lê Bá Thự đưa ra khái niệm và thông điệp: “Phải chọn đúng và trúng sách để dịch” và “Tiêu chí của dịch văn học là: đúng và hay”. Đội ngũ dịch thuật ngày càng có “tín hiệu tích cực” nhưng cũng không ít nỗi lo. Theo nhà văn Lê Bá Thự, nhân lực dịch thuật cũng phải chất lượng cao. “Để có được một đội ngũ như vậy chúng ta phải có quốc sách thích hợp, phải có chiến lược lâu dài, phải nhìn xa thấy rộng và phải đầu tư. Nhà nước ta cần tăng cường việc đào tạo sinh viên nước ngoài tại các trường đại học”. Cũng theo nhà văn Lê Bá Thự, không nhất thiết đội ngũ dịch thuật phải học văn, mà có thể học bất kỳ ngành nghề nào. Ông vẫn hy vọng và chờ đợi, rằng sẽ có ngày văn học Việt Nam ào ạt ra nước ngoài, như văn học nước ngoài đã và đang ào ạt vào Việt Nam.

N.Đ.H