Từ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình Quang
Sau cặp kính, ẩn hiện đôi mắt hóm hỉnh. Nụ cười hiền. Nhìn đôi mắt, nhận nụ cười, ta nhận biết tính cách nhân hậu của con người ấy. Đi - học - đọc - viết. Đến và sống ở những nơi tiên tiến, tìm hiểu, viết, lo dàn dựng đến khi nhạc phẩm hoàn chỉnh. Rất nhiệt tình với Tiếng hát Hoa phượng đỏ, lại phóng khoáng, yêu thiên nhiên, anh thường đến với núi rừng, những miền đất quê hương để viết và dàn dựng. Không đòi hỏi gì, cho dù là nơi “đặt hàng” của mình. Anh là Nguyễn Duy Khoái, có tác phẩm đầu tay ở tuổi 18, hát trong một đêm họp mặt với bạn bè và các chị buôn bán nhỏ ở Đà Nẵng, đấu tranh chống Mỹ:
Dù ta đã lớn lên trong bom đạn, trong lửa hờn,
trong đêm dài bóng tối mênh mông
Dù ta đã lớn lên trong ngục tù, trong hận thù
Giữa bầy thú đang mang mặt người
Nhưng anh chị em ơi: Mặt trời sẽ đến xua đêm dài.
... ( Trích Trong mưa bom mặt trời
sẽ đến. 1971 *)
Đòn tra tấn, trại giam sẵn sàng đón nhận, không nao núng, anh hát tiếp:
Khi đất nước đang còn khổ đau, khi nhân dân đang còn cơ cầu
Sao ta lại mãi cúi đầu nghe kinh, khi trái tim ngủ quên
Thanh niên ơi! Sinh viên ơi! Đồng bào ta đang gọi đó!
( Trích Xuống đường giành lấy
mùa xuân 1972 *)
Bấy giờ, anh hoạt động trong Tổng Đoàn Học Sinh Đà Nẵng. Tháng 5 năm 1972, tổ chức này bị khủng bố, hầu hết anh em đều vương chốn lao tù hay thoát ly lên núi. Tập thơ văn nhạc Tiếng Gọi Học Sinh bị tịch thu. Trong tập này, có 1 ca khúc, 2 bài thơ, một bút ký của Nguyễn Duy Khoái.
Những năm tháng chống Mỹ, tiếng hát của anh là tiếng hát những người đi tới *
Ở khoảng thời gian này, ca khúc của Nguyễn Duy Khoái, cũng như hầu hết các ca khúc của lứa tuổi trẻ đấu tranh, còn non nớt về kỹ thuật, nhưng đã biết kế thừa có tính sáng tạo tính chất dân tộc, màu sắc dân gian, và luôn mang ngọn lửa hào hùng của tuổi đấu tranh.
Ngày 30/4/1975, cùng với nhân dân, anh đạt đến ước mơ.
Tâm hồn anh hòa nhập không e dè, ngượng ngập, vào việc xóa vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước và đời sống của nhân dân.
Cuộc sống riêng của anh đôi lúc vướng vấp khó khăn, tưởng chừng không vượt qua nổi. Vào Sài Gòn, bạn bè của lứa tuổi non trẻ sáng tạo quây quần giúp đỡ. Giai điệu vẫn trong sáng, yêu đời. Về lại đất Quảng, thành phố Đà Nẵng, trong vòng tay anh em thời hát cho đồng bào tôi nghe và những người viết trẻ về từ vùng chiến đấu, tiếp tục viết.
Phải học để viết chắc tay hơn, anh siêng năng học hỏi. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành sáng tác, rồi được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nguyễn Duy Khoái càng vững tin và chững chạc trên con đường sáng tác. Những ca khúc trữ tình hay hùng tráng, sâu lắng hay sôi nổi, đều thể hiện bản sắc riêng của tác giả. Khi trái tim vẫn hồng, Lời ru, Tìm trăng, Bâng khuâng Bà Nà, Bên sông Hàn, Đêm hội phố Hoài, Hồn đá quê tôi...
Là người con núi Ngự sông Hương, trong nỗi nhớ thương quê mình, anh hát :
Có phải là mơ không, chiều nay tôi về lại?
Đặt trái tim mình giữa lòng phố Huế yêu thương
Năm xưa ai hát: “Không - vô, trong - nội , nhớ - hoài”
Chừ tôi yêu Huế, tương tư đã mấy mươi mùa ...
(Trích Tương tư Huế )
Và với Đà Nẵng, thành phố đã cho anh lớn lên, trưởng thành:
Có một thành phố, khi vừa đến
Tôi đã biết, biết yêu thương hoài
Có một tình yêu, nói chưa nên lời
Mà tôi đã biết sẽ yêu trọn đời
Dẫu ngày đầu em ngoảnh mặt làm ngơ
Dấu nghiêng nghiêng nụ cười mười sáu
Em sông Hàn còn anh núi Ngự
Dẫu yêu nhau anh xin chọn nơi này.
(Trích Tình ca phố)
Những ca khúc Nguyễn Duy Khoái viết tặng từng vùng đất của quê hương xứ Quảng đã trở thành “địa phương ca”, sống thân thiết trong lòng bà con: Bâng khuâng Bà Nà - Hồn đá quê tôi - Bên sông Hàn - Đà Nẵng, câu hát thời gian - Giữ hương cho đất - Tiên Phước, xanh ngát vườn quê - Cảm xúc Hòa Phong - Về lại làng quê bên dòng Thanh Giang - Cẩm Lệ, niềm vui ngày trở về - Nỗi nhớ hoa sưa - Đêm hội phố Hoài… Ới Thị Mầu ơi! (Phổ thơ Ngân Vịnh) là một thể nghiệm với chất Chầu văn Huế và cái lúng liếng của miền Kinh Bắc, Tương tư Huế thấp thoáng sắc màu âm điệu của núi Ngự sông Hương. Và Bên dòng Dack'Bla - Nam Giang, núi rừng lên tiếng hát là tiếng âm vang của núi rừng hùng vĩ...
Không ngần ngại với đề tài về những vấn đề mà xã hội, cộng đồng quan tâm, băn khoăn, lo lắng, Nguyễn Duy Khoái góp tiếng nói của mình trong: Đừng để ngày ấy xảy đến - Lời nhắn từ trái tim - Hiến máu nhân đạo, bài ca tuổi trẻ - Vì sự sống những loài thú hoang - Chung tay vì bão lũ - Một giọt máu, triệu niềm tin - Mái ấm yêu thương - Ước mơ xanh, Cho cây rừng mãi xanh - Hướng về biển Đông, cả nước sẵn sàng...
Và từ kho tàng truyện ngụ ngôn Việt Nam, Nguyễn Duy Khoái đã chuyển hóa thành những ca khúc dành cho cô và cháu, với lời kể giản dị và nét nhạc hồn nhiên: Chuyện hai chú dê con - Chuyện cánh diều - Chuyện bó đũa - Ếch ngồi đáy giếng - Kho vàng ở đâu - Chú kiến khôn ngoan...
Trong ca khúc Nguyễn Duy Khoái ta còn nghe niềm vui, nỗi buồn, tiếng reo vui hay tiếng thở dài của anh qua các ca khúc về tình yêu, thân phận và những ưu tư về cuộc đời: Bài ca của tôi - Tìm trăng - Mùa xuân xin nhận lời yêu - Bến xa (Thơ Nguyễn Minh Hùng) - Lời ru - Phố chiều... Ca khúc không quẩn quanh, bắt chước một cách sáo mòn dân ca quê hương, mà giai điệu trau chuốt, gần gũi với cuộc sống.
Về tính chất giai điệu thể hiện theo các đề tài, người nghe cảm nhận hai dòng: hùng tráng và trữ tình. Nhưng theo cái tạng của anh, thường là sự hòa quyện nhuần nhuyễn của hai dòng này.
Nguyễn Duy Khoái làm thơ. Có nhiều bài được chuyền tay trong bạn bè. Vì thế, lời ca khúc trong sáng, hình tượng nồng đượm chất thơ, nâng vẻ đẹp và ý tình của giai điệu.
Thân sinh của anh là họa sĩ Duy Hinh, anh là họa sĩ Duy Ninh, em là họa sĩ Duy Hối, đều được công chúng quý mến qua các cuộc triển lãm mỹ thuật ở tỉnh nhà và cả nước.
Ở tuổi thiếu niên, Nguyễn Duy Khoái say mê thơ - nhạc - họa, tự thử sức với cả ba môn nghệ thuật này. Ngày nay, theo ngành ca nhạc, còn làm thơ, vẫn cầm cọ vẽ tranh , nét cọ và sắc màu với dáng vẻ riêng, con nhà nòi.
Cái nết đảm đang, sự chăm sóc của người bạn đời, sự ổn định về đời sống và con cháu hiền hòa, giúp anh yên tâm đi - học - đọc - viết. Với tài năng, đi vào đời sống xã hội, thắm thiết với dân tộc, với đất nước; “Yêu đời! Yêu đời!” khi nâng ly với bạn bè tri âm tri kỷ. Ly cậu, ly tớ, yêu đời thật đấy chứ!
Giữa cái lúc có ý kiến cho rằng trong thời gian qua, âm nhạc không còn giữ được thế chủ động như trước đây, tụt lại sau nhiều ngành nghệ thuật. Tuy có một số tác phẩm tốt, mang tính sáng tạo, nhưng quá nhiều tác phẩm xoàng, do chạy theo kinh tế thị trường, thị hiếu âm nhạc bị sa sút. Vẫn giữ được “yêu đời! yêu đời” để sáng tác, vui mừng với ca khúc hay, tốt, chất men nồng làm anh sôi nổi bốc lên những dự định mới về sáng tác nhạc và thơ, về tình cảm gắn bó giữa những người cầm bút. Là cái tâm của người nghệ sĩ công dân.
Rất có duyên với các cuộc thi sáng tác, anh đã đạt nhiều giải thưởng.
... Từ bài hát đầu tay năm 1972:
Khi đất nước đang còn khổ đau, khi nhân dân đang còn cơ cầu
Sao ta lại phải cúi đầu nghe kinh...
Đến niềm vui “Chim về phố dậy cờ sao”, viết vào ngày Đà Nẵng giải phóng:
Trong nắng quê hương chim hòa bình bay về quê nhà
Đôi cánh xanh xanh, đôi mắt chim rực ánh mặt trời
Chim hót chim ca, chim vui mừng trong ngày rất lạ
Ơi chim hòa bình đã trở về quê ta...
Cho đến hôm nay, sau gần 50 năm sáng tác, ca khúc của Nguyễn Duy Khoái đã tung bay trên mọi miền đất nước. Tâm hồn và ý tưởng sáng tạo thể hiện cái ta hòa hợp với cái tôi thắm thiết của dân tộc. Cái tôi thấp thoáng, nhẹ nhàng, mịn màng ở Tìm trăng, Phố chiều. Tình cảm sâu lắng, xúc động với Lời ru:
Qua bao năm dài muối mặn gừng cay
Lời mẹ ru con đã thành lời biển lớn
Lời mẹ ru con đã thành lời sông dài
Thành lời lửa cháy,
Thành lời tình yêu...
Và hôm nay, lắng nghe giai điệu tâm hồn Nguyễn Duy Khoái, xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn Những Bài Ca Của Khoái...
T.Đ.Q