Một lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy Thảo

04.04.2016

Một lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy Thảo

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Từ các mặt trận vừa im tiếng súng anh chị em viết văn ở chiến trường Khu 5 phần đông đều lấy Đà Nẵng làm điểm đến. Có lẽ sự hội tụ ấy đã gợi ý cho các nhà quản lý (chủ yếu từ bên Quân khu) thành lập tại đây một trại viết với ý đồ thông qua ngôn ngữ văn học ghi lại chiến công đánh giặc một thời của quân dân Khu 5 - chứ không riêng gì Quảng Nam - từng được vinh danh “Anh dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Các vị ấy gần như cầm tay từng người và bảo: “Cứ yên tâm ngồi đây mà viết. Nhân dân đang mong chờ những tác phẩm xứng tầm thời đại của các bạn!”... Từ hầm hào bùn đất, từ rừng rậm âm u bước ra giữa phố thị sáng lòa, lại đang say men chiến thắng, chúng tôi - những chàng trai cô gái trên dưới tuổi 30 ngày ấy - tin rằng rồi ra chẳng có gì mà không làm được.

Nhớ lại những năm gian khó ở rừng, ai cũng thèm đi thèm viết mà thì giờ dành cho việc ấy chẳng là bao. Giữa chiến trường ác liệt, thay vì cầm bút, chúng tôi còn phải cầm rựa, cầm súng để chống lại cái đói và đủ thứ tai ương do thiên tai địch họa mang lại. Chuyện sáng tác thường bị đẩy vào giữa khuya khi sức lực đã cùng kiệt. Lúc bấy giờ mà mường tượng tới cái ngày đất nước hòa bình hẳn phải vui lắm, thích lắm, ai muốn viết cứ giữa ban ngày mà ngồi viết, văn chương cứ thế tuôn trào... Và cái ngày tưởng như mơ ấy rồi cũng đến, ngay giữa lòng Đà Nẵng như lúc này đây: Anh chị em tay bắt mặt mừng tại ngôi biệt thự số 10 Gia Long khang trang vốn trước kia là Trung tâm Văn hóa Việt Mỹ - địa điểm đặt trại viết. Khỏi phải nói tâm trạng của chúng tôi lúc ấy háo hức đến thế nào: Tim đập rộn và đầu óc căng đầy những dự định cao vời... Có cảm tưởng chỉ cần được ngồi vào bàn viết đặt bút xuống là câu chữ sẽ theo nhau chảy tràn ra trên mặt giấy...

Ấy thế mà tự nhiên... tắc tị!

Đã đành không ai giống ai cả. Nhưng cảm giác bị “khựng lại” ở người này người khác là có thật, như thể đang đi mà nghe tiếng ai gọi khiến mình phải hãm bước ngoái nhìn. Riêng tôi ở vào tình cảnh thật lạ: Cứ viết ít câu lại gạch xóa... Trang bản thảo ngày hôm trước tưởng đã ổn, tới hôm sau đọc lại thấy nhạt phèo, đành vò xé quẳng sọt rác. Khổ thế, cái vừa viết ra ấy sao vẫn cứ lặp lại cái của mình đã viết trước đây. Rồi nếu thoát ra được ít nào thì chỗ này một chút giống Nguyễn Thi, chỗ kia một chút giống Nguyên Ngọc... Tới đó đành buông bút, đứng lên khép cửa bước ra phố...

Cuộc sống bên ngoài òa mở trước mắt. Nó nhộn nhịp, muôn màu. Ai đó nói rồi: Sống là cả quá trình nhận thức. Có những điều lâu nay mình ngỡ thế này thì bây giờ thực tế lại diễn ra không như mình tưởng. Ở Đà Nẵng người dân vẫn đi lễ chùa. Nhiều gia đình “ngụy” giàu có nhưng trong nhà con cái vẫn giữ được nề nếp gia phong. Không hiếm người có học thức. Mấy anh em chúng tôi ở cạnh nhà một gia đình có người cha là ông chủ một cây xăng trong thành phố. Một lần họ mời cả bọn đi câu cá ngoài cù lao Chàm bằng ca nô nhà. Cá chỉ câu được một con to lọt lòng bàn tay, đổi lại chúng tôi có cả một đêm dài nghe chuyện về những dân đinh của Xứ Đàng Trong đi mò “hóa vật” trên những con tàu đắm ngoài Hoàng Sa mà mở đường ra biển lớn. Rồi họ mời chúng tôi ra Huế thăm chùa Thiên Mụ cùng lăng tẩm, cung điện vua chúa ngày xưa. Và thăm nhà Từ đường của dòng họ. Có cảm tưởng mọi thứ ở đó xưa cũ nhưng đều bắt rễ rất sâu vào cội nguồn dân tộc...

Rõ ràng vẫn còn một thế giới khác không hoàn toàn giống với những gì ta từng trải. Nó rộng lớn, bền chắc hơn một cuộc chiến tranh. Và cả con người nơi đó nữa cũng vậy, không hề đơn giản... Rồi cái thực tế ấy cứ hiển hiện ngày này qua ngày khác, và tới một lúc, nó theo anh vào đến tận bàn viết. Đương nhiên có rất nhiều câu hỏi đặt ra. Chẳng hạn kẻ đối đầu với ta trong chiến tranh là “kẻ địch” ở phương diện ý thức hệ hay chỉ rặt một lũ ác ôn chuyên mổ bụng ăn gan người? Bây giờ cuộc chiến đã đi qua, thắng thua đã rõ ràng, sao ta còn tránh né những đau thương mất mát? Rồi cuộc sống riêng tư của người lính cách mạng trong và sau chiến tranh phải hiểu như thế nào? Và bao điều khác nữa...

Xem ra không ít “trăn trở”.

Mà đâu chỉ ở Khu 5 anh chị em viết văn mới có tâm trạng đó. Vừa rồi đây tôi có đọc cuốn sách của nhà phê bình văn học Ngô Thảo, cuốn “Dĩ vãng phía trước” (NXB Hội Nhà văn - 2011), được biết ngay từ năm 1974 ở Hà Nội, một người “ít gây sốc” như nhà thơ Vũ Cao cũng đã có nhận xét: “Thứ văn nghệ như bây giờ sẽ không hợp được nữa. Bởi đó là thứ văn nghệ thời chiến, nó phải bị kiểm soát, khóa chân, khóa tay, co mình lại, tự thu nhỏ mình để đi qua một chặng đường ngoặt khúc, gập gềnh, nhỏ hẹp...” (Mục Trò chuyện với Vũ Cao). Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu thì hình như viết câu này sau những lời “Ai điếu...” nổi tiếng của ông: “Sau 1975 chưa có hồi nào các nhà văn Việt Nam chúng ta lại trăn trở nhiều đến thế” (Mục Từ sổ tay Nguyễn Minh Châu)... Cũng may những ý kiến trên được tác giả cuốn sách công bố mãi gần đây, nếu sớm hơn sao tránh khỏi bao “búa rìu” nghiệt ngã: nào “phủ nhận lịch sử”, nào “diễn biến...”, “sám hối” này nọ... Thực ra ngay từ những năm đầu sau chiến tranh, khi mà cuộc sống đang dần trở về với nhịp điệu bình thường vốn có của nó, muốn hay không muốn nhận thức của người viết cũng đã thay đổi.

Có thể nói giai đoạn 1975-1980 (trong trại sáng tác) là thời gian “lắng lại”, “nhìn lại” của các tác giả, tuy chưa có sự bứt phá nào rõ rệt. Ưu điểm của các tác phẩm văn học thời kỳ này là nóng hổi hơi thở hiện thực và cập nhật sát sườn với tình hình chính trị lúc bấy giờ. Còn chỗ yếu cũng dễ thấy: Do trọng cái kịp thời nên chất liệu đời sống đi vào tác phẩm mới dừng lại ở dạng “thô”, nặng về mô tả sự kiện mà nhẹ khai thác “những nỗi niềm” bên trong của nhân vật. Ấy là chưa kể một số cuốn sách ra đời lúc ấy là dịp để tác giả tập hợp công bố những cái đã viết trong chiến tranh. Và phải cần đến 5 năm nữa (1980-1985), sau những “trăn trở” như trên đã nói, chúng ta có cuộc “lên đường” mới (nhưng lần này ở bên ngoài trại sáng tác): Văn học lúc này vẫn còn ít nhiều “dấu vết” theo quán tính của thời kỳ trước nhưng đã mở rộng thêm biên độ phản ảnh, đặc biệt chú ý khai thác phần thế giới bên trong của nhân vật. Viết về chiến tranh nhưng các tác giả đã có ý thức hướng về cái toàn thể, trong đó có cả những vinh quang và cay đắng, đồng thời nhìn sâu hơn vào bản chất của chiến tranh đã để lại bao di hại cho cuộc sống con người...

Ai cũng biết trong văn chương, để có một sự thay đổi nào đấy theo hướng tích cực, dù chỉ là rất nhỏ, cũng phải cần tới 10 năm có dư... Mà xét cho cùng, một thập niên cũng chỉ là cái “chớp mắt” trong cả tiến trình dài dặc của lịch sử văn học mà thôi!

 

 C.D.T

PHỤ LỤC:

Với Văn xuôi, xin mạn phép dẫn một số tư liệu rút từ cuốn “Nhà văn Việt Nam Hiện đại” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1997. Theo đó, ở Khu 5 giai đoạn 1975-1980 (tạm gọi là thành quả của Trại sáng tác) về tác giả - tác phẩm được ghi lại như sau: Nguyễn Chí Trung - Hương cau (tập truyện ngắn, 1975); Cao Duy Thảo - Im lặng của đá (tập truyện ngắn, 1975); Nguyễn Khắc Phục - Thành phố không bị chiếm (kịch, 1975); Nguyễn Trí Huân - Mặt cát (tập truyện ngắn, 1975), Năm 75 họ sống như thế (tiểu thuyết, 1975), Dòng sông Sonet (truyện, 1980); Thái Bá Lợi - Vùng chân Hòn Tàu (tập truyện ngắn, 1978), Thung lũng thử thách (tiểu thuyết, 1979); Thu Bồn - Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết, 1975), Em bé trong rừng thốt nốt (truyện, 1979), Đỉnh núi (tiểu thuyết, 1980)...

 Ở giai đoạn thứ hai (1980-1985), xin lướt qua một số tác giả - tác phẩm: Trung Trung Đỉnh - Người trong cuộc (tập truyện ngắn, 1981); Thái Bá Lợi - Họ cùng thời với những ai (tiểu thuyết, 1982), Bán đảo (truyện, 1983); Thanh Quế - Cát cháy (truyện, 1983), Trong lòng hồ (tập truyện ngắn, 1984); Nguyễn Bảo - Biển đêm (tiểu thuyết, 1984), Người thượng nguồn (tiểu thuyết, 1983), Giám định của đất (tiểu thuyết, 1985); Bùi Minh Quốc - Hồi đó ở Sa Kỳ (truyện, 1984); Nguyễn Khắc Phục - Bay qua cõi chết (tiểu thuyết, 1984); Cao Duy Thảo - Ngọn đèn (tập truyện ngắn, 1984)...

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú