Thơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị Cổ

04.04.2016

Thơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị Cổ

Với Hải Vân quan biểu trưng cho chí khí “hùng tâm” của kẻ sĩ đất Quảng, vịnh Trà Úc tượng trưng cho nơi những lớp sóng di hận của chí sĩ đất Quảng, thì Hành Sơn là những ngọn núi nổi lên giữa đồng bằng duyên hải để kết tinh phát tiết cho học khí đất Quảng. Đào Tấn làm câu đối tặng mừng 3 tiến sĩ (Phạm Tuấn, Phạm Liệu, Phan Quang) trong Ngũ phụng tề phi: Ngũ Hành Sơn bách niên chung tú khí/ Tam quế chi đồng nhật phát thiên hương = Ngũ Hành Sơn trăm năm hun khí tốt/ Ba nhành quế cùng ngày phát hương thơm”. Hay Nguyễn Tường Tiếp (ông nội nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam) tặng câu đối cho Phạm Phú Thứ: “Huệ chánh kỳ huân, Lục Đầu giang đông hạ thiên vạn lý/ Hùng văn đại bút, Ngũ Hành Sơn nam trung đệ nhất phong = Nhờ chánh tích hay từ sông Lục Đầu trở xuống, ruộng đất mở mang hơn ngàn vạn dặm/ Tài cao học rộng, ví như đỉnh núi cao vút trong Ngũ Hành Sơn” (Hồ Ngận dịch). Phạm Như Xương viết văn cho đất Nghệ An cũng “ký tên” là “Quảng Nam Ngũ Hành Sơn, Đinh Hợi khoa hoàng giáp” như nhắc nhớ về vùng đất khoa bảng của xứ Quảng.

Ngũ Hành Sơn là danh thắng nổi tiếng của xứ Quảng, với đầy đủ các yếu tố thiên nhiên trên “Non” dưới “Nước”, có phong cảnh hữu tình, danh lam thắng tích, cho nên hầu hết là thơ đề vịnh về Ngũ Hành Sơn, chủ yếu miêu tả cảnh sắc thiên nhiên của Non Nước.

Theo kết quả thống kê của chúng tôi, có khoảng trên 20 bài thơ được khắc trên các vách đá Ngũ Hành Sơn trước đây (được chép lại trong tập Ngũ Hành Sơn lục - 1916) và trên 40 bài trong tập Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập của 3 tác giả Chu Thần, Chí Đình, Trọng Minh (ký hiệu A.2505). Đó là những bài Bạch thạch hoàng sa* (tiêu đề do người viết đặt), Ngũ Hành tú sắc*, Tam Thai danh sơn*, Bài ca trù Ngũ Hành Sơn*, Ngũ Hành cảnh trí*, Vọng Ngũ Hành Sơn, Luyến khuyết*, Giang hải hồi hoàn*, Thục khí thiều quang*, Bích vân*, Tàng Chơn động*, Du Ngũ Hành Sơn, Thiên kỳ địa tú*, Động Châu*, Tam Thai tự thính triều, v.v...

Các tác giả thơ Hán - Nôm về Ngũ Hành Sơn chủ yếu là các quan nhân dưới thời nhà Nguyễn. Có thể kể đến như Đông các đại thần Trương Quang Đản, Nguyên Bắc kỳ Kinh lược Phó sứ Bùi Văn Dị, Quảng Nam Án sát sứ Nguyễn Văn Mại, Quảng Nam Bố chính sứ Lê Hữu Đạo, Hiệp biện Đại học sĩ Lãnh Lại bộ Thượng thư Sung Cơ mật viện Đại thần Hà Đình Nguyễn Thuật, Phụ chính Đại thần Thái tử Thiếu bảo Đại học sĩ Lãnh Học bộ Thượng thư Quốc sử quán Tổng tài kiêm Quốc tử giám Quản tu Cao Xuân Dục, Tuần phiên bờ biển Quảng Nam Trần Văn Thống, Nguyễn Trọng Hợp, Chu Thần Cao Bá Quát... Bên cạnh đó cũng có tác giả là “Tăng sư” như Đào Tiến Mai hay tác giả nữ là Lê Thị Thuân (con dâu hoàng tộc nhà Nguyễn), Cẩm Tú Hồ Thị Tham. Đặc biệt có cả tác giả là người Hoa kiều Lý Triệu Tuấn ở vùng Quỳnh Phủ (Hải Nam - Trung Quốc).

Phần lớn các bài thơ viết bằng chữ Hán, chúng tôi mới bước đầu nhận diện được 4 bài thơ chữ Nôm là bài Lá buồm Ngũ Hành* của Tôn Thất Mỹ, Đất trời Non Nước* của Hy Tăng Tĩnh Khanh (Phan Nhật Tĩnh), Bài ca trù Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Văn Mại và bài thơ Nôm của Hồ Thị Tham. Ngoài ra, một số tài liệu khác cũng nhắc đến bài thơ Nôm Viếng cảnh Non nước của Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện để khảo chứng. Hầu hết thơ Hán Nôm xưa về Ngũ Hành Sơn đều làm theo thể thơ Đường luật, ngoại trừ Bài ca trù Ngũ Hành Sơn của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại viết theo thể ca trù. Những bài theo thể Đường luật lại chia thành 3 loại. Loại thất ngôn bát cú có các bài Ngũ Hành tú sắc*, Lá buồm Ngũ Hành*, Ngũ Hành cảnh trí*... Loại thất ngôn tứ tuyệt có các bài Tàng Chơn động*, Thu phong*... Loại ngũ ngôn bát cú có các bài Vọng Ngũ Hành Sơn, Luyến khuyết*...

Điều đầu tiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy những di tích, địa danh “rải” khắp trong các bài thơ. Như bài Ngũ Hành cảnh trí* đã nhắc đến những cái tên Tam Thai, Huyền Không, Vọng Hải Đài, Hành Sơn: “Thiên nhiên cảnh trí xuất Tam Thai/ Mạch dẫn đào nguyên động lý lai/ Nhật lệ Huyền Không phi bích vụ/ Vân phong Tuyền Thạch ấn thương đài/ Thiên lưu oanh quyện triều giang thế/ Vạn khoảnh bôn xu Vọng Hải đài/ Linh dị Hành Sơn chung vượng khí/ Đồ khai Tiên Các hóa công tài”. Hoặc Bài ca trù Ngũ Hành Sơn cũng đã “liệt kê”, “điểm danh” hầu khắp những tên gọi ở non thiêng Ngũ Hành: “Thánh tích xưa đế tạo hãy còn/ Này Vọng Hải, Vọng Giang Đài chẳng khác/ Này là hang Huyền Hạc/ Này là động Thiên Long/ Này là cửa Huyền Không/ Này là chùa Chân Tạng”.

Cảnh sắc Ngũ Hành muôn màu muôn vẻ. Lúc thì thâm u huyền tịch với những thi từ: “bán dạ chung thanh”, “hơi mưa lạnh”, “Phong bi ám đạm thu sương lão/Cổ tự thanh u dạ nguyệt hàn”. Lúc thì rộn ràng nhộn nhịp với “lối xe ngựa sau sau trước trước”, “người lên trước kẻ lên sau”, “ba đào muôn lớp dội sườn non”, Lúc thì bao la giữa trời không, thể hiện qua những hình ảnh “muôn cảnh bao la Vọng Hải đài”, “nghi ngút đền đài quyện khói lên”, “khí thiêng nghi ngút núi chon von/ rõ thật Bồng Lai giữa biển con”.

Tác giả những bài thơ khắc đá trên Ngũ Hành Sơn là những quan nhân hay người hoàng tộc, nên trong thơ của họ phảng phất tư tưởng của Nho gia, hành nghĩa tôi trung, cúc cung tận tụy: “Có khi chầu chực xe rồng/ Dầm dề Thánh vũ đượm nồng từ vân”, “Non nước muôn trùng từng hộ giá/ Vua dạo nhiều phen sợ để phiền/ Vách đá thi đề, rêu phủ kín/ Ngăn xe thêm nhớ bậc tôi hiền”, “Trở giá chuyện xưa ngồi nhớ lại/ Lòng thành kẻ dưới thấu bề trên”.

Dù là tự sự đơn thuần cảnh trí nơi đây hay là trữ tình tư tưởng ơn vua lộc thánh nhưng vẫn không thể nào hạn chế cảm hứng thi bút của tác giả như cánh “buồm hoạn hải” theo “gió lần” mà “thẳng cánh” đến “lối nguyệt quật thiên căn” rồi cả “ba mươi sáu động tiên cung”.

Cuối cùng, Ngũ Hành Sơn vẫn là nơi thoát tục, xa lánh cõi trần, chỉ còn là non thiêng quyện trong khói hương. Từ thời Lê Thánh Tông, núi Ngũ Hành “còn ngoài bể”. Đến đời Nguyễn, Ngũ Hành Sơn cũng chỉ là “phong nguyệt tĩnh thành tân kết lữ” (làm bạn với gió trăng thành lặng), “màn tiên cảnh vắng đành xa tục”. Chính vì vậy nơi đây chủ yếu dành cho những ai tìm đến để “bao nhiêu khối lỗi bỗng tiêu mòn”, “khéo để riêng cho một cõi nhàn” mà hòa cùng “lửa hương còn quyện với giang san”.

N.D.C 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú