Trò chơi tin nhắn - Trương Điện Thắng

04.04.2016

Trò chơi tin nhắn - Trương Điện Thắng

1. Loay hoay mãi rồi anh cũng tậu được chiếc điện thoại di động loại xoàng. Lần trước, thằng bạn cho một cái lại phải nhường cho vợ.Làm một nhân viên đi giao hàng mà không sắm được điện thoại thì không chỉ lạc hậu mà sẽ rất trở ngại trong công việc. Nhưng gia cảnh anh đâu có khấm khá gì. Một chị vợ cũng là nhân viên văn phòng và hai đứa con đã trên dưới hai mươi tuổi, mỗi tháng tiêu của cha mẹ vài triệu bạc cho học hành, xăng nhớt đi lại và bao thứ khác nữa. Chiếc điện thoại Samsung mua lại của một đồng nghiệp chỉ có mấy trăm ngàn, lại được công ty cho mượn trả góp. Vậy là từ nay, anh cũng rủng rỉnh chiếc điện thoại mang trên thắt lưng như ai.

Nhưng anh đâu có rành tiếng Anh người ta cài trên máy. Chỉ biết hai nút phím màu xanh và màu đỏ là yes và no. Chấm hết! Mỗi khi máy rung lên hoặc có chuông reo, cứ việc đẩy máy ra và bấm vào phím màu xanh, thế là cứ “alô, tôi nghe đây!”. Lúc nói xong, lại phải bấm phím màu đỏ rồi khép máy lại. Thằng bạn bày cho như thế. Có đứa cười bảo anh nhà quê, vì từ ngày tậu được điện thoại di động, tiếng chuông cũ anh vẫn để vậy. Anh chẳng biết cài nhạc hay đổi các thứ melody nào cả. Có sao dùng vậy! Ai cười cứ cười. Mình là người Việt gốc tre mà! Anh tự nghĩ và chẳng thèm để ý những lời châm chọc. Nhưng có điện thoại di động, đôi lúc anh cũng thấy mình oai ra phết. Thỉnh thoảng lại tấp xe máy vô lề, mở máy ra a lô một hồi, nhận lệnh giao hàng cho một shop nào đó. Những buổi chiều rỗi việc, máy lại rung lên. Vài đứa bạn hẹn nhau ra quán làm mấy ve bia giải sầu, cũng có lý lắm. Cuộc đời đâu đến nỗi tẻ nhạt mãi! Có hôm anh đã bình luận ra vẻ đắc thắng như vậy với vợ khi nghe tiếng cằn nhằn về khuya của nội tướng. Nhưng có lẽ thú vị nhất là những hôm cuối tuần, đưa vợ con về quê thăm bà nội. Đang nói chuyện với mẹ thì điện thoại rung lên, rồi nhạc chuông du dương phát ra chỗ thắt lưng. Bà nội sắp nhỏ và bà bạn hàng xóm trố mắt nhìn anh như phát hiện ra một người ngoài hành tinh vừa xuất hiện ở cái xóm quê khuất nẻo ấy. Ở cái xóm núi khỉ ho cò gáy này từ hồi sau chiến tranh đến giờ có lẽ chỉ có anh là oách thế. Đám bạn đi du kích ngày xưa hy sinh phần lớn. Sau chiến tranh, anh đi học bổ túc rồi về làm cung tiêu ở một công ty thương nghiệp. Xóa bao cấp, cái công ty “uống sữa nhà nước” ấy cũng tiêu đời. Anh có những năm thoát ly được cộng vào cho đủ tuổi về hưu. Anh về nhà và xin được chân giao hàng cho một công ty trách nhiệm hữu hạn khi mới tuổi bốn lăm... Lại phải nai lưng ra “cày” để nuôi con. “Mày là thằng chẳng bao giờ sống cho riêng mình được ngày nào cả! Bao nhiêu thú vui trên đời không quyến rũ được mày! Lúc nào cũng vợ con, cũng công việc! Cũng phải thoát ra, gái ghiếc chút đỉnh cho nó nhẹ người đi chứ!”- Thằng bạn học tiểu học ngày xưa một hôm chê anh như vậy. Nhớ lại lời bạn, anh bỗng tức cười. Thì có sao đâu! Mỗi người mỗi nết mà!

Vào lúc đó, chuông điện thoại lại rung lên, anh xin lỗi mẹ và bà hàng xóm đứng dậy nghe máy. Anh đi một mạch ra ngoài bụi tre đầu vườn trong lúc hai bà già vẫn nói chuyện.

Bà hàng xóm: “Thằng Tư nhà chị rứa là sướng. Chị cũng sướng. Tuần nào nó cũng chở vợ con về thăm!”; rồi bà khóc: “ Giá như thắng Bốn của tui không hy sinh, thì giờ nó cũng có cái cục sắt kia mà nói chuyện, cũng huơ tay múa chân như thằng Tư nhà chị! Hic! Hic!”.

Nhưng mẹ anh lại cãi: “Sướng gì chị, nó như thằng điên, khi không lại ra ngoài bụi tre đứng nói một mình, cười ha hả rồi huơ tay huơ chân như đồ mất trí. Cái cục sắt đó làm nó hư rồi!”.

Khi anh quay vào, miệng còn cười vì câu chuyện vừa nói với một bạn hàng. Vợ anh kể lại chuyện hai bà già mới bình phẩm. Anh cười toáng lên và giải thích. Hai cụ già nghe xong cứ “Rứa hả con! Chớ không phải mày điên hà?”. Vợ anh đỡ lời cho chồng: “ Thời buổi ni nó vậy, đi đâu cũng phải có điện thoại di động để liên lạc má à! Người ta còn xem thời tiết, giá cả, tin tức và cả nhắn tin nhau trên cái máy chút xíu đó nữa. Tại vợ chồng con ít tiền nên chỉ xài loại rẻ đó thôi!”.

Hai cụ già nghe, chưa hiểu lắm, nhưng cũng gật đầu và nhìn anh ra vẻ thán phục lắm!

2. Một hôm, chiếc điện thoại di động của anh nhận được một tin nhắn: Xin loi, toi co the lam quen voi anh hay chi duoc khong?. Trời ơi! Đây là lần đầu tiên từ khi sắm điện thoại, anh nhận được một cái tin nhắn không có dấu. Mà lạ thật, số máy nhắn và số máy của anh lại y chang nhau. Chỉ khác bốn con số đầu là 0903 và 0913. Sao có chuyện trùng lặp vậy kìa? Nhưng anh đâu biết nhắn tin bao giờ để trả lời.Hôm sau, anh gọi lại cho số máy đã gọi, nhưng bên kia không ai trả lời... Lại phải nhờ một bạn đồng nghiệp trẻ hướng dẫn cách nhắn tin.Hôm sau anh nhắn lại:

“Toi la dan ong. Ai nhan tin cho toi vay? Sao so may giong nhau the?”.

Bên kia nhắn lại:

“Xin loi. So may toi qua xau nen ban be che toi nha que. Toi thu nhan coi co ai giong so toi khong? Vay la anh va toi giong nhau roi. Toi khong buon vi cai so xau xi nay nua! Cam on anh”.

Từ đó, mỗi buổi sáng họ lại nhắn tin cho nhau, như một trò chơi. Anh nghĩ vậy cũng vui. Dần dần những tin nhắn đó kết nối họ với nhau như người thân thiết đã lâu, dù rằng chưa một lần gặp mặt. Bên kia là một phụ nữ nhỏ hơn anh năm tuổi. Cô ta là một chủ doanh nghiệp, ly dị chồng và có một con trai đã đi học ở nước ngoài. Họ nhiều lần hẹn gặp nhau, nhưng đều chưa thành vì nhiều lý do khác nhau, đành lấy chiếc điện thoại di động làm cầu nối. Mỗi năm giờ sáng, khi vừa thức dậy, nàng bấm máy nhắn cho anh:

“Chao anh buoi sang. Chuc vui ve”.

Anh đáp lại:

“Cam on co! Toi cung chuc co luon tre dep”.

Quen nhau nhiều tháng qua tin nhắn, họ lại kể cho nhau nhiều chuyện hơn về gia đình, sức khỏe, công việc... Anh nói anh đã quý cô, một phụ nữ có bản lĩnh và muốn làm bạn với cô. Nàng bảo nàng rất cô đơn sau những giờ làm việc. Nhiều đêm nàng tắt đèn nằm thao thức một mình, mơ một vòng tay ấm nóng. Anh nói anh nghèo và xấu trai, và không thể bỏ vợ con. Nàng tâm sự nàng không cần hình thức, nàng cần một người biết chia sẻ như một người anh trai, một người bạn... Họ lại nhắn tin cho nhau vào những buổi trưa. Anh bấm máy sau giờ ăn cơm:

“Co gang ngu trua di co! Co can phai nghi ngoi de lay suc lam viec!”.

Đầu kia hồi đáp:

“Toi chua bao gio duoc ai cham soc nhu vay. Cam on anh. Tu nay toi se co gang ngu trua nhu loi anh khuyen!”.

Hôm ấy anh rất xúc động. Chạy xe như bay từ chỗ giao hàng này đến chỗ khác, không biết mệt. Lại huýt sáo luôn miệng. Những con đường anh đi qua, những hàng cây bằng lăng nở hoa tím ngát. Chiều hôm đó, anh đã uống thật say để tận hưởng một niềm vui chưa gọi thành lời. Năm giờ sáng hôm sau, anh trùm chăn kín và bấm điện thoại nhắn tin:

“Em ngu day chua? Nho tap the duc nhe!”.

Nàng hồi đáp:

“Da! Em cam on anh!Em khong ngu duoc. Anh khoe khong?”.

Họ đổi cách xưng hô từ lúc nào không rõ. Rồi anh xỏ giày, quần sooc, áo thun ra đường, bảo vợ đi tập thể dục. Anh mang theo máy điện thoại ra ngồi ngoài công viên, và nhắn:

“Em a, anh muon gap em mot lan!”.

Hồi đáp:

“Chua duoc dau anh. Em dang ban nhieu viec. Khi nao con em hoc xong,viec kinh doanh cua em on dinh, minh se gap nhau thuong xuyen”.

Anh:

“Em cho anh gap em mot lan thoi cung duoc!”.

Nàng:

“Khi nao thuan tien em se nhan tin cho anh. Cho em nhe!”.

Nàng còn dặn anh phải xóa những tin nhắn trên máy để vợ con anh không biết. Anh giật mình, rồi mò mẫm tìm cách xóa những tin nhắn lời lẽ ngọt mật của nàng, dù anh rất muốn giữ lại. Rồi anh phải về để chuẩn bị đi làm vì chuông điện thoại đã réo vang. Bỗng dưng như có một tia sáng lóe lên trong đầu. Anh vừa nghĩ ra một phương cách... Anh lại huýt sáo bài hát Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều...nhớ sao là nhớ bóng người ngày xưa...Khi tôi về qua sân nắng, chạnh nhớ câu thề tim tái tê, chẳng biết bây giờ người em gái, duyên ghé về đâu...”. Một lần nhắn tin, nàng bảo nàng rất thích bài hát này và hôm nào gặp nhau nàng sẽ hát tặng anh. Lòng anh bỗng nhiên như có cánh.

3. Nàng viết trong nhật ký:

“Tôi là một người phụ nữ trời đày đọa suốt kiếp này. Nhiều lần tôi muốn gặp anh, nhưng tôi không dám. Tôi sợ tôi sụp đổ trước anh. Tôi sợ gia đình anh tan vỡ.

“Mười tám tuổi tôi nghe lời mẹ bỏ người yêu đi lấy chồng. Mẹ tôi đuổi người tôi yêu như đuổi tà vì anh ấy không có nghề nghiệp. Tôi đi theo chồng mà không một mảy may xúc động, chỉ biết nghe theo lời cha mẹ. Mười năm sau tôi bồng con ra khỏi nhà chồng đi thẳng tới tòa nộp đơn ly dị, vì không thể chịu nổi sự hành hạ, rẻ khinh và những trận đòn lúc chồng tôi say. Những tháng ngày nuôi con vất vả vì phải kiếm từng đồng mua gạo, mua sữa. Tôi đi làm thuê bất cứ việc gì để có tiền nuôi con, kể cả biết khi người ta đang bóc lột sức lao động của mình. Nhiều hôm đạp xe thồ hàng cả chục cây số chỉ để có hai lon gạo nuôi con. Những đêm mưa lạnh, tôi cắn răng chịu đựng vì tấm vải bố may bằng bao đựng cát phải dành đắp cho con. Một tháng sau ngày ly dị, chồng tôi đi lấy vợ. Tôi nuôi con một mình với những đắng cay và tủi hận. Trái tim tôi băng giá trước mọi lời cám dỗ của đàn ông...Tôi lao vào làm việc để kiếm tiền vì nghĩ rằng không thể nghèo mãi để người khác coi khinh...Tôi dựng nên cơ nghiệp này vì tương lai của con, nhưng tôi biết là mình luôn cô độc trong kiếp này. Nhiều đêm một mình nghe tiếng ếch nhái kêu, nghe tiếng mưa rơi tôi đã khóc vì tủi phận...

“Và anh đã đến sau những lời nhắn tin tình cờ vì một trò chơi dại dột trong lúc cô đơn của tôi.  Anh điều tra địa chỉ tôi từ tổng đài điện thoại. Anh đến vào buổi sáng chủ nhật khi không thấy tôi trả lời tin anh. Tôi đau sốt li bì từ đêm trước. Cô giúp việc xin về quê. Anh đã đưa tôi vào bệnh viện và chăm sóc tôi từng muỗng sữa, viên thuốc. Anh là người đàn ông đầu tiên mua hoa tặng tôi ngay tại giường bệnh khi tôi tỉnh dậy. Anh còn làm những bài thơ động viên tôi. Trái tim tôi bỗng thức dậy. Anh tuy nghèo nhưng có một tâm hồn bao dung, cao thượng. Tôi ngưỡng mộ anh và sau đó tôi tự hiến dâng tất cả cho anh...Từ mấy tháng nay, nhiều lúc tôi nghĩ mình sẽ chết mất nếu thiếu anh ấy. Nhiều đêm tôi muốn anh về với vợ con nhưng mặt khác tôi muốn ôm anh và giữ trọn phần thân thể nóng ấm của anh cho riêng mình...

...“Nhưng tôi phải dừng lại.Con tôi đã lớn. Nó không thể mất mẹ. Anh có gia đình hạnh phúc của anh nữa. Những xúc động anh mang lại cho tôi chỉ làm tôi có cảm giác mình là đồ ăn cắp của người khác.Tôi phải dừng lại trước khi quá muộn. Nhất định phải như vậy, tuy rằng tôi chưa kịp trả ơn cho anh...”.

 

Trong một quán vắng. Hai người đàn bà ngồi ở chiếc bàn trong góc khuất. Trên bàn là hai ly nước trái cây. Ánh sáng yếu ớt bên ngoài rọi vào cho thấy họ chỉ chênh lệch nhau vài tuổi. Người đàn bà cắt tóc ngắn, mặc bộ quần áo vest kiểu thương gia nhỏ tuổi hơn người để tóc dài tết phía sau, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng đơn giản và có vẻ như một viên chức nghèo.Vẻ mặt hai người trông rất buồn vì câu chuyện họ đang nói.

Người tóc ngắn nói nhỏ nhẹ:

- Em đã đọc hết nhật ký của em cho chị nghe rồi đó! Em có lỗi với chị nhiều lắm! Nhưng em đã biết dừng lại. Xin chị tha thứ cho em. Em đã bỏ nhà vào ở một mình cả tuần lễ trong khách sạn để đi đến quyết định là không thể tiếp tục với anh ấy. Em chuyển công ty vào Sài Gòn ngay ngày hôm nay và đổi số điện thoại để không nhận tin nhắn của anh ấy nữa...

Người mặc áo sơ mi đưa khăn lau nước mắt.Vẻ mặt chịu đựng và chỉ biết gật đầu vì mọi việc xảy ra quá bất ngờ.

Người tóc ngắn nói tiếp sau khi tháo chiếc điện thoại:

- Đây là cái sim điện thoại của em, số sim này em đã nhắn tin với anh ấy. Chị hãy giữ để tin là em nói thật lòng.

- Cô đưa cái của nợ này cho tôi làm gì? - Người áo trắng bây giờ mới lên tiếng.

- Chị hãy giữ nó để biết rằng em cũng quý trọng chị và nỗi cô đơn của em cũng là của chị khi không có anh ấy...

4. Suốt mấy ngày không liên lạc được với nàng, anh như người quẫn trí. Tuy rằng mỗi 5 giờ sáng anh vẫn nhắn tin:

“Em ngu day chua? Nho tap the duc nhe! Luc nao ranh viec em nhan tin de anh den tham em. Anh nhơ em lam”.

Hoặc những buổi trưa anh trốn vợ vào phòng và bấm máy:

“Em di dau may hom nay? Sao khong mo may va tra loi anh?”.

Tin đi, nhưng máy anh không hề nhận lại hồi đáp là máy của nàng đã nhận được tin như thường lệ. Nàng ở đâu ngoài vùng phủ sóng hay nàng tắt máy? Anh nghĩ rất lung mà không tìm ra câu trả lời. Có những lúc anh nghĩ dại là nàng đã theo người đàn ông khác; nàng đi nước ngoài hoặc nàng... Có quá nhiều lý lẽ để nghĩ ra trong những cơn tức giận vì người yêu bỏ đi mà không một tin tức. Anh bỏ ra quán sau những giờ làm việc và uống thật say. Anh rơi vào bế tắc và biểu thị lòng mình bằng những câu cáu bẩn với cả vợ con. Điều đó chưa bao giờ xảy ra trong cái gia đình nhỏ của anh.

Vợ anh vẫn ân cần với chồng dù phải nghe bao lời gắt gỏng vô lý đó.

Bỗng đúng một tuần lễ sau ngày nàng “mất tích”, lúc đi tập thể dục về, anh nhận được cả chục cái tin hồi đáp “đã nhận tin” từ số máy của nàng. Và cuối cùng là một tin nàng nhắn:

“May hom nay em di cong tac khong tra loi tin nhan cua anh. Xin anh dung gian. Em van nho anh lam! Anh hay yen tam!”.

Trưa hôm đó, anh nhắn tin cho nàng và nhận được hồi đáp sau đó chừng một giờ:

“Em chua ve dươc, nhung bao gio em cung o ben canh anh. Anh dung lo! Luc nao cong viec xong em se ve voi anh!”.

Ngày hai buổi sau đó, anh đều nhắn tin và nhận tin trả lời rất nồng nàn của nàng. Nàng hứa với anh sẽ sớm gặp nhau. Nàng bảo nàng không thể sống vắng anh. Thậm chí nàng còn bảo nàng muốn có chung với anh một đứa con nếu có thể được. Anh vui mừng hẳn lên và anh lại lao vào công việc. Dạo này tuy khách hàng đông hơn, nhưng anh đều đúng hẹn, chẳng làm ai phiền hà. Tiếng huýt sáo của anh trên đường có vẻ như thanh hơn, du dương hơn ngày thường. Vợ anh cũng tỏ ra rất chăm sóc chồng và vừa mua cho anh xấp vải may đồ veston trước tết... Dường như chị ta chẳng quan tâm gì đến những thay đổi tâm lý của chồng. Có lúc anh vụng nghĩ: bà này thật vô tâm!

5. Người đàn bà tóc dài hay tết ra sau lưng vẫn đi làm ngày hai buổi như một nhân viên hành chính mẫn cán. Những lúc về nhà, chị vẫn chu toàn mọi việc gia đình, vẫn chăm sóc từng miếng cơm cho chồng con. Vẫn cười vui mỗi lúc chồng về...

Đâu có ai biết, vào sau mỗi 5 giờ sáng, khi chồng vừa ra khỏi nhà đi tập thể dục với chiếc điện thoại bỏ túi quần, chị đã đóng chặt cửa phòng và khóc nức nở. Chị tủi thân và thù ghét chính mình vì cái trò trả lời tin cho chồng từ chiếc sim điện thoại đã lỡ nhận của người tình địch tóc ngắn hôm nọ! Vì yêu chồng nên chị chưa biết sẽ kết thúc trò chơi nhắn tin này vào lúc nào. Và chị lại khóc một mình khi nghĩ đến tình thế khó xử ấy.

T.Đ.T 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú