Tâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu Tấn
Là một nho thần trung cang tiết liệt, nói như ngôn ngữ của sử gia triều Nguyễn, Phạm Phú Thứ nổi bật trên chính trường từ nửa cuối thế kỷ XIX với một chân dung cứng cỏi, kiên nghị, trên vì nước, dưới vì dân. Thế giới thơ ca của ông thể hiện một tấm lòng thuần cẩn trung nghĩa với dân tộc.
Thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ, bên cạnh những bài thơ thể hiện tư tưởng thanh nhàn là những bài thơ u hoài, uất ức. Ở những bài thơ này, mỗi chữ mỗi câu là một dòng huyết lệ của lòng trung can nghĩa đảm với khát vọng được tận trung báo quốc. Nổi bật ở đây là tư tưởng hành động thiết thực với tư tưởng cải cách với trách nhiệm cao độ đến sục sôi khí huyết.
Ý thức về trách nhiệm xã hội của kẻ sĩ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử, nhiều khi họ là những người thức tỉnh cả dân tộc. Các nhà nho Trung Quốc thường khái quát tinh thần trách nhiệm với đất nước, với dân tộc của mọi người dân vào một câu nói nổi tiếng: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”. Hay như các nhà nho Việt Nam thường nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Nho giáo Việt Nam, với tư cách là một ý thức hệ, một hệ thống triết học đạo đức, triết học chính trị - xã hội chiếm địa vị quan trọng trong sự phát triển của đất nước, dù muốn hay không, nó cũng phải chịu trách nhiệm với cả dân tộc trước những thành công và thất bại của Việt Nam trong lịch sử. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trước sự xâm lược của quân sự và văn hóa phương Tây, văn hóa Việt Nam nói chung và hệ tư tưởng Nho giáo nói riêng bị lay động từ gốc rễ. Vấn đề trách nhiệm của nho giáo Việt Nam trước dân tộc, hay nói cách khác là sứ mệnh lịch sử của nho giáo Việt Nam được đặt ra hết sức gay gắt. Không chỉ các nhà Tân học phê phán nho giáo, mà bản thân các nhà nho cũng phản tỉnh lại hệ tư tưởng của mình (1).
Phạm Phú Thứ thuộc về mẫu nhà nho hành động ở thế hệ nho sĩ cuối thế kỷ XIX. Toàn bộ thơ ca của ông, như đã nói, đã thể hiện một cách trung thực tư tưởng - trách nhiệm và nghĩa vụ của một nho sĩ vì giang sơn xã tắc.
Đọc thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ, có thể khẳng định điểm son đầu tiên trong tấm lòng ưu thời mẫn thế của ông là luôn luôn đề cao ý thức về vị thế của mình. Phạm Phú Thứ là một trong số ít những nhà nho tự xưng mình trong văn học trung đại cuối thế kỷ XIX. Thái độ của ông cho thấy một bản lĩnh hơn người với sự trung trinh bất nan từ về ý thức nhà nho xuất thế cũng với tinh thần trách nhiệm đúng nghĩa.
Trong thơ chữ Hán của mình, Phạm Phú Thứ có rất nhiều lần nhắc đến ý thức nho sĩ của mình như một sự khẳng định chính danh:
“Sĩ học nguyện vi quân tử nho”
[Kẻ sĩ này nguyện học làm nhà Nho quân tử]
(Cung họa ngự tứ thi xuất đốc Hải An chi lỵ nguyên vận)
“Yếu thị thuần Nho bối xuất kỳ”
[Chủ yếu mong mỏi các nhà nho tài giỏi xuất hiện nhiều]
(Ký sở văn)
“Nho thần hoa quốc Hán tra tiên”
[Nho thần làm cho nước phồn hoa như cưỡi bè tiên vào đời Hán]
(Thư tặng Hàn viện Nguyễn Vân Lộc Tuân Thúc)
Có thể thấy rằng, trong tâm sự của một nhà nho yêu nước thiết thực như Phạm Phú Thứ, việc đầu tiên mà nhà nho phải làm là biết xác định đúng vị thế và vai trò của mình trên con tàu định mệnh của quốc gia.
Không có gì phải nghi ngờ, tâm sự này của ông đã thể hiện tính tích cực trong tư tưởng của nhà nho tiến bộ Phạm Phú Thứ. Xét về mặt tâm lý, đây là trạng thái tự xưng danh khi đứng trước một sự kiện đòi hỏi nghĩa vụ và trách nhiệm ở con người. Nhất là người nho sĩ. Khi họ sẵn sàng tự xưng danh như vậy, là họ đã tự khẳng định rằng họ sẵn sàng nhập cuộc(2). Như vậy, rõ ràng, thái độ tự xưng của Phạm Phú Thứ đã tỏ rõ quyết định tư cách nhập thế của ông.
Đó là thuyết chính danh của Khổng Tử mà ông là một người của cửa Khổng sân Trình nên không thể không có căn cơ như vậy. Mặt khác, một trong những mô thức của văn học trung đại, kể cả tiểu thuyết lẫn thơ ca, là mô thức định danh, hành chức. Tức là nhân vật khẳng định danh vị (tên tuổi, xuất thân, quan điểm) của mình và tiến hành thực hiện chức năng đúng với vị thế tương ứng. Điều này chứng tỏ trong bối cảnh văn hóa trung đại, xã hội đã có sự phân luồng và nghiêm định vai trò vị trí của con người theo địa vị xuất thân. Đây chính là tư tưởng định phận gắn liền với thuyết chính danh(3). Bởi vậy, Tản Đà mới bày tỏ rằng người xưa ai cũng có một con đường định sẵn, còn thanh niên hiện nay (trong thời gian nhà thơ còn tại thế) phải tự tìm con đường cho mình. Đặt trong bối cảnh văn hóa trung đại, tư thế tự xưng của Phạm Phú Thứ là một kiểu “ngôn chí”, là một cách khẳng định tư cách nho sĩ nhập thế với thời cuộc.
Đây không phải là một hiện tượng lạ so với văn học trước thế kỷ XIX. Nhưng trong bối cảnh lịch sử đương thời cũng như đặc điểm nền văn học cuối thế kỷ này, thì đây là hiện tượng lạ về chất. Bởi vì các thế kỷ trước, nhất là thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XVIII, nho học được độc tôn và chế độ phong kiến vẫn còn được vững vàng. Nên các nhà nho thời kỳ này đều cố gắng làm sáng rõ chức phận thần tử của mình. Những phát súng của thực dân Pháp đã khiến thành trì xưa cũ tiêu điều nghiêng ngửa, nhà nho thời kỳ này đa số rơi vào bi kịch bó tay với số phận. Cho nên, tinh thần chính danh của Phạm Trúc Đường ngoài giá trị và ý nghĩa khẳng định tinh thần cá nhân còn có giá trị và ý nghĩa là một bức tường thành vững chãi cuối cùng để cố định lý tưởng cho những thế hệ nho sĩ mạt vận.
Như vậy, tâm sự đầu tiên của ông, là tâm sự của một nho sĩ khí tiết đang trăn trở làm sao để giữ vững cốt cách như cha ông để khỏi hổ thẹn với tông miếu xã tắc. Điều mà ông trăn trở và lo sợ đã thành hiện thực khi hậu bối Tú Xương phải thốt lên từng lời cay tiếng đắng: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo”...
Con đường công danh của Phạm Phú Thứ thật sự nổi bật lên khi đất nước bước vào cuộc chiến và dần dần mất vào tay thực dân Pháp. Thời loạn đã sản sinh và trau luyện cho ông một bản lĩnh hơn người, hơn đời. Đúng như câu nói của nho gia: Ngọc càng mài càng sáng, dao càng mài càng sắc. Nếu làm một phép so sánh, có thể nói rằng Phạm Phú Thứ là viên ngọc Biện Hòa của đất nước của dân tộc Việt Nam.
Trong dòng chảy tư tưởng chính danh - định phận về vai trò và vị thế của nho sĩ, Phạm Phú Thứ cũng như các danh sĩ đương thời thường có sự dằn vặt và đau đớn trong thâm tâm. Và nó đã thể hiện đầy đủ trong thơ ca.
Cảm giác thứ nhất là cảm giác một nho thần không thể làm tròn sứ mệnh an quốc vệ dân. Tức là mặc cảm không đủ tài kinh bang tế thế để “phò địa trục”. Mặc cảm này xuất hiện trong văn học trung đại Việt Nam đầu tiên là trong thơ văn Đặng Dung. Sau đó, nó được nối dài một cách mãnh liệt ở thế hệ nho sĩ cuối thế kỷ XIX trở về sau. Với sự kiện triều đình Huế ký một loạt hiệp ước nhân nhượng dẫn đến nạn nô lệ với Pháp quốc đã tạo ra cơn bi chấn tinh thần của nho gia thời kỳ này. Văn học trung đại Việt Nam ở chặng cuối đã sản sinh ra một lớp nhà nho đầy mặc cảm và bi kịch. Từ thi ca Tuy Lý - Tùng Thiện, đến Trần Tiễn Thành, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền,... Trong số đó có Phạm Phú Thứ. Phạm Phú Thứ và các nho thần cùng thời, cùng chí hướng luôn luôn có mặc cảm bất tài và bất lực.
Cho nên, thơ ca của họ luôn luôn có cái cảm giác là tự hổ thẹn. Cái tự hổ thẹn này khác xa với cái tự hổ thẹn trong cái nhìn điển nhã của văn học từ thế kỷ XVIII về trước. Chẳng hạn như:
Tịch hạng uý nhân trường trấp ảnh
Lục xa tàm vấn Ngạn Long huynh
(Nơi ngõ hẹp mình sợ người cứ giấu hình bóng ở ẩn lâu dài
Ngồi xe màu lục của hoàng tôn thẹn thùng hỏi đến anh Ngạn Long)
[Đáp Tùng Thiện Huyện công Sĩ Thắng]
Khả hữu lương phương y tội tật
Cửu lao thiên địa hậu bình mông
(Liệu có phương thuốc nào hay để chữa trị tật tội
Bấy lâu trời đất đã nhọc lòng đôn hậu che chở cho mình)
[Tân chí]
Phục các quý vô tiền trước tá
Nam minh do nghĩ tức dương hầu.
(Náu mình trong gác thẹn không có người giúp như trước
Bể Nam còn toan tính dẹp yên sóng dữ)
[Thu hoài]
Một tâm thế khác của Phạm Phú Thứ là thường cho mình là người có bệnh. Đây là một trường hợp khá giống Nguyễn Du. Cái bệnh mà kiểu nhà Nho như Nguyễn Du và Phạm Phú Thứ là cách nói của nền văn học điển nhã trung đại Việt Nam sau thế kỷ XVIII. Nó khác hẳn với cái bệnh được thậm xưng trong thơ ca Nguyễn Công Trứ thời đó cũng như của Tú Xương sau này.
Quan nam bệnh khách đa thu tứ
Minh nguyệt hoài nhân hải điện thiên.
(Ở Nam quan khách bệnh hoạn có nhiều suy nghĩ về mùa thu
Trăng sáng nhớ người ở vùng trời ven biển)
[Hoài cự ký Đỗ Xạ phu]
Hàm giang bệnh khách nam chi tứ
Thái cúc trì quân Giang Thụ tân.
(Ở Hàm Giang khách bệnh nghĩ Nam chi mà nhớ quê hương
Bẻ hoa cúc mà chờ người ở bờ Giang Thụ Sào)
[Ký yên sứ chính hành giới Bùi thị lang thiều thứ]
Nhàn nhàn khan bệnh lại
Thử kế vị toàn phi.
(Cứ từ từ mà xem người làm quan bị bệnh
Mưu kế ấy chưa phải là hoàn toàn sai)
[Bộ đáp phiên sứ Nguyễn Bàng Linh cáo giả lưu giản nguyên vận]
Câu hỏi đầu tiên chúng ta phải giải quyết là tính tự thẹn và tự cho mình có bệnh của ông là do đâu mà có. Tại sao ông lại có cảm giác tự hổ thẹn ấy? Theo tự thuật của ông là bởi vì:
Tài thiểu quý ân thâm
(Tài hèn nên thẹn ơn vua sâu)
[Thanh minh hiểu phiếm tập kỷ nhị thập vận]
Vô năng cung vũ phục
Du phận xí đầu hàm.
(Không có tài đáp ứng cho việc võ
Vượt phận len đầu vào thì ngậm hờn)
[Hỗ tòng hạnh Thuận An tấn duyệt luyện cung ký]
Phủ tự vô tài trục bộ thư
(Không có tài an dân, chỉ lo sách vở)
[Thư hoài]
Trong các thi liệu mà chúng tôi trích dẫn ra đây, đều có chung một điểm. Đó là sự dằn vặt về cái tài - một phạm trù của văn hóa - văn học trung đại. Cái tài được nhắc đến với sự phủ định (“vô tài”, “vô năng”) hoặc là khiếm khuyết (“vô tài”). Như vậy đó cái tài không trọn vẹn hoặc là không tồn tại. Sự dằn vặt này nói lên mặc cảm bất tài của ông. Có một điều là nỗi dằn vặt, cái mặc cảm này xuất hiện một cách dày đặc trong thơ Phạm Phú Thứ. Nhưng nó hoàn toàn không mang tính mô thức như thơ ca trước đây bởi quan niệm chức phận thần tử của Nho thần văn nghệ. Thử so sánh với hai câu của Phạm Ngũ Lão trong bài Thuật hoài :
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.
(Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu)
Bài thơ này được làm trong thời đại cả dân tộc đang ở uy thế lẫy lừng với lòng tự tôn và tự hào cao độ mà giới sử gia gọi là “hào khí Đông A”. Bởi vậy, Nho sĩ thời kỳ này đều có chung một tâm thế là hào sảng, khoáng đạt. Một khái niệm mà văn học thời kỳ này hay nhắc tới là “công danh”. Công danh là một món nợ phải trả của thân nam nhi. Cho nên cái tự thẹn của văn học trung đại trước thế kỷ XIX là cái thẹn điển nhã. Cái thẹn để tự khẳng định mình, khẳng định chí hướng của mình. Con người ở thời đại này tồn tại trong điều kiện thuận lợi của lịch sử, nên có tâm thế khoẻ khoắn, cường tráng và dũng mãnh.
Thế hệ của Phạm Phú Thứ lại không có được sự ủng hộ của lịch sử, mà nói như cách nói của ông là phải chờ vào mệnh trời. Dù có khát vọng hành động và nhập thế như thế nào đi nữa họ cũng không ngăn được phát súng của chủ nghĩa tư bản phương Tây trên con đường bành trướng. Mà sự thật là một loạt vấn đề đặt ra cả trước và sau khi Pháp đánh Việt Nam như bạo loạn, thổ phỉ, mất mùa, hạn hán, rồi sự kiện mất đất cho Pháp đã đánh vỡ lòng tự trọng, tự tôn và tự hào vào tài kinh bang tế thế của nho sĩ Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Cho nên, tâm lý tự thẹn của Phạm Phú Thứ là tâm lý thật sự của thế hệ Nho sĩ không làm tròn bổn phận, không trọn vẹn chức trách. Cái tự thẹn đó là cái tự thẹn chân thật chứ không phải là cái tự thẹn điển nhã. Cái tự thẹn đó là cái tự thẹn phủ định chứ không phải cái tự thẹn khẳng định.
Cái mặc cảm bất tài đó khiến cho Phạm Phú Thứ tự nhận mình là kẻ có bệnh. Cái bệnh mà ông tự nhận thật ra là cái bệnh khuyết tài hay vô tài. Nho gia vì nó là một hệ thống triết học về đạo đức nên không đề cao cái Tài mà đề cao cái Đức. Vì nó bị ảnh hưởng bởi thuyết “Đức trị” và “Thiên mệnh”. Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương, con người trong xã hội trung đại là con người “có thể được sử dụng để nêu gương đạo đức, chứ không phải là con người tài năng”. Như Nguyễn Trãi dù có lúc thị tài nhưng vẫn nói:
Tài thì kém đức một hai phần
[Bảo kính cảnh giới, bài LVII]
Nguyễn Du thì lại chịu ảnh hưởng của thuyết tài - mệnh tương đố, cho rằng cái tài sẽ gây ra nỗi đau khổ nên hạn chế tính cách thị tài của mình nên mới viết:
Có Tài mà cậy chi tài...
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
[Truyện Kiều]
So sánh với những thi liệu trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ, chúng tôi cho rằng cái bệnh khuyết tài hay vô tài của ông đó là tâm trạng thật sự chứ không phải là một kiểu cường điệu hay cách điệu.
Chúng tôi cũng cho rằng, đây là hiện tượng mở đầu cho tư tưởng và bút pháp tự trào ở hậu kỳ văn học trung đại Việt Nam. Không có một khái niệm rõ ràng và chính xác về tự trào. Nhưng qua nghiên cứu và tìm hiểu có thể đưa ra khái quát chung nhất. Tự trào là những tiếng cười chế giễu bản thân, từ hình dáng bên ngoài đến phẩm chất bên trong, từ bản thân đến cuộc sống gia đình... Mỗi nhà thơ đều có những nỗi niềm, những tâm sự riêng và những điều bất mãn về bản thân để từ đó tạo ra những vần thơ tự trào theo từng tâm trạng khác nhau, phủ định hay khẳng định. Nhưng chung quy lại thơ tự trào cũng để thổ lộ, giải bày tâm sự những điều bí bách trong lòng.
Tóm lại, Phạm Trúc Đường là nhà nho của thời loạn trong bối cảnh xã hội - văn hóacó sự chuyển đổi. Với một bản lĩnh cương nghị và gân guốc của bậc đại trượng phu, ông đã thể hiện quan điểm về vị thế của nho sĩ trong thời đại của mình. Đó là nỗi niềm bi phẫn của con người muốn cáng đáng trách nhiệm với thời cuộc với dân tộc trong cơn bão loạn.
N.H.T