Lễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn Tiếng

04.04.2016

Lễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III	- Bùi Văn Tiếng

BBT: Vào ngày 15/3/2016, tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật lần thứ 3 (2010 - 2014) cho 59 tác phẩm/ tiết mục đạt giải của các văn nghệ sĩ. Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu đến với bạn đọc bài đánh giá các tác phẩm tham dự giải của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng và trích giới thiệu các tác phẩm được trao giải của các tác giả Thái Bá Lợi, Phạm Phát, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Minh Hùng.

 

Bằng thành quả lao động nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đã tạo thêm một dấu mốc đáng kể trong tiến trình phát triển Văn học, Nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng(*)

 

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 2002, được trao 5 năm một lần, đến nay đã bước sang lần thứ III. Việc xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần này được thực hiện theo Quy chế ban hành kèm Quyết định số 7633/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10  năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. So với hai lần trước, Quy chế lần này có vài quy định mới, như một số quy định sau: “Tác phẩm được xét tặng Giải thưởng phải là những tác phẩm đã được tặng thưởng hằng năm (từ 2010 - 2014) của các Hội chuyên ngành - kể cả của các địa phương khác - trở lên”; “Các thành viên của Hội đồng xét tặng Giải thưởng thuộc Hội chuyên ngành Văn học - Nghệ thuật gồm Chủ tịch Hội đồng - là Chủ tịch Hội chuyên ngành và các thành viên là thành viên Hội đồng Nghệ thuật/Hội đồng Khoa học của Hội chuyên ngành (...) có nhiệm vụ tuyển chọn và xếp giải các Tác phẩm/Tiết mục đủ tiêu chí và đề nghị Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố hoặc Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, xếp giải”, hoặc quy định Hội đồng xét tặng Giải thưởng thành phố chỉ “công nhận kết quả xếp giải của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp Hội và của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch”... Chung quanh những quy định mới này vẫn có một số ý kiến khác nhau từ phía văn nghệ sĩ dự Giải thưởng cũng như từ phía các Hội đồng xét tặng, tuy nhiên Hội đồng xét tặng Giải thưởng thành phố cho rằng quy định như vậy là phù hợp với thực tế hiện nay. 

Hội đồng xét tặng Giải thưởng thành phố đã xem xét kỹ kết quả xếp giải của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp Hội và của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nhận toàn bộ kết quả này và trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chuẩn y và ban hành quyết định tặng Giải thưởng. Hội đồng xét tặng Giải thưởng thành phố nhận thấy Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp Hội và Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tuân thủ nghiêm những quy định nêu trong Quy chế năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố. Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp Hội và Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập theo đúng Quy chế, đặc biệt nhiều tiểu ban của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp Hội đã mời được chuyên gia từ các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật ở Trung ương cũng như ở các tỉnh bạn, nhằm nâng cao chất lượng thẩm định chuyên môn và tính khách quan trong đánh giá xếp giải.

Kết quả xếp giải của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Liên hiệp Hội và Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng tỏ tính độc lập tương đối của các thành viên hội đồng khi chủ yếu căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm/tiết mục để xếp giải, có tham khảo nhưng không phụ thuộc vào kết quả xếp giải của các hội đồng cấp chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội cũng như của các hội đồng đã trao tặng thưởng hằng năm trở lên cho các tác phẩm dự giải, không ít trường hợp đã có sự thay đổi kết quả xếp giải so với kết quả xếp giải của các hội đồng cấp chuyên ngành. Đương nhiên những trường hợp không thay đổi kết quả xếp giải cũng không có nghĩa là thiếu tính độc lập.

Điều đáng nói nhất trong Giải thưởng lần này là chất lượng các tác phẩm/tiết mục được trao giải, nhất là các tác phẩm/tiết mục được trao giải Nhất, giải Nhì, đã góp phần làm cho Giải thưởng sang giá và sáng giá hơn. Tiểu ban Nhiếp ảnh nghệ thuật đánh giá cao cả ba tác phẩm Điêu khắc gia Olwin của Hồ Xuân Bổn, Quà từ biển cả của Thân Nguyên và Xuất phát của Phùng Đức Dũng, nhưng đã cân nhắc từ góc độ nghệ thuật để chọn Điêu khắc gia Olwin - bức ảnh này được xem là nghệ thuật trong nghệ thuật. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long phân vân rằng nguyên mẫu điêu khắc gia Olwin không phải người Đà Nẵng, vậy trao giải Nhất cho tác phẩm Điêu khắc gia Olwin có trở ngại gì không? Thực ra điêu khắc gia Olwin nhiều năm qua đã có đóng góp lớn cho Đà Nẵng nói chung và nghệ thuật điêu khắc Đà Nẵng nói riêng, và việc trao giải lần này cho một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật mà ông là nguyên mẫu cũng là cách người Đà Nẵng bày tỏ lòng tri ân đối với Olwin. Tiểu ban Nghệ thuật Múa đánh giá rất cao tác phẩm Mộ gió của Minh Tâm - được trao giải Nhì (không có giải Nhất) - không chỉ vì vở múa này hướng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn vì đã thể hiện được công phu trong việc tạo hình và có sự tương thích giữa âm nhạc và vũ điệu. Tiểu ban Mỹ thuật đánh giá cao cả ba tác phẩm Đà Nẵng xưa và nay của Nguyễn Trọng Dũng, Công trình ngã ba Huế của Hồ Đình Nam Kha và thủ ấn họa Lời rừng của Nguyễn Duy Ninh, nhưng đã chọn trao giải Nhất cho tranh sơn dầu Đà Nẵng xưa và nay của Nguyễn Trọng Dũng, bởi hội họa là nghệ thuật của cái khoảnh khắc nhưng Nguyễn Trọng Dũng cố dùng thủ pháp đồng hiện thời xưa và thời nay của Đà Nẵng trên cùng bình diện một bức tranh.

Tương tự, Tiểu ban Kiến trúc đánh giá cao nỗ lực của hai tác giả công trình kiến trúc Trung tâm Công nghệ phần mềm thành phố Đà Nẵng bởi trong thời điểm 5 năm trước, việc thiết kế những công trình cao hơn mười tầng đang còn mới mẻ với Đà Nẵng và nhất là ý tưởng thiết kế hình một khối đĩa CD phù hợp với công nghệ thông tin rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, Tiểu ban đã cân nhắc và quyết định lựa chọn trao giải Nhất cho tác phẩm Bệnh viện Ung thư thành phố Đà Nẵng của Phan Đức Hải và Nguyễn Khắc Linh, vì hai tác giả đã thiết kế bệnh viện này theo hình một vòng tay để thể hiện tính nhân văn của những người sáng lập, và nhờ không gian kiến trúc rộng nên hai tác giả được thỏa sức thể hiện toàn bộ ý đồ nghệ thuật của mình, chẳng hạn mô hình bệnh viện - khách sạn... Tiểu ban Điện ảnh đánh giá cao hai phim tài liệu Con mắt còn có đuôi của Huỳnh Hùng, Lê Hoàng Nam, Nguyễn Lê Minh và Trong quên lãng của Đoàn Hồng Lê, Trần Xuân Quang. Cả hai phim đều có chất lượng nghệ thuật tốt và đã động chạm đến những vấn đề lớn và bức xúc của đất nước hiện nay, nhưng đã cân nhắc để trao giải Nhất cho phim Con mắt còn có đuôi, bởi vấn đề đặt ra trong Con mắt còn có đuôi - vấn đề đối xử với trí thức - nóng bỏng hơn, bức xúc hơn, day dứt hơn.

Tiểu ban Âm nhạc đánh giá cao hai ca khúc Cầu mưa của Xuân Minh và Cánh cò trên má của Phạm Quang Trung. Cả hai ca khúc đều được sáng tác theo dòng nhạc đương đại, Cầu mưa mạnh về giai điệu và phối khí, Cánh cò trên má mạnh về thi tứ, và cuối cùng quyết định cả hai cùng được trao giải Nhì (không có giải Nhất). Tiểu ban Văn nghệ dân gian đánh giá cao hai tác phẩm Tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng của Đinh Thị Hựu và Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn Ngũ Hành Sơn của Đinh Thị Trang. Cả hai tác phẩm đều thể hiện công phu nghiên cứu và tư duy khoa học của hai tác giả. Tiếng địa phương trong ca dao Quảng Nam - Đà Nẵng tuy có lúc thiên về ngôn ngữ học nhưng cũng đã phát hiện được tính chất của người Quảng trong ca dao. Tiểu ban đặc biệt đánh giá cao Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn Ngũ Hành Sơn, tuy phạm vi nghiên cứu hẹp - địa bàn một quận - và còn một số khiếm khuyết, nhưng Đinh Thị Trang đã đi đúng hướng: tìm những yếu tố phi vật thể trong các di sản văn hóa vật thể. Đối với lĩnh vực sân khấu - ở đây tập trung vào sân khấu tuồng, việc chọn lựa tiết mục để phân cao thấp khi xếp giải của Hội đồng Xét tặng Giải thưởng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố chủ yếu dựa vào số lượng huy chương vàng được trao cho các vai diễn của từng nghệ sĩ trong 5 năm qua, đồng thời cũng quan tâm động viên các nghệ sĩ trẻ tuổi.

Tâm điểm chú ý của các Giải thưởng văn học nghệ thuật thường nằm ở chuyên ngành văn học, Giải thưởng lần này cũng không ngoại lệ. Về văn xuôi, Tiểu ban Văn học đánh giá rất cao cả hai tiểu thuyết lịch sử Minh sư - Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi của Thái Bá Lợi và Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, cho rằng đây là hai tác phẩm hay - một chín một mười, nhưng do quy định không thể cùng lúc trao hai giải Nhất nên đã cân nhắc để chọn trao giải Nhất cho Minh sư - Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi vì tư duy tiểu thuyết và kỹ thuật viết tiểu thuyết của tác giả Minh sư - Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi có phần trội hơn. Về thơ, Tiểu ban đánh giá cao nỗ lực cách tân thi ca của Đinh Thị Như Thúy - tác giả tập thơ Ngày linh hương nở sáng và Nguyễn Minh Hùng - tác giả Thiên di, nhưng cũng đã cân nhắc để trao giải Nhì cho Ngày linh hương nở sáng.

Cuối cùng, qua thực tế xét tặng Giải thưởng lần này, có thể ghi nhận một số vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện Quy chế của lần xét tặng thứ tư (cho 5 năm từ 2015 đến 2019). Thứ nhất, thế nào là một tác phẩm văn chương đủ tiêu chuẩn xét giải? Có trường hợp giải thưởng văn học-nghệ thuật được trao cho một bài thơ trong một tập thơ, vậy bài thơ đó có đủ tiêu chuẩn xét giải? Nếu hiểu bài thơ là một chỉnh thể nghệ thuật thì bài thơ đó vẫn được xét - và thực tế lần này một trường hợp như vậycũng đã được xét ở cấp cơ sở chuyên ngành, nhưng cần ghi nhận trường hợp này để sửa đổi quy chế Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố lần thứ IV, quy định rõ hơn, bởi theo thông lệ thì lâu nay chỉ xét tập (tập thơ, tập truyện ngắn, tập bút ký, tập tiểu luận văn chương) chứ không xét bài (một bài thơ, một truyện ngắn, một bút ký, một tiểu luận văn chương). Thứ hai là vấn đề một tác giả/nghệ sĩ cùng lúc được trao nhiều giải, tuy không sai so với Quy chế hiện hành nhưng cũng cần được ghi nhận và đặt ra để sửa đổi quy chế Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố lần thứ IV.

Tóm lại, có thể nói việc xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố lần thứ III đã đạt được kết quả như mong đợi. Đó là xét trên đại thể, bởi cũng như mọi giải thưởng văn học nghệ thuật xưa nay, kết quả xếp giải khó lòng đạt sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi xin cảm ơn các vị giám khảo trong và ngoài thành phố đã nỗ lực hướng đến sự công tâm và khách quan, căn cứ chủ yếu vào chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm/tiết mục để xếp giải; xin cảm ơn các văn nghệ sĩ trong và ngoài thành phố đã tích cực hưởng ứng gửi tác phẩm/tiết mục dự giải, góp phần vào thành công chung của Giải; đặc biệt xin cảm ơn các văn nghệ sĩ đoạt giải, bằng thành quả lao động nghệ thuật chất lượng cao của mình, đã tạo thêm một dấu mốc đáng kể trong tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật thành phố chúng ta năm năm qua.  

 

(*) Trích Báo cáo tổng kết việc xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ III, do Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng Xét tặng thành phố, đọc tại Lễ Trao giải tối ngày 15-3-2016 tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tiêu đề do BBT đặt.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú