Chuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh Quế

04.04.2016

Chuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh Quế

Dạo đó, vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỷ trước, ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu V có một ca sĩ rất nổi tiếng: anh Thanh Đính. Anh vừa hát hay vừa có giọng khỏe, hát một lúc tới mấy chục bài. Thanh Đính người Hà Nội, đã có vợ con, đang có chỗ công tác tốt, vẫn xung phong vào chiến trường. Trông anh đẹp trai, trắng trẻo. Hình như những trận sốt rét rừng không đánh quỵ được anh, không thể làm cho mặt anh nhăn nhúm, gầy xanh như những anh em khác trong cơ quan.

Thanh Đính ít khi có mặt ở cơ quan. Mới nghe tin anh đang ở Hiên, Giằng (Quảng Nam) lại nghe anh đang hát ở Kon Tum, có khi lại ở tận Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nhiều người kể lại rằng: Có lần ở Dốc Dược (Trà My, Quảng Nam) vào buổi trưa, Thanh Đính từ phía Kon Tum ra, gặp các cô đoàn Bà Thao (thanh niên xung phong) cõng đạn xuống đồng bằng nghỉ lại. Mọi người đang tựa gùi đạn thiu thiu ngủ thì nghe một giọng vang, to:

- Chào các em. Anh là Thanh Đính. Anh hát tặng các em vài bài. Mong các em mạnh tay khỏe chân cõng đạn ra chiến trường.

Mọi người “ồ” lên, nhỏm cả dậy nhìn anh. Tức thì Thanh Đính đưa cây đàn ghi ta lên, gảy thử vài nốt rồi vừa đàn vừa hát bài “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”. Mọi người vỗ tay trầm trồ khen anh. Được thể, Thanh Đính cứ hát tiếp bài này đến bài khác, một lèo đến 30 bài. Giữa lúc đó, các cô có lệnh lên đường. Các cô luyến tiếc nói:

- Anh Thanh Đính ơi, lúc nào về Khu, anh qua đơn vị chúng em hát tiếp cho chúng em nghe nhé. Tụi em sẽ nấu chè đãi anh.

- Tụi em sẽ đãi mì chay, cá hộp, anh qua nhé.

Một lần khác, Thanh Đính trên đường xuống đồng bằng Quảng Nam, nghe nói có một đơn vị bộ đội vừa rẽ theo một con đường khác, cách đó 2 tiếng. Anh vội rời con đường đang đi, rẽ đuổi theo, kịp hát cho những người lính sắp vào chiến dịch một lúc tới 35 bài rồi mọi người chia tay. Các anh bộ đội người miền Bắc trẻ măng, vui vẻ:

- Đồng hương ơi, nghe anh hát chúng em phấn chấn lắm, lần này nhất định sẽ phá tan mấy cái đồn đó. Hẹn sau chiến dịch này gặp lại, anh hát cho chúng em nghe nhé.

Một chiến sĩ chạy theo dúi vào tay Thanh Đính mấy phong lương khô:

- Tụi em lính tráng không có gì, gửi anh chút quà đi đường...

Vào mùa đông năm 1970, tôi cùng nhà thơ Dương Hương Ly đi công tác Quảng Ngãi. Chúng tôi gặp Thanh Đính ở Nước Biếc. Anh bảo anh mới vừa ở cánh Nam ra. Tối nay cơ quan Kinh tài tỉnh có cuộc họp, mời anh đến góp vui. Anh rủ hai chúng tôi cùng đi.

Đêm hôm đó, với danh nghĩa “hộ tống” ca sĩ Thanh Đính, chúng tôi vào dự buổi ca nhạc chào mừng cuộc họp. Thanh Đính hát rất khỏe, anh đánh một lèo tới 30 bài. Sau buổi họp, một anh nhân viên cơ quan nói với chúng tôi:

- Thủ trưởng mời anh Thanh Đính cùng hai anh lên chỗ thủ trưởng.

Chúng tôi đi theo ánh đèn pin của người nhân viên lên một căn nhà lá trên một ngọn đồi nhỏ. Đến nơi, đã thấy người thủ trưởng đơn vị ngồi bên ngọn đèn chai bỏ trong thùng dầu xà lách tỏa ánh sáng mờ mờ.Trước mặt ông là một nồi cháo và một con gà luộc mập ú. Ông nói:

- Anh Thanh Đính hát hay lắm. Đơn vị rất thích. Bây giờ mời các anh “bồi dưỡng” chút cháo khuya. Gà của đơn vị nuôi đó.

Thanh Đính mỉm cười, nháy mắt với hai chúng tôi.

Một lần, xuống công tác ở Quảng Nam, tôi nghe các anh Ban Tuyên huấn kể: Bữa hôm đó, con Vận ở Giao bưu chuyển công văn phải lội qua suối. Không ngờ, khi qua gần hết suối, bỗng có một con lũ ào tới. Cô vội chạy nhanh vào bờ, nhưng bị mất đôi dép. Biết có thể không tìm ra, nhưng khi lũ rút, cô vẫn quay ra suối lặn lội tìm dép. Chợt Thanh Đính đi công tác ngang qua, thấy cô cứ lò mò dưới suối bèn hỏi:

- Cô mò cái gì đó, bắt cá à?

- Dạ không, dép em bị mất. Em tìm. Cô gái trả lời.

Thanh Đính bỏ cây đàn trên bờ rồi cùng xuống suối tìm dép với cô gái. Một lúc lâu, hai anh em vẫn không tìm thấy dép, có lẽ nó bị trôi xa rồi. Thanh Đính nói:

- Thôi đi em, dép đã mất rồi. Anh biết em rất buồn (đôi dép ở chiến khu rất quan trọng) nhưng không có dép để cho em. Anh hát tặng em vài bài hát để em vui nhé.

Bây giờ, cô gái như nhận ra anh là ai, nhoẻn cười, quên cả chuyện mất dép, reo lên:

- Anh là…

- … Anh Thanh Đính - Thanh Đính tiếp lời.

Nói xong, Thanh Đính cầm cây ghi ta vừa gãy đàn vừa hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, còn cô gái vừa nhảy chân trần trên đá vừa vỗ tay, lẩm nhẩm hát theo…

T.Đ 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú