Bài ca tóc rụng - Lê Thành Văn

04.04.2016

Bài ca tóc rụng - Lê Thành Văn

Cứ mỗi năm ở chiến trường

Mái tóc em lại rụng thêm một ít

Sông Trà Nô sớm ngày em gội tóc

Vẫn vuốt ve như bà mẹ hiền từ

Ru em về những giấc ngủ ngày xưa

Lúc còn thơ ngồi nghe bà kể chuyện

Ngày xửa ngày xưa có con chim nhạn

Rút lông dệt áo cho chồng

Chiếc áo thành, chim nhạn rụng

hết lông

Ừ có phải lời nhủ từ thuở trước

Chẳng hạnh phúc nào không có

hy sinh

Mái tóc em giờ ngắn ngang lưng

Dù rất nhỏ cũng góp phần hạnh phúc

Rồi một mai khi tuổi già tóc bạc

Em sẽ ngồi kể chuyện giữa cháu con

Câu chuyện mở đầu rằng ngày ấy ở

miền Nam

Bà đã gặp những người tóc rụng.

Trà Nô, Quảng Nam, 1973

Triệu Thị Thùy

Lời Bình:

Tôi đọc bài thơ này xong đã không thể nào cầm nổi nước mắt. Hóa ra số phận người phụ nữ Việt Nam sao mà cơ khổ và đau thương thế kia! Chiến tranh đâu chỉ cướp đi làng mạc thanh bình, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn; chiến tranh còn hủy diệt cả tuổi thanh xuân và cái đẹp. Chính cái phi nhân văn ấy nên bao đời nay nhân loại đã nguyền rủa và lên án chiến tranh. Hiện thực khốc liệt trong thời kỳ cả nước ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Triệu Thị Thùy - một phóng viên ảnh chiến trường - đã ghi lại thật cảm động qua bài thơ Bài ca tóc rụng.

Ai đã từng đọc Tây Tiến của Quang Dũng, một thi phẩm nổi tiếng viết về người lính chống Pháp, hẳn đều giật mình trước hình tượng bi hùng về đoàn quân không mọc tóc: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùng". Nhưng dù sao cảnh người lính rụng tóc vẫn hiện lên đậm chất tráng ca, bởi lẽ họ là "những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng", ra đi vì nghĩa lớn của nước non. Ở bài thơ Bài ca tóc rụng, Triệu Thị Thùy phát hiện một cảnh tượng thật đặc biệt, dễ khiến ta bùi ngùi thương cảm: "Cứ mỗi năm ở chiến trường/ Mái tóc em lại rụng thêm một ít". Người con gái có mái tóc dài làm duyên: "Tóc ngang lưng vừa chừng em bới/ Để chi dài bối rối dạ anh" (Ca dao). Vẻ đẹp của tuổi thanh xuân qua mái tóc dài vô tình được các cô gái phát hiện ngày một rụng dần sau những cơn sốt rét rừng nguy hiểm. Mỗi ngày các cô gái ra bến sông gội tóc là mỗi lần nhận ra nỗi đau của chính mình, nhưng đồng thời cũng nhớ lại những câu chuyện kể cảm động của bà, của mẹ  khi quay về những ngày xưa:

Lúc còn thơ ngồi nghe bà kể chuyện

Ngày xửa ngày xưa có con chim nhạn

Rút lông dệt áo cho chồng

Chiếc áo thành, chim nhạn rụng

hết lông

Từ một hiện thực chiến tranh khốc liệt với chuyện rụng tóc mỗi ngày của các cô gái nơi chiến trường ác liệt, tác giả đã nâng bài thơ lên một cảm xúc mới, một tứ thơ đầy triết lý: không thể có hạnh phúc nếu không có sự hy sinh. Vâng, hy sinh chính là sự khởi nguồn của hạnh phúc. Con chim nhạn đan áo cho chồng phải chấp nhận khổ đau khi thân mình "rụng hết lông", miễn sao tấm áo cho chồng dệt xong trước mùa đông đến. Mượn câu chuyện đầy huyền tích, Triệu Thị Thùy đã khái quát được một lẽ sống ở đời, một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc:

Ừ có phải lời nhủ từ thuở trước

Chẳng hạnh phúc nào không có

hy sinh

Mái tóc em giờ ngắn ngang lưng

Dù rất nhỏ cũng góp phần hạnh phúc

Từ mái tóc dài óng mượt, tóc em giờ chỉ còn ngắn ngang lưng, không biết rồi đây sẽ ngắn thêm bao nhiêu nữa bởi mỗi năm cứ rụng thêm dần. Em đã lấy tình yêu đất nước mà chấp nhận hy sinh cái phần tươi đẹp của đời mình vốn được tạo hóa ban cho người phụ nữ. Cái hay của bài thơ phần cuối là tái hiện cảnh một bà cụ tóc bạc cũng chính là chủ thể trữ tình ngồi kể chuyện cho cháu con nghe về những người tóc rụng như ngày xưa tác giả đã từng nghe bà mình kể về cảnh tượng con chim nhạn rút hết lông dệt áo cho chồng, không quản gì mất mát, hy sinh:

Rồi một mai khi tuổi già tóc bạc

Em sẽ ngồi kể chuyện giữa cháu con

Câu chuyện mở đầu rằng ngày ấy ở

miền Nam

Bà đã gặp những người tóc rụng.

Bài thơ có một cấu tứ vững vàng trên một cái nền hiện thực của cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và tàn bạo mà tác giả là nhân chứng cụ thể. Lời thơ như câu chuyện lòng thầm kể, thủ thỉ và thiết tha, song vẫn không dàn trải cảm xúc, chỉ đủ độ cần thiết để người đọc rung động. Hình ảnh thơ chủ yếu xoay quanh hình tượng "mái tóc em" ngày xưa bên dòng Trà Nô và hiện tại là mái đầu tóc bạc của người bà giữa cháu con đang bồi hồi kể chuyện. Bình dị và sâu lắng, Bài ca tóc rụng đã đánh thức nhiều cảm xúc trong mỗi chúng ta khi cảm nhận về chiến tranh và nỗi đau lớn lao của những con người đi qua chiến tranh, nhất là những người phụ nữ, để mang lại hạnh phúc thanh bình cho cuộc sống hôm nay.

L.T.V 

Bài viết khác cùng số

Cây Dâu da - Đỗ Như ThuầnTâm lý xưng danh và tự thẹn trong thơ ca của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnTrà nguội - Nguyễn Thị LuyênĐiện thoại - Thu LoanTrò chơi tin nhắn - Trương Điện ThắngTiếng gọi phía Hoàng Sa - Đặng Hoàng ThámMột lần vượt “ngưỡng” - Cao Duy ThảoMinh Sư - Trích tiểu thuyết – Thái Bá LợiCông chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật(*) - Thái Bá LợiLễ trao Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III - Bùi Văn TiếngBên bến sông quê - Xuân HiệuĐếm - Nguyễn Hàn ChungĐời tranh - La TrungMùa đông - Ngọc NhânMột cuộc - Đỗ Thượng ThếBến hoàng hôn - Mai Mộng TưởngNguyễn Du thăm mộ Tiểu Thanh - Nguyễn Công ToànThơ Phạm PhátThơ Nguyễn Minh HùngThơ Nguyễn Nho KhiêmÂm hưởng thơ Đường trong Nhật ký trong tù - Chu Huy SơnThơ Hán Nôm Ngũ Hành Sơn (hoặc: Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn) - Nguyễn Dị CổChuyện ca sĩ Thanh Đính - Thanh QuếBài ca tóc rụng - Lê Thành VănNhững món ăn ẩm thực nấu bằng ống tre lồ ô của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao Quảng Nam - Trần Cao AnhTừ thành phố này, tiếng hát trái tim tôi - Trương Đình QuangĐường tới Sài Gòn 30 tháng 4 qua thơ...- Nguyễn Ngọc Phú