Từ chợ Hàn đến chợ Cồn Đà Nẵng - Võ Hà

03.09.2015

Từ chợ Hàn đến chợ Cồn Đà Nẵng - Võ Hà

Đối với thành phố Đà Nẵng, chợ Hàn và chợ Cồn là hai chợ để lại nhiều dấu ấn nhất trong tiến trình lịch sử - văn hóa, gợi mở câu chuyện rất rõ giữa kinh tế và văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong hệ thống chợ Đà Nẵng, khi nói về chợ Hàn mà không nhắc đến chợ Cồn thì sẽ không trọn vẹn bởi tính lịch sử trong mối quan hệ của hai chợ này.

Đối với chợ Hàn, ra đời sớm nhất trong các chợ của Đà Nẵng gắn liền với quá trình di dân lập làng thời kỳ đầu chúa Nguyễn. Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư được lập từ thế kỷ XVII đã ghi rõ hành trình đường bộ từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam qua các chặng... “ăn thì ở núi Hải Vân, trọ thì ở Chân Đằng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng, trọ thì ở Tú Cú, ăn thì ở kho Hội An”1. Căn cứ vào tấm bia chùa Long Thủ do ông Lê Gia Phước người xã Hải Châu khắc vào năm 1657, thì xã Hải Châu tồn tại cùng thời với chợ Hàn, có nghĩa muộn nhất là vào thế kỷ XVII. Hòa thượng Thích Đại Sán khi ghé lại cửa Hàn vào ngày 8-6-1695 ghi lại trong hồi ký: “Khoác áo choàng đứng dậy thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng (Đà Nẵng)... Hai bên bờ, nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ sáng”2.

Đầu thế kỷ 19, Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí đã đề cập đến chợ Hải Châu: “Từ phía đông điếm Cẩm Lệ có một nhánh đường đi 3.381 tầm đến chợ Hải Châu. 521 tầm phía  nam là ruộng cấy lúa là dân cư, phái bắc là đồi cát đến nền kho cũ Mỹ Thị, tại bộ phận xã Hóa Khê Trung Tây. 2378 tầm phía nam là ruộng muối ven theo sông, phía bắc là đồi cát, dân cư và ruộng vườn đến chợ xã Hải Châu, phía đông của chợ là bờ sông”3. Trong chuyến du hành đến Đà Nẵng từ 12 đến 20/01/1825, Đại tá thủy quân Pháp Bougainville và các thủy thủ đi dạo chơi các nơi của Đà Nẵng. Một số nội dung nhận xét về Đà Nẵng lúc bấy giờ đã được Bougainville viết trong cuốn Nhật ký hành trình vòng quanh thế giới của 2 tàu Thétis và Espérane như sau: “Trong khi chờ đợi trả lời, những người Pháp đi thăm lạch, các vùng lân cận, núi thạch non nước là vấn đề làm cho tất cả các du khách tò mò. Bougainville không cùng quan điểm với Horsburgn cho rằng lạch Đà Nẵng là một trong những loại lạch lớn và đẹp nhất thế giới, ông chỉ thấy phần nào thôi. Còn cái làng Đà Nẵng nằm trên bờ biển ở cửa vào sông Hội An, phía bờ bên phải có dựng một pháo đài do người kỹ sư Pháp làm, có tường, đồn và hào khô. Dân chúng đón tiếp nồng nhiệt đoàn thủy thủ, người Pháp được người An nam xem như những đồng minh cũ. Toàn thể thủy thủ chiếc Thétis có thể lên bờ đi lại mua lương thực, câu cá, săn bắn”4. Làng Đà Nẵng ở đây với trung tâm là chợ Hải Châu (chợ Hàn) là một trong 3 nơi mà du khách phải ghé khi đến phố cảng Đà Nẵng gồm lạch Đà Nẵng (tức sông Cổ Cò), núi Sơn Trà và làng Đà Nẵng. Lúc này, quy mô chợ Hàn được mở rộng hơn, theo ghi nhận của Hausmann thì “Đà Nẵng lập nên do sự tập hợp của nhiều làng gồm những túp lều tranh có vẻ khốn khổ”. Rồi sau đó cũng theo sự ghi nhận của ông về khu vực hoạt động mạnh mẽ nhất của thành phố mà ông từng đến vào năm 1845, “ngày hôm sau, khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi ngược dòng sông Hàn để thăm thành phố hay làng Đà Nẵng... khu vực đáng kể nhất là khu bán tạp hóa, chính tại khu này, thủy thủ các tàu đã buôn bán”5. Trong khi đô thị cảng Hội An phát triển mạnh mẽ thì xã Hải Châu đã ra đời và phát triển như một trung tâm thương nghiệp sầm uất, nhộn nhịp vào bậc nhất ở phố cảng Đà Nẵng. Sự phát triển thương nghiệp ở xã Hải Châu đặc biệt xung quanh khu vực chợ Hàn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các làng xã khác6.

Tính đến trước hết nửa đầu thế kỷ XX, chợ Hàn vẫn là một chợ lớn nhất, sầm uất nhất và được liệt kê như một dấu ấn lớn về địa lý kinh tế, lịch sử và nhân văn của Đà Nẵng. Năm 1955 khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã ra lệnh yêu cầu tất cả các địa phương cấp tỉnh, thành phải tiến hành sưu tầm tài liệu để biên soạn địa phương chí. Trên thực tế, mục đích của việc biên soạn này nhằm cung cấp cho chính quyền Trung ương có một đánh giá tổng thể về địa lý kinh tế để đưa ra một quyết sách phù hợp trong tình hình mới.

Thực hiện yêu cầu trên, ngày 27/11/1955, Tòa thị chính Đà Nẵng đã có Tờ trình số 6297/HC gửi Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt để báo cáo tình hình về việc sưu tầm tài liệu địa phương chí và trình đề cương biên soạn công trình. Trong mục địa lý kinh tế đã liệt kê 10 nội dung tổng thể quan trọng theo mẫu chung là: “Nông sản (có khoai, sắn, bắp, nếp, đậu xanh); ruộng (không có); cây lúa gì, vụ gặt vào tháng nào, mấy vụ (không có); lâm sản (không có); các thứ cây ăn quả (có chuối, thơm, xoài, mít); tiểu công nghệ (làm nồi đồng, dệt vải, may giày); tiểu kỹ nghệ (không có); số ngư chài hiện hữu (12.000 - ước lượng năng suất mỗi ngày 5 tấn về mùa nắng và 1 tấn về mùa mưa); có một chợ quan trọng (chợ Hàn); có một đường quốc lộ số 1”7. Theo tiêu chí nghiên cứu, biên soạn địa phương chí, việc liệt kê chợ Hàn, một địa danh cụ thể trong 10 nội dung có tính chất ngành nghề đã khẳng định chợ Hàn là một chợ lớn của Trung kỳ và có tầm quan trọng về địa lý kinh tế của Đà Nẵng. Trong khi chợ Hàn có một vị trí và vai trò to lớn đối với hoạt động thương mại của Đà Nẵng thì chợ Cồn vẫn chưa ra đời. Trong các bài báo và ký ức của nhiều người sống tại Đà Nẵng đã không cung cấp một thông tin chính thức về năm thành lập của chợ Cồn và sự phát triển của chợ đến khi đã định hình một chợ Cồn cơ bản như ngày nay.

Tiếp theo bước đi của việc biên soạn địa phương chí, năm 1956 trên cơ sở những đánh giá và phân tích về tình hình cụ thể của các địa phương, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành một bước quan trọng hơn là xây dựng các chương trình kiến thiết tại các đô thị, trong đó có Đà Nẵng. Tuy nhiên, lúc này chính quyền còn có nhiều khó khăn, ngân sách quốc gia eo hẹp nên Hội đồng kiến thiết đã đưa hai nguyên tắc cơ bản khi tổ chức thực hiện: Kiến thiết với ngân khoản tối thiểu (cái gì cấp thiết mới làm) và vận động nhân dân kiến thiết (nhà nước và nhân dân cùng làm, chủ yếu là kêu gọi các công ty tư nhân tham gia theo mô hình xã hội hóa). Với hai nguyên tắc trên, Hội đồng kiến thiết đã đề ra một chương trình tối thiểu là: “Giải tỏa chợ Hàn, hiện bị ngạt thở cho người buôn cũng như người bán; dựng một khu phố hàng vải và tạp hóa cho các tiểu thương”. Trong đó, “việc quan trọng hơn hết là giải tỏa chợ Hàn. Chương trình dời chợ đến một khu đất khác trong đô thị rộng rãi và khoáng đạt hơn đã được nêu ra từ mấy năm về trước. Song hết với một dự án gần 10.000.000 đồng thì không thể có ngân sách nào đài thọ nổi nên việc đâu vẫn nằm đấy”8. Như vậy, trong chương trình kiến thiết của Đà Nẵng năm 1956 thì chợ Hàn được đưa ra và yêu cầu giải quyết trước hết bởi tình trạng quá tải có tính cấp thiết của chợ trong điều kiện vùng trung tâm của Đà Nẵng ngày càng phát triển, dân số ngày càng tăng.

Về nội dung cụ thể để kiến thiết chợ Hàn, Hội đồng kiến thiết đã đề xuất: “dời các hàng vải và tạp hóa về một khu đất cách chợ 200 thước. Còn khu vực chợ cũ thì sẽ sửa sang lại cho sạch sẽ và ngăn nắp và chỉ dành cho chợ cá, thịt, rau, hoa quả mới đủ chỗ và hợp vệ sinh. Trên khoảng đất mới, hiện có một ngôi nhà công quản đã sụp đổ đã được cất dọn xong, nay cho phân lô và có thể làm được 100 gian hàng (mỗi gian hàng 4 x 4 thước) gồm có nhà tiêu công cộng. Việc xây cất khỏi phải mất công quỹ nhờ cách giao cho các thầu khoán thi đua đấu làm các gian hàng, được các thương gia đấu ngay trên họa đồ trước khi xây cất. Như vậy sẽ lợi cho ngân sách đô thị một số tiền khá quan trọng để dùng vào việc kiến thiết khu chợ cũ”9. Việc giải tỏa không đồng nghĩa với việc xóa bỏ chợ Hàn mà di dời một phần chợ Hàn ra khu vực khác cách khu cũ 200m dựa theo hàng hóa buôn bán.

Trong việc kiến thiết chợ Hàn, có một điều đặc biệt là Tòa thị chính Đà Nẵng đã yêu cầu cấp trên hỗ trợ một kiến trúc sư giỏi để tiến hành thiết kế và chỉnh trang chợ Hàn cho cả khu chợ mới và khu chợ cũ. Trong công văn nêu rõ, “để hợp với mỹ quan và chương trình kiến thiết đô thị, tôi có điện xin Quý Bộ gửi cho một kiến trúc sư để giúp cho công việc chuyên môn. Các công tác trình bày trên đây cần được thực hiện nhanh chóng để gây một ảnh hưởng chính trị tốt đẹp và về phương diện kinh tế còn giúp biết bao nhiêu người có công ăn việc làm mà hiện nay còn đang lâm vào trình trạng thất nghiệp”10. Việc kiến thiết chợ Hàn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng như vậy đối với Đà Nẵng nhưng trong 2 năm 1956 - 1957, đề nghị trên vẫn không được thực hiện vì cần một nguồn kinh phí lớn, trong khi quốc gia rơi vào khó khăn và chưa có một chương trình phát triển dài hơn. Để đối phó với tình trạng khó khăn này và nhằm dồn ngân sách cho một mục đích chính trị, năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đã phát động chiến dịch phát triển sản phẩm nội hóa (tức hạn chế nhập khẩu, sử dụng hàng hóa được sản xuất trong nước để tiết kiệm USD), được chú trọng thực hiện tại các đô thị thương cảng như Đà Nẵng. Các mặt hàng như vải, gạo, chủ yếu là nông sản được sản xuất trong nước tăng số lượng trong chợ Hàn, các sản phẩm ngoại nhập giảm rất nhiều.

Đến năm 1957, chợ Hàn - một chợ duy nhất ở trung tâm Đà Nẵng bị quá tải nhưng vẫn chưa có chợ khác được xây cất để phân luồng hoạt động nội thương. Trong chương trình hoạt động 5 năm 1962 - 1966 của thành phố Đà Nẵng đã cho biết: “trước 1958 ở nội ô Đà Nẵng có một chợ chính là chợ Hàn, chợ này đã lập lâu năm sau này quá hẹp. Năm 1958 để giải tỏa chợ Hàn, thành phố đã lập chợ Cồn được chia ra từng đợt và đã xây cất 2 đình chợ bằng vật liệu nhẹ. Năm 1960 chương trình khuếch trương kinh tế có cấp ngân khoảng 1.000.000 đồng làm hệ thống mương cống”11. Như vậy, năm 1956, trước tình trạng chợ Hàn bị quá tải kéo dài trong nhiều năm, Tòa thị chính Đà Nẵng phải tìm cách khắc phục khi đề nghị lập một khu mới của chợ Hàn cách khu cũ 200m nhưng không được thực hiện. Đến năm 1958, để giảm tải chợ Hàn thì chợ Cồn chính thức được thành lập với hai đình chợ bằng vật liệu nhẹ, nằm về phía tây tây bắc và cách chợ Hàn khoảng 1km.

Khi chợ Cồn ra đời và hoạt động được 4 năm (1958 - 1962), với quy mô nhỏ hơn chợ Hàn gồm hai dãy nhà chính. Đến lúc này, chợ Cồn cũng bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải khi dân số ở các khu vực xung quanh ngày càng tăng trước sự mở rộng và phát triển của đô thị Đà Nẵng. Trước tình hình đó, Tòa thị chính Đà Nẵng trong chương trình hoạt động năm 1962 đã đề ra mục tiêu xây dựng và hoàn thành chợ Cồn vào năm 1966. “Để tương xứng với một thành phố lớn, việc xây cất chợ được chia ra từng đợt như sau: Năm 1962:  Không dự trù. Năm 1963: Xây cất một nửa chợ: 4.000.000 đồng. Năm 1964: Không dự trù. Năm 1965: Xây cất một nửa chợ còn lại: 4.000.000 đồng. Năm 1966: Xây thêm cống rãnh và trang bị điện nước và các gian hàng bên trong: 2.000.000 đồng”12. Chương trình này của Đà Nẵng đã hoàn thành như kế hoạch đề ra. Đến năm 1966, chợ Cồn có quy mô lớn hơn chợ Hàn và dần dần có một vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế nội thương của Đà Nẵng. Chợ Hàn và chợ Cồn có những đặc điểm riêng và hỗ trợ cho nhau trong hoạt động buôn bán và lưu thông hàng hóa, trở thành một trục quan trọng nhất trong hệ thống chợ

Đà Nẵng.

Cùng trong thời gian này, Đà Nẵng có các chợ nhỏ ở ngoại ô và vùng đông giang, trong tình trạng thô sơ, thiếu vệ sinh và kém mỹ thuật. Trong chương trình hoạt động 5 năm 1962 - 1966 cũng đã đề ra dự án xây cất các chợ nhỏ này và được chia ra từng đợt. “Năm 1962: Chợ An Hải: 500.000 đồng. Năm 1963: Chợ Nại Hiên Tây: 500.000 đồng; chợ Thanh Bình: 500.000 đồng. Năm 1964: Chợ Hà Thân: 500.000 đồng; Chợ Thanh Khê: 500.000 đồng. Năm 1965: Chợ Tam Tòa: 500.000 đồng; Chợ Tân Thái: 500.000 đồng”13. Đến năm 1966, hệ thống chợ của Đà Nẵng cơ bản được hoàn thành, hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập, hàng hóa đa dạng và phong phú. Trong 1971 và 1972, nguồn lợi thu được tại các chợ của Đà Nẵng như sau: “Chợ Cồn: 1971 là 12.864.000 đồng, 1972 là 14.580.000. Chợ Hàn: 1971 là 7.224.000 đồng, 1972 là 5.280.000 đồng. Chợ Hòa Thuận: 1971 là 4.563.600 đồng, 1972 là 5.406.000 đồng. Chợ An Hải: 1971 là 4.572.000 đồng, 1972 là 5.124.000 đồng”14. Năm 1971, chợ Cồn có nguồn lợi gần hai lần chợ Hàn, năm 1972 thì gần ba lần chợ Hàn. Chợ Cồn trở thành chợ lớn nhất Đà Nẵng nhờ vị trí thuận lợi của mình trong quá trình đô thị hóa. Các chợ này có hạ tầng tương đối kiên cố, tồn tại cho đến những năm 1980 khi cả 2 chợ này được cải tạo lần cuối cùng như ngày nay.

Đối với thành phố Đà Nẵng, chợ Hàn và chợ Cồn để lại một dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt kinh tế và văn hóa, gắn với nhiều thế hệ qua nhiều biến cố lịch sử khác nhau trong cuộc sống. Trong giai đoạn vận chuyển còn khó khăn, chợ Hàn nằm bên bờ sông, chợ Cồn nằm trên đường bộ đã cùng hỗ trợ nhau thúc đẩy sự phân phối lưu thông hàng hóa của Đà Nẵng một cách hài hòa và năng động. Hàng theo đường thủy cập vào chợ Hàn rồi đưa về chợ Cồn để tỏa ra khắp mọi miền qua các đầu mối giao thông tụ về gần đấy như bến xe, ga xe lửa... Và ngược lại, hàng từ đầu mối giao thông đường bộ tập trung lại chợ Cồn rồi đưa về chợ Hàn để từ đó tỏa đi khắp các nơi bằng ghe thuyền mà đường bộ không vươn đến được. Qua những hoạt động như vậy, cái truyền thống và cái hồn của hai ngôi chợ này được hình thành và in sâu trong tâm thức của người Đà Nẵng. Từ chợ Hàn đến chợ Cồn đã phản ánh về gần như bức tranh tiến trình lịch sử Đà Nẵng.

 

 

1 Viện khảo cổ: Hồng Đức bản đồ, Nxb. Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1962, tr. 92.

2 Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện đại học Huế, 1963.

3 Lê Quang Định: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr. 219.

4 Guillion: “Cuộc hành trình của Bougainville đến Đà Nẵng tháng giêng - hai 1825”, BAVH, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, tr. 295. Đây là một đoạn nhận xét của Bougainville trong thời gian 2 tàu này ở Đà Nẵng.

5 Taboulet Georges: Dẫn theo Lưu Trang trong: Phố cảng Đà Nẵng (1802-1860), Nxb. Đà Nẵng, 2005, tr. 109.

6 Nhất trong việc thúc đẩy cạnh tranh giữa các chợ với nhau. Năm 1827, tên chợ Hải Châu lại xuất hiện trong tờ trát đề ngày 20-4 năm Minh Mạng thứ 8 của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, nói về việc cạnh tranh giữa hai chợ Hải Châu và chợ Hà Thân, cũng như đề nghị lập lại chợ An Hải trên đất làng An Hải cho 7 xã hữu ngạn sông Hàn: “Mùa đông năm ngoái, trong xã có cho hai người: Lê Văn Trực, Trần Văn Chiêu, đến hầu tại đồn, trình rằng: Tứ cận làng này là Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An gồm chung thành địa phận bảy xã, đều đồng lòng muốn họp chợ tại xã An Hải để vừa mở rộng đường tài chính, vừa thắt chặt nghĩa thân lân. Vả lại, vào những năm trước, xã có tục lệ họp chợ lâu rồi. Nhưng sau, xã Hải Châu gây rối, dẫn đến tranh chấp, làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về xã nhà thuật lại đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả bảy xã đều đồng tình như vậy, thì mỗi xã phái một mục dịch tháp tùng bổn chức, thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ, rồi cho thi hành”. Theo Lưu Anh Rô: “Buôn bán xưa tại Đà Nẵng”, Đà Nẵng cuối tuần, ngày 12-8-2010.

7 Trình số 6297/HC, ngày 27-11-1955 của Tòa thị chính Đà Nẵng về việc sưu tầm tài liệu địa phương chí. Hồ sơ 39. Tòa đại biểu Trung nguyên Trung phần, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh).

8 Công văn số 961/VP, ngày 14-11-1956 của Thị trưởng Đà Nẵng Lê Văn Ái gửi Bộ trưởng Bộ Kiến thiết và Thiết kế đô thị tại Sài Gòn về việc kiến thiết đô thị Đà Nẵng. Hồ sơ 2970. Tòa đại biểu Trung nguyên Trung phần, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh).

9 Công văn số 961/VP, nđd.

10 Công văn số 961/VP, nđd.

11 Chương trình hoạt động 5 năm 1962 - 1966 của thành phố Đà Nẵng. Hồ sơ 21123. Phông DI-CH. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh).

12 Chương trình hoạt động 5 năm, nđd.

V.H