Bông bí rợ - Lý Thị Minh Châu

03.09.2015

Bông bí rợ - Lý Thị Minh Châu

Cái từ ấy đã có từ ngày xửa ngày xưa. Người quê tôi nhớ như khắc. Chẳng phải nó cao sang quyền quý chi đâu, nó là một giống bí hoang dã mà người ta trồng chỉ để lấy đọt và hoa là chính, trái rất ít. Bao đời nay bông bí rợ chưa hề thay đổi diện mạo của mình, vẫn hoa màu vàng đậm sáng rực dưới nắng mặt trời. Hoa đơn năm cánh không hề kiêu sa. Cuống hoa, đài hoa là màu xanh ngăn ngắt của cỏ, của lá, của ruộng lúa bạt ngàn quê kiểng. Lá nham nhám, đọt non cũng nham nhám bởi thứ lông măng mịn màng mà lại nõn như tơ.

Dân mình tinh quái hết biết, cứ đọt bí nào mà không nhiều măng tơ trinh tiết hương đồng cỏ nội như kia thì coi như hàng xả vất đi, nằm chờ đến héo quèo chỉ còn nước đổ máng. Cái sản vật nghìn năm văn hiến trên mảnh đất bạt ngàn phù sa này cứ xanh phơi phới, xanh đến lạ con mắt. Ôi cái nụ hoa vàng vàng mơn mởn và óng ánh bởi những sợi lông măng như trêu chọc con mắt mặt trời kia ơi, sao mà rực rỡ thế, dẫu nó chỉ là cái bông đực. Ông trời sinh ra cái ngữ đực này chỉ để tự thú với đời là vô công rách việc mà thôi. Sinh ra nở hoa, tàn rồi thối, chẳng tích sự gì. Chẳng mén ruồi nào thèm ve vãn mới đắng đời. Ôi, đáng thương làm sao cho một công tử tài hoa quê kiểng… Nhưng với cánh nông dân thật thà chân chất, “vắt chày ra nước” thì không thể lãng phí của trời như thế được. Cỏ còn ăn được, bông bí mà không ăn mới là lạ. Hái chúng ở bất cứ nơi nào có chúng, bất cứ vườn nào của ai, vô tư mang về khi còn tươi roi rói, nấu canh hay xào với chút mỡ… là ung dung sống qua ngày. Thậm chí có miếng mỡ gà bé téo tẹo xào nó cũng ngon, chấm với mọi loại mắm, muối đều được tất, nghe chừng cũng sướng sướng cái miệng trong những ngày bão táp phong ba. Chúng vô dụng và nhiều đến nỗi những chủ vườn trồng nó rất hạnh phúc và tự hào khi có ai đó quan tâm tới chúng xin về.

Bông bí đực khác bông bí cái ở chỗ bông cái có bầu nõn, còn bông đực thì “nhẵn nhụi”. Ừ nhỉ, sao mà hoa trái cũng giống như người vậy, cũng đực cái, cũng chửa đẻ như đàn ông đàn bà, cũng cái bụng chang bang… Lạ. Khi hoa cái chưa nở thì cái bầu nõn của nó cũng cỡ đầu ngón tay trỏ rồi, chỉ nhìn thoáng qua là biết thị đực cái, không hề sai. Bầu nõn ấy thiên nhiên cho tự xử để đậu trái mới đã chứ. Chả cần bọn bông đực vô tích sự kia làm chi thêm rối rắm, quả bí ngày một to kềnh như thách thức đám mày râu này.

 

Ngày xưa, bữa cơm quê đạm bạc lắm, chỉ với ít sản vật cơ hàn nương náu bếp núc dân cày. Những thứ mà ngày trước rẻ mạt như ốc, nhái, ba khía, cua còng, rô, lóc thì nay đã xúng xính nơi hàng quán thị thành. Từ con chuột đồng bé tẹo đủ liếm mép mèo, cho tới con rắn, con rùa nặng một vài cân cũng đã lên đời chễm chệ nơi các phố nướng, làng nướng… Chúng được người ta thỉnh tọa đối ẩm với rượu Tây, rượu Mỹ, thập toàn đại bổ… trong những quán cũng chuyên bốc hốt bằng tay.

Ngẫm xem, các o bây giờ mặc bà ba lãnh trắng Tân Châu, quần mặc nưa Hồng Ngự, đi xe đời mới cáu cạnh với anh hai, anh ba... đến nhà hàng chỉ để ăn bông bí rợ dồn cá thát lát, hay đọt su xào tỏi mới tréo cẳng ngỗng cuộc đời. Chuyện nghe ra có vẻ lạ nhưng thật trăm phần trăm. Bao đời nay cái chỗ của bông bí rợ chỉ là cái xó bếp, cái rổ rách thì nay đã vật dời, sao đổi nên mâm, nên bát với phép tắc, lễ nghi, thưa gửi. Chẳng trách chuyện yêu yêu, ma ma của cánh gái quê lên đời. Đen như cột nhà cháy, thô ráp như vóc thợ nề; mông u, thịt bắp như Lý Đức mà “vưỡn” xuất ngoại được mới là lạ. Hình như người ta tự hào với đức ông chồng mắt xanh, mũi lõ, lông ngực xồm xoàm, tí tửng ra mặt trên phố, trên xe. Ấy, nên lũ bông bí rợ cũng phải nhập gia tùy tục cho phải phép.

Thời tôi trai tráng, ngày ba bữa, bữa ba đọi toàn rau với củ mà vẫn khôn lớn như ai. Thời ấy bông bí rợ buồn như cỏ, chẳng giá trị gì mặc cho bọn trẻ con tha hồ hái chơi đồ hàng nhưng chúng là món ăn thân thiết với các gia đình nghèo như tôi.

Luộc với nước lã có chút muối hột, chấm tương, chấm mắm, ăn với cơm gói trong lá sen là nhất. Thêm con khô nướng càng ngon nhưng phải ăn ngoài đồng với tất cả sự tao nhã của tay lấm, chân bùn mới đã. Phải nhai bỏm bẻm với quả ớt hiểm đến rát màng tang, đến nấc cụt mới thích. Cái cay nó cứ ù ù trong lỗ tai như tiếng máy bay. Lùng bùng, lủng bủng trong tóc, trong râu như muốn nhổ quăng đi tất cả. Lúc này có bát canh nguội, hớp một búng tổ chảng để nghe mát thấu ruột gan mới biết cái sướng là gì.

Ở quê, rách mắt cũng chẳng tìm đâu ra nem công chả phượng. Gặp sản vật quê nào thì “xào” sản vật quê nấy. Gặp rau đắng chơi rau đắng, gặp mắm me chơi mắm me, gặp bông bí rợ chơi bông bí rợ. Chẳng có gì dễ tìm bằng bông bí rợ. Lấy nó bó nó nướng khan ăn cũng giòn, cũng ngọt. Cầu kỳ hơn thì chà sạch lông, băm vừa với tiêu, hành, ớt, tỏi; xào chút mỡ cho thơm. Thêm thịt, trứng hay đậu phộng, hằm bà lằng xí tố gì đó cũng được rồi múc hỗn hợp này đổ vào ruột một bông bí đực còn nguyên khác, lấy lá hành tăm trụng nước sôi buộc lại. Lấy ít bột mì trộn chút bột năng và dăm quả trứng gà đánh lên cho nổi, nêm nếm cho vừa ăn. Nhúng bông bí thành phẩm khi nãy vào hỗn hợp này rồi chiên ngập trong dầu. Dọn ăn với mắm cá linh kho quệt, đĩa rau tập tàng tươi roi rói rồi đưa cay bằng hớp cuốc lủi thì yêu quê hương, yêu đời hết biết.

Bông bí rợ nhúng lẩu ngon tuyệt vời. Nhất là lẩu mắm có cà dái dê, có khoai môn sọ, có đủ hải vật linh thiêng như tôm hùm, cua huỳnh đế, mực ống, cá mú, cá thu, cá hồi, cá tầm; thịt ba rọi, tim gan phèo phổi heo bò gà ngan ngỗng… trông cũng linh đình. Ôi cái lẩu vô cùng thập cẩm với đội quân tiếng tăm và hùng hậu vào loại nhất, nhì Thái Bình Dương như thế sao mà không ngon cho được, nhất là khi có bông bí rợ điểm thêm cái sắc vàng của hàng vương giả vào đấy thì bất luận cao lương mỹ vị nào cũng xếp xó tò te.

Cái bông bí rợ ngày xưa nay chẳng hề rợ tí nào. Ôi, cái hồn quê nghìn lần mộc mạc đáng thương của tôi ơi, đã mang dáng dấp kiêu sa nơi phố xá đông người. Ngoại hóa cả tên lẫn họ, chỉ nghe thoang thoáng giọng bà bán hàng nửa ta, nửa Tây: “One dolla…một bó to tướng đây này…me xừ ơi…” mà hãnh diện cho cái cỏ nội, hương đồng của tôi đã xa đời quê kiểng, xa tầm tay với của cánh cuốc mướn, làm thuê.

Có lẽ không ai là không nhớ cái mùi nằng nặng của giọt mồ hôi quê, mùi cá bống kho tiêu của các bếp nghèo và mùi bông bí luộc. Cũng may là mình đã qua hết thời chân đất đầu trần rồi nên chuyện thưởng thức bông bí rợ bảy món, chín món bây giờ không còn là vấn đề dầu sôi lửa bỏng nữa. Cũng chẳng phải xưa ăn nhiều nay đâm ngán mà vì chúng cũng đang đắt đỏ kinh hoàng. Ngay cả người quê trồng chúng, thấy non rười rượi cũng muốn xào tí tỏi, tí hành để đưa cơm cũng đành ém bụng để hái tiền.

Khi đã quá giàu sang người ta thường tìm về với hương đồng gió nội với những thứ như cơm niêu, trã cá kho tiêu hay cái ấm sành sứt quai, bể trán chỉ để uống trà… lá. Mốt thời thượng bây giờ là thế. Quê lên đời. Còn cái thật quê thì muôn đời vẫn cứ là quê. Không thể khác. Không thể lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia như món gái quê, gà quê, tình quê... Ngay cả đất quê bây giờ cũng đã sốt mòng mòng.

Quê ơi, hãy bình tĩnh mà sống. Bông bí rợ ơi, cứ ngọt ngào mà dâng hoa, dãi nắng dầm mưa mà tự nhiên khôn lớn. Đừng vội kích dục, tăng trọng mà thất đức. Lợi bất cập hại, quả báo nhãn tiền. Ai cũng làm thế thì ăn đất cũng không thoát khỏi độc hại. Cái mình không dám ăn đừng gắp bỏ cho người. Tội lắm quê ơi!.. Cái mình cho là độc hại thì chớ vấy vào ai… Ác lắm quê ơi!.

Xa quê đã lâu, đã nửa đời tần tảo nhưng quê vẫn ấm mãi trong lòng. Ở phố mà lòng vẫn quê, trái tim vẫn quê, hồn vía vẫn quê. Giây phút nhớ quê thèm món canh bông bí rợ thuở nào. Giờ mới thấm, mới thấy cái tuổi thơ xưa tuy nhọc nhằn, vất vả nhưng lại cao sang làm sao.

L.T.M.C